Một chuyến thăm nuôi

07:11, 14/11/2019

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, cho đến khi lớn tuổi cha mẹ mới sinh được Hoàng. Ngay từ bé anh đã được bố mẹ cưng chiều hết mực, hầu như anh không phải làm bất cứ việc gì trong nhà.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, cho đến khi lớn tuổi cha mẹ mới sinh được Hoàng. Ngay từ bé anh đã được bố mẹ cưng chiều hết mực, hầu như anh không phải làm bất cứ việc gì trong nhà.
 
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân
 
Học xong tiểu học, Hoàng bỏ học ở nhà, nói là để phụ giúp gia đình nhưng thật ra anh chẳng biết làm gì, suốt ngày cứ tụ tập và ngao du với đám bạn cùng tuổi quấy phá làng xóm. Công an xã đã mấy lần gọi Hoàng lên để cảnh cáo, thậm chí đã báo cáo lên cấp có thẩm quyền ra quyết định đưa vào trường giáo dưỡng. Thương con, mẹ Hoàng đã phải nhiều lần lên xã để cam kết và xin cho được ở lại vì họ đều đã già yếu, và cũng chỉ có một mình Hoàng… Được thể, Hoàng lại tiếp tục con đường hư hỏng…
 
Cho đến năm 20 tuổi, trong một cuộc nhậu, do thiếu mồi, Hoàng cùng bốn đứa trong nhóm bạn cầm dao, gậy, chặn và trấn lột của một người đi đường được 900.000 đồng. Có tiền, chúng lại tiếp tục đến quán karaoke quậy phá. Ngay sáng hôm sau, cả bọn đã bị công an triệu tập lên xã, rồi chuyển lên công an huyện. Vụ án cướp giật có tổ chức đã được công an huyện khởi tố và bị Viện kiểm sát truy tố ra tòa án… Ngày xét xử, cha mẹ ngồi bất động lặng im cho đến khi tòa tuyên án Hoàng tội danh là thủ lĩnh đám cướp giật. Dù đã có đơn bãi nại của người bị hại và chiếu cố đến gia cảnh, nhưng anh vẫn bị tòa tuyên án 4 năm tù giam. Khi công an dẫn giải ra xe để về trại giam, Hoàng được phép gặp người thân trong vòng 5 phút. Cả cha mẹ và Hoàng đều nghẹn ngào, ôm chặt lấy nhau, mà chẳng nói nên lời nào. Có lẽ giây phút này, Hoàng mới thật sự hối hận. Anh ôm chặt cha mẹ mà nước mắt cứ tuôn trào…
 
Từ ngày vào tù, mới đó mà đã được hơn một năm, Hoàng vẫn không có ai đến thăm nuôi, trong khi các phạm nhân khác thì luôn có người nhà đem quà, chủ yếu là thức ăn đến thăm. Một phần Hoàng rất tủi thân nhưng trong lòng lại lo lắng không yên. Nhiều đêm suy nghĩ, Hoàng liền viết thư cho cha mẹ, mong họ đến thăm, dù chỉ một lần. Biết nhà mình nghèo, cha mẹ lại già yếu, nên trong thư Hoàng không đề cập đến việc xin đồ ăn, cái chính là anh rất nhớ cha mẹ.
 
Ngày lại ngày, nhiều thư đã được Hoàng gửi đi, nhưng không có bất cứ sự trả lời nào, càng làm cho anh suy nghĩ lung tung, phải chăng cha mẹ đã bỏ rơi mình?… Và rồi trong tâm trạng tuyệt vọng, Hoàng lại viết thêm một lá thư nữa mà nội dung cũng chỉ là một dòng duy nhất “Nếu cha mẹ không còn nghĩ đến con, không đến thăm con thì cha mẹ sẽ mãi mãi không còn đứa con này nữa”. Đây hoàn toàn không chỉ là lời nói suông, một số phạm nhân khác, do thấy hoàn cảnh của Hoàng như thế đã không ít lần lôi kéo anh vượt ngục, nhưng anh vẫn còn phân vân: nay cha mẹ đã bỏ rơi, không còn đoái hoài gì đến mình, thì còn gì để lo lắng, vấn vương nữa.
 
Hôm ấy trời trở lạnh, từng trận gió cứ ào ào trên cánh rừng xung quanh trại giam, đang chăm chú, chụm đầu với mấy đại ca về kế hoạch vượt ngục, thì Hoàng nghe tiếng người quản giáo gọi vọng vào: “Nguyễn Mạnh Hoàng có người đến thăm”. Là ai vậy nhỉ? Hoàng tự nghĩ. Tim Hoàng bỗng đập thình thịch, cho đến khi bước vào phòng thăm tù, anh chợt đứng sững, như không tin vào mắt mình được nữa… Ôi, là mẹ! Chỉ hơn một năm không gặp, sao mẹ thay đổi quá nhiều. Tóc mẹ đã bạc trắng, lưng còng xuống, người lại gầy gò, khẳng khiu như thể một cơn gió nhỏ cũng có thể nhấc bổng mẹ khỏi mặt đất. Mẹ lại còn đi chân trần nữa. Bên cạnh mẹ là hai chiếc bao tải nhỏ buộc liền vào nhau để khoác lên vai. Cả hai mẹ con cứ thế đứng nhìn nhau không nói nên lời. Chưa kịp để Hoàng mở lời, mẹ đã đưa tay lên quệt vội dòng nước mắt đang chảy, vừa nói: 
 
- Hoàng à, ở nhà ba mẹ đã nhận được nhiều thư con, con đừng giận cha mẹ là nhẫn tâm bỏ rơi con. Thực sự là chúng ta không có thời gian mà đi được con ạ. Sau khi con đi được mấy ngày vì thương và lo nghĩ nhiều cho con mà cha con đã bị đột quỵ, mẹ phải vừa chăm sóc cha con, vừa quán xuyến mọi công việc trong nhà, mà đường đến đây quá xa. Vả lại, nhà ta cũng không có tiền con ạ… - Giọng mẹ thều thào, nhỏ đi một cách yếu ớt.
 
Đúng lúc ấy, anh cán bộ quản giáo bưng đến cho mẹ Hoàng một tô mì ăn liền còn nóng hổi và nhẹ nhàng mời: 
 
- Bác ăn đi cho nóng rồi lại nói chuyện tiếp ạ!
 
Mẹ Hoàng vội vàng đứng dậy, lúng túng trả lời: - Thế này sao được?
 
Anh quản giáo vẫn đưa tô mì bằng hai tay cho mẹ Hoàng với thái độ kiên quyết:
 
- Bác ơi, mẹ con trước đây cũng tầm tuổi bác, bác ăn đi cho đỡ đói!
 
Mẹ Hoàng không nói gì nữa, cúi đầu ăn một cách ngon lành, còn Hoàng thì cứ đứng nhìn mẹ ăn chăm chú, tự trách mình sao làm khổ cha mẹ, lại còn có ý định vượt ngục nữa chứ… Đợi mẹ ăn xong, nhìn xuống đôi bàn chân gầy gò, với nhiều vết xước màu đỏ của mẹ, Hoàng xót xa hỏi nhỏ: - Mẹ ơi, sao chân mẹ thế này? Sao mẹ lại không đi dép?
 
Chưa kịp đợi mẹ trả lời, anh quản giáo đã tiếp lời:
 
- Chúng tôi đã tìm hiểu rồi, mẹ anh đã phải đi bộ từ nhà đến đây. Có đôi dép cũ mới đi được mấy cây số đã hỏng mất rồi!
 
- Trời ơi, sao lại đi bộ hả mẹ? Từ nhà ta đến đây chẳng gần gũi gì, lại đường núi nữa… - Chưa hết câu, Hoàng từ từ ngồi xuống, khẽ xoa lên đôi bàn chân của mẹ: - Mẹ ơi, sao mẹ không bắt xe mà đi...? 
 
Vừa thu đôi bàn chân gầy gò vào, mẹ Hoàng phân trần:
 
- Sao lại phải đi xe chứ, đi bộ cũng tốt mà con. - Vừa thở dài, mẹ vừa nói tiếp - Con còn nhớ không? Mấy con heo mà cha mẹ nuôi, mọi hy vọng đều gửi vào đó, thì vừa rồi lại bị bệnh dịch đều chết hết. Vụ mùa năm nay thu hoạch cũng kém lắm, may mắn thì đủ ăn thôi con à. Còn cha con bệnh lại hay tái phát… đi khám bệnh, rồi nằm viện… cũng tốn biết bao nhiêu là tiền… Nếu cha con khỏe, thì cha mẹ đã đến thăm con từ lâu rồi, con đừng trách cha con nhé.
 
Anh quản giáo trẻ lau vội nước mắt, lặng lẽ rời đi. Hoàng cúi đầu hỏi nhỏ: - Mẹ ơi, thế cha đã đỡ chưa mẹ?
 
 Đợi mãi vẫn không thấy mẹ trả lời, ngẩng đầu lên Hoàng đã thấy mẹ đang đưa vạt áo cũ kỹ lên chùi nước mắt. Không để Hoàng nhìn thấy, mẹ vội phân bua:
 
- Bụi từ đâu mà cứ bay vào mắt mẹ. À, con vừa hỏi cha phải không? Ông ấy cũng sắp khỏi rồi… Cha nói với mẹ là con đừng lo nghĩ gì cho ông ấy và gia đình cả, cứ cố gắng học tập, cải tạo cho thật tốt con ạ!
 
Thời gian thăm phạm nhân đã hết. Anh quản giáo trẻ đi đến, trong tay cầm một ít tiền, nói:
 
- Bác à, đây là chút tấm lòng của anh em chúng con, mong bác đừng từ chối. Và chúng con cũng đã gọi cho bác một chiếc xe ôm rồi, hai mẹ con chia tay rồi mời bác ra cổng, xe đang đợi bác ở ngoài đó.
 
Mẹ Hoàng vội xua tay: - Sao thế được hả cháu...
 
... Con bác ở đây, các cháu cũng đủ vất vả lắm rồi… lại còn đưa tiền cho bác nữa…
 
Anh quản giáo vừa nói mà nước mắt lưng tròng: - Bác ơi, trước đây con cũng đã sai lầm để bây giờ không còn mẹ, nhìn bác rất giống mẹ của con, phận làm con đã không cho cha mẹ được hưởng phúc, lại bắt cha mẹ ngày đêm suy nghĩ đến mình. Làm con như vậy thật là có lỗi, thật là bất hiếu…
 
Anh quản giáo nói đến đây, Hoàng bỗng nghẹn lời phát ra một tiếng: “Mẹ!” và rồi vừa ôm chặt lấy tấm thân gầy của mẹ, vừa khóc to như một đứa trẻ. Chứng kiến cảnh ngộ này, nhiều phạm nhân và cán bộ xung quanh đều không cầm được nước mắt.
 
Vừa lúc đó, một quản giáo khác, đứng tuổi hơn bước vào phòng, cố tình lảng sang chuyện khác:
 
- Thôi đừng khóc nữa, mẹ đến thăm con trai là chuyện vui, phải cười lên mới đúng chứ. Thôi để xem bác gái đã mang gì đến thăm con trai nào?
 
Vừa nói, người quản giáo vừa tháo chiếc dây ni lông đang cột chặt ở chiếc bao tải nhỏ, cuối cùng sau bao lằn dây được mở ra mọi người xung quanh đều lặng người đi trước những thứ trong đó: hai ổ bánh mì đã khô, nhăn nheo cùng một ít củ khoai, củ mì luộc là những gì mà mẹ Hoàng đã mang vào cho con trai. Mẹ Hoàng lúng túng, hai tay túm chặt lấy vạt áo cũ kỹ, phân trần: “Con ạ, quả thật là ở nhà ta không còn gì có thể đem đi được nữa”. Chiếc bao thứ hai được mở ra tiếp. Trong đó là một chiếc bình bằng gốm được bao bọc gói ghém một cách cẩn thận. Như đã hình dung ra được vật gì ở trong chiếc bình nhỏ này, Hoàng run run hỏi: “Mẹ ơi, cái gì đây hả mẹ?”. Mẹ Hoàng hốt hoảng, ôm chặt lấy chiếc bình: “Không… không có gì đâu con…”. Hoàng lấy lại chiếc bình từ tay mẹ, gào lên: “Mẹ ơi, có phải đây là…”?
 
Mẹ Hoàng như hết sức lực ngồi phệt xuống đất, mái tóc bạc khẽ lay động. Một lát sau, bà mới gắng gượng nói một cách chậm rãi:
 
- Con à, đây là cha con. Vì nhà nghèo, lại nôn nóng muốn gặp con, cha con đã làm quần quật không kể ngày đêm. Và rồi ông ấy đã bị đột quỵ và ra đi một cách lặng lẽ. Cha con đã nhiều lần nói với mẹ là khi còn sống, không đến thăm con được, ông ấy rất buồn. Sau khi qua đời, nhất định phải đưa ông ấy đến thăm con. Cha con muốn gặp đứa con trai duy nhất của mình một lần cuối cùng…
 
Không để mẹ nói hết lời, Hoàng bỗng hét lên một tiếng như xé ruột: “Cha ơi, con sai rồi. Cha ơi, con quyết thay đổi…”. Nói rồi, anh quỳ sụp xuống chân mẹ: “Mẹ ơi, nhất định con sẽ cải tạo tốt và sớm trở về chăm sóc mẹ…”.
 
Đà Lạt, tháng 9/2019
 
Truyện ngắn: HOÀNG KIM