Bà ngoại

06:12, 05/12/2019

Bà là bà ngoại của Duyên. Bà chỉ có hai người con gái là mẹ Duyên và dì Hạnh. Trước khi bà đến sống cùng, hình ảnh của bà đối với Duyên rất mờ nhạt...

Bà là bà ngoại của Duyên. Bà chỉ có hai người con gái là mẹ Duyên và dì Hạnh. Trước khi bà đến sống cùng, hình ảnh của bà đối với Duyên rất mờ nhạt. Một bà già mặc bộ đồ nâu cũ kỹ ngồi tước những mảnh lá chuối khô, hay chặt những cành rào nhỏ xếp vào thành đống... Chỉ có thế, bởi thực sự Duyên rất ít có dịp về thăm quê.
 
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân
 
Khi bố mẹ rục rịch dọn dẹp phòng, Duyên mới biết bố mẹ chuẩn bị để đón bà vào, vì chẳng còn chút hy vọng nào là dì Hạnh sẽ về.
 
Duyên nhớ mãi cái hôm bà đến. Bà gầy lắm. Dáng người nhỏ, lưng hơi còng, mái tóc bạc thưa thớt quấn một vòng trên đầu khiến bà càng già thêm. Bà ngơ ngác nhìn quanh nhà, ngần ngại trước cái máy cát sét đang phát một bản nhạc ngoại, và ngồi phệt xuống nền gạch bông thay vì chiếc ghế đệm mút mà bố đã kéo ra mời bà.
 
Duyên nhìn chằm chằm vào những bao tải, bị cói và vô cùng ngạc nhiên khi thấy bà lôi ra trong đó nào gạo, nào măng, quần áo, xoong nồi và cả những chùm vải đã héo queo. Bà kéo vạt áo lau mặt rồi đưa chùm vải cho Duyên. Bố cười nhìn mẹ, còn Duyên bĩu môi nhảy chân sáo lên lầu. Tới bữa ăn, bà lại làm Duyên ghê hơn vì miếng rau rớt ra bàn, bà lấy đũa gắp vô chén ăn tiếp. Mẹ gắp thức ăn cho bà. Bà đẩy ra rồi lại gắp bỏ vô chén của bố và Duyên. Bố cười, nụ cười gượng gạo, còn Duyên thì chỉ muốn bỏ chén cơm xuống.
 
Bà tới bữa trước, bữa sau đã bắt tay vào làm mọi việc trong nhà. Mẹ bảo Duyên: “Con phải dọn dẹp giúp bà nhé. Bà mới đi đường xa hãy còn mệt lắm đấy!”. Buổi chiều mẹ đi làm về, Duyên đang cầm giẻ lau cái nền bếp tráng gạch men, phụng phịu: “Mẹ xem từ sáng đến giờ con phải lau cái nền bếp này tới mấy lần vì cái nồi đen của bà đó!”.
 
- Sao con không lấy xoong nồi mới?
 
Chỉ chờ có thế, Duyên kể lể: “Bà không cho con lấy đồ mới. Bà bảo những xoong nồi bà mang lên còn dùng tốt lắm. Rồi bà còn sợ dùng bếp điện, cứ đòi nấu bằng bếp dầu thôi. Đấy! Mẹ xem, xoong nồi nào cũng đen thùi lùi à!”.
 
Mẹ không nói gì, cầm mấy cái xoong nồi lên xem, rồi lặng lẽ đem ra kỳ cọ đến cả tiếng đồng hồ. Mẹ cất chúng vào tủ đựng chén bát rồi bảo Duyên: “Những cái nồi đó được dùng từ ngày mẹ còn nhỏ lắm. Đun nấu toàn bằng rơm rạ, vậy mà bà còn giữ được đến bây giờ”.
 
Từ ngày có bà, Duyên không phải nghe mẹ la rầy về tội mải chơi quên cả nấu cơm hay dọn dẹp nhà cửa nữa. Ngay cả những công việc đơn giản nhẹ nhàng nhất, bà cũng không muốn Duyên phải làm. Bà bắt Duyên phải học và giành lấy hết tất cả mọi việc. Khi đã quen, bà làm nhanh và gọn nữa. Thời gian rảnh, bà ngồi khâu lại những quần áo cũ của cả nhà và canh chừng Duyên học. Nhưng cũng có đôi lúc bà ngồi bần thần rất lâu trước cái hòm con mang từ quê ra. Có lần Duyên nghe bố nói với mẹ:
 
- Bà nghĩ ngợi nhiều đâm ra lẫn mất. Bảo bà cất hộ tập tài liệu về công trình nhà khách của Bộ Công nghiệp vào tủ, vậy mà tìm mãi không thấy, thế có khổ anh không?
 
Mẹ kêu:
 
- Sao anh lại nhờ mẹ những việc ấy?
 
- Bà mới hơn sáu mươi, bình thường trông cụ có vẻ minh mẫn khỏe mạnh lắm cơ mà?
 
- Ừ! Anh thấy đấy, mẹ sống một mình ngoài đó mấy năm trời, vậy mà có nghe mẹ kêu một tiếng ốm đau nào đâu!
 
Duyên đang tính phì cười vì thực ra nếu bà có bệnh thì mẹ ở mãi trong này cũng làm sao biết được chớ. Nhưng Duyên lại nghe bố bảo:
 
- Chẳng biết cụ khỏe thế nào, nhưng chuyện ăn uống của cụ thì anh sợ lắm. Nồi thịt đông bỏ ra khỏi tủ lạnh từ đời nào, nói cụ đổ cho con Quýt nhà hàng xóm, cụ không chịu cứ đòi đun lại. Cả tô phở của con Duyên cũng vậy. Nó không ăn thì thôi, cụ lại để đến chiều mới ăn...
 
- Mẹ sống khổ nhiều, quen tính tiết kiệm rồi.
 
Bố chặc lưỡi:
 
- Lẽ ra cứ để cụ ở ngoài quê, vui với các cụ ông cụ bà trong làng ngoài xóm lại hơn. Người già là khó hợp với cách sống mới lắm.
 
Mẹ thở dài, im lặng một lát mới nói:
 
- Chỉ tại cái con Hạnh nó làm khổ mẹ. Chăm sóc, chiều chuộng từng li từng tí, vậy mà sang Tiệp, lấy chồng luôn bên đó, chẳng thèm hỏi qua mẹ hay chị lấy một tiếng.
 
- Thế mà bảo bà bán cái nhà ở ngoài đó đi, bà không chịu, lại cứ mong dì ấy về.
 
Mẹ buồn bã: 
 
- Ngày xưa nói mãi mẹ chẳng chịu nghe… mẹ chiều nó quá. Mẹ cứ thương nó sinh ra chẳng biết mặt cha, chăm chút cho nó đỡ khổ. Bây giờ nó báo hiếu mẹ như thế đó!
 
Bố trầm ngâm một lát rồi bảo mẹ:
 
- Ngày mai em đi cắt cho mẹ mấy bộ quần áo mới. Để cụ mặc mấy bộ cũ, khách khứa cười vợ chồng mình đó!
 
- Em đã may cho mẹ rồi!
 
Quả thật, mặc mấy bộ quần áo mới, trông bà trẻ và khỏe ra rất nhiều. Nhưng bà cũng chỉ mặc mỗi khi nhà có khách. Duyên bảo: “Con có nhiều quần áo mới mà con còn chẳng mặc, bà tiếc làm gì những bộ đồ cũ thế hả bà?”. Bà vuốt những sợi tóc lòa xòa trên cái trán dô của Duyên rồi kể: “Ngày xưa, mẹ cháu lên mười tuổi vẫn chỉ có độc một cái quần lành còn toàn là những rẻ rách túm vào thành quần áo đấy! Chúng mày bây giờ sung sướng nhưng ở quê vẫn còn nhiều trẻ con khổ lắm, chẳng có đủ cơm ăn đâu con ạ!”.
 
Bà kể đến những con nhà Cẩm, nhà Tèo. Những đứa trẻ nghèo không quần áo ngồi lê la nghịch đất cát trong vườn. Duyên chẳng hình dung ra một cách rõ ràng nỗi khổ của chúng, nhưng Duyên cũng lấy những bộ quần áo cũ đưa hết cho bà để bà sửa lại gửi về quê cho chúng.
 
Thấm thoắt bà ở với bố mẹ Duyên đã được hơn một năm. Duyên đã quen với cái dáng còng còng vất vả của bà. Quen với hình ảnh bà ngồi chờ cả nhà bên mâm cơm dọn sẵn. Quen với hơi ấm cũng như những nếp nhăn chằng chịt trên mặt bà.
 
Có những trưa bố mẹ không về, chỉ có hai bà cháu ngồi ăn cơm và thủ thỉ nói chuyện. Duyên kể cho bà nghe những chuyện ở lớp, ở trường. Còn bà kể cho Duyên nghe những chuyện ngày xưa. Không phải những chuyện cổ tích cô tiên cô Tấm gì, mà là những chuyện thực người thực về cái năm bốn lăm cơ cực, cả nhà hơn chục người chỉ còn lại có mình bà. Rồi chín năm bộ đội Cụ Hồ đánh Tây. Rồi những đêm cả làng kéo nhau đi tố bọn địa chủ cường hào... Nhưng những chuyện Duyên hay bắt bà kể đi kể lại là những chuyện về mẹ và dì Hạnh: Chuyện mẹ đi cắt cỏ cắt phải đuôi rắn. Chuyện hai chị em mặc chung cái áo đi học - chị thì ngắn em thì chùng. Chuyện hai người ra bãi kéo vó, vỡ đê không về được... Bà bảo: Mẹ con thì vững vàng giỏi giang, chứ dì Hạnh yếu ớt nhút nhát lắm. Hồi nhỏ dì cũng giống như con bây giờ, gầy yếu, nhõng nhẽo...
 
Mắt bà sáng lên được một chút rồi lại sầm xuống rất nhanh. Những nếp nhăn trên mặt bà như gấp sâu hơn mỗi khi bà nhắc tới dì.
 
Lâu lắm không có tin của dì Hạnh. Bố đọc báo rồi bảo: “Tình hình người Việt ở Nga, Tiệp phức tạp lắm. Nhiều người bỏ cả của cải về, mà cũng có người phải bỏ cả mạng ở đó luôn”. Duyên thấy bà bồn chồn đi ra đi vào, rồi nhiều lúc lại lén lau nước mắt vào tay áo.
 
Duyên được nghỉ hè. Gần ba tháng trời rảnh rỗi. Bà bảo Duyên dạy bà tập viết. Duyên nhăn mặt.: “Bà học làm gì? Mệt lắm! Con thì muốn lớn nhanh để không phải học nữa”. Bà bảo: “Bà có mong được đi học như các cháu bây giờ cũng chẳng được, sao cháu lại không muốn đi học nữa?”. Rồi bà kể Duyên nghe chuyện bà đi học bình dân học vụ, bà đã biết cách đánh vần và viết các chữ cái ra sao.
 
Duyên dạy bà học sau giấc ngủ trưa dài. Dạy cho bà viết thật là khó. Tay bà cứng queo, run rẩy không làm sao khoanh tròn được những chữ o, ô. Bao nhiêu lần Duyên đã quăng bút xuống nền nhà nhưng khi thấy bà cặm cụi hàng giờ với hàng chữ mẫu: “Bà đang tập viết chữ cháu Duyên dạy bà...” thì Duyên lại mủi lòng, cầm tay bà viết tiếp.
 
Dì Hạnh gửi thư về nói gia đình dì vẫn mạnh khỏe. Thằng cún con đã lên bốn, khỏe mạnh, mập mạp lắm nhưng vợ chồng dì vất vả vì dượng mất việc luôn, lại sa vào nghiện ngập nữa. Duyên thấy bà lau nước mắt trong phòng.
 
Hết mấy tháng hè, Duyên lên lớp chín. Bài vở nhiều hơn. Duyên lại phải đi học thêm tiếng Anh theo yêu cầu của bố nên hai bà cháu chẳng còn thời gian để cùng tập viết nữa. Thỉnh thoảng khi thấy bà cầm viết, Duyên cũng hỏi xem bà học đến đâu. Bà chỉ móm mém cười, còn Duyên không đợi câu trả lời cũng vội vã nhảy tót lên lầu.
 
Duyên đứng chết lặng khi được bố đón ở trường và báo tin bà mất vì tai nạn xe. Một chiếc xe máy phóng nhanh đã tông phải bà khi bà qua đường. Người ta mang bà về trong tấm vải trắng toát. Duyên khóc nức nở. Nó kinh sợ khi nhìn thầy vết máu thấm ra ngoài, và cũng không dám nhìn vào tờ giấy quyến trắng phủ lên trên mặt bà. Mẹ ôm lấy chân bà khóc ngất. Bố lục tìm số điện thoại để gọi sang cho dì Hạnh. Dì khóc rất to ở trong máy song dì không về được vì nếu nghỉ sẽ mất việc làm.
 
Người ta lục tìm ảnh chụp riêng của bà mãi mà không có. Duyên tìm thấy chìa khóa trong cái áo nâu và mở chiếc hòm con bí mật của bà ra. Trong hòm ngoài những bộ quần áo cũ của bố, mẹ và Duyên mà bà đã sửa soạn lại để gửi về quê, còn có một cuốn an-bum có tấm hình dì Hạnh bế thằng cún con cười toe. Trong số những tờ giấy Duyên tìm thấy dưới đáy hòm, có một tờ giấy với những dòng chữ nguệch ngoạc đầy lỗi chính tả: “Mẹ và anh Hậu chị Hieu cháu Duên vạn kheỏ. Mẹ đang tập viết chữ cháu Duyên dạy bà. Mẹ nhớ con lắm, con cho thang cún về, mẹ vẫn chò con...”.
 
Duyên úp mặt vào tờ giấy òa khóc nức nở.
 
Ngày hôm sau người ta chôn bà cùng với những thứ tìm thấy trong hòm. Trong đó có cả lá thư viết dở với mấy chỗ đã mủn ra vì nước mắt của Duyên.
 
Truyện ngắn: BÙI ĐẾ YÊN