(LĐ online) - Nhân kỷ niệm 10 năm Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, ngày 6/12, UBND tỉnh Lâm Đồng đã long trọng tổ chức gặp mặt cựu tù yêu nước.
(LĐ online) - Nhân kỷ niệm 10 năm Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, ngày 6/12, UBND tỉnh Lâm Đồng đã long trọng tổ chức gặp mặt cựu tù yêu nước. Tham dự lễ có ông Phan Văn Đa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, ông Nguyễn Dương Kế - Thường trực Ban Liên lạc Trung ương Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, lãnh đạo Bảo tàng Chiến tích chiến tranh, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, lãnh đạo TP Đà Lạt, cùng hơn 300 cựu tù yêu nước từng bị giam cầm tại Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt từ 1971 - 1973.
|
Ông Phan Văn Đa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng hoa chúc mừng các cựu tù |
Trong những năm 1968 - 1970, phong trào đấu tranh cách mạng nổ ra mạnh mẽ trên khắp miền Nam làm cho chính quyền Sài Gòn lúng túng. Để đối phó, ly gián lực lượng tù nhân chính trị trong các nhà tù, địch tiến hành tách số tù nhân dưới 18 tuổi ra khỏi tù nhân lớn tuổi, hòng chia rẽ sự tiếp ứng, hỗ trợ cho nhau, dễ phân hóa, cải tạo các đối tượng tù nhân nhỏ tuổi; đồng thời, tránh sự lên án của dư luận quốc tế. Vì vậy, Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt ra đời dưới tên gọi “Trung tâm Giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt” đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn.
Thực chất nơi đây là một nhà tù được tổ chức theo mô hình không khác gì các nhà tù: Chí Hòa, Tân Hiệp, Côn Đảo. Vào thời gian cao điểm nhất, tù nhân ở đây đến hơn 600 người; trong đó, có khoảng 200 tù nhân nữ. Ngay từ khi bước vào nhà tù, các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi đã thành lập bộ phận chỉ huy, tổ chức đấu tranh với nhiều yêu sách: Đòi được ăn uống đủ số lượng, chất lượng; đòi quyền tự nguyện học nghề, không bị bắt buộc; đòi quyền tự nguyện nghe giảng chính trị, tôn giáo, không được cưỡng ép; đòi được tự do khi mãn hạn tù. Nhiều phong trào nổ ra như: Mổ bụng, diệt ác, nổi dậy làm chủ nhà lao, vượt ngục. Những đòn thù tra tấn man rợ cũng không khuất phục được tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ nhỏ tuổi. Tháng 6/1973, nhà tù bị xóa sổ sau 2 năm 3 tháng tồn tại.
|
47 năm đã qua, những cựu tù thiếu nhi xưa giờ đã già |
Trước những giá trị lịch sử, tháng 6/2009, Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Tháng 11/2009, tập thể tù chính trị Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt và 4 cá nhân cựu tù được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 2013, Di tích được trùng tu, tôn tạo các hạng mục: Tu bổ, phục dựng toàn bộ kiến trúc cơ bản của nhà lao, phục hồi nguyên trạng các phòng giam, xà lim, hầm đá, khu hướng nghiệp; tái hiện khung cảnh sinh hoạt, những cuộc đấu tranh tiêu biểu; tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày các hình ảnh, hiện vật, tư liệu về các nhà lao và cựu tù. Thiết kế các không gian phù hợp cho việc phát huy giá trị của di tích. Năm 2016, sau khi hoàn thành trùng tu, Di tích được giao cho Bảo tàng Lâm Đồng quản lý, phục vụ khách tham quan vào tất cả các ngày trong tuần, cả ngày lễ, tết. Đến nay, Di tích đã đón trên 30.000 lượt khách tham quan, con số này tăng đều hàng năm. Đối tượng khách tham quan ngày càng đa dạng, từ học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh niên, cựu chiến binh, người có công với cách mạng, cán bộ, công chức, viên chức, đến khách du lịch. Tại đây đã diễn ra nhiều đợt sinh hoạt chính trị về nguồn, nói chuyện truyền thống, giao lưu với cựu tù. Nhiều cơ quan, đơn vị, trường học đã tổ chức lễ kết nạp đảng viên, đoàn viên, đội viên ngay tại Di tích.
|
Chương trình văn nghệ ngợi ca tuổi trẻ bất khuất |
Gặp mặt lần này là dịp để các cựu tù ở khắp mọi miền đất nước về lại hiến trường xưa, gặp gỡ đồng đội, ôn lại kỷ niệm một thời tuổi trẻ; đồng thời, là dịp để chính quyền và nhân dân Đà Lạt - Lâm Đồng và nhân dân miền Nam nói chung bày tỏ lòng biết ơn với các cựu tù. Phát biểu tại lễ gặp mặt, ông Phan Văn Đa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã nhấn mạnh: “Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt là bằng chứng lịch sử ghi dấu lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường của tù nhân thiếu nhi. Với những giá trị lịch sử, Di tích Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt góp phần giáo dục chính trị tư tưởng, truyền thống yêu nước, nhiệt tình cách mạng cho thế hệ trẻ; là minh chứng sinh động, trực quan về những đóng góp to lớn của các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc”.
|
Tìm lại ký ức những năm tháng đấu tranh sôi nổi |
Trong thời gian tới, ngành văn hóa Lâm Đồng tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị để Di tích quốc gia Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt là địa chỉ đỏ về nguồn của thế hệ trẻ, để ngọn lửa tuổi trẻ bất khuất mà các cựu tù yêu nước đã thắp lên ở nơi này luôn cháy mãi và tiếp tục trao truyền cho thế hệ tiếp theo.
QUỲNH UYỂN