Bảo Lộc như nàng sơn nữ ngủ trong rừng. Chúng ta có nhiệm vụ là đánh thức nàng sơn nữ đó dậy để Bảo Lộc không chỉ là điểm dừng chân trên tuyến Quốc lộ 20 Sài Gòn - Đà Lạt, mà trở thành nơi đến của du khách thập phương.
Bảo Lộc như nàng sơn nữ ngủ trong rừng. Chúng ta có nhiệm vụ là đánh thức nàng sơn nữ đó dậy để Bảo Lộc không chỉ là điểm dừng chân trên tuyến Quốc lộ 20 Sài Gòn - Đà Lạt, mà trở thành nơi đến của du khách thập phương.
|
Các em học sinh vẽ về quê hương Bảo Lộc. Ảnh: T.Chu |
Trong một lần đến với đô thị miền cao Bảo Lộc, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh, đã chia sẻ như vậy. Theo người nhạc sĩ này thì B’Lao xưa, Bảo Lộc nay là vùng đất ông nhiều lần ngang qua, nhưng chưa có dịp đi sâu, tìm hiểu kỹ. Chỉ khi cùng đoàn nhạc sĩ TP Hồ Chí Minh đến Bảo Lộc tìm tư liệu sáng tác vào năm 2017, ông mới nhận ra vẻ đẹp của thành phố Bảo Lộc, nơi vẫn được mệnh danh là thành phố của trà và tơ. “Bảo Lộc như nàng sơn nữ ngủ trong rừng. Chúng ta có nhiệm vụ là đánh thức nàng sơn nữ đó dậy để Bảo Lộc không chỉ là điểm dừng chân trên tuyến Quốc lộ 20 Sài Gòn - Đà Lạt, mà trở thành nơi đến của du khách thập phương”, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện cho hay.
Một công dân của thành phố Bảo Lộc, nhà văn Đỗ Minh Nguyệt, Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng, lý giải sự quyến rũ của thành phố Bảo Lộc: “Bảo Lộc có cao độ khoảng 800 m trên mặt nước biển. Địa hình đồi núi nhưng thoáng đãng. Bởi núi ở đây không cao, không hiểm trở, chỉ thoai thoải như những cái bát úp khổng lồ. Đất đai màu mỡ, khí hậu mát mẻ, Bảo Lộc quá lý tưởng để phát triển cây trà, cà phê và dâu tằm. Đứng giữa đồi trà ô long mênh mông, với tay vò vài lá trà, rồi đưa lên mũi hít hà, sau đó bỏ vào miệng. Ôi chao, vị ngọt ngon của đất trời thẩm thấu trong lá trà, kỳ diệu làm sao!”. “Trà ô long kém chát, không kích ứng như trà Thái Nguyên, vốn chỉ hợp với người nghiện. Hương trà ô long dịu nhẹ đánh thức khứu giác, làm tỉnh táo mà không gây mất ngủ”, nhà văn Chu Bá Nam ấn tượng về trà Bảo Lộc. Trong khi đó, nhạc sĩ Đình Nghĩ, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, lại dành sự quan tâm đến con tằm, sợi tơ. Nhạc sĩ Đình Nghĩ kể: “Mùa thu năm 1985, tôi cùng nhà folklore Lâm Tuyền Tĩnh từ Đà Lạt xuống Bảo Lộc thâm nhập thực tế, tìm kiếm tư liệu làm chất liệu sáng tác ca khúc về vùng đất mới Bảo Lộc, thủ phủ của ngành dâu tằm tơ Việt Nam. Tại đây, tôi tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi với các cô gái bình dị, từ nhiều miền quê khác nhau quy tụ về Bảo Lộc nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa. Chính hình ảnh các cô gái quê bình dị mải miết trồng dâu nuôi tằm, nhất là hình ảnh con tằm rút ruột nhả tơ, dệt nên những lụa là, gấm vóc cho đời đã gợi khơi cho tôi viết nên ca khúc Bên trời tơ bay”. Trà và tơ Bảo Lộc cũng đã gợi mở để nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh, sáng tác ca khúc Thành phố tơ trà.
Theo nhà văn Đỗ Minh Nguyệt, một khi đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương hoàn thành, chắc chắn Bảo Lộc sẽ thu hút rất nhiều du khách đến tham quan,
nghỉ dưỡng.
“Ngoài những đồi chè thoai thoải, những nương dâu bạt ngàn, Bảo Lộc còn có hồ Nam Phương, thác Đam B’ri nguyên sơ và tu viện Bát Nhã, chùa Di Đà thanh tịnh, rất thích hợp để phát triển loại hình du lịch canh nông, kết hợp với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, các sản phẩm tơ lụa cũng là một nguồn lực, tạo sức hút đối với du khách khi đến Bảo Lộc”, nhà văn Đỗ Minh Nguyệt tâm sự.
Qua đấy có thể thấy, cả nghệ sĩ vãng lai lẫn người địa phương đều dành nhiều tâm huyết với vùng đất Bảo Lộc. Từ tình cảm yêu mến đó, các nghệ sĩ đã có nhiều tác phẩm văn chương, âm nhạc thật đẹp về mảnh đất đang chuyển mình từng ngày.
TRỊNH CHU