Tôi có khuôn miệng tươi, ánh mắt biết cười. Đa số những người bạn vẫn mặc nhiên giữ ấn tượng về tôi là một người phụ nữ dễ chịu, vui vẻ...
Tôi có khuôn miệng tươi, ánh mắt biết cười. Đa số những người bạn vẫn mặc nhiên giữ ấn tượng về tôi là một người phụ nữ dễ chịu, vui vẻ. Và chỉ riêng tôi biết, cất giữ thẳm sâu trong lòng mình là nỗi buồn đi hoang vẫn thi thoảng bất thình lình trỗi dậy mà bản thân không thể kiểm soát nổi.
|
Minh họa: Phan Nhân |
Ngày cơ sở sản xuất gỗ của bố bị phá sản, phải bán luôn căn nhà đang ở, mẹ thản nhiên tính chuyện bỏ qua Malaysia làm công nhân, lấy lý do vì phải lo kiếm tiền nuôi tôi ăn học. Năm ấy tôi học lớp lá, học phí chẳng bõ bèn gì. Tôi gào lên, con không đi học, con cũng không cần ăn, mẹ ở lại đi, mẹ! Có lẽ tôi là đứa nhỏ biếng ăn nhất trái đất. Chỉ cần loanh quanh bên mẹ là đủ, có khi bỏ bữa cũng không hề hấn gì, huống chi là bỏ học. Tôi không hình dung được xa mẹ sẽ thế nào, chỉ thấy sợ hãi. Một đứa trẻ học lớp lá vẫn chưa hình dung được hết những phiền phức khi xa mẹ.
Tôi ở trọ với bố trên tầng 4 chung cư nằm đối diện với Sở Thú. Buổi sáng tôi vẫn thơ thẩn ra góc ban công trước nhà, ngóng qua phía Sở Thú xem có thấy chim chóc, voi khỉ gì không. Tuyệt nhiên chẳng thấy con gì vì một dải cây màu xanh rì che phủ. Ở với bố, trung bình mỗi tuần đau bụng ỉa chảy tới 3, 4 ngày. Đó là vì tôi không thích ăn cơm như những đứa trẻ bình thường khác. Bố cũng không thể thích nấu nướng và dụ dỗ con gái ăn cơm từng thìa từng muỗng như những bà mẹ. Khi bố chán nản, bố thường dắt tôi ngồi lê ra quán cóc dưới khu trọ. Quán cóc của bà già vẫn giữ thói quen ăn trầu, hàm răng đen bóng trông vui mắt. Bà già bỏm bẻm nhai trầu, thi thoảng tủm tỉm cười nhìn hai bố con với ánh mắt hiền hậu. Bố uống rượu còn tôi có thể nhẩn nha ngồi ăn từ phong kẹo lạc, quả trứng vịt lộn… Bất cứ thứ gì tôi thích ăn đều được bố chiều. Có những ngày liên tiếp tôi không cần đụng đến cơm bụng vẫn đầy. Và thế là việc bị tiêu chảy chẳng có gì khó hiểu. Cũng may, bệnh viện phía bên kia đường, cách nhà trọ chỉ tầm vài trăm thước.
Bố chán nản tới mức không buồn quay lại nghề cũ. Hàng ngày, ông nhận mấy đồ điện gia dụng để sửa giết thời gian nhàn rỗi và đắp đổi những bữa ăn vạ vật của hai bố con. Hầu như không bao giờ bố có tiền để dành. Mỗi lần ông nội ốm, điện thoại gọi về, bố lại chạy qua hàng xóm vay tiền xe cộ. Khi bắt đầu nguôi ngoai sự chán nản, buổi tối bố đợi lúc tôi ngủ say, rón rén dậy, khóa cửa cẩn thận tranh thủ làm thêm vài cuốc xe ôm. Có khi tôi bất thình lình tỉnh dậy, quờ tay tứ phía không có bố, khóc đến khản tiếng. Tôi chỉ ngưng khóc khi nghe tiếng mở khóa lách cách và tiếng bố vội vã: “Có bố đây, bố về đây, con đừng sợ”.
Bố tôi trở về nhà nội sau nhiều năm bôn ba thành thị mà thất bại thảm hại. Về có bà trông cháu, bố sẽ yên tâm hơn khi đi làm. Về để khỏi phải thon thót giật mình khi nghe điện thoại bất thình lình báo ông nội ốm mà không biết nhà còn đủ tiền xe cộ thuốc thang không, phải vay mượn ở đâu không? Chỉ còn vài người bạn thân tín còn chơi với bố. Trong số vài người thân tín ấy cũng đã có người thấy ngại những khoản nợ nần.
* * *
Lý là đứa bạn thân đầu tiên của tôi khi tôi về sống ở quê nội. Nhà nó chỉ một bà, một cháu. Bố nó hàng ngày vẫn cười tươi trên bàn thờ. Mẹ nó ở đâu là một câu hỏi khiến nó khó chịu đến đỗi, ngay cả khi tôi hỏi nó cũng phun phì nước miếng rất tởm và nói: “Thứ đàn bà trắc nết”. Câu ấy, chắc cú không thể tự phun ra từ miệng một thằng nhỏ chưa tới 10 tuổi.
Tôi hòa đồng khá nhanh với con nít ở quê và thích tất cả những trò chơi lạ lẫm mà mình được kéo theo chơi chung. Nhóm có dăm bảy đứa, thằng Lý trở thành bạn thân nhất cũng có lí do. Đó là hôm cả đám cùng chơi chọi dế. Con dế của tôi còi cọc yếu ớt, do tôi không có kinh nghiệm bắt dế như đám bạn nên mới vào cuộc vài giây đã ngã lăn quay giãy chết. Đó là con vật đầu tiên tôi gắn bó và bắt đầu thấy thương nó như một người bạn nhỏ. Tôi buồn, khóc nức nở, phần vì mất dế cưng, phần vì ấm ức chưa chơi đã bị loại. Một thằng bạn lớn tuổi hơn trong xóm xúi dại, có con dế cồ mả lông cu đá chiến nhất, đánh đâu thắng đó. Con dế ấy có màu lông bạc chạy dài sống lưng, sống trong mấy đụn mả. Lúc nghe tôi nói thích nhỉ, dế của tao lúc nào cũng bị thua. Thằng Lý tin sái cổ. Chiều đó nó xách cuốc ra khu mộ gần nhà, ngồi chờ tới chập choạng tối, nhè chỗ tiếng dế kêu mà đào. Người nhà khu mộ trông thấy, xách gậy chạy ra đánh bầm chân, chửi rầm rầm về đến tận nhà. Báo hại bà nội nó đã mắt mù lưng còng còn phải lạy lục van xin và thanh minh rát cổ rằng thằng nhỏ ngu ngơ không biết gì, người ta mới bỏ qua.
Bà nội là niềm tự hào đến mức trong mọi câu chuyện của thằng Lý, kiểu gì nó cũng vòng vèo lái tới chủ đề bà nội. Giả dụ như có hôm tôi bị côn trùng cắn sưng vù mắt, thằng Lý nói, để nó hỏi bà nội xem có thuốc gì xức không rồi ráng chịu đi, để mấy hôm sẽ lành. Bà nội có nhiều bài thuốc từ cây cỏ chất đầy những hũ đen đen nâu nâu. Người sáng mắt nhìn còn lúng túng không thể nhận ra loại đau răng khác với đau mắt như thế nào nhưng bà luôn lấy ra trúng phóc. Ban đầu tôi hơi nghi ngại, thằng Lý thật thà xen hãnh diện khoe: “Mắt bà tôi mù đến nơi, nhưng thực ra bà tinh lắm, bà xâu kim còn chẳng cần nhìn, bà thêu tay chẳng bao giờ sai đường kim mũi chỉ”. Nó trỏ tay lên chếch bên tường nhà, nơi đặt những bức thêu tay tuyệt đẹp. Đó là sản phẩm gia truyền bà nội gìn giữ, đồng thời nuôi sống nó bằng những bức thêu tay ấy. Quả thực, thứ thuốc ngâm bằng lá cây cỏ của bà vừa có khả năng sát trùng vừa làm dịu vết thương, chỉ vài hôm là mắt tôi khỏi đau hẳn.
Đó là chuyện của năm nảo năm nào, khi tôi còn rất bé. Thằng Lý cũng gầy nhẳng đen đúa, bẩn thỉu trông rất ngứa mắt. Tôi lớn, không xinh, ngổ ngáo vì được bà nội cưng chiều, bố vắng nhà thường xuyên vì công việc còn mẹ thì không trở về thăm một lần nào từ độ ra đi. Đám con gái cùng lớp vẫn có dăm ba anh ghé nhà uống trà trò chuyện. Tôi không có thằng con trai nào khác ngoài thằng Lý. Đi bên cạnh thằng bạn nhớp nhúa cũng ngứa mắt. Tôi vẫn thường gào lên bắt nó quay về nhà thay đồ thẳng thớm mỗi khi qua kêu tôi đi học. Thằng Lý từ từ hết bẩn, học giỏi có tiếng, biết ăn bận gọn gàng, được xem là trai đẹp thông minh - hình mẫu lý tưởng trong mắt nhiều cô gái. Nó vẫn luôn giữ nụ cười kiêu bạc chết gái khi đi qua đám nữ nào đó, vô tình nghe hoặc biết người ta xì xào với mình. Chỉ với tôi, đứa con gái duy nhất nó không cần tỏ vẻ, vẫn thản nhiên ngoác miệng ra cười, khoe hàm răng lộ xỉ khá duyên. Tôi nhận ra nét duyên ấy khi mình 16 tuổi.
* * *
Tôi thích hút thuốc. Chính xác thì thích đốt thuốc, ngó và nhìn khói thuốc bảng lảng bay lên bện quằn quện trong sương mờ ban sớm trong quán cà phê Violet đã quá quen. Nhất là khi anh người yêu đầu tiên của tôi học ở Sài Gòn, hò hẹn đã đời rồi nuốt lời, ở lại lấy vợ. Phải khó khăn lắm tôi mới thấy mình có cảm giác yêu thương một chàng trai, và khó khăn gấp bội khi chia tay. Khói thuốc trở thành bạn thân, ngoài Lý. Lý dạo này trở tính, kiên quyết gọi tôi là em:
- Em nhìn xem, cả quán, em là cô gái hút thuốc duy nhất.
- Có phiền không? Mắc cười quá, tại sao lại phải giống những cô gái khác? - Tôi hỏi trổng.
- Anh chỉ không muốn nhìn em gầy rộc đi, răng xỉn màu vì khói thuốc.
- Ra chỗ kia mà ngồi - Tôi trỏ tay qua một góc khác.
Lý nhún vai. Lặng im thoáng chốc và vu vơ đánh trống lảng qua câu chuyện khác. Quăng lại nụ cười tỏ vẻ bất lực, mặc kệ sự lựa chọn của tôi...
Lý kể, bà nội muốn Lý nối nghiệp thêu thùa của gia đình nhưng Lý là con ngựa bất kham, không thể ngồi một chỗ lâu được. Hơn nữa, con trai mà thêu thùa gì. Bà nội buồn, bỏ cơm. Giọng Lý kể, mềm uột, chùng chình. Chỉ cần làm bà nội buồn, bất kể sai đúng, Lý sẽ có cảm giác mặc cảm ghê gớm...
- Vậy ông thích nghề gì?
- Nghề báo. Nghề ấy, sẽ đưa anh thoát nghèo, thoát cả những lối mòn chật chội.
Hỏi điều ấy và trả lời điều ấy có vẻ phi lí, khi mà Lý đã học năm cuối báo chí còn tôi học năm cuối trường luật. Chúng tôi thừa hiểu nhau để biết rằng đó là những chọn lựa vào đời của chính mình, chẳng ai ép uổng. Nhưng, với một đứa con gái ngổ ngáo như tôi, lẽ dĩ nhiên Lý vẫn thấy chuyện hỏi đáp xem ra có vẻ kì cục kia chẳng có gì lạ. Và lần nào, Lý cũng nói về nghề mình theo đuổi với vẻ hứng khởi, say sưa. Tôi cũng như nhiều người, luôn nghĩ một người thông minh, mặt mũi dễ coi như Lý, đừng nói nghề báo, làm nghề gì với sự say mê và đầu tư hết sức lại chẳng thành công?
Ngày Lý nhận tháng lương đầu tiên của nghề báo, hỏi tôi:
- Em muốn mua gì, anh muốn tặng quà cho em?
- Nhẫn kim cương, được không?
- Được, nhưng anh chưa đủ tiền. Khi có đủ tiền sẽ mua nhen?
Tôi thổi làn khói thuốc mỏng mảnh lên trời, ngước mặt cười nhếch:
- Tào lao.
Thực ra thì đứa tào lao trước là tôi. Nhưng Lý chẳng bao giờ cự cãi những điều vớ vẩn thế. Tôi luôn là đứa nói cuối cùng trong những câu chuyện.
Lý thành công khá nhanh trong công việc. Chẳng ai bất ngờ vì điều đó với người nhiều tố chất tốt như Lý. Điều bất ngờ xảy ra khi ngày kia, công an bắt quả tang Lý nhận tiền để bênh doanh nghiệp. Tôi xin vào thăm Lý nhưng chưa bao giờ anh đồng ý. Tôi chưa bao giờ trách Lý về điều ấy, hơn ai hết tôi hiểu tính kiêu hãnh của một đứa nhỏ lớn lên từ những tổn thương. Tổn thương ít tạo ra những đứa trẻ tự ti, tổn thương lớn lại tạo ra những đứa trẻ kiêu hãnh. Tôi chỉ buồn vì sự hời hợt, bốc đồng trong suy nghĩ - dù không ai nghĩ Lý lại có những tính cách ấy - đẩy anh vào lao lý.
Phố núi chẳng còn gì giữ chân tôi lại, sau ngày ấy. Tôi học xong, ở lại Sài Gòn, thi thoảng quay về quê, ngủ vùi trong sự nuông chiều của ông bà nội và ông bố chẳng bao giờ nặng lời với con gái. Những khi về, tôi ghé nhà bà nội Lý, hỏi han về anh. Bà vẫn hàng ngày tỉ mẩn bên những bức tranh đang thêu dang dở đã nhuốm màu thời gian. Bà vẫn nhắc tới Lý với giọng âu yếm. Đôi khi bà khóc vì nhớ Lý quá. Khóc hầng hậc với gò má nhăn nheo co rúm lại mà mắt thì chỉ ươn ướt, ươn ướt, chẳng chảy nổi ra khỏi bờ mi mắt. Nước mắt của bà chắc đã trôi xa thật xa phương nào đó, trong vạt quá khứ nào đó. Năm bà mất gục bên bức thêu, Lý vẫn ở trong tù.
Lý biến mất khỏi cuộc đời tôi cũng từ đó. Lâu lâu gặp bạn cũ, cả đám nhắc tới Lý, ngơ ngác nhìn nhau vì chẳng đứa nào nắm được thông tin gì. Chỉ biết Lý ra tù, rời quê cũ, hình như xuống Sài Gòn từ lâu. Mà Sài Gòn thì rộng, bao đường chằng chéo, song song… Chúng tôi chẳng bao giờ gặp nhau giữa trăm nghìn ngả đường chen chúc.
Cho tới ngày kia, tôi tình cờ gặp Lý. Không phải trên một ngả đường, hàng quán nào đó như tôi vẫn đôi khi cố ý kiếm tìm, mà trên Facebook. Tôi đã có gần 100 lần gõ tên Lý trên Face, chẳng bao giờ cho kết quả đúng người tôi tìm. Ngày kia, một kẻ ẩn danh với tên Nỗi Buồn Đi Hoang bình luận điều gì đó trên Facebook một người bạn tôi. Bình luận ấy hiện lên trang chủ. Kẻ ẩn danh ấy khiến tôi giật mình khi chạm vào một điều gì đó rất đỗi thẳm sâu trong mình. Tôi vô tình nổi hứng tò mò đúng lúc ấy và tìm thấy anh từ bức hình chụp không rõ mặt. Lý, một mình giữa những con đường mù sương, trên cao những đèo những núi. Bức hình chụp toàn cảnh rộng, người chụp chỉ đứng từ xa. Đã hơn 10 năm, tôi vẫn nhìn ra anh, sau những làn sương phủ mờ câm mờ kín. Đã hơn 10 năm rồi, bất thình lình tôi gặp lại Lý với tên gọi “Nỗi Buồn Đi Hoang” - như một nỗi niềm riêng tôi vẫn hằng cất giấu.
* * *
Lý ngồi trước mắt tôi. Anh nói, anh đến, chỉ vì muốn tôi kể anh nghe về chặng đường đã qua của tôi mà anh không có mặt. Tôi nghĩ đơn giản hơn, bằng ấy năm, đâu có lí do gì nữa để phải trốn mặt nhau.
- Em hai chồng rồi. - Tôi nói.
- Mà lại hút thuốc nhiều hơn xưa à?
- Hai chồng có liên quan tới hút thuốc à? - Tôi bướng bỉnh cãi. Có điều gì đó khó hiểu khi cứ gặp mặt Lý, sau bằng ấy năm kiếm tìm, tôi vẫn có thể gân cổ lên cãi. Mà nhẽ ra điều tôi cần phải thể hiện là những cuống quýt đợi chờ mong mỏi như từ tối qua đến sáng nay, sau khi hẹn nhau ra quán nhỏ này.
- Anh vẫn nợ em lời hứa…
Lý chìa trước mắt tôi một hộp nhỏ. Tôi thản nhiên mở. Chiếc nhẫn kim cương lấp lánh. Tôi cười. đẩy chiếc nhẫn về phía Lý:
- Cất đi. Em không cần nhẫn. Có hai cái nhẫn cưới em còn không giữ…
- Nhưng cái nhẫn này em cần giữ. Vì anh đã giữ gần 10 năm nay, chỉ để đến ngày anh thấy mình vượt qua được mặc cảm mà gặp lại em.
- Ngốc…
Bất chợt, tôi khóc. Lý cũng khóc. Khóc như cái lần Lý bị đánh bươu đầu, sứt trán, nước mắt giàn giụa mà vẫn gào lên “tao không sợ mày” với thằng bạn đen trũi to gấp rưỡi để có thể bênh vực tôi ngày nhỏ.
Lý hỏi, có phải vì Lý mà tôi không hạnh phúc? Không, dĩ nhiên là không, tôi cười mà nghe những trĩu nặng vây bủa quanh mình. Lần đầu tôi lấy chồng khi tuổi đã băm đi băm lại, cần nghĩ tới một điểm dừng. Điểm dừng của tôi không xây dựng từ tình yêu, với một người bạn hiền lành, tử tế học chung lớp đại học. Sự tử tế giữa người với người có thể giữ được mối quan hệ bè bạn dài lâu nhưng không bao giờ giữ được vợ chồng dài lâu. Lần thứ hai lấy trúng một người… Biết nói sao nhỉ, người ấy quý tôi, con gái người ấy quý tôi hơn cả mẹ nó, gọi tôi là mẹ. Mẹ nó, cũng như mẹ tôi, với lí do đi làm xa để đổi đời, quăng con gái lại cho gà trống. Mà gà trống ấy tối ngày miệt mài đi công trình lên rừng xuống biển. Người ấy kể về vợ cũ không ra gì. Tôi từng thương anh và thương con gái anh đứt ruột. Cho tới sau ngày cưới vài tuần, tôi nhận ra anh không một chút hào hứng với chuyện chăn gối. Ngày chia tay, tôi ôm con gái anh. Con bé khóc như mưa, cùng với ba nó khản giọng gọi tôi đừng đi. Đúng là tôi có thể không đi, nếu anh cũng là một người nữ, như tôi. Chúng tôi sẽ như những đứa bạn sống chung nhà, cùng yêu thương một đứa nhỏ thiếu mẹ. Tôi soi thấy tuổi thơ sớm đổ vỡ của tôi trong mắt trong veo sầu thảm của con bé.
Cho tới giờ tôi vẫn không có thói quen đổ lỗi vì ai, do ai sau mỗi mối duyên. Tôi vẫn tin mỗi sự gặp gỡ chia ly đều là duyên đến duyên đi. Giống như mối duyên giữa tôi và Lý dù chẳng là gì, mà không dứt thì cũng có ngày gặp lại vậy.
- Còn anh, vợ con thế nào rồi?
Bất ngờ tôi hỏi. Hình như có chút hụt hơi. Mà thực tình, tôi không hiểu nổi vì sao hơi thở mình gấp gáp như kẻ hụt hơi khi hỏi điều ấy. 10 năm đâu phải là quãng thời gian ngắn.
- Anh… anh… Mà thôi, nói chuyện khác đi.
Cơn mưa đêm vừa dứt hạt. Chúng tôi rời quán cà phê. Lý chở tôi dọc con phố ẩm ướt, lành lạnh. Tôi ngồi phía sau, quàng tay ôm người Lý. Áp mặt vào lưng Lý hít mùi mồ hôi thân thuộc như chưa bao giờ biết khoảng cách 10 năm đã qua. Cảm giác yên ổn như ngày mười tám hai mươi vẫn quẩn quanh đâu đó trong mình, sau bao chông chênh, đổ vỡ rốt cuộc vẫn còn lại để có khi mong thèm được bám víu lấy, như là lúc này…
Tối ấy, Lý nhắn tin cho tôi rằng, anh chỉ muốn quay lại ngày xưa.
Tôi, luôn là kẻ có đầu óc tỉnh táo hơn, nhắn lại: “Sống với quá khứ là tự ướp xác mình khi vẫn còn đang thở!”. Câu ấy, thực tình cũng chẳng phải do tôi nghĩ ra, là tôi lượm đâu đó trên FB trong những lúc lòng vòng trên Face đi tìm Lý mà không tìm ra.
Tôi nghĩ tới những đứa trẻ đáng yêu và cô vợ có nụ cười duyên trên FB của Lý. Tôi đã xem lại những trang quá khứ mà Lý sẻ chia với bạn bè, những ngày không có tôi. Có lẽ, ăn cắp của cô gái trẻ ấy, những đứa nhỏ ấy một vòng tay ôm đã là quá nhiều, quá có lỗi.
* * *
Tôi quay lại ngôi nhà cũ, nơi tôi chỉ sống chung vài tuần với người chồng thứ hai. Chậu hoa tôi trồng vẫn nở ở đó mỗi ngày, đồ đạc tôi để vẫn ở yên chỗ cũ. Chỉ có khác một điều, chúng tôi thống nhất, anh sẽ ở tầng một, tôi và bé con ở tầng hai. Cũng chẳng ảnh hưởng gì nhau nhiều vì công việc kĩ sư cầu đường khiến anh nay đây mai đó, chẳng mấy lúc ở nhà.
Những điều ấy suy cho cùng chẳng quan trọng gì. Điều quan trọng lúc này là tôi đã nhìn thấy những vui tươi, ấm áp trong ánh mắt con bé, những điều mà tuổi thơ tôi không có… Và chỉ cần có thế, lòng tôi ấm áp những tin yêu.
Bạn bè vẫn biết, tôi là mẹ đơn thân của một cô gái nhỏ cực kỳ đáng yêu. Cô bé gọi tôi là Bò mẹ và tự gọi mình là Bê con. Đôi khi ai đó vô tình nói rằng hai mẹ con trông rất giống nhau. Con bé gật đầu xác nhận: “Vâng ạ, Bê con đương nhiên là giống Bò mẹ rồi”. Còn tôi, hạnh phúc với suy nghĩ rằng, khi có một sợi dây yêu thương bền chặt gắn kết thì chúng tôi sẽ mang những gương mặt giống nhau.
Truyện ngắn: VÕ THU HƯƠNG