Sự cộng hưởng từ nhiệt huyết lưu giữ đặc trưng văn hóa dân tộc

12:12, 20/12/2019

Không gian nhà dài trưng bày công cụ lao động của người Mạ, K'Ho, Chu Ru; Triển lãm ảnh đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa in trên vải lụa;...

Không gian nhà dài trưng bày công cụ lao động của người Mạ, K’Ho, Chu Ru; Triển lãm ảnh đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa in trên vải lụa; và các hoạt động giới thiệu sản phẩm, trình diễn thời trang lụa tơ tằm - là chương trình xã hội hóa đặc sắc, mang tính cộng đồng cao được kết hợp giữa ba con người có mối quan tâm đặc biệt đến đồng bào các dân tộc thiểu số bản địa ở Nam Tây Nguyên, là nhà dân tộc học Ðinh Thị Nga, nhiếp ảnh gia Nguyễn Hoài Linh và nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh - đang có một sức hút mạnh mẽ đến công chúng ở hầu hết mọi lứa tuổi. Chúng tôi xin giới thiệu những ý tưởng đưa họ đến chung một mục tiêu và tạo nên dấu ấn đặc biệt trong kỳ Festival Hoa Ðà Lạt 2019 này.
 
NHÀ DÂN TỘC HỌC ĐINH THỊ NGA:
Lo lắng về sự an toàn của các hiện vật trưng bày
 
Giáo sư Fuji - một trong 10 thành viên thẩm định di sản thế giới của UNESCO, nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh khi cùng tôi đến với Thánh địa Cát Tiên, đến với những buôn làng Mạ xa nhất ở Lâm Đồng đã đặc biệt quan tâm đến nghề dệt thổ cẩm và nghề ươm tơ dệt lụa - là những nghề liên quan đến sinh kế của hàng trăm ngàn người dân ở Lâm Đồng. Nhà thiết kế Minh Hạnh đã đưa những sợi tơ đũi cho phụ nữ Mạ dệt; rồi chị đưa Nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang đến tận Cát Tiên để tìm hiểu thêm về những di sản của vùng đất và ướm thử những mẫu thổ cẩm do chính đồng bào dệt... 
 
Từ những hoạt động đó, chị đã thuyết phục tôi đưa những hiện vật về công cụ lao động và các sản phẩm thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số mà mình đã sưu tầm, nghiên cứu nhiều chục năm vào Không gian Mạ, K’Ho, Chu Ru vào chương trình chung của chúng tôi trong dịp Festival Hoa 2019. 
 
Ai cũng có thể nhìn thấy, ngay khi nhà dài của người Mạ bắt đầu được xây dựng bên bờ hồ Xuân Hương đã có sức hấp dẫn đặc biệt với người dân và du khách trong và ngoài nước. Nhưng, chúng tôi thực sự lo lắng vì sự an ninh, an toàn khi đưa các hiện vật ra trưng bày, bởi chúng đều là những hiện vật không những quý, hiếm mà còn độc, lạ…
 
NHÀ THIẾT KẾ MINH HẠNH:
Tơ lụa có thể là điểm nhấn của du lịch chứ không chỉ là một ngành nghề truyền thống 
 
Tôi đã từng nói với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng là tỉnh Lâm Đồng hình như đã quên mất ngành ươm tơ - dệt lụa, nhưng chúng tôi thì sẽ cố gắng vực. Chương trình của chúng tôi trong Festival Hoa Đà Lạt 2019 là một cuộc chơi chỉ để thỏa mãn “thú tính” ấy. Không phải chúng tôi đưa các cô chân dài ra đây đi đi lại lại để thỏa mãn sự tò mò của mọi người; mà là để kể câu chuyện của tơ lụa. 
 
Tôi đã từng hỏi chị Đinh Thị Nga, nếu tôi là khách du lịch mà chỉ có một ngày, nhưng muốn tìm hiểu những nét văn hóa bản địa Lâm Đồng thì phải đi đâu? Và tôi đã theo chị Nga đến những vùng sâu, vùng xa nhất - cách Đà Lạt hơn 200 cây số mới gặp được những người dân tộc thiểu số này. Sau đó, tôi đã thuyết phục chị Nga đưa các nét đặc sắc truyền thống của đồng bào đến Đà Lạt, để cho mọi người biết chủ nhân của vùng đất đó là ai, họ đã sống như thế nào?
 
Nhà dài và các công cụ sản xuất đến bây giờ đã gần như trở thành di sản. Khi du khách đến không gian Mạ, K’Ho, Chu Ru - họ rất trân trọng những di sản này. Đây là một cơ hội để giáo dục ý thức của du khách đối với các di sản đã và đang dần biến mất trong lịch sử.
 
 
NHIẾP ẢNH GIA NGUYỄN HOÀI LINH:
Những con người trên ảnh sẽ xuất hiện tại không gian triển lãm
 
Tôi quan tâm đến mảng dân tộc thiểu số và bản địa từ lâu và đã làm nhiều dự án liên quan đến người dân tộc bản địa, giúp họ có những tiếng nói để lưu giữ những nét truyền thống văn hóa của mình. Khi đến Đà Lạt với tư cách là một công dân mới, tôi đã tự hỏi mình muốn làm gì? Và rõ ràng vẫn là những điều tôi quan tâm từ trước. Tôi đã thâm nhập, tìm hiểu cuộc sống của người Chu Ru, người Mạ, người K’Ho tại Lâm Đồng. Rất tình cờ, mối quan tâm của tôi lại cộng hưởng với những hoạt động của nhà thiết kế Minh Hạnh - từ lâu muốn nâng cao tầm văn hóa của thổ cẩm, đưa ra thế giới nét văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số bản địa; đồng thời, cùng với niềm đam mê của nhà dân tộc học Đinh Thị Nga - chúng tôi đã gặp nhau và quyết định kết hợp làm cuộc triển lãm về người dân tộc thiểu số bản địa tại Festival này.
 
Với mong muốn, cộng đồng dân cư và du khách biết rằng, Đà Lạt không chỉ có hoa mà là ĐẤT HOA - hoa ở trong con người, là văn hóa bản địa của chính người địa phương có mặt trước khi ông Yersin tìm ra Đà Lạt. Muốn lưu giữ và đưa vào lễ hội những đặc trưng của người bản địa như là một nét văn hóa của tỉnh Lâm Đồng, của Đà Lạt.
 
Hợp tác với chị Hạnh cũng là lần đầu tiên tôi in ảnh trên vải lụa - một sản phẩm địa phương nổi tiếng, nhưng có nguy cơ bị mai một. Việc in ảnh trên vải lụa cũng là góp phần phục dựng và nâng tầm của lụa trên một phương diện mới. Nét đặc trưng nữa của triển lãm này là những con người trên ảnh sẽ có mặt trong không gian này trong suốt những ngày triển lãm. Đây chính là nét đẹp, nét độc đáo và thú vị của nhóm chúng tôi.
 
NHẬT QUÂN - THỤY TRANG