Tươi mới phố xưa bằng bích họa

06:12, 20/12/2019

Thành phố Đà Lạt trước ngưỡng tuổi 127 náo nức diễn ra Festival Hoa lần thứ VIII-2019. Không chỉ hoa, thông, khí hậu... hấp dẫn, quyến rũ với du khách, mà còn bởi có phố bên đồi...

Thành phố Đà Lạt trước ngưỡng tuổi 127 náo nức diễn ra Festival Hoa lần thứ VIII-2019. Không chỉ hoa, thông, khí hậu... hấp dẫn, quyến rũ với du khách, mà còn bởi có phố bên đồi. Phố xưa càng thân thiện khi được khoác lên những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc từ dự án “Phố bên đồi 2019 - vào miền nghệ thuật”, chính thức khai mạc tại không gian Dốc Nhà Làng (DNL) ngày 19/12/2019. Nhân dịp này, Báo Lâm Đồng có cuộc trò chuyện với Giám đốc dự án Quy hoạch Phố bên đồi - ThS, KTS. Đoàn Anh Khoa. 
 
Tác giả, ThS, KTS. Đoàn Anh Khoa (ngoài cùng bên phải) trong buổi họp báo “Phố bên đồi”. Ảnh: M.Đạo
Tác giả, ThS, KTS. Đoàn Anh Khoa (ngoài cùng bên phải) trong buổi họp báo “Phố bên đồi”. Ảnh: M.Đạo
 
* PV: Xin chào người con của thành phố Đà Lạt - ThS, KTS. Đoàn Anh Khoa. Vậy là vượt qua cuộc thi gồm nhiều tài danh về nghệ thuật, thiết kế, kiến trúc, rồi gặp gỡ thuyết trình với cộng đồng cư dân để được... bận rộn thể hiện các tác phẩm nghệ thuật lên những bức tường. Anh có thể chia sẻ những ý tưởng và tình cảm của mình để sáng tạo? 
 
* KTS. Đoàn Anh Khoa: Là một người con Đà Lạt, đồng thời lấy bằng thạc sĩ tại Vương quốc Bỉ với những nghiên cứu về quy hoạch đô thị Đà Lạt, năm 2018, Khoa tham gia “Phố bên đồi” ở vai trò cộng tác, sau đó gắn bó và trở thành thành viên chính thức. “Phố bên đồi” là chương trình nghệ thuật đa hình thái, mang tính cộng đồng, được tổ chức thường niên tại Đà Lạt, với mục tiêu định vị Đà Lạt là điểm đến văn hóa độc đáo của khu vực Đông Nam Á. Thông qua các hình thức nghệ thuật đương đại, hoạt động cộng đồng và du lịch, “Phố bên đồi” còn nhằm khuyến khích công chúng nâng cao nhận thức về bảo tồn đô thị, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Chính những mục tiêu đó cùng với tình yêu đối với mảnh đất, con người Đà Lạt đã thôi thúc Khoa, cũng như các thành viên “Phố bên đồi” dành tất cả tâm huyết để phát triển dự án “Phố bên đồi 2019 - vào miền nghệ thuật”. Dự án đã lựa chọn DNL, nơi lưu giữ nét đẹp rêu phong của tự nhiên, cũng như vẻ đẹp văn hóa xã hội của một đô thị Đà Lạt từ những ngày đầu thành lập.
 
* PV: Thông qua các mảng tường xưa cũ, những thông điệp mà anh và các cộng sự mong muốn ở “bích họa”?
 
* KTS. Đoàn Anh Khoa: Những ngày qua, DNL trở nên rộn ràng hơn khi nhận được sự quan tâm của cộng đồng, mọi người đều đang liên tưởng DNL là một “phố bích họa” mới của thành phố Đà Lạt. Tuy nhiên, Khoa muốn giải thích rõ hơn về tầm nhìn của dự án, đó là đưa DNL trở thành một không gian triển lãm nghệ thuật ngoài trời, nơi “Phố bên đồi” chung tay cùng cộng đồng thực hiện. Ở đó, bên cạnh việc thưởng lãm các tác phẩm nghệ thuật, mọi người còn được cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên, những bờ taluy đá rêu phong, hoa cỏ; được tiếp xúc với nét đẹp của đời sống văn hóa, âm nhạc, ẩm thực; nghe những câu chuyện kể của các cụ cao niên. Qua đó, nghệ thuật ngoài việc làm đẹp không gian sống, còn mang con người lại gần nhau hơn.
 
* PV: Để “nói” được những điều này, các tác giả hướng đến đối tượng thẩm mĩ nào, và gam màu chủ đạo là gì?
 
* KTS. Đoàn Anh Khoa: “Phố bên đồi 2019 - vào miền nghệ thuật” ưu tiên kiến tạo một không gian xanh - sạch - đẹp, với tiêu chí xanh được đặt lên hàng đầu. Các hộ dân cư được vận động chung tay làm vệ sinh khu phố, trồng hoa trang trí trước nhà, ban công và trong sân vườn; bên cạnh một số tiểu cảnh hoa được sắp đặt bởi Ban tổ chức. Các tác phẩm nghệ thuật sơn tường cũng được thi công trên tiêu chí tôn trọng tối đa thiên nhiên. Các tác phẩm tại “Phố nghệ thuật” DNL được tuyển chọn thông qua một cuộc thi sáng tác tác phẩm nghệ thuật (artwork), với hơn 250 tác phẩm của các tài năng trẻ trên khắp cả nước và quốc tế. Tác phẩm tập trung vào các phong cách nghệ thuật đương đại Pop Art, Pop Surrealism, cùng các gam màu tươi tắn theo chủ đề: Color up your way (Mang sắc màu vào cuộc sống), với nội dung gắn liền với những đặc trưng của thành phố Đà Lạt. Bên cạnh đó, có một số tác phẩm của khách mời là các nghệ sĩ nổi tiếng trong giới chuyên môn của cả nước và quốc tế.
 
Dốc Nhà Làng thu hút và thân thiện đối với du khách nhờ những bức tường nghệ thuật. Ảnh: M.Đạo
Dốc Nhà Làng thu hút và thân thiện đối với du khách nhờ những bức tường nghệ thuật. Ảnh: M.Đạo
 
* PV: Những ngày qua, tôi ngược xuôi giữa bộn bề giàn giáo DNL, nhưng thực tình chưa biết về tổng chiều dài của “phố bích họa” là bao nhiêu?
 
* KTS. Đoàn Anh Khoa: Nằm ở trung tâm thành phố Đà Lạt, DNL bao gồm 5 nhánh, kết nối với các tuyến đường nhộn nhịp của thành phố: Ba Tháng Hai, Trương Công Định (phố Tây) và Phan Đình Phùng. Hệ thống các con hẻm này khá thân thiện cho việc đi bộ, với sự đứt quãng lưu thông của xe máy do địa hình và sự chia cắt bởi các bậc thang. Địa hình đặc trưng của phố núi, với các con dốc và bậc thang, cũng mang đến những cảm nhận thú vị cho người đi bộ. “Phố nghệ thuật” DNL có 3 nhánh, với tổng chiều dài khoảng 300 m được ưu tiên lựa chọn, trong khi 2 nhánh còn lại có sự biến động về mặt không gian và hình thái kiến trúc, còn nhiều đất trống và công trình đang xây dựng.
 
* PV: Đoàn Anh Khoa có thể cho công chúng biết thêm một số thông tin như: đội ngũ tác giả, tổng thời gian sáng tạo, lượng sơn màu cần sử dụng và kích thước lớn nhất của mảng tường nghệ thuật?
 
* KTS. Đoàn Anh Khoa: Là một dự án nghệ thuật cộng đồng, ngoài sự tham gia của các thành viên “Phố bên đồi”, dự án còn có sự tham gia của đông đảo nghệ sĩ, chuyên gia trên khắp cả nước và quốc tế. Dự án nhận được sự ủng hộ rất lớn từ phía lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, thành phố Đà Lạt và đặc biệt là cư dân DNL. Bên cạnh sơn KOVA và Traveloka là hai đối tác chính thức, dự án cũng nhận được sự hỗ trợ, chung tay giúp sức của các doanh nghiệp, tổ chức trong nước và địa phương. Trong phạm vi dự án, có khá nhiều những tác phẩm có kích thước lớn, yêu cầu nhiều công sức và độ tỉ mỉ, như tác phẩm “Mai anh đào” được phóng tác trên tòa nhà 5 tầng với độ cao hơn 15 m, tác phẩm “Dạo trong vườn hoa” thể hiện trên mảng tường cao hơn 12 m, hay tác phẩm “Xứ ngàn hoa” có chiều ngang hơn 17 mét... Tổng diện tích tác phẩm nghệ thuật (artwork) ước tính là 1.500 m2, được ngày đêm thực hiện bởi hơn 20 họa sĩ.
 
* PV: Còn về chất lượng và tuổi thọ tác phẩm “art gallery ngoài trời”?
 
* KTS. Đoàn Anh Khoa: Để khoác lên DNL một lớp áo đẹp và giữ gìn nét đẹp ấy qua năm tháng, sản phẩm sơn và chống thấm KOVA không chỉ bền màu, chống rong rêu, nấm mốc, che lấp khe nứt, mà còn đảm bảo thân thiện với môi trường.
 
* PV: Sự gửi gắm của các tác giả đến mọi người khi đến với Festival Hoa Đà Lạt 2019?
 
* KTS. Đoàn Anh Khoa: Là một trong những nội dung chính của Festival Hoa Đà Lạt 2019, “Phố nghệ thuật” DNL sẽ được rất nhiều người biết đến và ghé thăm. Khoa mong rằng cộng đồng sẽ luôn chung tay gìn giữ DNL xanh, sạch, đẹp và văn minh, như một cách trân trọng, nâng niu những ký ức của đô thị Đà Lạt. 
 
* PV: Trước lời cảm ơn Giám đốc dự án, tôi hỏi thêm câu cuối về nội dung cũng đang được chính quyền Lâm Đồng và cộng đồng đặc biệt quan tâm, đó là “Làng đô thị xanh”. Được biết, KTS. Đoàn Anh Khoa có tham gia dự án xây dựng thí điểm này, vậy theo anh, mong muốn và ý tưởng đạt được của dự án là gì?
 
* KTS. Đoàn Anh Khoa: “Làng đô thị xanh” hướng đến việc phát triển các khu dân cư bền vững về mặt kinh tế, xã hội và môi trường ở vùng ngoại vi thành phố Đà Lạt. “Làng đô thị xanh” có đầy đủ các tiện ích của đô thị, nhưng vẫn giữ được các đặc trưng của đời sống văn hóa xã hội, tôn trọng các giá trị của tự nhiên, phát triển theo tiêu chí xanh. Hiện nay, UBND tỉnh Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt đã thống nhất lựa chọn khu vực Trại Mát - Xuân Thọ làm mô hình thí điểm cho “Làng đô thị xanh”. Khoa nghĩ rằng đây là một lựa chọn có cơ sở nghiên cứu khoa học và thực tiễn lớn. Bởi Trại Mát - Xuân Thọ là khu vực dân cư lâu đời của thành phố, có những nét đặc trưng của văn hóa làng, ấp, với các hoạt động canh tác nông nghiệp đa dạng đan xen giữa truyền thống và hiện đại, kết hợp với các yếu tố cảnh quan độc đáo, như địa hình đồi dốc, rừng, suối, hồ, v.v... Đây cũng là khu vực giàu tiềm năng phát triển du lịch, với nhiều công trình kiến trúc tôn giáo, và đặc biệt là có tuyến xe lửa Đà Lạt - Trại Mát. Khu vực Trại Mát - Xuân Thọ vừa tiếp giáp với lõi đô thị của thành phố, có khả năng tiếp cận và chia sẻ các tiện ích đô thị với thành phố Đà Lạt, vừa nằm trên tuyến đường kết nối với các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, với rất nhiều tiềm năng về mặt kinh tế. Tuy đó mới chỉ là một số nét cơ bản, nhưng cũng đủ để khẳng định về tiềm năng của dự án.
 
PHAN MINH ĐẠO thực hiện