Từ Củ Chi đến Rừng Sác

06:01, 14/01/2020

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, có hai địa danh là chiến khu trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc nay là Di tích lịch sử Quốc gia và Quốc gia đặc biệt: Rừng Sác và Địa đạo Củ Chi. Xưa là căn cứ chiến đấu với những chiến công lẫy lừng, nay là điểm tham quan thu hút hàng triệu lượt người Việt Nam và quốc tế. 

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, có hai địa danh là chiến khu trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc nay là Di tích lịch sử Quốc gia và Quốc gia đặc biệt: Rừng Sác và Địa đạo Củ Chi. Xưa là căn cứ chiến đấu với những chiến công lẫy lừng, nay là điểm tham quan thu hút hàng triệu lượt người Việt Nam và quốc tế. 
 
Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Rừng Sác
Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Rừng Sác
Lẫy lừng những chiến công Rừng Sác 
 
Chúng tôi lên phà sang huyện Cần Giờ, nơi có Di tích Chiến khu Rừng Sác - Cần Giờ những ngày cuối năm. Xuyên qua rừng đước ngập mặn, là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, sau khi chiêm ngưỡng hàng ngàn con khỉ và cá sấu, du khách có 2 con đường để đến Di tích Rừng Sác: ngồi xuồng hoặc rảo bộ. Chiến khu Rừng Sác gắn với những chiến công lừng lẫy của Trung đoàn 10 Đặc công Anh hùng, được thành lập ngày 15/4/1966. “Căn cứ nổi” này cạnh sông Lòng Tàu - đường vận chuyển chính của quân Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Nhiệm vụ của Trung đoàn 10 là bám trụ căn cứ để đánh vào các kho tàng, bến cảng, cơ quan đầu não, sào huyệt của giặc. Vì vậy, chế độ Mỹ-ngụy quyết “làm cỏ” vùng này bằng hàng ngàn tấn đạn, bom và chất độc dioxin. Du khách đến Rừng Sác hôm nay được chứng kiến những trận địa, căn cứ quân sự của quân đội Việt Nam xưa được phục dựng trên rừng đước và nghe giới thiệu những chiến tích lẫy lừng một thời... Một trong những chiến công vang dội của các chiến sĩ đặc công là trận đánh tàu Victoria của Mỹ tháng 8/1966. Sau hơn 1 tháng các chiến sĩ dầm mình dưới nước và bùn trinh sát, lên kế hoạch tác chiến, sáng 23/8 họ đánh chìm tàu Victoria với trọng tải hơn 10.000 tấn chở khí giới. Đó còn là trận đánh kho xăng Nhà Bè cháy 12 ngày đêm của 8 đặc công dũng cảm và mưu trí... Theo tư liệu công bố, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, tại Rừng Sác diễn ra gần 1.000 trận đánh của đặc công. Kết quả đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 6.000 lính Mỹ và chư hầu; đánh chìm và cháy 356 tàu, thuyền chiến đấu, đánh đắm 13 tàu vận tải, bắn cháy 145 giang thuyền; bắn rơi 29 máy bay trực thăng của địch.
 
Đây đồng thời là nơi tiếp nhận hàng của quân đội ta từ miền Bắc chuyển vào chiến trường miền Nam. Tuy nhiên, địa hình Rừng Sác rất khó khăn và gian khổ trong chiến đấu, đặc biệt là thiếu thốn các điều kiện về lương thực, thực phẩm, nước ngọt... và cá sấu luôn rình rập. Sự hy sinh của bộ đội Rừng Sác vô cùng to lớn: 860 chiến sĩ hy sinh, trong đó hầu hết chưa tìm được hài cốt... Du khách đến từ thành phố Hà Tĩnh, thương binh hạng 1 Trần Thanh Sơn bày tỏ cảm xúc: “Phải nói là những kỳ tích đánh giặc. Quả cảm, anh hùng và thông minh!”. 
 
Năm 2004, căn cứ Rừng Sác được xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia. Bên những căn nhà làm nơi chỉ huy, trạm xá cứu thương, xưởng chế bom, mìn, khu hậu cần... và hầm hào chiến lũy là đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Rừng Sác. Đi trong rừng đước được Khu di tích lát nổi thành những con đường như chiến trường xưa, rất nhiều du khách Việt Nam xúc động, kính phục và thầm tri ân đến chiến sĩ đặc công năm xưa...
 
Khu quân dụng của bộ đội Rừng Sác
Khu quân dụng của bộ đội Rừng Sác
 
Kỳ tích anh hùng Địa đạo Củ Chi 
 
Khu căn cứ này thuộc huyện Củ Chi, bản lề giữa miền Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ, hiện có 20 xã và 1 thị trấn. Địa đạo Củ Chi gồm 2 địa điểm: Địa đạo Bến Dược - căn cứ Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, thuộc xã Phú Mỹ Hưng và Địa đạo Bến Đình - căn cứ Huyện ủy Củ Chi thuộc xã Nhuận Đức. Là Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia đặc biệt, trong đó Địa đạo Bến Dược được công nhận ngày 29/4/1979 và Địa đạo Bến Đình được công nhận ngày 15/12/2004; Địa đạo Củ Chi là một hệ thống công trình dưới lòng đất với tổng chiều dài hơn 200 km, phần nổi khoảng 50 km, hình thành từ năm 1948 và phát triển đến năm 1975. Đây là tuyến phòng thủ đặc biệt của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. 
 
Để tham quan hệ thống địa đạo, có nhiều lối đi theo các hướng dẫn viên mặc trang phục thanh niên xung phong. Cách phân chia này nhằm tránh ùn tắc, đặc biệt là lúc chui xuống địa đạo. Hệ thống địa đạo có một không hai trên thế giới, với rất nhiều công trình liên hoàn và tầng lớp: chiến hào, ụ chiến đấu, bệnh xá, phòng ăn, phòng ngủ, phòng họp, nhà bếp, phòng quân y, xưởng quân khí, xưởng may, nơi trú ẩn của người già và trẻ em, kho lương thực, giếng nước, hệ thống thông hơi,... Tất cả đều dưới lòng đất, xây dựng thành 3 tầng, tầng 1 cách mặt đất 3 m, tầng 3 sâu 8 - 10 m. Là địa đạo đánh giặc diệu kỳ, cả thế giới phải ngạc nhiên. Người Mỹ từng ví là “làng ngầm”, “mật khu nguy hiểm”... Từ hệ thống phòng thủ và chiến đấu, quân dân Củ Chi kiên cường, dũng cảm và mưu trí lập nhiều chiến công lẫy lừng, trở thành nỗi ám ảnh của chế độ Mỹ-ngụy. 
 
Chúng tôi bò theo nhau trong lòng đất, tận mắt mục sở thị. Có những đoạn rất hẹp và hướng dẫn viên cho biết trong chiến tranh thiếu ánh sáng, thiếu dưỡng khí và ẩm ướt, rắn rết. Nhưng quân dân đã sinh sống, chiến đấu quật cường trong cuộc chiến tranh. Kẻ thù dùng nhiều loại phương tiện và vũ khí của không quân, thiết giáp, xe cơ giới, bộ binh, máy bơm nước, hơi độc, chó bergie, cỏ Mỹ..., cùng hàng chục ngàn lượt quân càn quét khốc liệt và tàn bạo, nhưng không thể khuất phục được quân và dân dưới địa đạo. Tài liệu tại phòng truyền thống cho biết, trong 21 năm chiến đấu, quân và dân Củ Chi đánh 4.269 trận lớn nhỏ, thu 8.581 súng các loại, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 22.582 tên địch (hơn 10.000 tên Mỹ) và 710 tên bị bắt; phá hủy hơn 5.168 xe quân sự (xe tăng, xe bọc thép,...); bắn rơi, đánh hỏng 256 máy bay; bắn chìm và cháy 22 tàu xuồng chiến đấu; phá hủy và bức rút 270 lượt đồn bót. 
 
Hầm chông đánh giặc tại căn cứ Củ Chi
Hầm chông đánh giặc tại căn cứ Củ Chi
 
Để đạt những chiến tích lớn trước sự hung bạo của giặc như trên, tất nhiên Củ Chi đã chịu nhiều hy sinh rất lớn: 50.454 trận càn quét, có 10.101 dân thường bị chết, hơn 10.000 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh; 28.421 nóc nhà bị cháy; 20.000 ha ruộng vườn và rừng bị phá... “Củ Chi đất thép thành đồng” đã được phong tặng 2 lần Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND). Toàn huyện có 19 xã Anh hùng, 39 cá nhân là Anh hùng LLVTND, 1.277 Bà mẹ Việt nam Anh hùng, 1.800 Dũng sĩ. Quân và dân Củ Chi còn được tặng thưởng 2 Huân chương Thành đồng Tổ quốc và hơn 500 Huân chương Quân công, Chiến công...
 
Hôm nay, các đoàn du khách đến căn cứ Củ Chi đã được phủ một màu xanh bạt ngàn của rừng hồi sinh. Củ Chi là địa chỉ thu hút rất đông khách tham quan, từ nhiều nguyên thủ quốc gia đến các nhà khoa học, nhà quân sự, văn nghệ sĩ, nhà báo và nhân dân thế giới. Họ đã có câu trả lời: Vì sao Việt Nam - một nước nhỏ lại đánh thắng được đế quốc Mỹ. Ông Reinhard Bittel, đến từ Thụy Sỹ cho biết, đất nước của ông cũng có địa đạo nhưng khi chứng kiến Địa đạo Củ Chi mới hình dung cách bố trí trận chiến đấu của Việt Nam hết sức sáng tạo và tài tình. Du khách tỉnh Bắc Giang, chị Hà Thanh Thủy, sau khi chui từ địa đạo lên, hổn hển nói: “Thế này mới biết ngày xưa cha ông mình khổ như thế nào... Mình chưa là gì, cần phải vượt lên nữa...”. Một cảm xúc trước chiến tích hào hùng của cha ông, cũng là ý thức với chính mình. Theo Đại tá Lê Văn Phước - Giám đốc Khu Di tích, từ năm 2019, du khách còn được trải nghiệm nhiều cảnh sống của người dân, Củ Chi để hiểu rõ hơn truyền thống bảo vệ đất nước của quân, dân Củ Chi và lực lượng võ trang thành phố trong thời kỳ chiến tranh. Hàng năm, Khu Di tích đón trên 1 triệu du khách trong và ngoài nước và mức tăng 10%. 
 
MINH ĐẠO