Công ty Cầu Đất Farm đã xây dựng khu trưng bày tranh, ảnh về lịch sử hình thành và phát triển của đồi chè Cầu Đất. 31 bức ảnh tóm tắt lại quá trình chế biến trà từ những ngày đầu vùng trà mới hình thành được đặt trong không gian của Sở trà cũ, giúp du khách đến đây có cơ hội tìm hiểu rõ hơn giá trị nghề trà.
Công ty Cầu Đất Farm đã xây dựng khu trưng bày tranh, ảnh về lịch sử hình thành và phát triển của đồi chè Cầu Đất. 31 bức ảnh tóm tắt lại quá trình chế biến trà từ những ngày đầu vùng trà mới hình thành được đặt trong không gian của Sở trà cũ, giúp du khách đến đây có cơ hội tìm hiểu rõ hơn giá trị nghề trà.
|
Cổng đồi chè năm 1927 |
Lịch sử ghi lại rằng, tháng 6 năm 1893, được sự ủy thác của Toàn quyền Đông Dương, bác sỹ Yersin tổ chức đoàn thám hiểm theo đường bộ từ Biên Hòa ra Đồng Nai lên Di Linh, cuối cùng khám phá Cao nguyên Lâm Viên. Đến năm 1899, tại vùng đất được Yersin khám phá, được thiết lập một khu nghỉ dưỡng cho người Âu Châu, sau trở thành Đà Lạt, đồng thời sau đấy cũng lập vườn ươm thực nghiệm, tìm ra vùng thổ nhưỡng thích hợp cho cây chè ở độ cao tương ứng với đỉnh Hòn Bà (1.650 mét so với mực nước biển). Và nơi đây Cầu Đất Farm được chính thức thành lập năm 1927 với diện tích trồng và khai thác chè trên 600 ha. Trong thời gian này, nhà máy chủ yếu sản xuất chè đen, sản phẩm được đưa về Pháp tiêu thụ và xuất khẩu sang các nước khác ở châu Âu.
|
Không gian triển lãm ảnh thu hút du khách |
Sau nhiều lần đổi tên, đổi chủ, đến năm 2015, Sở trà Cầu Đất được đổi tên thành Cầu Đất Farm. Với ấp ủ mang một luồng gió mới đến nơi đây, Cầu Đất Farm có nhiều bước chuyển mình từ hình thức sản phẩm đến các hoạt động du lịch. Tuy vậy, dù với tiêu chí đổi mới và cách tân nhưng những giá trị lịch sử luôn được bảo tồn và giữ gìn như một báu vật trăm năm của vùng đất này. Anh Trần Minh Phương - đại diện Cầu Đất Farm cho biết: Đồi chè Cầu Đất có diện tích trải dài 230 ha, với độ cao 1.650 m so với mực nước biển. Đồi chè Cầu Đất không chỉ là điểm đến trong lành bình yên của thành phố Đà Lạt, nơi đây còn chính là “văn hóa” Đà Lạt, nơi mưu sinh của biết bao nhiêu thế hệ người dân Đà Lạt đi qua. Là nhà máy chè cổ nhất tại Đông Nam Á vẫn còn hoạt động mặc dù những chiếc máy được nhập khẩu trực tiếp từ châu Âu từ xa xưa - như một nhân chứng lịch sử còn mãi với thời gian, chứa đựng trong nó những giá trị lịch sử sâu sắc.
“Trên những bức ảnh trưng bày tại Bảo tàng thể hiện rõ từng giai đoạn lịch sử của hoạt động nhà máy chè. Bên cạnh những chiếc máy cổ vẫn còn đó, hình ảnh sẽ giúp du khách hình dung được một thời hoàng kim của nhà máy chè với biết bao thế hệ đã gắn bó cuộc đời mình với sự hưng thịnh của vùng đất. Bản thân gia đình anh Phương cũng là gia đình có nhiều thế hệ gắn bó nơi đây, ông nội, bố rồi đến nay là anh Phương. Anh Phương sẽ giới thiệu cho du khách những máy móc, công cụ, cách chế biến chè để khách có thể tìm hiểu rõ hơn giá trị của mỗi búp chè họ đang uống”, anh Phương chia sẻ.
Cũng tại không gian này, du khách đến để tìm hiểu về cây chè và sự có mặt của nó trên đất cao nguyên này, với những chiếc máy sấy, máy nghiền, máy vò... của người Pháp đem đến với “Sở trà Cầu Đất”; hay nếm thử, thưởng thức miễn phí cà phê và các loại trà trong chính không gian xưa cũ, lắng đọng thời gian của “Bảo tàng trà”. Nguyễn Thị Diệu Nhi - du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi đến với Đà Lạt, Đà Lạt thật sự rất đẹp, nhiều không gian hoa, nhưng đặc biệt ấn tượng khi tôi về với vùng ven Cầu Đất và cảm nhận không khí trong lành với bạt ngàn chè nương. Tôi thật sự thích thú khi được tham quan đồi chè cổ, bảo tàng trà, quy trình sản xuất chè, cà phê sạch... đặc biệt là được thưởng lãm những hình ảnh quý giá về một thời của nhà máy chè cổ nhất Đông Nam Á, điều đó làm cho tôi có những khoảnh khắc ý nghĩa”.
Đồi chè Cầu Đất trở thành địa điểm lý tưởng để du khách đến tham quan, thưởng lãm. Mỗi năm đồi chè đón khoảng hơn 500.000 lượt khách. Chỉ tính từ đầu tháng 12 đến nay, Cầu Đất Farm đã đón hơn 80.000 lượt khách.
PHONG VÂN