Tại phiên chợ Nông sản hữu cơ - một hoạt động được tổ chức hàng tháng bởi những nhà nông trẻ cung cấp nông sản hữu cơ tại TP Đà Lạt vào tháng 12 vừa qua, bên cạnh những hàng rau củ quen thuộc, xuất hiện thêm một góc nhỏ xinh với các sản phẩm gốm mộc Chu Ru...
Tại phiên chợ Nông sản hữu cơ - một hoạt động được tổ chức hàng tháng bởi những nhà nông trẻ cung cấp nông sản hữu cơ tại TP Đà Lạt vào tháng 12 vừa qua, bên cạnh những hàng rau củ quen thuộc, xuất hiện thêm một góc nhỏ xinh với các sản phẩm gốm mộc Chu Ru. Đó là những nồi, những bình được đưa đến từ Nhà thờ Ka Đơn (Đơn Dương), và đằng sau đó là cả câu chuyện về tâm huyết với nghề truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một này.
|
Cha Trần Quốc Hưng Long - Chánh xứ Nhà thờ Ka Đơn tâm huyết với những sản phẩm gốm Chu Ru từ thôn Krăng Gọ 2 |
Gian gốm giữa Nhà thờ Ka Đơn
Nằm yên bình dưới tán rừng thông, trong khuôn viên của nhà thờ xinh đẹp đoạt giải nhì Kiến trúc Thánh quốc tế này có một khu được dành riêng cho việc trình bày các sản phẩm làm từ gốm của bà con thôn Krăng Gọ 2, xã Ka Đơn. Đều đặn mỗi tuần một lần, cha Trần Quốc Hưng Long - Chánh xứ Nhà thờ Ka Đơn lại đi vào làng, gom sản phẩm của bà con làm được để mang ra nhà thờ và trả họ số tiền mà khách đã mua gốm trong tuần. Số tiền tuy ít ỏi, nhưng là niềm vui, và cũng là động lực để bà con tiếp tục duy trì nghề làm gốm.
Hiểu được những giá trị đặc biệt của gốm Chu Ru, đây không chỉ là một nghề truyền thống, mà còn gắn với cả đời sống văn hóa của bà con nơi đây, vị linh mục trăn trở khi đi khắp thôn, không còn dễ để gặp được hình ảnh nặn đất, làm gốm, nung gốm. “Để bà con giữ lại nghề thì trước tiên phải làm cho họ sống được với nghề” - cha Long khẳng định. Đó cũng là lý do mà từ năm 2014 đến nay, cha Long cùng với Linh mục Nguyễn Đức Ngọc đã mất một khoảng thời gian không hề ngắn để thuyết phục, đồng hành và hỗ trợ bà con trong thôn cùng giữ lại nghề.
Để làm được điều đó, 2 cha đã thiết kế thêm nhiều mẫu mã mới, đa dạng hơn và có tính ứng dụng cao hơn để gốm Chu Ru dễ đi vào đời sống, nhưng vẫn tuân thủ những nét đặc trưng: cách làm mộc mạc, làm bằng tay, nung ngoài trời. Đến bây giờ, gốm Chu Ru ở Nhà thờ Ka Đơn, ngoài những chiếc nồi truyền thống, còn có tô, chén, bộ ấm trà, bình cắm hoa, hộp đựng gia vị, hộp đựng bánh mứt,... Những sản phẩm gốm từ việc chỉ là vật dụng được dùng trong bếp, nay được đưa lên bàn ăn, vào trong phòng khách, ra ngoài sân vườn, và dùng cả trong nhà thờ với những chân đèn, bình hoa, chum đốt hương trầm,... Mới đây nhất, trong Lễ Giáng sinh năm 2019, hang đá của Nhà thờ Ka Đơn khác biệt hơn hẳn so với các năm trước, bởi được trang trí bằng bộ tượng gốm Chu Ru được tạo nên từ chính bàn tay của những người dân thôn Krăng Gọ 2. Gần gũi, mộc mạc và không cầu kỳ, nhưng khác biệt và độc đáo. Nửa năm là thời gian để Linh mục Trần Quốc Hưng Long trực tiếp trao đổi ý tưởng, đồng hành, hướng dẫn bà con hoàn thiện những sản phẩm mới này. “Thay đổi một người trước nay chỉ làm nồi đất giờ chuyển qua làm tượng thật sự không đơn giản. Để tạo ra được những bức tượng được dùng để trang trí cho giáng sinh vừa rồi thì trước đó đã có không biết bao nhiêu bức tượng bị hư, nhưng đó là cách để thay đổi tư duy và cách làm của người dân nơi đây” - cha Long chia sẻ.
Ở gian trưng bày nhà thờ, có bảng giới thiệu sản phẩm, có bảng giá và một thùng tiền để khách tự bỏ vào khi muốn lấy sản phẩm. Đến nay, sản phẩm gốm Chu Ru đã được khá nhiều người biết đến, bởi du khách đến đây tham quan, và thấy được văn hóa bản địa của người Chu Ru thông qua những sản phẩm truyền thống này.
Khi gốm làm ra có nơi tiêu thụ, dần dần, người dân đã có thói quen làm gốm trở lại và làm thường xuyên hơn. Điều đáng mừng là thế hệ con cháu của các nghệ nhân lớn tuổi trong thôn Krăng Gọ 2 cũng đã bắt đầu quan tâm hơn đến nghề. Số người làm gốm trong thôn đã tăng lên, số lượng sản phẩm tăng và mẫu mã cũng đa dạng hơn. Nghề gốm gần như trở thành nghề tay trái, được người dân làm lúc rảnh rỗi và có cảm hứng. Bà Maly Nem - một trong những người phụ nữ lớn tuổi làm gốm thuần thục ở Krăng Gọ 2 thấy vui khi bây giờ, những cô con gái của bà đã bắt đầu dành thời gian và công sức nhiều hơn cho việc làm gốm, các anh con trai đã đi lên núi lấy đất phụ mẹ, mấy đứa cháu đi học về cũng mày mò tập làm.
Những lớp học nghề được mở ra cho các em nhỏ. Họa tiết trang trí có thể là con rắn, bông hoa,... hay những gì các em gặp trong cuộc sống. Tự nhiên, giản dị, xinh xắn.
|
Gốm mộc Chu Ru tham gia phiên chợ Nông sản hữu cơ để đến gần hơn với mọi người. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Đưa gốm lên phiên chợ hữu cơ
Lần đầu tiên xuất hiện trong một phiên chợ của những nhà nông trẻ và khách hàng chủ yếu cũng là người trẻ, gốm mộc Chu Ru thu hút được sự quan tâm và thích thú của nhiều người. Nguyễn Thị Thu Thủy - cô gái đưa gốm Chu Ru lên phiên chợ và trực tiếp giới thiệu giá trị của gốm với khách hàng chia sẻ rằng, cô khá bất ngờ khi nhiều bạn trẻ tỏ ra thích thú và số lượng gốm bán được trong phiên chợ nhiều hơn cô tưởng.
Điều đặc biệt của gốm mộc Chu Ru là tính độc nhất và không hoàn hảo, bởi mỗi sản phẩm mang cá tính riêng của người làm, và có khi ẩn sau những hoa văn là cả một câu chuyện. Hoa văn trang trí không cầu kỳ nhưng vẫn vô cùng tinh tế. Những sản phẩm đầu tay có thể méo mó, nhưng nhà thờ vẫn trả tiền để khuyến khích bà con giữ nghề. |
Nhìn cách Thủy say sưa khi nói về nguyên liệu, cách làm, cách nung gốm, dễ dàng nhận ra niềm đam mê đặc biệt của cô gái trẻ với gốm Chu Ru. “Chúng tôi gọi đó là gốm mộc Chu Ru, bởi ngoài đất, nước được nung trên lửa thì không có thêm bất cứ một nguyên liệu nào khác. Gốm được làm thủ công, nguyên liệu là đất sét thuần túy và nung bằng lửa củi rừng, cho nên sản phẩm gốm mộc rất có lợi cho sức khỏe, thân thiện với môi trường, độ bền cao và nét thẩm mỹ tinh tế. Nếu mình kết hợp rau sạch với gốm sạch thì sẽ tạo ra các món ăn hoàn toàn có lợi cho sức khỏe” - Thủy cho biết.
Đây không phải là lần đầu tiên Thủy đưa gốm mộc Chu Ru đến gần hơn với những người trẻ. Bởi trước đó, cô đã hỗ trợ Nhà thờ Ka Đơn lập ra trang Facebook Gốm mộc Chu Ru. Ở đó, Thủy chia sẻ những giá trị khác biệt của gốm Chu Ru, giới thiệu hình ảnh làm gốm của người dân hay cập nhật sản phẩm mới. Thủy tâm sự: Vì vẻ ngoài của gốm Chu Ru không hoàn hảo và bắt mắt, nên phải làm cho mọi người hiểu được thì họ mới biết quý giá trị của mỗi sản phẩm gốm.
Giá trị mà Thủy nhắc đến, chính là điều cô gửi gắm trong những lời giới thiệu về gốm Chu Ru đến với mọi người: “Nghệ thuật gốm của người Chu Ru chính là chân dung, tính cách của dân tộc Chu Ru. Tinh thần gốm Chu Ru là tinh thần người Chu Ru. Đó là tinh thần phóng khoáng, mạnh mẽ, cởi mở, thô nhám, mộc mạc, giản dị, tự nhiên; không cầu kỳ, tinh xảo, chải chuốt, tỉ mẩn kỹ lưỡng như gốm của các dân tộc khác. Nghệ thuật gốm đẹp ở chỗ “thật thà”, đôn hậu, không quá gò vào niêm luật, khuôn mẫu. Kỹ lưỡng quá, chính xác quá, phẳng nhẵn nuột nà gọn ghẽ quá thì không phải là bản tính của người Chu Ru, không phải là nghệ thuật Chu Ru không phải là gốm của người Chu Ru”.
VIỆT QUỲNH