Hành trình mùa xuân của đất nước gắn liền với những dấu mốc lịch sử quan trọng. Năm 2020 đánh dấu 4 cột mốc đó là: Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Bác Hồ kính yêu; 90 năm Ngày thành lập Đảng; 75 năm Cách mạng Tháng Tám và 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Hành trình mùa xuân của đất nước gắn liền với những dấu mốc lịch sử quan trọng. Năm 2020 đánh dấu 4 cột mốc đó là: Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Bác Hồ kính yêu; 90 năm Ngày thành lập Đảng; 75 năm Cách mạng Tháng Tám và 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
|
Chở tết ra đảo xa. Ảnh: K.Phúc |
Mùa xuân là mùa mở đầu cho một năm hứa hẹn bao khát vọng đang mở ra như một sự khởi đầu tốt đẹp theo chu kỳ thời gian và cả chu kỳ lịch sử nữa. Đó chính là những tiền đề đặt ra để kế tiếp và phát huy sức mạnh tiềm tàng của bốn nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Rực rỡ nhất, tươi sáng nhất, hào hùng nhất và thời đại Hồ Chí Minh đã kết tinh những tinh hoa tốt đẹp, bồi đắp thêm và phát huy cao độ bền vững làm bệ phóng cho một tương lai huy hoàng...
Có dịp chúng ta trở về với làng Sen quê Bác. Ôi, cái làng bình dị như bao làng quê Việt Nam khác cũng có cây đa, giếng nước, sân đình; cũng vẫn những làn điệu dân ca ân tình, ơn nghĩa chắt từ bão lụt mà vẫn ngọt ngào đằm thắm. Chính cái làng quê thơm ngát hương sen mùa hạ tháng 5 đó đã sinh ra một con người vĩ đại - Vị Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất Việt Nam Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Ta vẫn còn nghe tiếng khung cửi dệt vải, dệt bao tình cảm mến thương của người mẹ Hoàng Thị Loan đã nuôi dưỡng Người không chỉ bằng dòng sữa ngọt ngào của mẹ, mà còn bằng cả phù sa tình làng nghĩa nước, bằng cả trí tuệ dân gian đằm thắm nhân nghĩa. Từ cánh võng làng Sen năm tháng ấy, Bác đã lớn lên và ra đi trên một con tàu tìm đường cứu nước. Đó cũng chính là cánh võng thứ hai chung chiêng qua bao sóng gió đưa Người tiếp cận với những tri thức cách mạng đầu tiên, khởi đầu cho một hành trình “Đường cách mệnh” sắp tới. Tôi đã về quê Bác và bồi hồi rất lâu trước những nếp nhà tranh, vách đất được phục dựng lại. Vẫn cái giếng Cốc ngày nào, vẫn lò rèn xưa, vẫn những hàng cau thẳng vút, vẫn cây bưởi trĩu quả. Tất cả đều gợi lên bao kí ức ùa về. Sinh thời Bác Hồ là người rất yêu mùa xuân và thiên nhiên đồng quê thôn Việt. Trong những ngày gian khó ở Pác Bó, Bác vẫn chọn hang đá làm nhà, chọn phiến đá làm bàn để dịch sử Đảng bên suối Lênin và núi Các Mác. Về thủ đô, Người vẫn ở nếp nhà sàn lộng gió trông ra “ao cá Bác Hồ” trong khu vườn rợp nắng xanh cây và ríu rít tiếng chim. Sau những năm tháng bôn ba ở nước ngoài, về nước mùa xuân năm 1941 khi núi rừng trắng hoa mơ, đến cột mốc 108 vừa bước sang đất nước mình Người đã cúi xuống ôm hôn hòn đất Tổ quốc. Ôi hòn đất đã thấm máu bao anh hùng liệt sĩ, lập nên bao chiến công hiển hách, ghi tên bao địa danh lừng lẫy của: Hàm Tử, Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa... Ta vẫn còn nghe âm vang mùa xuân đại thắng quân Thanh của người anh hùng Quang Trung áo vải. Ta vẫn còn nghe tiếng hô “sát Thát” giết giặc Nguyên của anh hùng Trần Hưng Đạo. Ta vẫn còn nghe lời tuyên bố, tuyên ngôn của anh hùng Lý Thường Kiệt: “Sông núi nước Nam vua Nam ở”. Đất nước ấy mang hình chữ S mềm mại và quyết liệt. Đất nước ấy có nguồn gốc tổ tông con Rồng cháu Lạc. Từ bọc trứng Âu Cơ “đồng bào” sinh ra, đất nước ấy từ thời đại vua Hùng đến thời đại Hồ Chí Minh là cả một cuộc hành trình: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải có công giữ nước” như lời dặn dò của Bác Hồ với đại đoàn quân tiên phong trên đường về giải phóng Thủ đô...
Mùa xuân của đất nước gắn liền với một dấu mốc lịch sử quan trọng đó chính là ngày thành lập Đảng mà như một nhạc sĩ đã viết: “Đảng cho ta cả một mùa xuân”. Mùa xuân về, hoa đào đỏ thắm. Hoa đào tượng trưng cho sắc màu của tết cổ truyền dân tộc, đào đỏ và mai vàng. Và cũng chính 2 sắc màu tươi thắm này là sắc cờ đỏ sao vàng. Từ lá cờ đỏ búa liềm công nông đã phất lên trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, với tiếng trống liên hoàn âm thanh đã gắn kết mọi người dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Lần đầu tiên ba tiếng tên của một người yêu nước: Nguyễn Ái Quốc đã trở thành thiêng liêng quen thuộc như một niềm tin vẫy gọi, cái tên mang đầy sức sống cả bầu nhiệt huyết lớn lao. Đảng như là một biểu tượng, một hiện thân một giá trị nhân văn cao cả. Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn đã có ca khúc rất hay: “Đảng là cuộc sống của tôi” với lời ca giản dị mà lan tỏa như trở thành một châm ngôn sống, một chiêm nghiệm sống, một hành động sống: “Đảng của tôi ơi, mãi mãi đi theo người” vì “Đảng đã cho tôi lẽ sống niềm tin”. Từ mùa xuân 1930 thành lập Đảng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ, dân tộc ta đã làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám thần kì. Đó là những con người ưu tú nhất biểu trưng cho sức mạnh của toàn dân. Những người luôn đi đầu ngọn sóng ngọn gió từ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đến phong trào đấu tranh dân chủ 1936 - 1939. Đó là những cuộc tập dượt đầu tiên đến cao trào Cách mạng Tháng Tám. Từ đó đất nước ta có hai mùa thu: mùa thu thiên nhiên và mùa thu cách mạng. Hành trình cách mạng gắn với hình trình hoạt động của Người với bao khát vọng lớn lao. Đó cũng là hành trình mùa xuân của đất nước. Đó cũng chính là hành trình của những con người ưu tú đang tuổi sức xuân cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình. Một Lý Tự Trọng trước giờ lên máy chém đã khẳng định: “Con đường của thanh niên là con đường cách mạng, không con đường nào khác”. Một Võ Thị Sáu trên đường ra pháp trường vẫn cài lên mái tóc mình bông hoa lê ki ma. Ôi, bông hoa của miền đất đỏ biểu trưng cho sự sống, sức sống cho cả một niềm khát vọng tương lai sau này. Một anh hùng Lê Mã Lương: “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”. Trong đội ngũ điệp trùng phơi phới sức xuân ấy luôn có hình ảnh của Bác “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”. Hành quân qua bao dốc núi, qua bao vực thẳm, qua bao cánh rừng sốt rét để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu và đặc biệt là đại thắng mùa xuân năm 1975 với âm vang nhịp hành khúc “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Vâng, ngày vui thống nhất đất nước đã trải qua một hành trình với bao sự hy sinh, đồng hành cùng: “Lớp cha trước, lớp con sau/ Đã thành đồng chí chung câu quân hành” (Tố Hữu). Trong rừng cờ hoa đỏ xuống đường, trong nắng vàng mật ong, nổi bật lên hình ảnh Bác Hồ với chòm râu bạc phơ và vầng trán rộng, với đôi mắt tinh anh hiền hậu hòa cùng đoàn quân trong điệp khúc: “Việt Nam - Hồ Chí Minh”. Chiến dịch giải phóng mang tên Người, thành phố mang tên Người và thời đại Hồ Chí Minh mở ra bao trang sử mới.
Hành trình khát vọng mùa xuân là hành trình hướng tới tương lai với bao điều mới mẻ. Cái mới rộn ràng đang đổi thay từng ngày trên khắp đất nước. Bao công trình mới mọc lên từ một nền móng vững bền của trầm tích lịch sử. Không chỉ là nền móng kinh tế mà cả nền móng văn hóa xây dựng cuộc sống mới từ những con người mới. Đó là những con người của tri thức khoa học có lòng yêu nước nồng nàn và sâu thẳm trong tâm hồn là vẻ đẹp phẩm chất của cội nguồn văn hóa dân tộc. Những năm gần đây, chúng ta được nghe một cụm từ quen thuộc “Nông thôn mới”. Cái mới cũng đồng nghĩa với mùa xuân, mùa mở đầu cho chu kỳ một năm. Nông thôn mới đã thay đổi nhanh chóng bộ mặt của xóm làng. Từ những con đường rộng rãi được tô điểm thêm của những rặng cây, rặng hoa tăm tắp dẫn vào bao lối ngõ như có cảm giác mùa xuân đang tươi non ùa về cả trong lòng mỗi người hân hoan. Nông thôn mới đã thay đổi cả cách nghĩ nếp làm. Cánh đồng thẳng cánh cò bay ngút ngàn một mùa vàng ấm no sẫm hạt của lúa. Những dòng kênh mương thủy lợi dẫn nước, dòng nước cội nguồn đã nuôi, đã khơi dậy sức mạnh tiềm ẩn. Và hội làng đã trở về trong tiếng trống náo nức, trong phấp phới những lá cờ hội, trong ánh mắt mẹ già trẻ lại. Những mái chùa làng ngàn năm được trùng tu, xây dựng lại nghiêng xuống bóng làng nơi hội tụ những tình cảm tâm linh hướng thiện. Làm điều thiện cho cái đẹp nảy sinh. Lễ hội làng cũng bắt đầu từ mùa xuân, bắt đầu từ niềm tin hướng về tương lai với bao dự định mới mẻ và tốt đẹp. Từ đồng đất phù sa đến mùa màng bội thu luôn là sự gieo trồng, là sự sinh sôi nảy nở để gặt hái một mùa nhân nghĩa ân tình. Sự đổi thay nông thôn mới thật kỳ lạ như phép màu của xuân. Phép màu kỳ lạ còn đến với những công trình với ánh lửa hàn chấp chới, chấp chới như sao sa, chấp chới ánh hào quang rạo rực, chấp chới cả những ánh mắt nụ cười của tuổi trẻ, sức trẻ. Sức trẻ của màu áo lính biên phòng đến với những bản làng heo hút không chỉ bảo vệ từng tấc đất Tổ quốc mà còn mang cả ánh sáng văn hóa xua đi cái lạnh lẽo buốt giá của những ngày cuối đông chuẩn bị đâm chồi nảy lộc cho một mùa xuân mới. Hành trình đó còn là sức trẻ cho những con tàu băng băng biển khơi canh giữ biển trời Tổ quốc. Sức trẻ trên những hòn đảo mang tên Sơn Ca, mang tên Sinh Tồn như hòa âm khúc ca: “Nơi anh đến là biển xa/ Nơi anh tới ngoài đảo xa/ Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà”. Lại nhớ hình ảnh người thủy thủ năm xưa ra đi tìm đường cứu nước từ bến Nhà Rồng. Người thuyền trưởng tài ba đó đã chèo lái con đường cách mạng của dân tộc qua bao sóng gió để hôm nay trên hành trình mùa xuân chúng ta bước tiếp hành trình “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Mùa xuân đã về trên những búp bàng non trên những tán cây Phong Ba, Bão Táp. Những chồi xuân cứng cáp đã vượt qua bao thử thách. Mùa xuân đã về với những người lính đảo khi nhìn lên bầu trời cao rộng những đàn chim qua đông trú rét trở lại. Cánh chim hải âu liệng chao như viết tiếp khúc ca mùa xuân, khúc ca của tình yêu tuổi trẻ, khúc ca của khát vọng tương lai đang mở ra. Và cánh én mùa xuân đã chao mình trên cánh đồng lúa như những thông điệp bao tin vui. Và xa kia, những cánh bay mang thương hiệu Việt Nam: Bông sen quê Bác từ đường băng lịch sử hào hùng, từ bệ phóng của niềm tin đã cất cánh đến với mọi miền đất nước, đến với bạn bè năm châu. Mùa xuân đã khởi đầu từ đó..!
Tùy bút: NGUYỄN NGỌC PHÚ