Mùa xuân còn mãi
Tháng bảy vừa rồi, tôi có lên thăm một người bạn ở Đà Lạt. Đúng vào ngày rằm, anh rủ tôi ra xem lễ hội Đình Nghệ Tĩnh.
|
Minh họa: Phan Nhân |
Lễ hội diễn ra thật sôi nổi đông vui. Tan cuộc, mọi người ra về, nhưng một cụ già, tóc trắng như cước vẫn còn đi đi lại lại khu vực sân đình rồi vòng ra sau đình. Tôi vốn tò mò, đến hỏi, đã quá giờ rồi sao cụ chưa về? Cụ nhìn tôi một lát rồi nói nhỏ, gia đình và cụ có nhiều kỷ niệm với ngôi đình này, với cả bà con cô bác ấp Nghệ Tĩnh và Đà Lạt nữa.
Thấy câu chuyện có vẻ hấp dẫn, tôi mạnh dạn đề nghị cụ kể cho nghe về ngôi đình và gia đình cụ. Cụ lại hỏi tôi:
- Anh phải người Đà Lạt không?... Không à. Ừ, thì tôi kể.
* * *
Ấy là vào lúc mười giờ sáng ngày 10 tháng 2 năm 1945, ông bà Thiện vừa ở vườn rau trở về nhà. Mới bước vào sân vài phút thì một tốp lính Tây hơn chục người, tay lăm lăm súng, tên chỉ huy nói để phiên dịch nói lại:
- Thằng Nguyễn Võ An, con trai ông làm việc ở đồn điền cao su Phú Riềng đã cầm đầu đám nổi loạn, đánh chết một đốc công người Pháp, nó trốn về nhà, gọi nó ra mau.
Ông Thiện phân bua là con trai không về nhà, việc nó nổi loạn như thế nào, ông không biết.
Bọn lính chia nhau lùng sục khắp nhà không thấy người nào, tên chỉ huy ra lệnh bắt ông Thiện. Bà Thiện kêu khóc chạy theo, bị một tên lính thúc báng súng trường vào ngực thật mạnh, bà ngã xuống ngất đi. Lúc ấy, con dâu cả của bà, bụng chửa vượt mặt từ ngoài phố về, hô hoán nhờ bà con trong ấp đến cứu mẹ chồng...
Giữa năm 1927, vợ chồng anh Thiện cùng một số gia đình ở Nghệ An vào Đà Lạt lập nghiệp. Lúc ấy, vợ chồng anh mới có hai con. Đứa con trai hai tuổi. Các gia đình lấy nghề trồng rau là chính.
Thời gian như bóng chim qua cửa sổ, thoắt đấy mà thằng An đã 19 tuổi, ông bà Thiện còn sinh thêm hai trai, hai gái nữa. Chưa đầy hai mươi tuổi, An đã lấy vợ. Cưới được hai tháng, nghe bạn bè rủ rê vào Phú Riềng làm công nhân cao su, anh xin phép bố mẹ và bàn với vợ để anh đi thử một thời gian xem sao. Được bố mẹ và vợ đồng ý, An hăm hở ra đi. Được sáu tháng thì xảy ra chuyện lính Tây đến nhà tra hỏi và bắt bố anh. Bà Thiện bị cú đánh mạnh, ho ra máu, chữa chạy mấy tháng trời, lúc gượng dậy được thì con dâu sinh con trai. Mừng vui đấy mà cũng lo lắng bởi không biết ông Thiện và An ra sao. Bà nhờ bà con trong ấp nghe ngóng. Có tin đồn ông Thiện bị Pháp đày ra Côn Đảo, bởi không bắt được con thì bố phải chịu tội thay. Luật của thực dân xâm lược là vậy. Còn An thì trốn theo Việt Minh.
Cách mạng tháng Tám nổ ra, Nhân dân cả nước sôi sục đứng lên theo Việt Minh đuổi Pháp giành độc lập. Tại Đà Lạt, bà con ấp Nghệ Tĩnh từ già đến trẻ cùng với nhân dân các ấp Tân Lạc, Xuân An, Trường Xuân, Nam Hồ, Nam Thiên, Hà Đông... hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Dân tộc giải phóng nổi dậy giành chính quyền vào ngày 23 tháng 8 năm 1945.
Gia đình bà Thiện vui mừng vì từ nay hết áp bức bóc lột và đêm ngày lại mong ngóng chồng, con trở về. Nhưng vẫn không một tin tức gì, đã vậy, cuối tháng 9, giặc Pháp lại gây chiến ở Nam Bộ. Tổ chức đảng ở Đà Lạt hướng dẫn Nhân dân chuẩn bị tinh thần kháng chiến lâu dài. Các tổ chức rút vào hoạt động bí mật. Một số cán bộ trung kiên được phân công hoạt động bán công khai...
Đêm 30 tháng 12 năm 1946 âm lịch, khoảng 22 giờ, có tiếng gõ cửa. Bà Thiện cùng con dâu nghe rõ tiếng người quen, đã mở cửa thì đó là anh Dân, người cùng ấp đã rủ con trai bà đi Phú Riềng. Anh Dân hơn An 8 tuổi, anh nói với bà Thiện và vợ An, đại ý là: Ở Phú Riềng có rất nhiều công nhân là người Nghệ - Tĩnh, ở đó, anh em đoàn kết giúp đỡ nhau. Có tổ chức Đảng dìu dắt, mọi người đã đấu tranh với bọn chủ Tây hà khắc với công nhân như đánh đập, cắt cơm. Một lần, bữa cơm trưa mới bắt đầu, chúng lấy cớ hạch sách anh em rằng làm đổ mủ cao su ra đất nhiều quá. Mọi người thanh minh, chúng không nghe, dùng gậy đập vào chân, vào lưng. An bị một tên đánh vào đầu, rất may, chỉ rách da trán, máu chảy. Anh vác thanh củi bổ thẳng vào mặt tên đốc công rồi bỏ chạy vào rừng. Bọn chúng lồng lộn khi tên đốc công chết, đã gọi thêm lính đến đàn áp công nhân. Mạnh ai nấy chạy. Dân cũng chạy thoát.
- Thế hơn năm nay, anh ở đâu, làm gì?
- Cháu ở Buôn Mê Thuột. Cũng đi làm thuê, nhưng hoạt động trong tổ chức Đảng. Nay cháu được giới thiệu về Đà Lạt tham gia trong tổ chức kháng chiến. Rất tiếc là cháu không biết tin tức của An. Hôm nay cháu đến đây là theo ý kiến của tổ chức, muốn nhờ bác và vợ chú An giúp đỡ.
- Giúp được gì cho kháng chiến, tôi sẵn lòng - bà Thiện đáp.
Theo chỉ dẫn của Dân, bà Thiện và vợ An hàng ngày ra ruộng rau, hoặc đi chợ, gặp bà con cùng ấp tuyên truyền, vận động mọi người ủng hộ gạo, tiền, thuốc men cho kháng chiến. Sẽ có người của ta đến nhận những thứ này. Cứ theo lịch thì mười ngày một lần, đem ra đình. Chỗ ấy tuy đông người qua lại, nhưng là chỗ an toàn nhất, quân địch không nghi ngờ.
Cuối năm 1953, đầu năm 1954, quân ta đồng loạt tổng phản công trên bình diện toàn quốc và kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ. Rất tiếc, người Mỹ và bè lũ Ngô Đình Diệm ra sức phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, chia cắt nước ta làm hai miền. Gia đình bà Thiện, mười năm không nhận được tin gì về ông Thiện và anh An. Họ nghĩ cả hai chắc đã chết rồi. Gia đình lại cùng với Nhân dân Đà Lạt tiếp tục hai mươi năm đổ máu xương để có đại thắng mùa xuân 1975, thống nhất Tổ quốc. Rất tiếc là, bà Thiện không được chứng kiến ngày vui đó. Bà ra đi vào cuối năm 1973, ở tuổi 72. Thằng cháu đích tôn của bà, là tiểu đoàn trưởng quân giải phóng. Tên anh là Toàn. Toàn đã bỏ công dò la tin tức ông nội và bố hơn chục năm rồi nhưng không còn hy vọng.
Rằm tháng bảy hàng năm, dân ấp Nghệ Tĩnh vẫn tổ chức tế lễ ở đình, cầu cho quốc thái dân an, cầu cho các anh linh liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc. Lễ rằm tháng bảy năm 1975 đông vui. Trời hôm ấy thật đẹp, đang giữa mùa mưa nhưng nắng rực rỡ, mây trắng từng khối trắng như đụn bông rủ nhau lang thang trên trời. Đình Nghệ Tĩnh đông chật người. Không ai để ý đến một người đàn ông cao lớn, tuổi ngoài năm mươi, tóc hoa râm cố len lỏi trong đám đông, đi đến dãy bàn dành cho khách mời. Có người đàn bà, tóc bạc gần hết chăm chú nhìn ông, không để ý gì đến lễ, hội của đình. Lễ hội tan, bà đứng lại, nhìn người đàn ông một lát rồi đi đến gần, chú mục rồi hét lên:
- Ông An... có phải là ông An không...?
Người đàn ông đang ngỡ ngàng thì bà òa khóc ôm chầm lấy ông, nức nở: - Em đây, Hậu đây, vợ của anh đây.
Ngay chiều ấy, dân trong khu phố Nghệ Tĩnh từng tốp người kéo đến thăm hỏi. Và rồi mọi người vỡ ra rằng: Anh An bỏ chạy vào rừng theo Việt Minh, sau đó vào Vệ quốc đoàn. Đánh xong Pháp được lệnh tập kết. Hơn ba mươi năm để vợ, con, mẹ chờ đợi, còn ông thì không nguôi thương nhớ. Sau 30 tháng 4 năm 1975, ông chỉ huy đánh đuổi Phun-rô trên Đắk Lắk. Mãi đến bây giờ, sau hơn mấy tháng thống nhất đất nước, ông mới gặp lại vợ con. Vợ ông, bà Hậu, tuổi mới hơn năm mươi mà tóc đã bạc gần hết mái đầu vì nhung nhớ và chờ mong.
Không được tin gì về bố mình, nhưng cái an ủi ông An là mẹ ông, vợ ông được nhận Huân chương Kháng chiến, con ông là tiểu đoàn trưởng, còn ông - Đại tá, sư trưởng, chuyến này về Đà Lạt thăm vợ con, gia đình, làng xóm rồi lại tiếp tục lên đường, bởi biên giới phía Bắc đang căng thẳng...
* * *
Cụ kể xong câu chuyện, nói với tôi:
- Chuyện gia đình tôi đấy anh bạn ạ. An, là tôi đây. Thế mà đã sống ở trên đời hơn chín mươi năm rồi. Bà lão nhà tôi ấy à, bà ra đi vào cuối thế kỷ hai mươi, cũng được 73, 74 tuổi gì ấy. Con trai tôi à, nó 70 rồi, đại tá nghỉ hưu, con trai nó là thuyền trưởng tàu Hải quân, cháu nội nó, bộ đội ở Trường Sa... Ấy ấy, cậu đừng khen gia đình tôi, bởi đất nước có giặc, ai cũng phải có nghĩa vụ bảo vệ thôi mà. Chỉ tiếc là... nhiều trai trẻ ra trận ở tuổi 19, 20 không trở về. Nhưng với Tổ quốc, với Nhân dân, họ còn sống mãi, phải không, anh bạn trẻ?
Tôi nhìn lên, trời Đà Lạt xanh trong và mây trắng. Tôi nhìn ông, như thể mây trắng đậu vào mái tóc bồng bềnh...
Truyện ngắn: NGUYỄN THANH HƯƠNG