Phương Lan là một phụ nữ xinh đẹp, tuổi ngoài ba mươi. Do mắc căn bệnh tim mạch nên cô luôn đắn đo trong chuyện chồng con...
Phương Lan là một phụ nữ xinh đẹp, tuổi ngoài ba mươi. Do mắc căn bệnh tim mạch nên cô luôn đắn đo trong chuyện chồng con. Cô không muốn người khắc phải vướng bận vào cuộc đời mình. Ngay như chuyện nghề nghiệp cũng vậy. Học xong đại học ngoại ngữ, tốt nghiệp loại ưu nhưng cô không hề xin việc ở bất cứ nơi nào. Cô e sẽ trở thành gánh nặng cho cơ quan. Vì thế cô đã mở một lớp Anh ngữ tại nhà riêng - một căn hộ trên tầng hai của khu chung cư. Thành phố đang vào thời mở cửa nên ngoại ngữ trở thành một nhu cầu cấp thiết. Lớp học của cô thu hút một số lượng học sinh khá đông. Họ là những sinh viên, cán bộ, những doanh nhân, thậm chí có cả những người buôn bán nhỏ hoặc người chuẩn bị đi lao động nước ngoài. Phương Lan dạy giỏi, tính tình lại nhã nhặn nên càng ngày lớp học càng có tiếng tăm. Vì vậy, cuộc sống của cô không đến nỗi quá buồn. Cô cảm thấy phận mình tuy không được may mắn nhưng cũng thật có ích. Duy chỉ có một điều làm cho cô khó chịu là luôn gặp phải những cái nhìn soi mói và những lời dèm pha về đời riêng của mình. Sau lưng cô, những kẻ thiếu thiện tâm thường mang cái tuổi ba lăm mà vẫn phòng không của cô để đàm tiếu. Người cảm thông thì tỏ ra thương hại, kẻ ác ý thì quả quyết rằng do quá kiêu căng, đạo mạo nên cô chịu phận ế chồng như vậy cũng đáng đời. Những kẻ dèm pha cô không phải ai xa lạ mà chính ở ngay trong lớp học do cô dạy. Đặc biệt là vào những ngày kỷ niệm chung của cộng đồng, khi mà những cô gái trẻ trong lớp học mặt mày vui tươi hãnh diện nhận những bó hoa tươi từ tay các bạn trai. Những lúc ấy họ thường ra vẻ thích thú đưa mắt cho nhau như ngầm bảo rằng “Kìa! Bà giáo khốn khổ của chúng ta chưa bao giờ có được cái vinh dự ấy đâu nhé!”.
|
Minh họa: Phan Nhân |
Thực ra cô không buồn về chuyện đó. Vì cô đã tự chọn cho mình một con đường riêng. Nhưng dù sao cô cũng chỉ là một phụ nữ yếu đuối và đa cảm. Trái tim mỏng manh bé nhỏ của cô rất dễ bị tổn thương. Những lời lẽ bất nhã, thô thiển của những kẻ rỗi hơi làm cho cô không tránh khỏi ưu phiền. Cô chưa bao giờ thanh minh hoặc giải thích về chuyện này. Tuy nhiên, cô vẫn thầm tự nhủ sẽ phải tìm mọi cách để rũ bỏ những nội bực dọc, phiền toái ấy.
Ngày sinh nhật của Phương Lan năm ấy. Lớp Anh ngữ ngầm xôn xao về một hiện tượng khác thường: ngay trên bàn làm việc của cô giáo đặt một lẵng hoa rất đẹp. Cái băng giấy đề tặng hơi lộ ra ngoài. Mấy học viên thuộc loại đa sự xúm lại quanh lẵng hoa. Họ thi nhau khen hoa đẹp, nhưng sự thực là muốn tò mò xem ai là người đã tặng lẵng hoa nọ cho bà giáo muộn tình của mình. Mấy dòng chữ rất đẹp ghi trên băng giấy: “Thân yêu tặng Phương Lan. Người gửi: Tiến sĩ tin học Nguyễn Mạnh Cường. Trường Đại học... thành phố Hồ Chí Minh”.
Mấy dòng chữ trên băng giấy làm cho đám người chùng xuống. Thoáng một vài ánh mắt ganh tị. Nghe lời chúc mừng gượng gạo của ai đó, cô cũng nửa kín, nửa hở cho họ biết người tặng hoa chính là vị hôn phu của cô.
Không khí lớp học ắng lặng hơn mọi ngày. Có cả những vẻ mặt lộ vẻ cay cú. Đúng thế! Một cử nhân Anh ngữ không thể nói không xinh đẹp và một tiến sĩ tin học, quả là xứng đôi vừa lứa. Một hạnh phúc vẹn toàn, ở tầm cao, trên đời này đã mấy ai có được. Trong những ánh mắt đố kị, cô đã từ một cô bé lọ lem bỗng biến thành nàng công chúa sánh vai cùng chàng hoàng tử.
Tất cả đều đúng là như vậy. Chỉ có một điều không ai được biết: mọi chuyện chỉ là một trò chơi mạo danh của cô. Trước hôm sinh nhật, cô vô tình nhìn thấy trong tờ tạp chí tin học một cái tên tác giả ghi dưới một bài viết: tiến sĩ Nguyễn Mạnh Cường... Một ý nghĩ độc nhất vô nhị chợt nẩy ra trong đầu cô. Phương Lan lặng lẽ ra bưu điện, nơi chuyên phục vụ điện hoa.
Quả là cái lẵng hoa đầy tính “hư cấu” ấy đã hù dọa được những cái miệng lắm lời. Cô cảm thấy lòng nhẹ nhõm. Vì ít nhất là trong ngày hôm nay và những ngày tới vành tai cô không khỏi nóng ran lên bởi những cái nhìn thọc mạch.
Hơn một tháng sau. Buổi sáng ngày 8/3, phòng Phương Lan có tiếng gõ cửa.
Anh nhân viên bưu điện lần trước lại xuất hiện bên khung cửa cùng với một lẵng hoa.
- Thưa, quí khách có điện hoa.
Cô sững sờ kinh ngạc, suýt nữa thì buông ra một câu vô lý: “Nhưng lần này tôi có đặt điện hoa đâu”.
Nhân viên bưu điện đưa phiếu cho cô ký nhận. Cũng như lần trước, anh nhanh nhẹn đặt lẵng hoa vào bàn rồi lễ phép cáo lui.
Phương Lan sửng sốt nhìn băng giấy ghi tên và địa chỉ người gửi. Vẫn là tiến sĩ Nguyễn Mạnh Cường. Hai lẵng hoa đều do một người gửi. Chỉ có điều khác nhau là lẵng hoa lần trước do cô “sáng tác” ra. Còn lẵng hoa lần này? Cô cố nghĩ mà không sao hiểu nổi. Cô tưởng mình đang nằm mơ. Nhưng tất cả đã hiện sờ sờ trước mắt. Cô ngớ ngẩn nhìn lẵng hoa “từ trên trời rơi xuống” lòng chợt vui, chợt buồn. Trong cô như le lói một linh cảm gì đó. Cũng có thể người tặng hoa chính là chàng tiến sĩ nọ. Ở đời đã từng có nhiều chuyện phi lô gích nhưng cuối cùng lại diễn ra một cách hợp lý. Tuy nhiên, ý nghĩ của cô vẫn mang tính ảo hơn tính thực tế. Cô khẽ nhún vai và cười một cách mơ hồ: thì hãy cứ coi đây là một câu chuyện huyền thoại hoặc một kiệt tác của một nhà văn theo chủ nghĩa lãng mạn. Lẵng hoa đỏ rực trước mặt làm lòng cô ấm lại.
Học viên lớp Anh ngữ của Phương Lan một lần nữa lại trầm trồ khen ngợi lẵng hoa của ông tiến sĩ Nguyễn Mạnh Cường. Những lời xì xèo to nhỏ về sự muộn mằn của cô bớt hẳn. Vốn là người lạc quan và hơi ương bướng, cô đã gạt mọi nỗi nghi ngờ về lẵng hoa bí hiểm để có thể thanh thản thừa hưởng những hiệu quả thực tế do nó đem lại.
- Bao giờ cho chúng tôi ăn kẹo đấy cô giáo ơi? - Một học viên ra vẻ quan tâm.
Cô đã không hề ngần ngại khi trả lời một cách vô tư:
- Còn phải chờ đã. Tôi cũng còn nhiều việc cần phải hoàn thành.
Cô đã trở nên “bình đẳng” với những người đang hạnh phúc. Cô vô cùng hài lòng về điều đó.
Thật kỳ lạ. Khoảng một tháng sau, anh nhân viên bưu điện lại mang đến một lẵng hoa y như hai lần trước. Cô lại ký nhận. Lẵng hoa lại được đặt vào chỗ cũ. Lần này cô đã bớt ngạc nhiên hơn. Cũng bởi vì không còn cách nào khác, cô đành để tâm hồn mình trong trạng thái rơi tự do. Sự thật thì cũng chẳng có điều gì phương hại. Lẵng hoa thật đẹp, hương thơm dìu dịu lan tỏa khắp căn phòng như thầm mách bảo về một tấm lòng chân thật, đầy chất thơ của một con người vô hình nào đó. Những lẵng hoa không những có thể giúp cô rũ sạch được nỗi ưu phiền bởi thói thêu dệt xấu xa của người đời mà còn làm cho trái tim vốn đau yếu của cô trở nên nhẹ nhõm.
* * *
Những tháng sau đó những lẵng hoa vẫn được nhân viên điện hoa mang đến căn phòng xinh xắn của Phương Lan. Cái tên Nguyễn Mạnh Cường đối với cô dần dần đã trở nên thân thiết, tuy chỉ ở trong tâm tưởng. Cô không chối cãi là đã có nhiều đêm thao thức vì cái tên đầy bí ẩn ấy. Cũng không ít lần cô thầm đoán tuổi anh. Và cô đỏ bừng mặt khi đem cái tuổi ba lăm của mình ra để so sánh. Đã đôi lần cô định liều viết một lá thư gửi về trường đại học cho tiến sĩ Nguyễn Mạnh Cường để ngỏ lời cảm ơn nhưng nghĩ đi nghĩ lại cô cảm thấy làm vậy không phù hợp với hoàn cảnh của cô trong lúc này. Cuối cùng, cô tự nhủ hãy cứ bình thản và vô tư nhận những lẵng hoa kia, như là một sự ngầm thi gan với kẻ nào đó cố tình không xuất đầu lộ diện...
... Cuối năm ấy, Phương Lan có công việc cần phải vào thành phố Hồ Chí Minh.Hôm chuẩn bị ra Bắc, bỗng có điều gì như thúc giục khiến cô không thể không đến trường đại học để tìm chàng tiến sĩ. Không phải cô tin vào sự linh ứng hoặc một phép mầu trong cổ tích. Hơn nữa cô cũng chẳng dám hi vọng gì ở cái số phận vốn chứa chất nhiều hẩm hiu của mình. Đến đó cô chỉ muốn ngỏ một lời cảm ơn và cũng để nói rằng từ nay xin anh đừng phải bận tâm gửi cho cô những lẵng hoa như vậy nữa. Cô nghĩ, cái trò chơi định mệnh ấy cũng nên đến hồi kết thúc.
Cái trường đại học lớn và chàng tiến sĩ vốn rất nổi danh ấy không đến nỗi quá khó tìm. Cô đã hình dung khá chính xác diện mạo của chàng: trên bốn mươi tuổi, trắng trẻo, cặp kính trắng thường trực.
Không hiểu bởi quá mừng vui hay quá xúc động mà vừa mới gặp anh, Phương Lan đã hấp tấp một cách hớ hênh:
- Em là Phương Lan, ở thành phố Nghĩa Đô vào.
Chàng tiến sĩ ngơ ngác:
- Phương Lan... nhưng xin lỗi... tôi... tôi...
Thái độ của chàng tiến sĩ làm cô đỏ mặt. Nhưng như người đâm lao phải theo lao, cô vội vàng giải thích:
- Em là người mà tháng nào cũng được anh gửi tặng một lẵng hoa. Em... em...
Chàng tiến sĩ lại càng ngơ ngác hơn:
- Ở Nghĩa Đô? Thế thì có lẽ cô nhầm rồi. Tôi có gửi hoa cho ai ở Nghĩa Đô bao giờ đâu.
Cô lặng đi, nhìn con người sang trọng trước mặt mình bằng một vẻ dò xét:
- Sao... lại như... thế được... Tất cả những lẵng hoa đều ghi tên và địa chỉ của anh cơ mà.
- Có thể cô đã nhầm với ai chăng?
Phương Lan ngồi đờ người như pho tượng. Lòng rối bời. Anh ta nói thật hay không muốn nhận khi thấy mình không còn trẻ, lại nhếch nhác, xộc xệch?
Chừng như nhận ra vẻ quá tuyệt vọng trên nét mặt cô, chàng tiến sĩ động lòng trắc ẩn:
- Cô thử nhớ lại xem. Tôi là Nguyễn Mạnh Cường, giảng viên khoa Tin học của trường này. Có thể có một người nào đó cũng gần giống như thế chăng?
Mặt Phương Lan tái xanh. Trái tim vốn mang bệnh của cô quằn quại. Cô khẽ ôm ngực.
Chợt chàng tiến sĩ như nhớ ra điều gì. Anh vỗ vỗ vào cái trán rộng, cố moi trong bộ não đầy vẻ đãng trí bác học của mình một chuyện vặt vãnh nào đó mà anh đã đào thải khỏi bộ nhớ từ lâu rồi. Một lát, anh lên tiếng:
- À! Đúng rồi! Cách đây một năm gì đó, tôi có nhận được một cú phôn. Người ở đầu dây bên kia có nhắc đến cái tên Phương Lan. Đúng thế! Anh ta bảo rằng tôi nên gửi cho cô những lẵng hoa. Với nhiều lý do lắm. Bây giờ thì tôi không thể nhớ cụ thể nữa. Hình như là một nội dung từ thiện hay hòa điệu cộng đồng gì đó. Thật là nực cười. Tôi liền bảo với anh ta rằng tôi là nhà khoa học. Tôi tư duy lô gích chứ không phải kiểu mơ mộng của các văn nghệ sĩ và đề nghị anh ta đừng lôi tôi vào những trò ú tim vớ vẩn. Những điều tôi vừa cung cấp có thể cũng là một đầu mối cho cuộc kiếm tìm của cô chăng.
Cô không trả lời chàng tiến sĩ, đứng dậy bước ra cửa như một kẻ mất hồn.
Cô ngủ dài mấy ngày trên chuyến tàu ra Bắc. Nói đúng hơn là trái tim vốn yếu đuối và chất nặng nỗi đau của cô đã ngủ lịm trong vô vọng.
* * *
Trong một năm qua, căn bệnh tim mạch của Phương Lan đang có những dấu hiệu thuyên giảm, giờ đây bỗng suy sụp trở lại. Kể từ ngày ở trong Nam ra suốt ngày cô đóng cửa im ỉm.
Sang ngày thứ ba, anh nhân viên bưu điện chợt xuất hiện. Vẫn dáng vẻ ân cần, anh đặt lẵng hoa lên bàn và mời cô ký nhận.
Cô cau có:
- Anh cho tôi biết ai đã điện hoa gửi tặng cho tôi?
Anh hơi lùi lại một bước rồi vui vẻ:
- Thưa quý khách, người gửi là tiến sĩ Nguyễn Mạnh Cường, trường đại học...
- Thôi đi! - Cô hét lên! - Anh ném lẵng hoa này vào thùng rác cho tôi!
Nhìn vẻ mặt lúng túng hơi nhợt đi của anh nhân viên bưu điện, cô hiểu rằng mình đã quá vô lý. Anh ta chỉ là một người thi hành nhiệm vụ theo chức phận của mình chứ đâu phải là người để cô trút căm giận.
Cô dịu giọng:
- Xin lỗi anh! Mong anh bỏ qua... Chỉ vì tôi quá đau đớn trước thói đời...
- Không sao chị ạ. Nghề của chúng tôi... cũng đã từng gặp những chuyện tương tự... Những bó hoa nhiều khi không đúng chỗ...
Bỗng dưng Phương Lan khóc tức tưởi làm anh nhân viên bưu điện luống cuống. Một lúc, anh cảm thấy cần ngồi xuống bên cô.
- Chị... không nên... Cần phải... cứng rắn...
Cô gạt nước mắt:
- Không sao! Không sao!... Xin lỗi anh vì tôi đã quá yếu đuối. Chỉ vì tôi đã biết rõ chẳng có ông tiến sĩ nào gửi hoa cho tôi cả. Tôi đã vào tận cái trường đại học và gặp cái ông tiến sĩ Nguyễn Mạnh Cường danh giá nọ. Con người thật giả dối! Những lẵng hoa giả dối!
Hình như bức màn bí mật đã được vén lên. Anh nhân viên bưu điện nén một tiếng thở dài. Cái nhìn của anh như người mắc lỗi. Nhưng rồi anh đã nói với cô một câu mà thông thường không phải là lời lẽ của nhân viên bưu điện:
- Tôi đồng ý với chị là con người có thể có những kẻ giả dối nhưng những lẵng hoa thì bao giờ cũng thành thật.
Cô nói bằng một giọng đầy cay đắng:
- Nhưng những lẵng hoa này cũng từ những con người giả dối mà có. Tôi không cần! Tôi không cần!
- Chị nên bình tĩnh lại. Nếu không, bệnh tim của chị sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ.
Câu nói của anh làm cô ngạc nhiên.
- Anh biết... sao anh biết... căn bệnh của tôi?
Anh nở nụ cười rất dịu dàng và thân thiện:
- Chị không biết tôi đấy thôi. Nhưng tôi thì biết chị rất rõ. Nhà tôi ở tầng một. Mỗi lần xuống cầu thang đi ra ngoài, chị phải đi qua cửa nhà tôi.
Phương Lan sững sờ nhìn anh nhân viên bưu điện một cách kỹ hơn. Hình như trông anh cũng có vẻ quen quen. Có thể do cách ăn mặc khác đi của anh làm cô không nhận ra. À! Mà cô nhớ ra rồi. Đúng là ở tầng dưới có một người đàn ông góa vợ làm nghề bưu điện. Chả đã có một lần ông tổ trưởng khu chung cư muốn gán ghép cô với người đàn ông nọ và đã bị cô cự cho một mẻ ra trò.
Sực nhớ tới ông tiến sĩ nói về cuộc điện thoại, cô quay sang anh gay gắt:
- Có phải chính anh là người đã điện cho cái ông tiến sĩ ấy?
Anh hơi cúi đầu:
- Điều ấy bây giờ không còn quan trọng nữa. Nhưng suốt một năm qua những lẵng hoa đã làm cho căn bệnh của chị nhẹ nhõm hơn nhiều phải không? Ý tôi là chỉ mong chị sống một cách lạc quan hơn để mau lành bệnh.
Phương Lan khẽ thở dài:
- Nhưng những lẵng hoa ấy cũng làm hại tôi.
- Chị đừng nghĩ quá như vậy làm gì. Một lần nữa tôi xin nhắc lại: con người có thể giả dối nhưng hoa thì bao giờ cũng thành thật. Hoa không có lỗi.
Anh nhân viên bưu điện cẩn trọng đặt lại lẵng hoa cho ngay ngắn rồi bước ra ngoài.
Cô cảm thấy căn phòng trở nên trống vắng.
* * *
Ngày 24/1, ngày sinh nhật của Phương Lan. Đúng bảy giờ ba mươi sáng, cô vừa trở dậy được một lúc thì có tiếng gõ cửa. Cô nhân viên bưu điện trong tà áo dài trắng muốt bước vào nhà với nụ cười tươi:
- Kính chào quý khách! Quý khách có điện hoa.
Như một cái máy, Phương Lan ký vào tờ phiếu màu hồng nhạt.
Lẵng hoa đỏ thắm được đặt ngay ngắn trên bàn như thường lệ. Phương Lan lặng lẽ nhìn băng giấy cài trong lẵng hoa: “Thân yêu tặng sinh nhật em!”. Người gửi: Trần Vũ Nam - nhân viên bưu điện thành phố.
Truyện ngắn: HỒ THỦY GIANG