Hồi ức về mùa xuân 1975: Vào Đà Nẵng giải phóng

07:03, 29/03/2020

Ngày 29/3/1975, chiến dịch giải phóng Đà Nẵng - thành phố lớn thứ hai ở miền Nam, đã kết thúc thắng lợi hoàn toàn...

Ngày 29/3/1975, chiến dịch giải phóng Đà Nẵng - thành phố lớn thứ hai ở miền Nam, đã kết thúc thắng lợi hoàn toàn. Có mặt trong thời khắc tiếp quản Đà Nẵng cách đây tròn 45 năm, những hồi ức "Vào Đà Nẵng giải phóng" vẫn còn nguyên vẹn với nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam.
 
Các phóng viên Thông tấn xã Giải phóng: Trần Mai Hưởng (dắt xe) và Hoàng Thiểm, Ngọc Đản, trên đường vào Đà Nẵng, ngày 29/3/1975.
Các phóng viên Thông tấn xã Giải phóng: Trần Mai Hưởng (dắt xe) và Hoàng Thiểm, Ngọc Đản, trên đường vào Đà Nẵng, ngày 29/3/1975.
 
Chúng tôi được tin Đà Nẵng sắp giải phóng. Anh Tư Phác đồng ý để anh Lâm Hồng Long, Ngọc Đản, Hoàng Thiểm và tôi lên đường. Mọi việc chuẩn bị rất gấp. Do tình hình chuyển biến nhanh, chúng tôi cũng không kịp có mối liên hệ nào với các lực lượng đang tiến vào Đà Nẵng. Mấy anh em bàn nhau cứ theo đường 1 mà đi, dọc đường sẽ tùy tình hình mà bám theo các đơn vị bộ đội.
 
Đồ đạc gọn nhẹ, máy móc, phim ảnh sẵn sàng. Tôi và anh Long đi chiếc Honda 67. Ngọc Đản và Hoàng Thiểm đi chiếc Honda Dam (xe chúng tôi mượn của Ủy ban quân quản Huế và cũng vừa tập lái được đúng một ngày).
 
Tôi nhớ sáng đó trời mưa, chưa ai biết đường, mấy anh em cứ nhắm hướng đèo Hải Vân đi tới. Dọc đường, chúng tôi gặp những đoàn dân bị ép di từ mấy bữa trước đang bung về thành từng tốp. Có lúc gặp cả xe đò ngược chiều. Không khí rất rộn ràng. Những chiếc xe Zin, xe GMC chiến lợi phẩm chở bộ đội vuợt nhanh lên trước chúng tôi. Hỏi thăm thì được biết là quân giải phóng đang vào Đà Nẵng rồi. Quân Sài Gòn rút chạy nhưng bị chặn và tan rã từng đơn vị lớn.
 
Chúng tôi cứ đi và canh chừng, nhất là qua những quãng đường vắng, có những nơi rất thưa người, tàn quân địch vẫn còn lởn vởn xung quanh. Mấy anh nhà báo đơn độc chắc hẳn là một mục tiêu béo bở nếu chúng muốn tấn công.
 
Tôi và anh Lâm Hồng Long thay nhau chạy xe. Vừa đi vừa hỏi chuyện, tôi mới biết anh đã từng bị địch bắt và giam ở Đà Nẵng mấy năm trước lúc ra Bắc tập kết. Trước đó, anh là thợ vẽ trang trí trong các rạp hát, rồi thợ ảnh. Anh giác ngộ cách mạng và tham gia hoạt động, bị bắt trong một một lần bố ráp cơ sở nội thành và bị đưa về giam ở nhà lao Con Gà. Khi ấy, người yêu đã đính hôn của anh còn lặn lội từ Hàm Tâm ra Đà Nẵng thăm nuôi. Anh Long được thả vừa lúc có Hiệp định Geneva. Thế là đoàn thể thu xếp cho anh tập kết ra Bắc…
 
Câu chuyện anh kể rất cuốn hút. Tôi hiểu được sự xúc động lớn lao trong anh trong lần trở về này. Đối với anh, hành trình giải phóng cũng là hành trình thống nhất, hành trình sum họp với những người thân yêu nhất. Ngay khi đó, tôi đã nghĩ, thế nào bài viết về Đà Nẵng tôi cũng sẽ đưa chi tiết về anh vào. Đấy là một chi tiết rất đắt.
 
Tôi hỏi anh Long:
 
- Anh là phóng viên nổi tiếng, đã đi theo Bác Hồ ra nước ngoài, tên tuổi mọi người đều biết, phải dùng một tên khác, vì dưới các bài và ảnh, mình đều ghi là Thông tấn xã Giải phóng.
 
Anh cười khi chúng tôi ngồi nghỉ ở bên vệ đường và trả lời:
 
- Mình đã lấy bút danh là Lâm Động rồi! Các ảnh từ Huế cũng tên đó nên Mai Hưởng cứ lấy tên ấy mà viết!
 
Năm ấy Lâm Hồng Long đã gần năm mươi, gấp đôi tuổi của tôi lúc đó, nhưng tôi vẫn gọi là anh và cảm thấy anh cũng thoải mái chấp nhận. Có lẽ số phận đã cho tôi may mắn đựơc đi cùng anh trong những ngày tháng ấy. Ẩn giấu sau vẻ ngoài hiền lành và có lúc tưởng như chậm chạp của anh là một phản xạ nghề nghiệp vô cùng nhanh nhạy và một khả năng dự đoán được những tình huống mà bất cứ một phóng viên nào cũng phải thèm muốn.
 
Cho đến bấy giờ, tôi vẫn nhớ cảnh sương mù bao phủ Hải Vân trong một ngày mưa gió. Sương dày đặc để rồi chúng tôi luôn phải bật đèn. Dốc cao liên tục nên toàn phải đi số 1, số 2. Nhiều lúc máy nóng quá lại phải nghỉ để chờ. Sương giăng kín chẳng nhìn thấy gì lại là một điều may mắn, bởi vì, hôm sau quay về, nhìn con đường cheo leo vắt qua các sườn núi uốn lượn, chắc tôi không dám cầm tay lái nữa! Có lẽ ít ai mới học lái xe mà lại trải qua một bài tập như chúng tôi ngày ấy.
 
Lúc xuống đèo cũng gian nan không kém, sức đã kiệt, nhưng rồi mọi chuyện cũng ổn thỏa.
 
Mãi đến cuối chiều, chúng tôi mới vào đến thành phố. Chúng tôi thực sự bị choáng bởi quy mô của đô thị lớn thứ hai ở miền Nam này. Quân giải phóng đã làm chủ tình hình. Quân đội Sài Gòn hoàn toàn tan rã sau khi ý đồ rút lui chiến lược bị chặn lại ở phía Nam. Đà Nẵng náo nhiệt nhưng không hề rối loạn. Nhân dân các khu phố dưới sự lãnh đạo của các cán bộ nội thành đã chủ động đứng lên giành quyền kiểm soát, phối hợp với bội đội chủ lực. Vẫn còn tiếng súng nổ ở một số nơi, nhưng về cơ bản tình hình đã trở lại bình thường.
 
Chúng tôi cho xe chạy dọc phố chính, vừa đi vừa chụp ảnh, phỏng vấn người dân; rồi vọt qua cầu Trịnh Minh Thế, quay lại đi dọc bờ sông, qua Lãnh sự quán Mỹ, vòng ra cảng Đà Nẵng… Tất cả đều tưng bừng hồ hởi. Tôi nhớ nhất một ông lão đã ngoài 60, gặp chúng tôi ở ngã tư trung tâm, cứ cầm tay tôi mừng mừng, tủi tủi như người thân lâu ngày gặp lại. Rồi ông lão hỏi:
 
- Tôi có người em tên Phan, đi tập kết ra Bắc hồi 54, các chú có biết ở đâu không?
 
Chúng tôi không thể trả lời câu hỏi ấy của ông, nhưng nói rằng, ngày đoàn tụ không còn xa, người em của ông chắc sẽ về thành phố nay mai!
 
Chiều tối, vì cần bảo đảm an toàn, chúng tôi về một khách sạn bên sông Hàn, nơi bộ đội ta đã quản lý để nghỉ lại và nắm tình hình. Tôi cố gắng tìm hiểu những thông tin về mọi mặt cho bài báo cần viết. Tôi hiểu rằng, bài viết về Đà Nẵng rất quan trọng. Đây là một chiến thắng sẽ tạo nên bước ngoặt lịch sử trong cuộc tổng tiến công này. Cả một thành phố lớn thứ hai của miền Nam được giải phóng mà không hề có "tắm máu", không có sự sợ hãi. Đây là một chiến thắng được mỗi người dân ở đây khao khát, mong chờ.
 
Cũng đêm ấy, mấy anh em bàn nhau: Phải có người quay về Đông Hà vào hôm sau để mang ảnh cũng như phải có bài viết kịp thời chuyển ra Hà Nội. Chỉ có mình tôi là phóng viên viết bài, nên việc tôi quay trở ra Đông Hà là hợp lý. Nhưng mọi việc phải thu xếp sao cho thật ổn.
 
Tôi bàn với các anh trong tổ:
 
- Phải khoảng trưa mai mới kịp, vì còn một số nơi chưa có ảnh, rồi cũng phải thu thập tư liệu thêm cho có một bài viết chất lượng!
 
Mọi người đều nhất trí.
 
Sáng sớm hôm sau, theo kế hoạch, chúng tôi nhờ anh em bộ đội chỉ đường ra sân bay Đà Nẵng, ghé trụ sở Bộ Tư lệnh quân đoàn 2 ngụy, rồi vào Lãnh sự quán Mỹ. Những địa điểm nhất thiết phải có hình ảnh và trong bài viết không thể không đề cập đến.
 
Khoảng 10h, chúng tôi đến Ủy ban quân quản thành phố. Cũng rất may là các anh trong thành ủy cũng có mặt ở đấy và dù bận trăm công ngàn việc vẫn cho chúng tôi biết những nét cơ bản về tình hình diễn biến của quá trình giải phóng. Đồng chí đại diện thành ủy, người xương xương, vầng trán cao, mặc bộ đồ bà ba màu xanh nhạt chăm chú lắng nghe và chắc đã lay động trước lời yêu cầu tha thiết của tôi:
 
- Các đồng chí rất bận, nhưng bài viết kịp thời về Đà Nẵng giải phóng lúc này cũng là một công việc vô cùng quan trọng. Mong các đồng chí giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ.
 
Đồng chí đó, nếu tôi nhớ không nhầm, bí danh là Tư, đã cho tôi những nét chính nhất về quá trình tiến công và nổi dậy ở Đà Nẵng, những thông tin rất cần cho bài viết của tôi.
 
Các phóng viên Thông tấn xã Giải phóng: Lâm Hồng Long (dắt xe), Trần Mai Hưởng, Hoàng Thiển, trên đường vào Đà Nẵng, 29/3/1975.
Các phóng viên Thông tấn xã Giải phóng: Lâm Hồng Long (dắt xe), Trần Mai Hưởng, Hoàng Thiển, trên đường vào Đà Nẵng, 29/3/1975.
 
Cũng trong sáng hôm đó, một tổ xung kích nữa của tổng xã đã đi thẳng từ Hà Nội vào Đà Nẵng, trong tổ có các anh Vũ Tạo, Hứa Kiểm và Đinh Quang Thành, do anh Đặng Quỳ lái xe, đi trên một chiếc com-măng-ca màu ghi sáng, đít vuông. Đây là lực lượng tăng cường với các phóng viên ảnh hàng đầu, dày dạn kinh nghiệm. Các anh trong tổ cũng đã rất nhanh ghi lại những hình ảnh chính.
 
Phương án để tôi về Đông Hà, mang phim ảnh và tài liệu theo vẫn thực hiện, nhưng có khác là đi bằng ô tô. Thật là mừng vì mấy ngày lăn lóc, sức cũng cạn rồi. Hai đầu gối của tôi vốn bị khớp cấp tính từ hồi ở Quảng Trị mấy hôm đó tái phát, đi lại cũng khó khăn. Nhưng tôi vẫn đề nghị mang theo chiếc xe Honda Dam đề phòng những khó khăn dọc đường, trong tình huống nào cũng có thể cơ động được.
 
Sự lo xa đó hoàn toàn có cơ sở. Khoảng gần trưa, tôi cho tất cả phim ảnh và tài liệu vào trong ba lô buộc chặt. Anh em trong tổ giúp đưa chiếc Honda lên phía sau xe com-măng-ca. Anh Quỳ và tôi chia tay mọi người, cứ nhắm hướng bắc, theo đường 1 để về Đông Hà.
 
Tôi nhớ hai ấn tượng mạnh nhất khi ngược đường trở ra. Đèo Hải Vân ban ngày trong hùng vĩ và hiểm trở quá. Nghĩ đến hôm qua, trên đường vào lại cảm thấy ớn, vì trời hôm vào nhiều sương mù, nên chẳng thấy gì, cứ đi bừa. Hôm nay trời quang, mây tạnh, nhìn đèo cao nhấp nhô, vực sâu hun hút, lòng tự bảo mình: Điếc không sợ súng! Điều thứ hai là dòng xe của quân ta từ phía Bắc ùn ùn kéo vào trên quốc lộ. Đủ các loại xe tăng, xe bọc thép, xe tải, xe công binh… Đường chật, nhiều cua gấp, cầu hẹp, có chỗ đã hỏng, mới sửa sang lại mà đơn vị nào cũng giơ lệnh “Thần tốc” để giành quyền đi trước. Chiến trường đang giục giã bước hành quân của họ.
 
Xe của chúng tôi khi xuống hết chân đèo Hải Vân thì không cách nào ngược ra giữa dòng xe đang kéo vào. Chúng tôi cần về Đông Hà gấp để mang ảnh và viết bài về Đà Nẵng giải phóng! Anh Quỳ và tôi trình bày khản cả cổ, nhưng các sĩ quan chỉ huy có muốn cũng không có cách nào vì đường vào xe kín hết rồi. Một đồng chí sau khi đã cảnh cáo và quát mắng chúng tôi rất dữ dội vì mấy lần định vượt lên, suýt làm tắc đường, sau cũng hạ giọng an ủi:
 
- Các anh phải chờ thôi! Không có cách nào để xe của các anh chạy ra lúc này được!
 
Trước tình thế đó, tôi và anh Quỳ quyết định cũng rất nhanh. Chúng tôi hạ xe máy xuống để tôi len lỏi đi tìm đường ra, còn anh Quỳ quay ô tô trở vào Đà Nẵng. Đấy là phương án tốt nhất. Thời gian không cho phép chần chừ nữa.
 
Chia tay anh Quỳ, tôi lách xe ngược ra rồi cứ hướng Đông Hà mà phóng. Có đoạn qua cây cầu hỏng ở gần Huế, tôi nhờ các o du kích khiêng xe xuống đò chở qua sông. Mấy o còn đùa:
 
- Nhà báo nhớ kể công khiêng xe, chở đò cho tụi em nghe!
 
Trời nắng, lăn lóc mấy ngày trên đường nhưng không hiểu sao tôi không cảm thấy mệt, vừa đi đường vừa mải mốt nghĩ về bài viết. Đến gần Đông Hà, vì mệt và cũng do chủ quan, qua một ổ gà to không phanh kịp, người tôi tung lên cao rồi ngã một cái như trời giáng, xe một bên, người một bên, cả một bên thân rơi xuống đau ê ẩm. Nằm một lúc, tôi lại lồm cồm bò dậy phóng tiếp qua cầu Đông Hà, rẽ vào bờ sông Hiếu với con đường đất nhỏ quen thuộc ven sông mà lòng mừng vui như được trở về nhà mình vậy.
 
Gặp anh em tay bắt mặt mừng. Tôi báo cáo qua với anh Tư Phác rồi yêu cầu cho ô tô đưa phim ngay ra Hà Nội. Sau ít phút nghỉ ngơi, ăn tạm một bát mì vì mấy ngày toàn nhai lương khô xót ruột, tôi ngồi viết bài ngay. Tôi nắn nót viết đầu đề theo thói quen: “Đà Nẵng ngày đầu giải phóng”. Tôi viết rất nhanh, giống như bài viết về Huế vậy. Mọi ấn tượng, ý nghĩ, hình ảnh, tư liệu… từ trong đầu hiện ra và chỉ việc hối hả tràn xuống giấy. Quang cảnh thành phố, những sự kiện lịch sử, cảnh những người dân, rồi câu chuyện của anh Lâm Hồng Long, chuyện ở sân bay Đà Nẵng, ở Bộ tư lệnh của Trung tướng Ngô Quang Trưởng, cả hình ảnh Vĩnh An, cô gái Đà Nẵng ở chiến khu hoạt động trở về với thành phố quê hương… Cả những chi tiết về máy nước vẫn chạy, đèn sáng, nhà thờ và chùa chiền mở cửa… Tôi muốn cho bạn đọc biết về một Đà Nẵng giải phóng vẫn vẹn nguyên, mọi mặt của cuộc sống đều bình thường, không hề có chuyện đàn áp, "tắm máu”… như các phương tiện truyền thông của Sài Gòn rêu rao! Đây là ý nghĩa nhân văn của công cuộc giải phóng mà tôi muốn những người còn ở phía bên kia có thể hiểu được!
 
Tôi viết liền một mạch khoảng 6 trang giấy, chừng một tiếng rưỡi đồng hồ. Khi ngẩng lên thì trời đã tối. Đưa bài viết cho anh em để phát về Hà Nội xong, tôi nằm xuống góc hầm ngủ thiếp đi. Cần giải thích rằng lần đó, đoàn công tác có mang theo xe điện đài, nên đục băng xong, bài được phát ra Hà Nội bằng máy, không phải quay tay. Vì vậy, lúc đi nằm, tôi thanh thản lắm, vì đã xong mọi việc.
 
Nhưng thật không may cho tôi, khoảng 10h đêm, anh em lay tôi dậy và báo: Hà Nội không nhận được bài vì thời tiết xấu. Đề nghị phát lại bằng moóc! Tôi thấy mệt mỏi vô cùng, nhưng cũng phải cố ngồi dậy, xuống hầm điện đài với anh em. Chỉ còn ít người ở đó, nên tôi lại lao vào cùng quay máy phát để truyền bài về. Mãi đến hơn 12h đêm mới xong mọi việc. Tôi không còn sức nữa, lên nằm ngay ở góc hầm để ngủ.
 
5h sáng, tôi đang mơ màng thì một anh em gọi dậy. Đài được mở to. Thì ra Đài Tiếng nói Việt Nam đọc bài tường thuật về Đà Nẵng giải phóng của tôi trong buổi thời sự sáng. Bài viết này ký tên Trần Mai. Khỏi phải nói, tôi và anh em trong đoàn mừng như thế nào. Giọng chị phát thanh viên mới náo nức, tự hào và có sức lan tỏa làm sao:
 
“Ba giờ chiều ngày 29/3, Đà Nẵng, thành phố lớn thứ hai ở miền Nam hoàn toàn giải phóng...”
 
Sau này tôi mới được biết đêm ấy, điện báo viên nhận được trang nào, các anh trong Ban lãnh đạo cho biên tập ngay và đánh máy trang đó. Vừa làm xong là có người chuyển thẳng sang Đài phát thanh và phát cho các báo kịp đăng vào hôm sau! Ảnh của anh em trong tổ do ô tô chạy suốt ngày đêm ra Hà Nội cũng là một kỷ lục trong việc chuyển ảnh từ chiến trường về!
 
Ngay khi TTXVN phát, các báo ở Hà Nội và các hãng thông tấn nước ngoài đều dùng rộng rãi ảnh của anh trong nhóm, chỉ có khác tên: Lâm Hồng Long thành Lâm Động, Hứa Kiểm là Hứa Vì Dân... Các anh đều là những phóng viên nổi tiếng nên việc dùng tên khác đi là điều cần thiết, vì các ảnh đều phát dưới danh nghĩa TTXGP.
 
Như vậy là sau Huế rồi Đà Nẵng, anh em trong đoàn đã làm được nhiệm vụ xung kích của cơ quan Thông tấn xã vào một thời điểm quan trọng. Đối với tôi, đấy là một trong những bài báo suốt đời tôi không thể nào quên.
 
(Theo baotintuc.vn)