Khi tháng Giêng đã ra đến ngõ, cho một lời hẹn trở lại vào năm sau, thì dường như cái chầm chậm, êm đềm, ngọt ngào của Tết vẫn còn quyến luyến với những người con sinh ra và lớn lên từ làng...
Khi tháng Giêng đã ra đến ngõ, cho một lời hẹn trở lại vào năm sau, thì dường như cái chầm chậm, êm đềm, ngọt ngào của Tết vẫn còn quyến luyến với những người con sinh ra và lớn lên từ làng... Nhất là khi bắt gặp đám cải trước nhà đã trổ hoa vàng rực rỡ.
|
Những vạt cải ven sông đã kịp ra hoa rực rỡ trong mùa giêng hai nắng vàng như mật |
Tháng Chạp. Trên biền đất ven con sông Bồ trước đó đã được mùa mưa lũ tưới tắm phù sa, người người quê tôi chộn rộn gieo cải ăn Tết, bán Tết. Tôi đã lớn lên và đi qua bao mùa cải được gieo, thế nên, ký ức về tháng Chạp là những ngày theo mẹ ra đồng, phụ mẹ nhổ và bó từng bó cải cho kịp phiên chợ sáng mai. Bầu trời cuối năm xám xịt, gió thổi hun hút, mưa phùn lạnh buốt, thương hoài dáng mẹ lom khom trong chiếc áo mưa, bàn tay nhăn nheo, trắng bũng vì ướt và lạnh. Đám cải xanh mướt vì thế như kéo dài đến tận cuối triền sông, mẹ gom góp từng chút cho cái Tết thêm ngọt lành.
Ký ức về tháng Giêng có phần tươi tắn, rực rỡ hơn, một phần vì những rộn ràng, háo hức ngày Tết của trẻ nhỏ vẫn còn đó, phần vì khí trời vẫn còn một chút se lạnh, nhưng nắng đã chuyển màu. Những ẩm ướt, xám xịt còn sót từ mùa đông giờ đây dần tan hết. Trong nắng ấm, lúa đã kịp lên đòng, ngậm sữa và những đám cải trước sân nhà hay dọc triền sông bắt đầu lên ngồng, trổ đầy hoa vàng. Đó là những vạt cải không kịp nhổ, hoặc được người ta giữ lại để lấy hạt giống. Cả một thảm hoa vàng rung rinh trước gió. Cho đến tận bây giờ, những đồng hoa cải mênh mông ven sông vẫn là hình ảnh đẹp đẽ nhất trong tuổi thơ tôi, trong mùa giêng hai nắng vàng như mật.
Có đứa con xa quê nào khi bắt gặp màu hoa cải ven sông mà chẳng nhớ thương. Những cuộc điện thoại về nhà những ngày giáp Tết lúc nào cũng thêm câu hỏi: “Nhà mình đã gieo cải ăn Tết chưa ba?”, rồi lòng lại chùng chình nhớ sao là nhớ những ngày xưa theo ba, theo mẹ ra đồng, khiến những nôn nao về quê cuối năm càng thêm chộn rộn. Về để ăn bữa cơm gia đình, có khói lam chiều cay xè mắt, có món dưa cải mẹ kịp muối chua, hay món cải non chấm nước ruốc pha tóp mỡ của mẹ mà đi bất cứ đâu cũng không tìm thấy được.
Khi Tết chưa kịp hết “mùng”, những đứa con xa nhà đã lại tần ngần khi nhìn đám cải trước nhà đã trổ hoa vàng li ti. Chúng tôi bảo nhau rằng, mùa cải trổ bông là dấu hiệu Tết tan. Tết bắt đầu tan bằng mùi bánh tét, bánh chưng chiên trong bếp. Trời mưa lạnh, mùi bánh chiên thơm lừng cùng hũ dưa món đang vơi và cả sắc vàng hoa cải khiến người ta tiếc nuối một cái Tết chóng qua. Chợ quê đã lại tấp nập, trẻ con đã lại đến trường. Những ngày ngắn ngủi được ở nhà trôi nhanh một cách không ngờ.
Thật ra, Tết đã bắt đầu tan trong lòng những người mẹ khi đứa con rục rịch chuẩn bị cho chuyến xa nhà tiếp theo. Đứa đi học, đứa đi làm. Mẹ lóng ngóng gói ghém thứ này thứ kia, nào đòn bánh tét, cặp bánh chưng, chút mứt chút bánh tự tay mẹ làm, mấy đứa mang vô mời bạn bè, đồng nghiệp. Trong hành lý trở lại thành phố của những đứa con, đôi khi còn có cả dưa hành, mớ cà mớ ớt ba trồng trong vườn nhà, như muốn níu chút vị quê trong bữa cơm xa nhà những ngày dài tháng rộng. Người đi tần ngần, ngó vạt cải bên nhà bằng chút ngậm ngùi, để ít bữa bớt thương nhớ, rồi lại vội vàng bắt nhịp với rộn ràng nơi thành phố. Ba mẹ ở lại, thở dài với những bánh mứt còn sót lại sau Tết, rồi lại có thêm một năm cho những đợi chờ.
Ở quê tôi, cải chỉ được gieo vào một mùa trước Tết. Nên mùa hoa cải cũng được mặc định chỉ có một lần trong năm. Đó là mùa xuân, mùa khởi đầu, nhưng cũng là mùa chia xa người thân sau mùa tết đoàn viên để kịp chuyến xe lên học tập, làm việc nơi chốn thị thành. Thế nên, không khó hiểu vì sao ngày hôm qua, khi một người anh cùng quê khoe lên Facebook bức ảnh chụp đồng hoa cải vàng rực ven sông, đám thanh niên làng xa quê lại được dịp chộn rộn, rộn ràng bình luận. Vì ở đó, là ký ức, là nhớ thương, là những trong veo, ngọt lành...
THIÊN BÌNH