"Chín ngày sóng gió" và bài học không của riêng ai

12:04, 26/04/2020

"Chín ngày sóng gió" là tiểu thuyết thứ 10 của nhà văn Nguyễn Thanh Hương (hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành vừa ra mắt bạn đọc vào đầu năm 2020...

"Chín ngày sóng gió" là tiểu thuyết thứ 10 của nhà văn Nguyễn Thanh Hương (hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành vừa ra mắt bạn đọc vào đầu năm 2020. Tựa đề “Chín ngày sóng gió” gợi cho người đọc nghĩ rằng tiểu thuyết nói về những sóng gió của một đời người, một gia đình, một tổ chức, tập thể, doanh nghiệp. Nhưng không, từ sự việc một nhóm nữ sinh đánh hội đồng một bạn nữ cùng lớp, truyện được xây dựng thành tuyến nhân vật trong một xã hội sống động, mang nội dung giáo dục lớn. 
 
Nhà văn Nguyễn Thanh Hương.
Nhà văn Nguyễn Thanh Hương.
Từ câu chuyện bạo lực học đường nhức nhối
 
Sự việc bắt đầu khi nhóm 3 nữ sinh lớp 11A gồm Ngoan, Thơm, Ngọ đánh hội đồng một nữ sinh cùng lớp chỉ vì người bị đánh học giỏi, được thầy cô, bạn bè quý mến. Nạn nhân trong vụ bạo lực học đường là An - con nhà nghèo, chăm ngoan, xinh đẹp. Một video clip phát tán trên mạng xã hội quay lại cảnh 3 nữ sinh lao xe đạp vào, xô ngã, rồi cùng lao vào đấm, đá, đạp, lột quần, xé áo dài, khiến nạn nhân phải nhập viện vào những ngày giáp tết. Công an huyện đã vào cuộc xác định danh tính và bắt tạm giam kẻ đánh bạn. Nạn nhân bị chấn thương phần mềm, không ảnh hưởng đến tính mạng, nhưng mặt mày bầm tím, sưng húp, biến dạng, 9 ngày nằm trong bệnh viện chỉ có thể húp cháo. Sự việc gây xôn xao dư luận ở một huyện kinh tế mới vùng sâu vùng xa vốn yên bình.
 
Cha mẹ lắm tiền, nhiều của, được nuông chiều, nên ba nữ sinh kiêu ngạo, kéo bè kết cánh thành lập “băng nhóm” lấy tên “Thiên nga trắng” cho giống phim ảnh. Ganh ghét, đố kỵ, đặt điều, nói xấu bạn học, đỉnh điểm là bạo lực học đường đã xảy ra. Vì học dốt mà từng bị ở lại lớp, các nữ sinh đã đủ 18 tuổi, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Do mải mê làm giàu, những người cha, người mẹ không quan tâm đến những biểu hiện đua đòi, ăn chơi, đàn đúm của con cái, mà luôn tự cao tự đại cho rằng con mình là ngoan, con mình tốt đẹp. Khi sự việc xảy ra, thay vì nhìn lại chính cách dạy dỗ con cái của mình, con vi phạm pháp luật thì để cho pháp luật giải quyết; thì ba ông bố của ba nữ sinh đánh bạn (chú Thảo, chú Mân, chú Dần) lại chạy đôn chạy đáo tìm mọi cách che đậy tội lỗi của con, ỷ mình “có tiền là có thể mua được tất cả”. Thậm chí, họ còn cùng nhau chạy chọt khắp nơi, dùng tiền mua chuộc cơ quan thực thi pháp luật, mua chuộc gia đình nạn nhân mong bãi nại để con thoát tội, không bị giam giữ. 
 
“Đàn ông đánh nhau đã chả ra gì, mình là đàn bà mà lại đánh nhau. Người ít học cũng không thế” - Lời một cán bộ công an huyện nói với 3 nữ sinh đánh bạn. 9 ngày bị tạm giam, không được ai đến thăm ngoài cha mẹ, chúng cảm nhận mình bị kỳ thị, xa lánh... Pháp luật vốn công bằng, nghiêm minh, khiến ba nữ sinh con nhà giàu “muốn gì được nấy” chuyển từ thái độ kiêu ngạo, sang nhún nhường im lặng, khuất phục. Chạy vạy mãi, cầu cạnh hết người nọ đến người kia không được, ba ông bố cũng đành buông tay “Cứ giam nó vài chục ngày là nó sẽ biết thế nào là kỷ luật, thế nào là tự do”. 
 
 Đó cũng là bài học cho lớp trẻ coi thường pháp luật, coi thường sức khỏe, tính mạng của người khác. Sự độ lượng, bao dung của nạn nhân An và gia đình nạn nhân đã làm đơn bãi nại, đã giúp các nữ sinh đánh bạn không bị nhà trường đuổi học, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngày 29 Tết, An xuất viện thì 30 Tết, các nữ sinh đánh bạn được tha về ăn tết. 
 
Tiểu thuyết “Chín ngày sóng gió” vừa ra mắt bạn đọc.
Tiểu thuyết “Chín ngày sóng gió” vừa ra mắt bạn đọc.
 
... Đến bài học hướng thiện
 
Tiểu thuyết nói về bạo lực học đường, tưởng chừng chỉ là chuyện con trẻ bắt nạt lẫn nhau, mà trong đó còn là cách hành xử của người lớn. Con dại, cái mang, vừa thương vừa giận, con trẻ đáng giận, nhưng người làm cha làm mẹ và cách hành xử đã không chuẩn mực, nghiêm khắc làm gương cho con trẻ. Những vết thương phần mềm ngoài da của nạn nhân rồi sẽ qua đi, nhưng sự răn đe để không để bạo lực học đường lây lan, tiếp diễn ở một vùng quê yên bình, đó mới là lương tâm của những người có trách nhiệm. 
 
Bằng vốn sống, trải nghiệm, ngôn ngữ giàu hình ảnh, khả năng kể chuyện hóm hỉnh, chuyện đầy ắp những chi tiết rất đời, rất người, tác giả đã khéo tô đậm thêm cho từng sự việc. Ở đó là một xã hội thu nhỏ, là những câu chuyện của người lớn về cách giáo dục con trẻ và đạo lý làm người. Ớ đó là một bức tranh sống động về đời sống xã hội, gia đình với đủ mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, với các mối quan hệ tình đan xen. Lối viết logic, hấp dẫn, khắc họa rõ nét từng chân dung, tính cách nhân vật với những số phận, những con người chân thực như chính từ cuộc sống bước vào trang sách, khiến người đọc thấy thấp thoáng bóng dáng chính mình trong đó. Vẫn với chất văn trong sáng, từng câu, từng đoạn, từng chương khúc triết, tiết tấu nhanh, tạo nên câu truyện mạch lạc, rõ ràng, lôi cuốn người đọc lật mở từng trang sách từ đầu đến cuối. 
 
Chính sự lương thiện của nạn nhân An, nhân vật chính trong truyện, sớm tha thứ, bỏ qua cho các bạn đánh mình, giúp 3 nữ sinh ngỗ ngược nhận ra lỗi lầm, sửa chữa khuyết điểm, kéo các bạn về với tập thể lớp, học chăm, nhóm “Thiên nga trắng” tan rã sau gần 2 tháng tồn tại, trả lại sự trong sáng cho môi trường học đường, làm bớt đi sự lo âu của cha mẹ, thầy cô giáo và toàn xã hội. Truyện kết thúc có hậu dành cho tất cả các nhân vật, người lớn thì bỏ thói hư tật xấu làm gương cho con trẻ, con trẻ thì đậu vào các trường đại học mà các em mơ ước. Nhưng cũng chính cái kết quá “hiền lành” khiến người đọc hân hoan, nhưng cũng vô tình mang đến chút tiếc vì mong muốn một cái kết “gai góc” hơn, vì cuộc đời thực vốn vẫn gai góc như thế. 
 
Năm 2009, nghỉ hưu, nhà văn Nguyễn Thanh Hương mới chính thức cầm bút viết văn. 10 năm, tập sách được in gồm 9 tiểu thuyết, 1 tập truyện ngắn; còn nhiều tác phẩm đã thành bản thảo đang chỉnh lý đợi xuất bản. Gần 70, ông chưa bao giờ nghĩ mình là người có tuổi, vẫn đam mê, vẫn đi, vẫn viết, không ngưng nghỉ. Tiểu thuyết “Chín ngày sóng gió” viết về con trẻ, nhưng lại dành cho người lớn, dành cho những bậc làm cha, làm mẹ đọc để cùng suy ngẫm, cùng dành tâm sức dạy dỗ thế hệ trẻ có đủ tài, đức, thiện, mỹ. Cái hay của tác phẩm là khi gấp trang sách lại, chúng ta không thấy cảnh bạo lực học đường, mà thấy xã hội lên án bạo lực gay gắt, những điều xấu bị tránh xa, đưa người đọc hướng thiện. Thông điệp nhà văn muốn gửi gắm đến bạn đọc là hãy sống nhân ái với nhau, người lớn hãy làm gương cho lớp trẻ; đừng ganh ghét, đố kỵ nhau để mình không trở nên nhỏ bé. Lâm Đồng cuối tuần xin giới thiệu tiểu thuyết “Chín ngày sóng gió” của nhà văn Nguyễn Thanh Hương đến bạn đọc.
 
THÁI AN