Ngày sách Việt Nam 21/4 và tầm quan trọng của văn hóa đọc

11:04, 21/04/2020

(LĐ online) - Trước khi có các phương tiện nghe nhìn, thì sách là con đường ngắn nhất để tiếp cận thông tin, văn hóa, tri thức...

(LĐ online) - Trước khi có các phương tiện nghe nhìn, thì sách là con đường ngắn nhất để tiếp cận thông tin, văn hóa, tri thức. Đọc sách là một trong những cách thức giúp con người thư giãn, tích lũy kiến thức, tăng cường khả năng tư duy. Sách là món hàng đặc biệt của nhân loại sẽ còn tồn tại cùng lịch sử loài người, bởi nó được duy trì nhu cầu theo cách rất riêng. Thế hệ đi trước đã nhóm ngọn lửa văn hóa đọc, thắp lên cây đuốc tri thức rồi trao truyền cho thế hệ sau. 
 
Trao tặng sách cho các xã vùng sâu, vùng xa tỉnh Lâm Đồng (ảnh chụp năm 2019)
Trao tặng sách cho các xã vùng sâu, vùng xa tỉnh Lâm Đồng (ảnh chụp năm 2019)
 
Vậy văn hóa đọc là gì? Ba yếu tố cốt lõi để tạo nên văn hóa đọc đó là Thói quen đọc - Khả năng lựa chọn - Cách đọc sách. Văn hóa đọc ở đây chính là thái độ, cách ứng xử của chúng ta với tri thức, sách vở. Phải biết đọc sách sao cho hợp lý và bổ ích. Đọc sao cho hợp với quy luật tiếp cận tri thức.
 
Nhận thấy tầm quan trọng của văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày Sách Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Đây thật sự là niềm vui lớn cho người yêu sách. Ngày Sách Việt Nam là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và cả cộng đồng xã hội, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đạm đà bản sắc dân tộc. Đây cũng là dịp để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội. Tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ sách.
 
Những năm qua, Học viện Lục quân đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Quyết định số 284/QĐ-TTg ngày 24/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày sách Việt Nam, hướng dẫn của Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị về tổ chức Ngày Sách Việt Nam 21/4 trong toàn quân. Ban Giám đốc Học viện đã giao cho Phòng Thông tin khoa học quân sự tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam.
Hàng năm, thực hiện Chỉ đạo của Ban Giám đốc Học viện, Phòng Thông tin khoa học quân sự xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam bằng những việc làm thiết thực, cụ thể đó là:
 
- Tích cực, chủ động thu thập các loại tài liệu, sách, đề tài khoa học, luận văn, luận án, báo, tạp chí và các loại văn hóa phẩm khác, kịp thời xử lý đưa vào phục vụ, đáp ứng được nhu cầu tài liệu phục vụ nghiên cứu, học tập và hưởng thụ văn hóa chính trị tinh thần của đại đa số bạn đọc trong Học viện; Bảo đảm tốt tài liệu, giáo trình theo phục vụ cho nhiệm vụ giáo dục - đào tạo của Học viện. Bên cạnh đó, Thư viện tiếp tục đẩy mạnh hoạt động sách, báo phục vụ bạn đọc tại thư viện.
 
- Tổ chức trao tặng sách cho các đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Năm 2017, tổ chức trao tặng sách cho các xã Ninh gia/huyện Đức trọng và xã Đa Chais/huyện Lạc Dương là các xã vùng sâu, vùng xa 850 cuốn. Năm 2018, trao tặng 477 cuốn sách, 120 cuốn vở do cán bộ, nhân viên, chiến sỹ Phòng Thông tin khoa học quân sự quyên góp tặng cho trường Trung học phổ thông Long Lanh thuộc xã Đa Chais, huyện Lạc Dương với mục đích mang tri thức đến mọi vùng miền Tổ quốc. Năm 2019, tổ chức trao tặng bộ sách “Nền tảng đổi đời”, mỗi bộ gồm 04 cuốn cho cán bộ, sỹ quan đang công tác tại Học viện với số lượng 443 bộ, tặng 03 trường phổ thông (Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Chi lăng, Trường trung học phổ thông Trần Phú, Trường trung học phổ thông Chuyên Thăng Long) trên địa bàn thành phố Đà Lạt 579 bộ và Huyện ủy huyện Di Linh 200 bộ. Đây là một hoạt động có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc của Học viện Lục quân, góp phần nâng cao dân trí, nâng cao văn hóa đọc cho mọi người. 
 
- Thực hiện Thông tư số 104/2014/TT-BQP của Bộ Quốc phòng quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn đời sống văn hóa tinh thần trong Quân đội nhân dân Việt Nam, Phòng Thông tin KHQS đã cấp phát, luân chuyển sách cho các đơn vị: Đại đội Vệ binh, Đại đội HLCSM/Văn phòng, Trung tâm BĐHL/Phòng Đào tạo; đảm bảo đúng tiêu chuẩn; phối hợp với các cơ quan trong Học viện làm tốt công tác tuyên truyền, thực hiện có hiệu quả Ngày sách Việt Nam. Qua đó đã nâng cao văn hóa đọc, chất lượng đời sống văn hóa tinh thần tại các đơn vị.
 
- Tổ chức các buổi tham quan, giao lưu với Thư viện tỉnh Lâm Đồng, Thư viện Đại học Đà Lạt, Trung tâm lưu trữ Quốc gia IV để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về nghiệp vụ thư viện và tổ chức các hoạt động; góp phần nâng cao trình độ, năng lực công tác của cán bộ, nhân viên thư viên. 
 
Trong những năm tới, để tiếp tục phát huy tính tích cực của Ngày Sách Việt Nam 21/4, Học viện tiếp tục duy trì và mở rộng quy mô các hoạt động nhân Ngày sách Việt Nam; Tuyên truyền quảng bá về văn hóa đọc trên các phương tiện truyền thông; xây dựng thói quen đọc sách; tổ chức các hoạt động trưng bày - triển lãm sách, báo... Để làm được như vậy thì chúng ta cần phải chú trọng nâng cao chất lượng nội dung, đổi mới, đa dạng hoá các hình thức hoạt động sát với tình hình, nhiệm vụ và đặc điểm của Học viện; hạn chế phô trương hình thức, tránh lãng phí.
 
Thượng tá ĐẶNG NGỌC THANH