Nổi tiếng vì thơ thì khó mà chết được

12:04, 12/04/2020

Nổi tiếng vì thơ thì khó mà chết được

1. Người chết vì “cô vít” tăng lên mỗi giờ. Nỗi sợ cô vít len lỏi mọi ngóc ngách, dù tôi là một nhà thơ chính hiệu.
 
Nỗi sợ cô vít tuy tăng lên từng giây vẫn chưa át hoàn toàn nỗi sợ phải tự cách ly tại gia và 24/24 giờ phải đối mặt với vợ. 
 
Đã là vợ, dù ở tuổi nào đi nữa đều không thoát khỏi ranh giới của vùng phong tỏa giữa cái thời trẻ măng và cái độ già chát. Vợ, đang trẻ hay vợ ba bốn chục xuân xanh trước từng rất trẻ, lúc nào cũng có 1001 lý do để hạch sách và soi mói, dù chồng là ông hoàng hay một thường dân. Huống hồ tôi là một nhà thơ có thẻ nhà văn. Tôi lại làm được dăm ba bài thơ có sức sống dẻo dai mà đếch sợ ả cô vít nào nhằn được, thì cái sự kiểm soát của vợ càng thêm gắt gao, nhất là trong mùa đại dịch, dù tôi không đi cùng chuyến phi cơ VN0054, cũng không thuộc diện bị khoanh vùng có thể có nguy cơ lây nhiễm. 
 
Ngồi, nằm, đi tới, đi lui trong phạm vi vùng tự nguyện cách ly ấm êm và đầy đủ của ngôi nhà với sự giám sát kè kè của vợ, chỉ sau vài ba ngày, tôi thấy mình thộn đi. Thơ phú dào dạt bỗng khô hạn rồi tịt ngòi. Nhà thơ mà mất thi hứng thì khác gì cái xác đang bị ả cô vít khoặm dần.
 
Sau nhiều giờ vò tóc bứt râu, tôi bèn nghĩ ra kế sách.
 
Mở màn hình điện thoại thông minh, tôi chát ngay với nhà thơ chưa làm được một câu thơ ra hồn nhưng rượu trong nhà hắn luôn là thứ hảo hạng. Hắn lại dẻo mồm. Vợ tôi tin hắn còn hơn tin chồng.
 
Vài phút sau, vợ tay cầm điện thoại, chạy từ nhà bếp ra phòng khách:
 
- Thằng XO gọi cho tôi. Nó xin phép tôi được rước ông về nhà nó tiếp mấy bạn thơ.
 
Sao nó không gọi cho tôi? - Tôi làm mặt tỉnh.
 
Ông hỏi lạ chưa? Nó thừa biết nhà này ai giữ chìa khóa!
 
Vợ vừa mở cổng, tôi đã thấy chiếc ô tô của thằng XO chờ sẵn. 
 
Chưa kịp lên xe, vợ chạy theo đưa nào khẩu trang, nào găng tay. Thấy chồng ngần ngừ, vợ liền mang khẩu trang và đeo găng tay cho chồng. 
 
Thằng XO thò đầu ra cửa xe: 
 
Bà chị cẩn thận quá. Em đón ông anh về nhà em chớ có đi đâu đâu mà sợ cô vít.
 
Cô nào cũng phải phòng ngừa, chủ quan là chết cả chùm!
 
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân
 
2. Xe mở cửa kính. Gió biển ràn rạt. Thằng XO cho xe chạy chầm chậm, lên tiếng:
 
Anh em mình tới nhà hàng Hương Gió nghen?
 
 Ủa, còn mấy bạn thơ ở nhà chú thì sao?
 
Thì ra tất ở Hương Gió. Gió biển mát thế này ai lại tự nhốt trong nhà. 
 
 Nhưng tới nhà hàng… chú không sợ cô vít sao?
 
 Anh bịt mũi bịt miệng kín mít, lo gì!
 
Tới nhà hàng. Bàn ăn đặt trong một khuôn viên cạnh bờ biển. Chỉ có thằng XO là phơi mắt mũi miệng ra trước gió. Tôi và hai gã doanh nhân kiêm nhà thơ kia đều mang khẩu trang y tế đúng cách. Đôi găng tay màu da cũng làm tôi an tâm hơn khi đưa tay ra bắt tay hai gã mê tít thơ mình.
 
Đến lúc cua tôm được mang ra và rượu được rót đầy ly thì cái khẩu trang phải lột ra. Cả găng tay cũng tháo. Tôi cẩn thận cho hai thứ vào túi quần và dặn thằng XO khi đưa tôi về gần nhà nhớ nhắc tôi mang vào y như lúc đi để bà vợ yên tâm mở cổng cho vào nhà. 
 
Rượu vào thì thơ ra. Mấy thằng làm thơ tệ như mắm thối lại có giọng đọc thơ hớp hồn và có trí nhớ siêu phàm. Chúng chẳng những thuộc làu làu thơ của tôi mà còn thuộc cả thơ Tây thơ Tàu, thơ Nguyễn Du, Nguyễn Bính. Mấy nàng tiếp viên xinh đẹp cũng ngơ ngẩn vì thơ.
 
Được những người đẹp hưởng ứng, rượu càng ngon, thơ càng bốc. Nhà thơ có thẻ và nhà thơ sắp có thẻ cứ lâng lâng thi hứng.
 
Lại rượu. Lại thơ. Nồng nàn. Bay bổng. Tất cả quên phắt đi đại dịch. Chỉ còn lại nàng thơ, gió mơn man, sóng rì rầm và những giai nhân váy ngắn chân dài... nếu không có những hồi chuông điện thoại réo riết róng. 
 
Nghe vợ gọi, rượu bỗng nhạt, thơ gãy cánh. Còn cô vít lọi nhọi hiện hình.
 
Tôi lật đật thò tay vào túi quần, kéo ra cái khẩu trang và đôi găng tay. 
 
Ba gã kia cũng khẩu trang kín miệng kín mũi rồi ỉu xìu đứng lên, rời bàn nhậu.
 
Trên đường về, mấy gã đàn ông ngoéo tay nhau: Muốn tránh cô vít, chỉ có cách là phải tự nguyện cách ly trong phạm vi giám sát chặt chẽ của vợ và bớt mê nàng thơ.
 
3. Vào nhà. Tôi vừa đưa tay lên định gỡ khẩu trang thì vợ vội cản. Bả lật đật lôi từ túi áo cái khẩu trang y tế cũng màu xanh da trời, đeo vào. Tôi thấy bực: 
 
Bà réo tôi về cho bằng được để bà... giao tôi giữ nhà hả?
 
Không phải khi không mà tôi réo ông. Người của Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố đến đây tìm ông. Họ vừa sang mấy nhà bên, lát quay lại.
 
Bà nói cái gì? Người của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tìm tôi? - Tôi giựt phắt cái khẩu trang ra - Bà đừng kiếm chuyện mà dọa tôi. 
 
Bả tới đầu tủ để ti vi lấy một tờ giấy đưa tôi: 
 
Ông đọc đi!
 
Đọc xong, tôi đứng đực một chỗ.
 
Nhìn cái mặt cắt không còn chút máu của tôi, bả móc:
 
Tôi tưởng nhà thơ nổi tiếng như ông thì không sợ chết!
 
Ai mà không sợ chết, nhất là chết vì cô vít.
 
 - Muốn không chết thì ông phải khai thật. Ông có tiếp xúc gần với bệnh nhân số 34 không?
 
Bệnh nhân 34, nạn nhân của cô vít và cũng kéo nhiều người thành nạn nhân, mấy ngày qua đài, báo ra rả nhắc tới. Chân dung, nghề nghiệp cũng không giấu được. Số 34 là doanh nhân. Mà bạn nhậu của tôi phần nhiều là doanh nhân. Dĩ nhiên là doanh nhân mê mẩn nàng thơ. Biết đâu trước khi chén chú chén anh với tôi, chúng đã gặp gỡ, bắt tay, ôm vai (còn có ôm ở đâu nữa thì chỉ có... cô vít biết) và ký kết làm ăn với số 34.
 
Thôi, bỏ mẹ rồi!
 
Ông bình tĩnh. Giờ chuẩn bị để đi tới chỗ cách ly. Cả tôi cũng phải theo ông. 
Bà cũng bị cách ly?
 
Tui ăn chung, ngủ chung với ông thì làm sao mà trốn được!
 
Thấy đôi mắt ngấn lệ của vợ, tôi sực nhớ mình vừa là chồng lại vừa là một nhà thơ nổi tiếng. Mà đã nổi tiếng vì thơ thì khó mà chết được. Tôi kéo vợ vào lòng:
 
Mình kè kè bên nhau thì sợ gì cô vít!
 
Truyện hài hước: BÍCH NGÂN