Phát động online chương trình văn hóa doanh nghiệp cùng chống dịch

08:04, 07/04/2020

Chương trình góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, môi trường, ngăn chặn, đẩy lùi dịch COVID-19 với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp - một trong những trụ cột quan trọng của văn hóa doanh nghiệp.

Chương trình góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, môi trường, ngăn chặn, đẩy lùi dịch COVID-19 với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp - một trong những trụ cột quan trọng của văn hóa doanh nghiệp.
 
 
Thông tin từ Ban Tổ chức Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam (Ban tổ chức 248) cho biết Chương trình “Văn hóa doanh nghiệp chung tay phòng, chống dịch COVID-19" với chủ đề "Vì Việt Nam khỏe mạnh" được phát động online vào ngày 7/ 4.
 
Cuộc thi là hoạt động thiết thực nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần “chống dịch như chống giặc" và hưởng ứng Ngày Sức khỏe thế giới 7/4.
 
Chương trình do Ban tổ chức 248 phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, Đài Tiếng nói Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam, Hội Truyền thông số Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp tổ chức.
 
Theo Ban tổ chức, chương trình này góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, môi trường, ngăn chặn, đẩy lùi dịch COVID-19 với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp - một trong những trụ cột quan trọng của văn hóa doanh nghiệp.
 
Chương trình cũng hướng tới mục tiêu kết nối, động viên, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, người dân, cộng đồng xã hội bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; đồng lòng, đồng sức, đoàn kết, “tương thân tương ái" phát huy tinh thần văn hóa doanh nghiệp trong đại dịch.
 
Chương trình gồm nhiều hoạt động có nội dung phong phú. Đầu tiên là các hoạt động tăng cường nhận thức như phát dộng, triển khai các clip, bài hát, truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội với thông diệp "Tiếng hát át COVID-19," “Sẻ chia, không tích trữ," "Giữ khoảng cách là tự bảo vệ mình," "Thực hiện giãn cách xã hội," chương trình “Thank you Heroes”... Các hoạt động này sẽ đồng hành, chia sẻ thông tin chính thức về phòng, chống dịch COVID-19 từ các thành viên bằng hình thức phù hợp, góp phần lan tỏa quyết tâm phòng, chống dịch.
 
Tiếp theo là nhóm hoạt động “Chia sẻ khó khăn” thông qua tiếp nhận ủng hộ hiện vật, đồ dùng, sản phẩm. dịch vụ thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch, cách ly, khử trùng, bộ kit xét nghiệm... để chuyển đến các cơ sở cách ly, cơ sở y tế đang phòng. chống dịch COVID-19.
 
Ngoài ra, Ban Tổ chức sẽ hỗ trợ hậu phương, động viên tinh thần, vật chất, tri ân đội ngũ y bác sỹ, chiến sỹ, người trực tiếp tham gia phòng, chống dịch trên tuyến đầu nhất là những y, bác sỹ có hoàn cảnh khó khăn; người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh…
 
Tiếp theo là hoạt động nhằm hỗ trợ thông tin thị trường, sản phẩm, dịch vụ, nhân lực... trong bối cảnh dịch bệnh, điều chỉnh tạm thời sản xuất kinh doanh, cung ứng, thích ứng với tình hình dịch bệnh toàn cầu; vận động sản xuất, cung ứng trang thiết bị y tế trong phòng, chống dịch (khẩu trang, buồng khử khuẩn, bộ kit xét nghiệm, bảo hộ y tế...). Cùng với đó là việc nghiên cứu các nhu cầu, chuẩn bị phục hồi sau dịch, tối ưu hóa sử dụng nguồn lực hiệu quả, tiết kiệm, tăng cường ứng dụng công nghệ, phát huy sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp...
 
Ban Tổ chức cũng xây dựng đề án "Văn hóa kinh doanh hậu COVID-19" nhằm nghiên cứu biến động thị trường, môi trường sản xuất kinh doanh, cách thức giao tiếp xã hội, thích nghi sau dịch bệnh của thị trường toàn cầu…Từ đó, Ban tổ chức sẽ kiến nghị, đề xuất những chiến lược, chính sách phù hợp để hỗ trợ cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp, khởi nghiệp thích nghi, tái hoạt động, phát triển bền vững, góp phần ổn định kinh tế, xã hội của đất nước.
 
(Theo TTXVN)