Thanh xuân

12:04, 26/04/2020

Thanh xuân

 

Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân
 
Tivi đang phát bản tin: “Ly hôn tăng đột biến do ở nhà với nhau quá nhiều thời COVID-19”. Đại vỗ đùi cái đét, quay sang nhìn Bình nhăn nhở: “Tuần này nhà mình cãi nhau cả chục bữa rồi. Anh bị ăn chửi còn nhiều hơn cả ăn cơm”. Bình lườm chồng một cái cháy mặt rồi cúi xuống hì hụi đạp máy may.
 
Quả thực, cả ngày hai vợ chồng loanh quanh trong căn nhà hẹp hèm hèm, đi ra đi vào chạm mặt nhau lại thêm thất nghiệp nên sinh ra hay hục hặc. Cãi nhau loảng xoảng nhưng chỉ 30 phút sau, một người bắt chuyện trước là hòa ngay.
 
Đại không phải là thanh xuân của Bình nhưng Bình lại là cả thanh xuân của Đại. Bình xinh nhất làng. Hồi ấy, mà ghi danh mấy cuộc thi hoa khôi thế nào Bình cũng giật giải. Đại khẳng định chắc nịch như thế. Đám trai làng trên xóm dưới, tối nào cũng í ới đầu ngõ rủ Bình đi xem văn nghệ hay lên thị trấn uống cà phê. Bình trốn biệt trong buồng. Con chó vàng lăng xăng chạy ra chạy vào, sủa nhặng xị.
 
Không biết bao nhiêu lần hàng xóm sang phàn nàn “ầm ĩ không tài nào ngủ nghê gì được”. Mẹ Bình chỉ biết tặc lưỡi: “Vâng”. Phải đến tận khi Bình nhận lời yêu Bảo góc xóm ven sông mới yên tĩnh trở lại. Ai cũng xuýt xoa mỗi khi Bảo chở Bình trên chiếc xe tay ga chạy qua: “Đúng là trai tài, gái sắc”, “con bé Bình phải yêu người như thằng Bảo mới xứng”, “hai đứa nó mà sinh con chắc đẹp như tranh”… Bảo vừa đẹp trai, con nhà giàu lại yêu chiều Bình hết mực.
 
Hai người yêu nhau được hơn hai năm và đã tính đến chuyện về chung một nhà. Đùng một cái, Bình biết tin Bảo đã làm cho một cô gái ở làng trên có thai. Bảo năm lần bảy lượt tìm gặp Bình để giải thích rằng đó chỉ là hậu quả của một đêm say, rằng trên đời này anh chỉ yêu một mình cô, rằng anh sẽ không bao giờ buông tay dù cho Bình có tha thứ hay không…
 
Một tháng sau, đám cưới của Bảo diễn ra vội vã. Bình tự nhốt mình trong phòng để tránh ánh mắt thương hại của mọi người. Đại là người kéo cô ra khỏi cái vũng bóng tối đặc sệt ấy. Đại chở Bình trên con xe đạp long sòng sọc đi hết con đường sống trâu quanh co giữa đồng trơ gốc rạ, dọc bờ đê gió tràn lên đến tận chợ huyện eo xèo lời bán mua… Cứ mải miết đi mà chẳng nói với nhau lời nào.
 
Ngày nào cũng thế cho đến một chiều nắng ngất ngư, Đại phanh gấp ken két làm cả người lẫn xe dúi về phía trước khi nghe Bình nói: “Mình cưới nhau nhé”. Anh không khép được miệng nhìn cô trân trân. Đại mấp máy môi định nói gì đó nhưng vội gạt đi. Anh sợ hỏi lại thì Bình sẽ đổi ý. Chiếc xe đạp cà tàng xé gió lao vun vút. Đại cười một mình suốt quãng đường về nhà.
 
Đại theo đuổi Bình suốt từ những năm học cấp 3. Kể cả khi cô và Bảo còn mặn nồng, Đại vẫn luôn có mặt khi Bình cần. Đại leo lên lợp lại mái ngói bị thủng lỗ chỗ, chằng buộc cột kèo trước mùa mưa bão. Ngôi nhà không có bàn tay đàn ông, gió thốc trăm bề. Đại đóng lại mấy cái chân bàn, chân ghế lung lay như răng bà già, siết lại hàng rào hở toang hoác… Sang nhà Bình, cứ thấy cái gì hỏng hóc là Đại lôi ra sửa.
 
Dăm ba hôm, Đại lại mang qua mớ cá, cua tép, khi thì trái bưởi hay đầy mũ cối rau tần ô.
 
- Anh cứ cho nhà tôi suốt thế này… Sao không để mà ăn hay đem ra chợ bán được đồng nào hay đồng ấy.
 
- Cứ cầm lấy đi. Hồi bé, ngày nào đi học về tôi chẳng qua nhà Bình xin cơm nguội, có ngại đâu.
 
- Ngày xưa khác… bây giờ khác…
 
Đại xua tay, cười hề hề rồi tất tả đi khuất vào bóng hoàng hôn chênh vênh.
 
Đêm trước ngày cưới, Bình bó gối trên chõng tre nhìn ra ngoài bến sông loang lổ ánh trăng. Gió hất tung mớ tóc mái lòa xòa vướng vào hàng mi cong vút của cô. Bình chẳng buồn gỡ, cứ ngồi như bức tượng. Họ hàng vừa lục tục ai về nhà nấy. Căn nhà nhỏ của hai mẹ con Bình vừa mới ăm ắp tiếng cười nói giờ lại nép mình vào im lặng. Tiếng chão chuộc à uôm vọng vào níu cái thở dài thườn thượt của cô chùng hẳn xuống.
 
Có vội vã quá không? Bình lung lay trước tấm lòng chân thành của Đại hay anh chỉ là người lấp đầy khoảng trống mà Bảo để lại trong cô? Bình có thể vượt qua được nỗi ám ảnh về Bảo để hạnh phúc bên Đại? Nỗi hận người cũ liệu có làm tổn thương người mới?
 
- Bình, sao còn ngồi đây? Vào ngủ sớm đi con! Mai phải dậy từ 5 giờ để trang điểm đấy!
 
Bình siết chặt lấy bàn tay chai sần của mẹ nhưng không dám nhìn vào mắt bà. Người phụ nữ ấy đã từng đặt niềm tin sai chỗ và phải chật vật vun vén bao bất hạnh khi làm mẹ đơn thân. Mẹ xoa xoa bờ vai lạnh ngắt của Bình:
 
- Con sẽ hạnh phúc. Mẹ tin thằng Đại!
 
Sau đám cưới, Bình mở một tiệm may nhỏ, chủ yếu sửa chữa quần áo cho những người trong làng. Còn Đại lên thị trấn chạy xe ôm. Vặt đầu cá vá đầu tôm nhưng rồi cuộc sống cứ bình thản trôi qua. Hai vợ chồng có một cô con gái xinh như thiên thần. Ai cũng bảo nó thừa hưởng hết nét đẹp của mẹ chứ Đại cao lều nghều, đen thùi lùi.
 
Nhìn từng mũi kim hớt hải đuổi nhau trên mép vải, Bình trộm nhớ lại câu chuyện hồi chiều chị Sâm bán rau kể. “Thằng Bảo bắt quả tang con vợ tòm tem với giai. Mà lão ấy là khách sộp của cửa hàng nội thất nhà nó. Nghe nói đây không phải là lần đầu. Ngựa quen đường cũ, quen mui thấy mùi ăn mãi”. Cái giọng chua loét của chị Sâm cứ văng vẳng dội vào thành não Bình.
 
Những kỷ niệm tình đầu còn tươi nguyên màu ký ức loang loáng trước mắt Bình. Cả chục năm rồi mà cô chẳng học nổi một chữ “quên”. Nếu ngày xưa mình lấy Bảo thì giờ sẽ ra sao nhỉ? Có khi nào ngày ấy, anh ta bị gia đình hai bên ép cưới?... Bình hấp tấp gạt những ý nghĩ ấy sang một bên, thở hắt ra rồi lại thoăn thoắt kẻ kẻ, đo đo.
 
Đại vịn vào thành giường đứng dậy. Chiếc nạng gõ xuống nền xi măng lộc cộc. Đại bị tai nạn giao thông, gãy chân phải bó bột cả tháng nay. Đêm đó, khi gió lành lạnh cuộn tròn rác bụi chạy dọc vỉa hè, Khải - đứa bạn nghề của Đại vừa quay xe vừa giục rối rít: “Mưa đến nơi rồi, về thôi Đại”. “Ừ, mày về trước đi. Tao đứng thêm chút nữa, biết đâu có khách. Từ sáng đến giờ mới được hai cuốc, chưa đủ tiền xăng”. “11 rưỡi rồi còn cố à”. “Ừ, về trước đi”.
 
Chưa đầy 10 phút sau, một người đàn ông trung niên khệ nệ ba lô sau lưng, túi xách cầm tay rảo bước về phía Đại. “Cậu cho tôi về Hùng Cường nhé!”. Một thoáng phân vân trên gương mặt Đại. Bởi lẽ quãng đường đến xã Hùng Cường gần 20 km lại ngược hướng về nhà anh. Thôi kệ, có tiền mua cuốn sách tiếng Anh cho con.
 
Đến nơi, nhận những đồng tiền ướt nhẹp từ khách, Đại nhét cẩn thận vào tận đáy túi rồi quay xe về nhà. Mưa quất ràn rạt vào mặt, cánh tay anh đau rát. Tai ù ù tiếng gió rít, môi lập cập vì lạnh đang châm chích vào da thịt. Bất chợt “rầm”, một chiếc ô tô con mất lái lao thẳng vào Đại hất văng anh vào vệ cỏ ven đường. Mọi thứ trước mắt Đại mờ nhòa rồi đặc quánh bóng tối.
 
Nhận được cuộc điện thoại báo tin Đại bị tai nạn, Bình xách chiếc xe đạp, lao đi trong mưa. Ướt đẫm gương mặt cô không biết đâu là mưa đâu là nước mắt. Đại được người đi đường đưa vào bệnh viện đa khoa huyện cấp cứu, còn chiếc ô tô gây tai nạn thì chạy mất dạng. Hôm ra viện, thấy đôi mắt ầng ậc lo âu của vợ, Đại còn cười hề hề, chọc ghẹo Bình: “Anh ăn ở hiền lành nên được trời thương đấy. Cái xe máy nát bấy thế mà chỉ gãy một chân là may lắm rồi”.
 
Trời hôm nay oi quá, chắc mai lại mưa. Giọt mồ hôi rịn ra trên trán và hai bên tóc mai của Bình. Có tiếng xủng xoảng, cô ngừng tay, chân thấp, chân cao bước xuống bếp. Đại chật vật cúi nhặt chậu bột mì đổ tung tóe trên nền nhà. Khuôn mặt anh đang cau lại chợt giãn ra khi nghe thấy tiếng vợ.
 
- Anh làm gì vậy?
 
- Mai sinh nhật em mà. Anh nhào bột, ủ qua đêm để làm bánh ga tô.
 
Năm nào cũng thế, cứ đến sinh nhật Bình là Đại lại làm bánh ga tô bằng nồi cơm điện. Công thức anh học được trên mạng. Chẳng phải túng thiếu đến mức không mua nổi một chiếc bánh kem nhưng Đại muốn tự tay làm tặng vợ.
 
Bình nhoẻn miệng cười, Đại cũng bất giác cười theo, ánh mắt tràn đầy yêu thương. Cô tiến đến, khoác tay chồng qua vai mình, dìu anh ngồi xuống ghế. Bình thỏ thẻ:
 
- Vợ chồng mình cùng làm bánh nhé!
 
Truyện ngắn: ĐÀO MẠNH LONG