Đọc lại những vần thơ viết về Đền Hùng, về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10 tháng 3 âm lịch) hàng năm, ta như được tắm mình trong mạch nguồn truyền thống dân tộc và lòng luôn hướng về những khát vọng dự cảm tương lai...
Đọc lại những vần thơ viết về Đền Hùng, về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10 tháng 3 âm lịch) hàng năm, ta như được tắm mình trong mạch nguồn truyền thống dân tộc và lòng luôn hướng về những khát vọng dự cảm tương lai. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong trường ca “Mặt đường khát vọng” chương “Đất nước” đã viết: “Hàng năm đi đâu, làm đâu/ Cũng biết cúi đầu nhớ ngày Giỗ Tổ”. Từ bậc thềm của Đền Hùng trước khi về Thủ đô Hà Nội, Bác Hồ kính yêu đã căn dặn Đại đoàn quân Tiên Phong: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Mạch thơ hướng vọng về tổ tiên luôn được các nhà thơ mở ra nhiều chiều liên tưởng từ trầm tích lịch sử quá khứ luôn là bệ phóng cho tương lai...
|
Du khách trẩy hội Đền Hùng. Ảnh: Internet |
Nhà thơ Nguyễn Cảnh Tuấn trong bài thơ “Gặp ở Đền Hùng” đã viết:
“Lên Đền Thượng bồi hồi/ Thấm thía lời Bác dạy/ Cha anh từng chiến trận/ Núi sông dồn hai vai”. Đất nước Việt Nam có một bề dày lịch sử chiến trận với bao cuộc chống ngoại xâm nên khi bắt gặp cột đá thề ở Đền Hùng điệu thơ 5 chữ của Nguyễn Cảnh Tuấn như nén lại đanh một lời thề:
“Đá thề nhắn người sau/ Gươm bao đời tuốt vỏ/ Dấu binh đao khói lửa/ Trong sắc màu đá tươi”. Cùng với mạch cảm hứng ấy, nhà thơ Nguyễn Văn Toại lại có một cách nói khác. Ông soi mình trong “Giếng nước Đền Hùng”, cũng chính là soi mình trong mạch nguồn trong trẻo của cảm thức dân tộc với biết bao ân tình:
“Chúng con đi đánh giặc suốt Trường Sơn/ Về giếng Đền, soi xuống dòng nước mát/ Ai cũng thấy mình là người đẹp nhất/ Lòng giếng sâu khao khát những cuộc đời”. Ở đây ta thấy huyền thoại của lịch sử luôn đồng hành với thực tại của đất nước. Nhà thơ Vũ Đình Minh chỉ với mấy câu thơ như nét phác thảo ghi lại hình ảnh Bác Hồ với bộ đội ở Đền Hùng mà đọc lên ta thấy cả âm điệu tiếng lòng da diết nhớ khôn nguôi vị lãnh tụ kính yêu:
“Dưới mái đền lấm tấm xanh rêu/ Bộ đội ngồi quây quần quanh Bác/ Bao gạo chéo trên lưng áo bạc/ Súng tựa vai, mũ lưới nhấp nhô”. Ta như được sống lại những giây phút bồi hồi thiêng liêng ấy, khi mà:
“Dẹp giặc vừa yên Bác Hồ lại nhắc: - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước/ Bộ đội ngồi nghe, thương tóc Bác bạc rồi”. Có thể các nghệ sĩ nhiếp ảnh sẽ chớp được khoảnh khắc hình ảnh lịch sử ấy, nhưng tiếng lòng thốt lên: “Thương tóc Bác bạc rồi” thì chỉ có thi ca với tấm lòng thi nhân mới cảm, mới thấu mới chia sẻ được. Vì thế nhà thơ Hữu Thỉnh thật có lý khi ông viết lời tựa cho tập “Thơ Đền Hùng” bằng những lời cô đọng và xúc động: “Về Đền Hùng là hành hương cùng với lịch sử và hành hương cùng với thơ. Thơ ấy dù hàm súc, đường bệ hay nồng nàn, phóng khoáng thì nền tảng vẫn là cảm hứng lịch sử, hồn cốt là tôn vinh quá khứ - Thăng hoa là ở đó và đồng điệu cũng chính là từ đó”.
Hành hương trở về với Đền Hùng, trở về với lịch sử, nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh có một tứ thơ khá ân tình “Đêm nay mình ngủ cuối Phong Châu”. Ông là một người lính, một nhà thơ quân đội vừa qua bao trận mặc trở về với đất Phong Châu với núi Nghĩa Lĩnh, với ngàn xanh tán cọ trung du xin được yên tĩnh phút giây này, mong được:
“Nhưng thôi đêm nay cho mình được ngủ/ Cuối Phong Châu sau cuộc chiến tranh này/ Mai biên giới phía nào gọi tên mình đến giữ/ Cũng xin đừng lay động giấc đêm nay”. Vâng, giấc ngủ hiếm hoi của người lính trong hơi thở trầm lắng của đất đai linh thiêng sinh khí bao bọc trong hào khí lịch sử nhuốm bao truyền thuyết khi mà:
“Dễ gì mơ được dáng bàn tay/ Nâng ốc thổi, thúc voi chầu bãi đá/ Dễ gì mơ được quả xôi dày/ Vua Hùng đến tấm lòng dân dã”. Mạch thơ tự nhiên thuần khiết bình dị mà lắng sâu biết bao. Ở đây ta thấy cuộc hành hương này có bao âm vọng tha thiết khi nữ thi sĩ Lâm Thị Mỹ Dạ nghe tiếng “Trống đồng”, một thi phẩm xuất sắc của chị viết về Đền Hùng:
“Khi tay chạm trống đồng ngân/ Sững sờ tôi ngỡ mình thành người xưa” bởi tiếng trống đồng có bao nét hoa văn cội nguồn truyền thống, biểu trưng cho sức mạnh tiềm tàng của dân tộc đã thanh lọc, đã chất chứa, đã hồi âm, đã vang vọng:
“Qua bao nước mắt mồ hôi/ Vẫn vang một tiếng bồi hồi ruột gan/ Tấm lòng dân tộc Việt Nam/ Thủy chung tiếng trống dịu dàng ngàn năm”. Nói tiếng trống cũng chính là chạm đến cõi lòng thổn thức linh thiêng và bất diệt. Giọng thơ đầy chất nữ tính của chị như một hồi âm, như một khúc vọng da diết. Nhà thơ Nguyễn Phan Hách lại có một tứ thơ lạ “Người mẹ Cà Mau thăm mộ Tổ”. Cà Mau - nơi mũi đất tận cùng phía Nam đất nước và hình ảnh người mẹ già thân thương lặn lội đường trường về thăm mộ Tổ Đền Hùng cảm động biết bao:
“Chân còn lấm phù sa/ Mũi Cà Mau sóng nước/ Qua nghìn dặm đường dài/ Mẹ về nơi mong ước”. Mẹ về thăm mộ Tổ chính là về với cội nguồn. Chúng ta như được dõi theo bước chân thập thững của mẹ bỗng trở nên thanh thoát ung dung tự tại khi được nghe: “Tiếng trống đồng náo nức/ Mộ Tổ thành Phong Châu” và được thấy:
“Non sông phơi gấm vóc/ Trăm voi thế phục chầu”. Mẹ là kết tinh bao phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam, của bao đức tính: trung hậu, đảm đang và anh dũng hiên ngang. Tứ thơ đã xác lập, định vị được bao ấn định thiêng liêng gần gũi với bao nỗi cảm thông chia sẻ. Tiếng thơ viết về Đền Hùng vì thế đã ngân vọng hơn, sâu thẳm hơn và cũng khái quát hơn. Nhà thơ Nguyễn Hưng Hải - một người con của đất Phong Châu - lại chọn một thời khắc: “Nghĩa Lĩnh lúc không giờ” để bày tỏ cảm xúc của mình khi thi sĩ phát hiện ra những cây chò xanh cổ thụ ở Đền Hùng chính là những tán ô rộng xòe che mưa cho khách hành hương về đây. Nhà thơ đã phát hiện phút giây thiêng liêng:
“Bao đôi lứa như ta có mặt lúc không giờ/ Trên Nghĩa Lĩnh đầu trần không ướt tóc/ Đã nghìn năm những thân chò thẳng tắp/ Đứng như người đang đứng trước lư hương”. Và Nguyễn Hưng Hải đã chiêm nghiệm:
“Nghĩa Lĩnh lúc không giờ bén những chân nhang/ Ta cùng em sống lại thời chim Lạc/ Trong tâm tưởng Vua Hùng che cho những lứa đôi”. Chất thơ trẻ trung, tươi thắm nhuần nhị mà vẫn tải được bao đằm thắm ân tình - Một cách nhìn mới về lịch sử, về quá khứ.
Hành hương về với Đền Hùng là về với những địa danh, địa chỉ tin cậy và ấm áp. Đó là một xóm núi Thậm Thình với sự tích vua tôi cùng cày ruộng, giã gạo trong thơ Nguyễn Hữu Quý:
“Thậm Thình vọng tiếng chày đêm/ Lúa Giao Chỉ đã chín lên hai mùa”. Và đặc biệt là bài thơ “Qua Thậm Thình” của nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi. Theo tôi đây là một trong những bài thơ lục bát hay của thể thơ lục bát, một trong những bài thơ hay nhất viết về Đền Hùng đã được tuyển chọn vào sách giáo khoa. Bài thơ như một giọng kể, nhưng giọng kể của tâm tưởng của bao ánh xạ không chỉ là hồi ức mà rất sống động tươi mới:
“Vua Hùng một sáng đi săn/ Trưa tròn bóng nắng nghỉ chân chốn này/ Dân dâng một quả xôi đầy/ Bánh chưng mấy cặp, bánh giầy mấy đôi”. Một sức sống phồn thực dân dã, quấn quýt tràn đầy biết bao khi những cặp lục bát tương ứng nhịp nhàng mở ra đồng điệu và cộng hưởng với:
“Trăm cô gái tựa tiên sa/ Múa chày đôi với chày ba rập rình/ Đêm đêm tiếng thậm, tiếng thình/ Cối gạo đầy cả nghĩa tình nước non”. Trong âm vang của tiếng chày giã gạo ta như được sống lại, được vun đầy bao vẻ đẹp thôn quê Việt của nền văn minh lúa nước. Đây cũng chính là một trong mạch nguồn sức sống tiềm tàng của cộng đồng dân tộc mà truyền thuyết bánh chưng, bánh giầy, trời tròn đất vuông chính là một ẩn số của vũ trụ thắm đượm bao hồn thiêng tụ khí dành tặng cho đất Việt thân yêu mà Đền Hùng là cột mốc tâm linh biểu trưng cho vẻ đẹp ngàn đời bất diệt ấy. Nhà thơ Tạ Hữu Yên thật độc đáo và khá thuyết phục khi dựng nên tứ thơ: “Dựng tượng Vua Hùng phác thảo” ông đã tưởng tượng ra tượng đài Vua Hùng:
“Tượng đài sẽ dựng lên/ Dưới vòm trời Bạch Hạc/ Dập dìu đàn chim Lạc/ Bao quanh tượng Vua Hùng”. Một bức tượng được tạc từ lòng dân, từ ký ức lịch sử, từ lòng người ngưỡng vọng cao cả:
“Người đứng trên tầm cao/ Nhưng mà gần gũi quá/ Tấm áo không thêu Rồng/ Màu vải quê dân dã”. Một bức tượng gần gũi bền lòng và thân thiết, gắn bó với đồng quê mộc mạc với hồn quê đằm sâu:
“Đôi chân người bùn đất/ Thưở ấy vua đi cày/ Cánh cò cùng bông lúa/ Làm bạn thân đêm ngày”. Một bức tượng sống giữa lòng dân:
“Về quanh người, nhân dân/ Những đời thường áo vải/ Nhịp bàn chân mê mải/ Trên dặm đường phía xa”. Thơ viết về Đền Hùng chính từ cội nguồn truyền thống lịch sử đến với bao dự cảm khát vọng tương laicủa hành trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Và thi ca đã dựng lên bức tượng đài bất tử với lòng tri ân sâu sắc khi viết về Đền Hùng.
NGUYỄN NGỌC PHÚ