Với nhà văn Triệu Xuân, những "Giấy trắng", "Nổi chìm trong dòng xoáy", "Bụi đời", "Trả giá", "Sóng lừng"... vẫn còn giá trị, không chỉ cho văn học sử Việt Nam...
Với nhà văn Triệu Xuân, những “Giấy trắng”, “Nổi chìm trong dòng xoáy”, “Bụi đời”, “Trả giá”, “Sóng lừng”... vẫn còn giá trị, không chỉ cho văn học sử Việt Nam... Đặc biệt, trang web chuyên nghiệp https://trieuxuan.info là trang văn chương đã có hàng triệu lượt truy cập và sẽ nhiều lượt người tìm đọc mỗi ngày (hiện đã có hơn 32 triệu lượt truy cập).
|
Bìa một số tác phẩm được tái bản nhiều lần của nhà văn Triệu Xuân |
Quyển sách “Triệu Xuân nghĩa tình bạn hữu” sắp ra mắt đồng nghiệp và bạn đọc. Trong tập sách này tôi không có mặt trong số những bạn hữu có bài viết về nhà văn, dù tôi cũng từng có ý định góp một bài viết về anh.
Tôi nhớ hôm tôi cùng các chị em nhà thơ, nhà văn: Đặng Nguyệt Anh, Lê Thị Kim, Nguyễn Bính Hồng Cầu, Trần Mai Hường, vội vào thăm anh ở Bệnh viện Trường Đại học Y Dược khi biết khối u ác tính đã chèn vào động mạch phổi và tim của anh. Lúc mấy chị em vây quanh nhà văn Triệu Xuân tại phòng bệnh và chúng tôi biết chính xác chẩn đoán của bác sĩ điều trị và những tiên lượng không lành về sức khỏe của anh, dù anh vẫn cố giữ tinh thần lạc quan và còn đọc mấy câu thơ tự trào của nhà thơ Chế Lan Viên(*) khi ông mắc căn bệnh nan y. Chị em chúng tôi, ai cũng không cầm được nước mắt, chỉ biết cùng nhau ôm lấy anh, anh cũng ôm lấy những đồng nghiệp nữ. Chúng tôi chỉ còn biết truyền hơi ấm cho nhau. Kể từ đó, tôi nghĩ về nhà văn Triệu Xuân nhiều hơn và thường “theo dõi” diễn biến sức khỏe anh qua những dòng trạng thái mỗi ngày của anh trên facebook, trên website www.trieuxuan.info.
Thời gian đầu tôi vẫn hay gọi hay nhắn tin hỏi chị Hạnh, người vợ yêu chồng hơn chính bản thân mình, nhưng rồi tôi không dám hỏi nữa, bởi căn bệnh mà nhà văn Triệu Xuân đang chống chọi, ngày một diễn biến theo chiều hướng xấu đi, dù anh đã dùng những phương thuốc hiệu nghiệm và tốn kém nhất để chữa trị (viên Tagrisso mà anh đang uống mỗi ngày 1 viên trị giá 4.500.000 đ - không được thanh toán bảo hiểm). Và anh cùng gia đình đã bình tĩnh hơn để chấp nhận và cũng đã tận dụng “liều thuốc” nhiệm màu là biết nâng niu và tận hưởng giá trị cuộc sống mà mình còn có được ở từng khoảnh khắc.
Theo quy luật sinh lão bệnh tử, tất cả chúng ta đều lần lượt rời bỏ cõi tạm này. Chỉ là người đi trước, kẻ đi sau. Và giá trị mà mỗi chúng ta để lại, với người viết, có thể là một vài tác phẩm, mà trong một vài tác phẩm đó, đôi khi chỉ là một vài câu thơ, một vài câu tả, câu thoại còn được nhắc nhớ. Tôi, anh, chị, những người tự nguyện làm công việc cày ải nhọc nhằn trên cánh đồng khô hạn để tìm chữ nghĩa, mỗi chúng ta ít nhiều đều đang nỗ lực, kể cả dưỡng nuôi kỳ vọng nhưng đừng tự cơi nới, tự thổi phồng tài năng mà ta tưởng là mình có được. Để rồi, cách này hay cách khác ta lại để mất hay đánh mất cái khả năng được đi bằng đôi chân trên mặt đất và chới với trong ảo tưởng mà khước từ những điều quý giá trên mặt đất, trong cuộc sống, cũng như trong từng khoảnh khắc sống mà định mệnh trao cho ta.
Hơn ai hết, có lẽ khi đối mặt, khi chống đỡ và giành giật từng giây một giữa sự sống và cái chết, nhà văn Triệu Xuân hiểu rõ điều đó. Anh trân trọng sự sống, trận trọng cái hay, cái đẹp trong tầm tay mà mình còn có thể với tới được. Hàng ngày nhà văn vẫn gắng gỏi làm việc trên giường bệnh, dù phải trải qua những cơn đau đớn khủng khiếp. Anh vẫn tiếp tục viết về chân dung những nhà văn, viết về những người ưu tú hoạt động trên một số lĩnh vực mà anh từng tiếp xúc ngoài đời hoặc tiếp xúc bằng tư liệu, tác phẩm của họ. Những tác phẩm mới của anh rải rác xuất hiện trên báo giấy, trên báo mạng.
Nhà văn Triệu Xuân còn rất chăm chú đọc bạn bè. Đọc tác phẩm và đọc những dòng tâm trạng trên facebook. Tôi sẽ không bao giờ quên được những lần được anh nhắn tin, nhắc tôi sửa lỗi sai sót hay viết thiếu chữ trên status của mình. Tôi cũng nhớ, có vài lần, vốn nhã nhặn lịch thiệp nhưng anh đã nổi giận khi đã gởi thư mời một vài bạn hữu dự sự kiện văn chương mà không được trả lời, dù anh thấy hiện lên tin nhắn cả trên facebook, zalo, viber là người đó nhận được và đã đọc. Tôi nhớ anh nói: “Người cầm bút mà hành xử như thế thật đáng tiếc!”. Anh giận, bởi anh luôn chỉn chu và còn bởi anh luôn quý bạn. Ai đã từng đến với gia đình anh sẽ thấy sự trân quý tình bạn của vợ chồng anh qua việc chăm chút đãi đằng. Thứ gì ngon nhất, quý nhất trong nhà anh chị đều mang ra và hân hoan nhìn bè bạn thưởng thức món ngon. Anh cũng luôn trân quý những nỗ lực, những thành công dù lớn dù nhỏ mà bè bạn và đồng nghiệp có được.
Với nhà văn Triệu Xuân, người cầm bút phải luôn là người biết quan tâm đến người khác. Anh không tán thành việc không ít người biện minh rằng: đã là nhà văn thì chỉ cần quan tâm đến nhân vật, đến tác phẩm, đến hiệu ứng của công chúng... Bằng nhiều hoạt động của nhóm “Văn chương hồn Việt” mà nhà văn Triệu Xuân là người sáng lập, cầm trịch, như in sách Hoài Anh và đồng nghiệp gần 600 trang ngay sau khi nhà văn Hoài Anh từ trần; tổ chức kỷ niệm ngày mất của nhà văn Hoài Anh; Ra Nguyệt san Văn Chương Ngày nay số đặc biệt kỷ niệm một năm ngày mất của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tổ chức tưởng niệm nhà văn Nguyễn Quang Sáng..., nhà văn Triệu Xuân đã thể hiện phần nào nhân sinh quan của mình: Lòng biết ơn và sự tri ân luôn là giá trị bất biến trong dòng đời vạn biến.
Hơn ai hết, người viết thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của người viết, cũng như giá trị đích thực của tác phẩm văn chương cần được nhắc được nhớ. Bởi lãng quên luôn dễ dàng hơn được khắc ghi. Sự nhắc nhớ và khắc ghi có lẽ thể hiện rõ hơn ở trang https://trieuxuan.info, một website văn chương với dung lượng và giá trị vượt trội nhiều trang web văn chương được đầu tư không ít tiền của của nhiều tổ chức của hội nghề nghiệp.
Rồi tất cả chúng ta sẽ lần lượt rời xa thế giới này, rời xa trang viết, nhưng mỗi người sẽ ít nhiều để lại chút gì đó cho cuộc đời này, theo cách riêng của mình. Và sự trân quý bè bạn, trân quý con người, trân quý từng khoảnh khắc sống nơi nhà văn Triệu Xuân, với tôi, luôn là hơi ấm, thứ hơi ấm không chỉ cần cho cuộc sống mà còn cần cho cả trang viết.
* Bệnh gì chẳng bệnh, bệnh U ư?/ Mình muốn via (vieux) mà nó chẳng từ/ Con chó bệnh, lập trường chẳng có/ Thằng giàu không cắn, cắn nhà thơ! Tháng 3/1989 - CLV. Đọc toàn bài, có lời dẫn của nhà văn Triệu Xuân qua link: https://trieuxuan.info/benh-gi-chang-benh-benh-u-u-bai-tho-it-nguoi-biet-cua-che-lan-vien/
BÍCH NGÂN