Đưa gốm mộc Chu Ru vào những tiết học Lịch sử

05:05, 27/05/2020

Lần đầu tiên, những kiến thức về gốm Krăng Gọ được Trường THPT Pró (Đơn Dương) lồng ghép vào những tiết học Lịch sử...

Lần đầu tiên, những kiến thức về gốm Krăng Gọ được Trường THPT Pró (Đơn Dương) lồng ghép vào những tiết học Lịch sử. Để từ đó, học sinh có thêm trải nghiệm thú vị, đồng thời nâng cao hiểu biết và ý thức về việc góp phần bảo tồn các văn hóa truyền thống tại địa phương.
 
Học sinh Trường THPT Pró hào hứng với những sản phẩm gốm tự mình làm được
Học sinh Trường THPT Pró hào hứng với những sản phẩm gốm tự mình làm được
 
Từ những tiết học ngoài trời
 
Năm học 2019 - 2020 là năm đầu tiên các em học sinh khối lớp 12, Trường THPT Pró được tham gia vào những tiết học Lịch sử đặc biệt. Với nội dung lịch sử địa phương, các em được tìm hiểu về nghề làm gốm truyền thống của chính nơi mà ngôi trường mình đóng chân. Với chuyên đề “Dạy học lịch sử địa phương kết hợp giáo dục, bảo tồn nghề làm gốm của người Chu Ru ở làng Krăng Gọ - xã Pró”, trong thời gian hai tuần, các em học sinh đã được tham gia trải nghiệm thực tế như tham quan các hộ gia đình làm gốm, được trực tiếp tham gia vào quy trình làm gốm dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân tại Trường THPT Pró, được nghe nghệ nhân Ma Ly giới thiệu các công đoạn, quy trình, dụng cụ làm gốm.
 
Không những được trực tiếp làm đất, nhồi đất, tạo hình hay trang trí sản phẩm, thi làm gốm và nhận phần thưởng là những sản phẩm do chính mình làm ra dưới sự hỗ trợ của nghệ nhân, học sinh còn được trải nghiệm thăm phòng trưng bày gốm và văn hóa người Chu Ru tại Nhà thờ Ka Đơn, được nghe cha xứ Nguyễn Quốc Hưng Long giới thiệu về lịch sử làng nghề và giá trị sản phẩm. Đồng thời, tham quan một số cửa hàng gốm hiện đại tại thành phố Đà Lạt để tìm hiểu thêm về thị trường, mẫu mã sản phẩm. Những bàn tay lấm lem đất sét, nhưng tất cả học sinh đều hào hứng với trải nghiệm thú vị từ những giờ học ngoài trời đặc biệt này.
 
Thầy Phạm Thanh Hoài - Tổ trưởng Tổ Sử - Địa - Công dân - Quốc phòng, cũng là giáo viên đề xuất thực hiện chuyên đề trên, chia sẻ: Trường THPT Pró đóng trên địa bàn thôn Krăng Gọ, nhưng không phải học sinh nào cũng hiểu rõ giá trị của nghề gốm nơi đây. Chính vì vậy, chúng tôi đưa nghề làm gốm Chu Ru vào những tiết học Lịch sử với mong muốn nâng cao nhận thức cho học sinh trong việc tìm hiểu, bảo tồn nghề làm gốm của người Chu Ru; phát huy các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo của học sinh. Đồng thời phần nào đó giúp học sinh có định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Với trên 30% học sinh trong trường là người đồng bào dân tộc thiểu số, cô Du Huê Lan - Hiệu trưởng Trường THPT Pró, cho biết: Việc đưa nội dung lịch sử địa phương vào chương trình học sẽ giúp các em học sinh, đặc biệt là học sinh người Chu Ru hiểu rõ văn hóa truyền thống, hào hứng tiếp thu và chịu học. Trước thực trạng học sinh không còn nhiều hứng thú với môn lịch sử như hiện nay, thì đây là cách để học sinh hứng thú hơn với các tiết học Lịch sử. Đồng thời, hoạt động làm gốm giúp khơi dậy tính mày mò, sáng tạo của học sinh. 
 
“Những tiết học đặc biệt như thế này sẽ giúp cho nhà trường thay đổi cách tiếp cận, đánh giá học sinh. Thay vì gọi học sinh lên bảng trả bài với những lý thuyết khô khan, giáo viên sẽ giao bài tập cho học sinh nghiên cứu, để vừa có tư liệu, vừa nâng cao hứng thú cho học sinh, đồng thời thay đổi cách dạy và học của cả thầy và trò” thầy Phạm Thanh Hoài chia sẻ.
 
Là người con Chu Ru, Pơ Ju Nai Uyển My (học sinh lớp 12) cảm thấy vô cùng hào hứng khi tham gia những buổi học tìm hiểu về nghề gốm. Em nói rằng, mặc dù nghề gốm là nghề truyền thống của dân tộc mình, nhưng cả gia đình em không còn ai theo nghề. Thế nên, được tận mắt nhìn các nghệ nhân làm gốm, được tận tay chạm vào khối đất sét đang dần thành hình, với em đó là một niềm may mắn. Bây giờ, My đã biết cách lấy đất, nặn đất, làm gốm, trang trí, nung đất,... để làm ra một sản phẩm gốm cơ bản.
 
Truyền cảm hứng cho học sinh
 
Dưới sự đồng hành, hướng dẫn của thầy Phạm Thanh Hoài, Pơ Ju Nai Uyển My cùng với Nguyễn Thị Luyến - cũng là học sinh lớp 12, Trường THPT Pró đã thực hiện đề tài “Thực trạng nghề gốm của người Chu Ru ở làng Krăng Gọ và một số định hướng bảo tồn, phát huy trong thời gian tới”. Đây là một trong năm đề tài đoạt giải Nhất Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học tỉnh Lâm Đồng lần thứ XII, năm học 2019 - 2020.
 
Để hoàn thành đề tài, trong thời gian 3 tháng, ba thầy trò đã cùng gặp gỡ, trò chuyện với nhiều người am hiểu về nghề gốm của người Chu Ru. Càng tiếp xúc nhiều, càng hiểu hơn về gốm mộc Chu Ru, niềm tự hào và yêu thích về gốm càng lớn hơn trong hai cô học trò nhỏ, đồng thời cũng nhận ra được những thách thức mà gốm Krăng Gọ đang gặp phải. Đó là nguồn nguyên liệu ngày một ít đi, thị trường thu hẹp và sức cạnh tranh của sản phẩm thấp, thu nhập từ nghề làm gốm ngày càng giảm, ý thức của người dân còn hạn chế... Nguyễn Thị Luyến chia sẻ: “Em cảm thấy mình cần có trách nhiệm hơn trong việc vận động các bạn trong trường tìm hiểu về làng gốm Krăng Gọ, quảng bá sản phẩm gốm đến học sinh trong và ngoài nhà trường để nghề gốm được lan tỏa, nhiều người biết đến”.
 
Luyến và My đều có niềm đam mê và yêu thích đặc biệt với môn Lịch sử. Mới đây, Luyến vừa đoạt giải Nhì, còn Uyển My cũng đoạt giải Ba kỳ thi chọn học sinh giỏi môn Lịch sử cấp tỉnh. Các em chia sẻ rằng, niềm yêu thích môn Lịch sử một phần được truyền cảm hứng từ chính các thầy, cô trong trường. Với những cách tiếp cận hay ho và thú vị - mà những tiết học về gốm Krăng Gọ là một ví dụ điển hình, các em càng có thêm hứng thú và động lực để cố gắng. 
 
Thầy Hoài chia sẻ thêm: Nghề làm gốm của người Chu Ru ở làng Krăng Gọ thể hiện đời sống kinh tế, văn hóa đặc trưng của người Chu Ru qua nhiều thập kỷ. Thế nhưng, trước thực trạng hiện nay, việc đưa ra các giải pháp để bảo tồn, phát huy nghề gốm, cũng như định hướng thay đổi nhận thức là rất quan trọng. Chúng tôi muốn bắt đầu từ chính học sinh nói riêng và cộng đồng dân tộc Chu Ru ở làng Krăng Gọ, xã Pró nói chung.
 
VIỆT QUỲNH