Những mùa cúc quỳ ở Xuân Sơn

02:05, 01/05/2020

Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Nhất, thôn Xuân Sơn, xã Xuân Trường, huyện Đơn Dương; nay thuộc thành phố Đà Lạt.

Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Nhất
Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Nhất
Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) Nguyễn Thị Nhất, thôn Xuân Sơn, xã Xuân Trường, huyện Đơn Dương; nay thuộc thành phố Đà Lạt. Mẹ có 3 con hy sinh: Lê Thị Diệu Minh, hy sinh năm 1971; Lê Văn Tân, Lê Hùng Việt, hy sinh năm 1972. Người con nuôi và con rể của mẹ (chồng hứa hôn của Lê Thị Diệu Minh) cũng đã hy sinh.
 
“Ra đi phải giữ lời thề/ Làm tròn nghĩa vụ mới về quê hương
 
Các con đã tròn nghĩa vụ với nước non nhưng đã không trở về. Mẹ cũng không còn nước mắt để khóc con...”
 
Gần hai mươi lăm năm trước, tôi gặp mẹ ở Đà Lạt, vào một ngày mùa đông buốt lạnh. Trong một ngôi nhà bé nhỏ trên sườn đồi, mẹ Nguyễn Thị Nhất ngồi bó gối trên chiếc ghế gỗ, đôi mắt sâu thẳm nhìn ra những bụi cúc quỳ dần tàn héo sau thời thanh xuân, rực rỡ của mùa thu. Hoa cuối mùa ánh lên sắc vàng sậm đến nao lòng. Mẹ Nhất nói: 
 
- Ở Xuân Sơn, hoa cúc quỳ nhiều lắm!
 
 Mắt mẹ nhòa đi. Đà Lạt đồi núi trập trùng. Đồi núi che khuất tầm mắt mẹ. Hoa ở cao nguyên tươi xinh, mơn mởn, mềm mại. Cao nguyên có những ngày buốt lạnh, ướt át vì mưa phùn. Những ngày mùa đông, lòng mẹ cồn lên nỗi nhớ thương con. Mẹ nhớ người con gái xinh tươi đã vĩnh viễn nằm lại giữa đồng bằng Nam Bộ ấm áp, bên bờ sông Sài Gòn đầy ắp phù sa, dạt dào sóng vỗ. Duyên phận nào đưa người con gái đất cao nguyên về với đồng bằng phương Nam nắng ấm? Duyên phận nào đưa tôi - cô gái của đồng bằng ngược lên cao nguyên tìm gặp mẹ? Lần lượt, những người con gái, con trai xinh đẹp năm xưa chợt sống dậy, hiện về trong ký ức mẹ... 
 
Mẹ Nguyễn Thị Nhất dù đang sống trong ngôi nhà của đứa con gái ở Đà Lạt nhưng tâm hồn mẹ đã gởi lại mảnh đất chôn nhau cắt rốn ở Xuân Sơn. Mẹ kể người dân Xuân Sơn hiền lành, cần cù, chân chất. Ấy cũng là nơi sinh sản ra những cô gái, chàng trai khỏe mạnh và xinh đẹp. Những ngôi nhà xinh xắn nép dưới những rặng cây xanh. Nơi những mái ấm ấy, cuộc sống giản dị, bình yên, êm đềm trôi đi... Nhưng rồi một ngày Xuân Sơn tả tơi, xơ xác vì bom đạn. Kẻ thù dồn dân, lập ấp chiến lược. Sự chết chóc lan tận đến cái thôn vàng rực hoa quỳ. Những cánh hoa bị dập nát, gãy gục dưới gót giày kẻ ngoại bang. Người Xuân Sơn vùng lên. Những người mẹ lại tiễn chồng, tiễn con ra trận như những năm Xuân Sơn là căn cứ chống Pháp. 
 
Thời con gái của mẹ có biết bao kỷ niệm gắn bó ở Xuân Sơn. Năm 17 tuổi, mẹ Nhất đã là cô y tá giỏi nghề, tháo vát. Bàn tay cô gái xinh đẹp ấy đã xoa dịu bao vết thương của thương binh. Năm 18 tuổi, mẹ lấy chồng. Chồng mẹ là một chiến sĩ vệ quốc. Xuân Sơn năm ấy có biết bao những chiến sĩ thầm lặng như mẹ Nhất làm công tác tiếp tế lương thực, giao liên, nắm tình hình địch... Tất cả lao vào cuộc chiến đấu giành lại nền độc lập. Mẹ Nhất cũng không có điều kiện sống gần chồng. Hòa bình lập lại năm 1954. Ngày hội ngộ được sống bên nhau dưới nếp nhà lá xinh xắn ẩn dưới rặng cây xanh, đôi vợ chồng trẻ nghĩ từ đây sẽ mãi mãi bên nhau. Họ sẽ sinh những đứa con. Và những đứa bé sẽ nô đùa dưới những lùm hoa cúc quỳ vàng rực rỡ. Nhưng chiến tranh đã lan rộng đến cái thôn trên sườn núi xa xôi, hẻo lánh này. Mẹ lại tiễn chồng đi. Chồng mẹ sa vào tay giặc. Cũng từ đó, mẹ chắt chiu nuôi chồng nơi nhà giam Đà Lạt...
 
Mẹ ở lại Xuân Sơn đào hầm bí mật nuôi cán bộ. Mẹ trà trộn giữa Xuân Sơn dưới lớp áo của một nông dân chăm chỉ làm ăn để nắm tình hình địch, báo cho đội công tác đặc biệt. Mẹ là một hộp thư mật giữa cái thôn trên sườn núi... Kẻ thù dù có lê máy chém khắp nơi, ra sức dồn dân vào ấp chiến lược, o ép mọi bề nhưng người Xuân Sơn vẫn ngoan cường, quật khởi. Những bô lão nói với nhau rằng, chỉ khi nào kẻ thù nhổ hết hoa cúc quỳ trên sườn núi thì người Xuân Sơn mới chịu thúc thủ. Hoa cúc quỳ vẫn nở vàng, rực rỡ, tưng bừng dưới ánh nắng chói chang báo hiệu mùa xuân. Vì vậy, những bà mẹ Xuân Sơn lại tiễn đưa những đứa con đi đánh giặc. Mẹ Nhất lần lượt tiễn đưa các con: Lê Thị Diệu Minh, Lê Văn Tân, Lê Hùng Việt ra đi. Hết con ruột đến con nuôi, con rể tương lai, chính mẹ lại gói cho đứa con nuôi Trà Văn Thắng bộ quần áo, nắm cơm gia nhập "Giải phóng quân". Mẹ lại tiễn đưa anh Phạm Thanh Tấn, người yêu của chị Diệu Minh vào "Đội công tác đặc biệt". Mỗi lần con ra đi, mẹ nén lại nỗi đau, nước mắt; dù khi con đi rồi, đêm đêm, mẹ úp mặt xuống mà khóc. Mẹ tâm sự: “khóc con nhiều nên giờ mắt nhìn rất yếu!”. Đau là đau vậy nhưng mẹ không thể ngăn các con ra đi. Mẹ cũng xác định chiến tranh ác liệt, nếu một ngày nào đó nhận được tin con hy sinh là điều không tránh khỏi. Trái tim người mẹ nhìn thấu được những điều đau thương nhất nhưng thật cảm động khi chính mẹ lại nói với con lời nhắn nhủ tận đáy lòng:
 
“Ra đi phải giữ lời thề
 
Làm tròn nghĩa vụ mới về quê hương”
 
Các anh chị đã tròn nghĩa vụ với nước non nhưng vĩnh viễn không trở về với mẹ. 
 
Mẹ kể khi bộ đội bị phong tỏa, lương thực trở thành vấn đề thật nan giải, hiếm hoi. Mẹ đã chắt chiu từng quả mít, nồi cơm nếp, từng chùm bánh lá để sẵn nơi bìa rừng đã quy ước điểm tiếp tế. Sợ lưu lại nơi đó lâu sẽ bị lộ bí mật, mẹ bỏ đi. Ngày hôm sau mẹ quay trở lại với mớ bắp luộc, khoai sắn luộc... Mẹ nhìn vào gốc cây. Nếu như những bọc thức ăn có người lấy đi rồi, mẹ thở phào nhẹ nhõm vì vui mừng. Nhưng có những lúc mẹ lặng người nhìn những gói thức ăn còn nguyên đó. Xa xa, có tiếng súng nổ, lính "quốc gia" bố ráp ngăn chặn mọi con đường. Nước mắt mẹ chảy trên má. Cơm gạo đây rồi, thức ăn đây rồi mà những đứa con của mẹ đành nhịn đói. Nhìn những củ khoai, bắp, gói cơm nắm mốc meo, lòng mẹ đau như cắt. Đàn kiến nối dài, đen đặc công kênh bâu lấy phần thực phẩm bị bỏ lại bìa rừng có hiểu cho lòng mẹ? Từng tràng súng chát chúa rộ lên. Nghe tiếng súng, mẹ biết những đứa con yêu của mẹ sẽ hy sinh. Mẹ dõi theo hướng tiếng súng, ngực đau thắt vì lo sợ. Kìa, tiếng súng chống trả sao mà lẹt đẹt, yếu ớt. Dự cảm đó của mẹ là đúng. 
 
Liên tục ba năm từ 1970 đến 1972, mẹ nhận được tin các con hy sinh, cũng bao nhiêu lần mẹ chít khăn tang lên mái đầu điểm bạc. Nhưng lần nhận được tin báo tử chị Lê Thị Diệu Minh đã để lại trong lòng mẹ vết thương sâu thẳm nhất. Con gái mẹ hy sinh năm 1971, trên dòng sông Sài Gòn khi mới ngoài 20 tuổi. Ngày ấy, mái tóc chị dày muợt, óng ả. Chị kẹp mớ tóc ấy bằng cây kẹp ba lá, vắt đuôi tóc đen nhánh ngang khuôn ngực tròn căng. Từ thôn Xuân Sơn, đôi bàn chân bé nhỏ của chị Minh vượt bao cánh rừng, dòng sông để có mặt tại cửa ngõ Sài Gòn. Chị phục vụ ngành dân y tỉnh. Chị Diệu Minh có biết bao tâm tư trên chuyến công tác cuối cùng, trước khi chị được lệnh ra Hà Nội học bác sĩ. Trên chiếc xuồng gồm 8 người chở đầy lương thực, thuốc men, hàng hóa rơi vào tầm đạn vây bủa của đối phương. Chiếc xuồng đã quá tải lại lướt quá nhanh nên bị lật úp. Vực nước quá sâu, chị Diệu Minh bị dòng nước cuốn trôi... Đồng đội túa đi tìm xác chị. Chính bàn tay của Giám đốc Bệnh viện Đơn Dương (sau ngày hòa bình) đã chôn xác chị Diệu Minh bên bờ sông Sài Gòn, cùng với chiếc áo đầy vết đạn của người yêu chị mang bên mình, cho đến giây phút cuối cùng. Mãi sau này, đồng đội chị mới tìm được mộ, đưa hài cốt chị về Nghĩa trang liệt sĩ Lâm Đồng. Đồng đội chị Minh đã mang về cho mẹ Nhất chiếc kẹp ba lá của đứa con gái thân yêu. Hòa bình, kỷ vật những đứa con nặng trĩu trong hành trang của những năm tháng cô đơn, mất mát của cuộc đời còn lại. 
 
Mẹ Nhất còn giữ nguyên quyển nhật ký của anh Lê Hùng Việt. Gia nhập bộ đội năm1968, anh Việt hy sinh năm 1972. Lúc ấy, mẹ đang ở nhà. Nghe tiếng súng từ hai phía, mẹ bỗng biến sắc mặt, đôi chân run rẩy khuỵu xuống. Mẹ lắp bắp:
 
- Thằng Việt, thằng Việt...!
 
Mẹ mới vừa tiễn chân anh về đơn vị. Tiếng súng giao tranh đầu thôn đã dội vào trái tim mẹ những nhát búa của tử thần, định mệnh. Tiếng súng của đối phương sao mà nghe hung hãn. Tiếng súng chống trả của con trai mẹ đơn độc, nhỏ dần... Đúng như ý nghĩ của mẹ. Đồng đội của anh Việt mang về cho mẹ quyển nhật ký đựng trong chiếc ba lô của anh. Đúng ra đó là một quyển lưu bút. Anh ghi lại những bài thơ, bài hát rừng rực bầu nhiệt huyết một thời. Và chính những bài thơ ấy đã thôi thúc anh ra đi. Bút tích của đứa con trai vạm vỡ, mạnh mẽ, kiêu hùng của mẹ. Vậy mà giờ đây đứa con trai ấy đã vĩnh viễn nằm xuống, hóa thân vào cát bụi. Những đứa con nuôi của mẹ - anh Trà Văn Thắng, con rể Phạm Thanh Tấn cũng lần lượt hy sinh. Nỗi đau của mẹ không có gì bù đắp được. Mẹ nói bằng giọng đầm nước mắt:
 
- Con ruột, con nuôi, con rể, đứa nào cũng là con. Nghe nó hy sinh, ruột mẹ như đứt ra rừng đoạn...
 
Nhưng mẹ đã nén lại đau thương, len lỏi trong hàng ngũ lính "quốc gia", dùng lời lẽ phải trái để thuyết phục, vận động họ giải ngũ, cung cấp súng đạn cho cách mạng. Nỗi đau khiến mẹ thêm phần can đảm để bước đi trên con đường dầy đặc mìn, chông. Dường như có một thứ ánh sáng được soi rọi từ tâm linh để mẹ vượt qua những thứ giết người, hoàn thành công tác liên lạc, dẫn đường tiếp tế của mình. Mẹ làm tất cả. Không ngại gian khó, không màng nguy hiểm cho ngày hòa bình. 
 
Những đứa con mẹ dẫu chết đi nhưng các anh, các chị con vẫn còn nguyên vẹn trong kí ức mẹ. Con chết - lòng người mẹ đau đớn khôn lường, đó là lẽ đương nhiên. Nhưng nếu ai cũng sợ nỗi mất mát này thì làm sao có được ngày hòa bình!
 
Mẹ bình thản nói với tôi như vậy. Nhưng tôi biết để có được sự bình thản đó, mẹ phải có một bản lĩnh ghê gớm để vượt qua nỗi đau của chính mình. Đã có bao đêm dài mẹ không ngủ được, nước mắt chảy tràn vì nỗi nhớ thương con, đã có bao nhiêu giọt nước mắt vì buồn tủi, vì những điều bất công còn quá nhiều trong cuộc sống. Mẹ nói: 
 
- Mẹ làm tất cả những điều ấy đâu phải để kể công. Hồi đó mẹ phải làm vì quê hương bị giày xéo, chẳng người dân nào được yên ổn làm ăn!
 
Giờ đây là hòa bình, người dân được tự do đi lại, được hiểu cái giá của tự do. Mẹ lên Đà Lạt thăm con cháu rồi quay lại Xuân Sơn. Nước mắt mẹ tự dưng lại chảy tràn khi nhìn ra hai bên đường, thông suốt ngược xuôi xe cộ, khách bộ hành. Những mái nhà xinh xinh ở Xuân Sơn đang nép yên bình dưới rặng cây xanh. Thêm những mái ngói ấm áp tình người, ấm áp màu sắc tươi vui, no ấm...
 
*
 
Năm 2011, tôi về Xuân Sơn, gặp mẹ tìm tư liệu làm bộ phim tài liệu về mẹ. Tôi mừng khi năm ấy mẹ vẫn còn khỏe, để tôi còn được đi cùng mẹ trên đường làng, thực hiện mấy cảnh quay. Bìa rừng năm xưa nay đã thành khu đô thị, những ngôi nhà thi nhau mọc lên. Cuộc sống quá nhiều thay đổi. Những đứa trẻ Xuân Sơn lại cắp sách đến trường, lại nô đùa trên cánh đồng vàng rực hoa cúc quỳ báo hiệu mỗi độ xuân về. Một chút mãn nguyện thấp thoáng trên đôi mắt sâu thẳm nỗi đau của mẹ. Nhưng tôi biết, trong đôi mắt của bà mẹ Xuân Sơn còn ẩn chứa một niềm khắc khoải khôn nguôi. Với mẹ Nhất, nỗi nhớ thương những đứa con không vơi đi mà đầy thêm theo tháng năm, đầy theo nước mắt. Hòa bình rồi, mẹ vẫn không thôi nhớ thương, trăn trở. Bìa rừng này, nơi ngày xưa mẹ mang thức ăn cho những đứa con vẫn còn đây. Những đứa con đã vĩnh viễn ra đi năm nào, hãy về đây với mẹ!
 
Đà Lạt, cuối thu 1995 - 2019
 
TRẦM HƯƠNG