''Cứ đi rồi mình sẽ biết''

11:06, 25/06/2020

(LĐ online) - Đối với nhà báo K'Dực - Phó Trưởng phòng Biên tập Tiếng dân tộc thiểu số của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Lâm Đồng, nghề báo là một cái duyên để mình được đồng hành và gắn bó trong suốt ngần ấy thời gian.

(LĐ online) - Đối với nhà báo K’Dực - Phó Trưởng phòng Biên tập Tiếng dân tộc thiểu số của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Lâm Đồng, nghề báo là một cái duyên để mình được đồng hành và gắn bó trong suốt ngần ấy thời gian. Và có lẽ đối với anh, quãng thời gian làm phóng viên, được xách balo, cầm chiếc máy ảnh, máy quay phim về nơi đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống, ấy là niềm hạnh phúc và mang đậm ý nghĩa.
 
Phóng viên, nhà báo K’Dực luôn thể hiện tốt khả năng tiếp cận thông tin, cách làm báo hiện đại một cách nhanh chóng và chuyên nghiệp
Phóng viên, nhà báo K’Dực luôn thể hiện tốt khả năng tiếp cận thông tin, cách làm báo hiện đại một cách nhanh chóng và chuyên nghiệp
 
Từ yêu thích…
 
Với những người ở Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Lâm Đồng hay những phóng viên, nhà báo trên địa bàn, cái tên K’Dực chắc hẳn không còn xa lạ. 
 
Anh kể, xã Liên Đầm, huyện Di Linh là quê gốc của anh. Ngày đó, trong nhà có đông anh chị em, gia đình lại nghèo khó nhưng bố mẹ vẫn luôn cố gắng để các con của mình được đến trường, biết đọc và biết viết từng con chữ. Để đền đáp công ơn dưỡng dục của bố mẹ, sau chặng đường dài cần mẫn học tập, năm 1998, anh K’Dực trở thành tân sinh viên của trường Đại học Khoa học và Xã hội nhân văn tại Thành phố Hồ Chí Minh và tốt nghiệp ra trường với tấm bằng cử nhân Báo chí vào năm 2001.
 
Vốn là người có niềm đam mê viết lách từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường và hi vọng một mai được cống hiến sức trẻ cho quê hương, nên ngay sau khi ra trường, nơi anh chọn làm “bến đỗ” ấy là Đài Phát thanh và Truyền hình của tỉnh Lâm Đồng.
 
Thời gian cứ thế thoi đưa, gần 20 năm làm phóng viên, nhưng mỗi khi nhớ về những ngày đầu vừa mới chập chững bước vào nghề, anh vẫn thấy vui và bảo: “Cứ đi rồi mình sẽ biết”.
 
Hoài niệm về quá khứ, anh K’Dực không nhớ mình đã đi qua bao nhiêu con suối, vượt qua bao con đường đầy bùn đất để về với bà con vùng sâu, nhưng anh chỉ nhớ rằng ở những buôn làng xa xôi đó có những con người thật thà, chất phác luôn chào đón những vị khách giống như anh. Và có lẽ, tình yêu của anh K’Dực dành cho đồng bào không chỉ cụ thể bằng những phóng sự, bản tin mà trên hết đó là nghị lực vượt qua mọi khó khăn của một nhà báo, phóng viên miền núi. 
 
“Nói thì vậy thôi nhưng nghề nào cũng sẽ có cái khó khăn của nó. Làm phóng viên cũng thế. Những kỹ năng từ viết tin, dựng bài và quay phim, chụp ảnh đều được tích luỹ từ việc học tập, trải nghiệm thực tế đi làm và sự hướng dẫn của bạn bè, đồng nghiệp. Tôi không nhớ đã bao đêm thức trắng và trăn trở với những bài viết và luôn đặt ra trong đầu rằng thông điệp của mình đã đủ chạm tới người đọc, đặc biệt là những bài viết phục vụ cho bà con vùng đồng bào đã thực sự hoàn chỉnh hay chưa. Cứ mỗi lần như thế tôi chỉ biết tự động viên phải nỗ lực từng ngày để trở thành cây viết có ích cho xã hội” - anh K’Dực chia sẻ.
 
…đến đam mê
 
Làm báo với anh, có lẽ ấn tượng nhất vẫn là mỗi chuyến đi công tác về với bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi theo anh, mỗi chuyến đi như vậy mang lại cho mình cơ hội biết thêm vùng đất mới, gặp những con người mới và những câu chuyện “không bao giờ là cũ”.
 
Anh K’Dực bộc bạch: “Nghề báo cũng cho tôi hiểu thêm về nhiều lĩnh vực khác nhau, trau dồi khả năng về giao tiếp và ứng xử trong cuộc sống. Vì thế, dù có nhiều khó khăn phía trước nhưng tôi luôn thấy tự hào vì đã chọn và làm đúng công việc mình yêu thích. Nghề báo khiến tôi thêm thực tế khi nhìn nhận bản thân, nhìn nhận cuộc sống xung quanh”. 
 
Cho tới bây giờ, hơn 19 năm làm phóng viên và đầu năm 2019, anh K’Dực được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Trưởng phòng Biên tập Tiếng dân tộc thiểu số của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Lâm Đồng. Với khối lượng công việc ngày một nhiều, nên chuỗi ngày công tác làm phóng viên của anh cũng một ít đi. Tuy nhiên, với anh được tiếp tục làm công việc mình yêu thích, được biên tập, phiên dịch tiếng mẹ đẻ, để được truyền tải thông điệp đến bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ấy là những điều anh cảm thấy công việc làm báo của mình thêm phần ý nghĩa hơn. 
 
Luôn giữ “tâm sáng, bút sắc” là câu nói anh luôn tự nhắc nhở bản thân để tiếp tục hành trình công việc để rồi khi những tác phẩm như “Đất mẹ nở hoa” (đồng tác giả) được Đài truyền hình Việt Nam tặng bằng khen tại Liên hoan truyền hình toàn quốc (LHTHTQ) lần thứ 37 hay “Tìm lại tấm da trâu bị mất” (đồng tác giả) đã giành Huy chương Bạc tại LHTHTQ lần thứ 38. Nhân Kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (20/6/1925-20/6/2020) anh vinh dự được Ban Tuyên giáo Trung ương tặng Bằng khen dành cho những Nhà báo xuất sắc. Bên cạnh đó, những tác phẩm viết về văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số của anh luôn đạt giải trong những lần anh tham dự giải báo chí do tỉnh Lâm Đồng tổ chức. 
 
“Hiện tại công việc chính vẫn là biên tập tiếng K’Ho. Không có gì hạnh phúc hơn khi bản thân mình được đọc và truyền tải thông tin bằng tiếng mẹ đẻ cho đồng bào của mình. Bên cạnh đó, tôi nhận ra rằng, những nét đẹp văn hóa, ngôn ngữ của người K’Ho đang bị mai một dần và giới trẻ hiện nay không còn mặn mà như trước. Và có lẽ, công việc tôi đang làm sẽ phần nào giúp tôi có thêm nhiều cơ hội, để góp phần giữ gìn tiếng nói chung cũng như những bản sắc văn hóa của người đồng bào dân tộc gốc Tây Nguyên được bền lâu hơn” - anh K’Dực giãi bày.
 
Theo Nhà báo Nguyễn Thanh Nhân - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Lâm Đồng nhận xét, là đảng viên, bản thân đồng chí K’Dực là người năng nổ, chịu khó làm việc, nghiên cứu học hỏi và khả năng chuyên môn cao. Bên cạnh đó, K’Dực là người K’Ho nên đồng chí luôn bám sát và nắm bắt được thông tin trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, điều đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc truyền tải thông tin đến với bà con trong các buôn làng. Đặc biệt hơn nữa, đồng chí K’Dực từng vinh dự có thời gian tham gia biệt phái trong chương trình VTV5 của Đài Truyền hình Việt Nam. Từ đó, đồng chí cùng đồng nghiệp thực hiện tốt việc gửi chương trình tạp chí tiếng K’ Ho và Chu Ru cộng tác với kênh VTV5 và được Ban Biên tập VTV5 đánh giá cao. Với khả năng tiếp cận về các chương trình mới và cách làm báo chí truyền hình hiện đại nhanh nhẹn đó đã giúp cho K’Dực có bản lĩnh, tích lũy được chuyên môn, nghiệp vụ tốt hơn ở thời điểm hiện tại và trong tương lai. 
 
THÂN THU HIỀN