Khác với đồng bào dân tộc M'Nông, Ê-đê... vẫn lưu giữ được những căn nhà dài truyền thống của dân tộc mình, còn tại các bon, làng của người K'Ho (Kơ Ho), Mạ (Lâm Đồng), nhà dài đã bị mai một rất nhanh và có nguy cơ biến mất trong đời sống cộng đồng.
Khác với đồng bào dân tộc M’Nông, Ê-đê... vẫn lưu giữ được những căn nhà dài truyền thống của dân tộc mình, còn tại các bon, làng của người K’Ho (Kơ Ho), Mạ (Lâm Đồng), nhà dài đã bị mai một rất nhanh và có nguy cơ biến mất trong đời sống cộng đồng.
|
Một trong những ngôi nhà dài còn sót lại tại thị trấn Di Linh |
Nhớ lại những năm tôi còn thời thiếu niên, tôi cũng được may mắn có dịp chứng kiến cảnh người dân trong bon (bòn) tổ chức các lễ hội truyền thống từ lễ gieo sạ lúa, rửa chân trâu, đặt tên con... cho đến các lễ hội trọng đại như “nhô lir bong”, “nhô sa rơpu”. Trong lễ hội nào cũng vậy, dường như tiếng chiêng, tiếng trống ngân vang đã trở thành thông lệ truyền thống, là nét đẹp mang tin vui đến với cả cộng đồng. Trước đây, cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả, thiếu thốn trăm bề, muốn tổ chức một lễ hội lớn mang tầm cỡ như lễ hội “nhô sa rơpu” không phải chuyện dễ, gia chủ phải dành dụm, tích góp, chuẩn bị đủ mọi thứ từ một năm trước (từ con trâu, hàng chục ché rượu cần, gạo... để đãi khách), bởi thời gian tổ chức lễ hội này thường kéo dài trong một tháng.
Nghệ nhân cồng chiêng K’Brel ở thôn Kròt Dờng, xã Bảo Thuận, chia sẻ: “Nhà dài người K’Ho là nét văn hóa truyền thống, là nơi linh thiêng mà thần lúa thường trú ngụ. Vì vậy, việc tổ chức các lễ hội truyền thống trong không gian nhà dài luôn thể hiện sự trang nghiêm và linh thiêng. Âm thanh tiếng trống, tiếng chiêng được vang vọng, thanh thoát ngân xa mà nhà xây cất bằng bê tông không có được”.
Còn với anh Dacha Vũ Bảo ở thôn Đồng Đò, xã Tân Nghĩa, tuy là thế hệ trẻ nhưng anh cũng đã từng chứng kiến các lễ hội của dân tộc được tổ chức dưới mái nhà dài truyền thống. Có lẽ nhờ vậy mà tiếng cồng, tiếng chiêng đã ngấm sâu vào trong “máu thịt” của anh. Anh Dacha Vũ Bảo là một trong những thế hệ trẻ tích cực tham gia hoạt động văn hóa cồng chiêng của xã Tân Nghĩa, hiện anh cùng với một số nghệ nhân trong vùng đang miệt mài truyền dạy cách sử dụng cồng chiêng cho 24 thanh thiếu niên tại địa phương do huyện tổ chức. “Nhà dài mất đi là một mất mát rất lớn đối với người K’Ho. Trước đây, hàng năm tại các bon của người K’Ho thường tổ chức các lễ hội truyền thống và cũng nhờ đó mà thanh thiếu niên đều biết đánh cồng chiêng, múa xoang. Trong những ngày diễn ra lễ hội, nhất là lễ hội lớn, bà con không chỉ được thưởng thức nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng, giao lưu hát đối đáp của các “nghệ nhân”, những điệu múa (tam nia), mà còn thưởng thức các món ăn truyền thống của dân tộc...”, anh Dacha Vũ Bảo cho biết.
Đời sống ở vùng nông thôn huyện Di Linh nói riêng và các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Lâm Đồng nói chung cũng có xu hướng theo lối sống thành thị. Những ngôi nhà dài truyền thống không còn đủ sức “hấp dẫn”, “quyến rũ” với đồng bào DTTS, bởi không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt theo lối sống hiện đại... Đành rằng những nhà xây mái ngói cao tầng, vừa tiện nghi vừa đẹp, thời gian sử dụng bền lâu, rất phù hợp với cuộc sống hiện đại, nhưng đâu đó bản thân tôi và những người trân quý văn hóa tộc bản địa vẫn thấy đầy nuối tiếc, mất mát một điều gì đó khi không còn có dịp nhìn thấy nhà dài truyền thống hiện hữu, thấp thoáng với cây nêu cao vút và được trang trí sặc sỡ sắc màu tại các bon người K’Ho, Mạ. Những hình ảnh sinh hoạt bên ánh lửa bập bùng của lễ hội, những giọng hát đối đáp tam pla, pơnđik pơnring, hát kể Ka Plôm Kon Yồi... nồng nàn, đầm ấm, những nhịp múa xoang, âm thanh cồng chiêng, ché rượu cần... đã từng đan quyện với nhau nay đã nhạt phai. Mặc dù với nhịp sống mới có nhiều đổi thay từ đời sống vật chất cho đến tinh thần theo xu hướng hiện đại, nhưng không vì thế mà quên đi những giá trị truyền thống tốt đẹp từ ngàn đời nay của dân tộc mình, rất cần gìn giữ, bảo tồn nhà sàn truyền thống trong quá trình phát triển xã hội.
NDONG BRỪM