Nhà báo Uông Thái Biểu với hành trình trải nghiệm mạch nguồn văn hóa dân tộc

06:06, 21/06/2020

Gần 30 năm làm báo ở mảnh đất Tây Nguyên, nhà báo-nhà thơ Uông Thái Biểu đã đi nhiều, viết nhiều và nếm trải không ít những dư vị của nghề báo...

Gần 30 năm làm báo ở mảnh đất Tây Nguyên, nhà báo-nhà thơ Uông Thái Biểu đã đi nhiều, viết nhiều và nếm trải không ít những dư vị của nghề báo. Anh cố gắng “nhặt nhạnh”, “bóc tách” những “vỉa tầng văn hóa” và tìm cái “hồn cốt” văn hóa dân tộc lẩn khuất ở đâu đó giữa bộn bề cuộc sống đời thường. Sau “Mùa lữ hành” - Tập bút ký và đối thoại được ấn hành vào năm 2010, gần đây anh mới “trình làng” tập tùy bút-tản văn “Gió thổi từ miền ký ức” khá ấn tượng, với lối quan sát tinh tế, bút pháp sắc sảo và giàu liên tưởng... Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam năm nay, nhà báo Uông Thái Biểu - hiện là Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan thường trú Báo Nhân dân tại Tây Nguyên đã dành cho Báo Lâm Đồng một cuộc trao đổi khá thú vị xung quanh tập tùy bút-tản văn “Gió thổi từ miền ký ức”, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2019, cùng với đó câu chuyện nghề của anh.
 
Nhà báo Uông Thái Biểu trong một chuyến đi thực tế tìm hiểu về xứ sở Bạch Dương, về con người Nga, văn hóa Nga.
Nhà báo Uông Thái Biểu trong một chuyến đi thực tế tìm hiểu về xứ sở Bạch Dương, về con người Nga, văn hóa Nga.
 
* Sau 10 năm kể từ khi “Mùa lữ hành” - Tập bút ký và đối thoại được xuất bản, đến năm 2019 anh mới “trình làng” ấn phẩm “Gió thổi từ miền ký ức”. Điều gì đã thôi thúc anh cho ra mắt tập tùy bút và tản văn xoay quanh vấn đề về văn hóa khá ấn tượng này?
 
* Nhà báo Uông Thái Biểu: Gần 30 năm với 2 tập thơ và 2 tập văn xuôi, tôi cũng chỉ là một cây bút thuộc thế giới người lười. Nghề báo với những việc thường ngày đã chiếm khá nhiều thời gian và chi phối đến tư duy và cảm xúc văn chương. 
 
Chúng ta, những người cầm bút nên rất hiểu là công việc viết lách như một nhu cầu tự thân, việc xuất bản tác phẩm cũng vậy. Từ “Mùa lữ hành” đến “Gió thổi từ miền ký ức”, với tôi, vẫn là một mạch hành trình bản thân đã lựa chọn - đó là những trải nghiệm văn hóa. Là người làm báo với chức trách mà mình được phân công thì có thể tham gia tổ chức thông tin và viết ở nhiều lĩnh vực, nhiều dạng đề tài, nhưng có những thứ xâm chiếm sâu sắc vào mạch cảm xúc và tư duy của mình, với tôi, đó là vùng đề tài liên quan đến lĩnh vực văn hóa. Được đắm mình trong những dòng chảy đầy hấp lực và cũng nhiều biến động của văn hóa, được cảm nhận những nét đẹp trong kho tàng di sản vô giá của cha ông và được tôn vinh những “báu vật sống” dân gian, với tôi là một niềm hạnh phúc, là cảm hứng bất tận.
 
 Tập bút ký và tản văn “Gió thổi từ miền ký ức” mà tôi mới xuất bản, với bản thân, như một sự lắng đọng cần thiết sau một quá trình cá nhân trải nghiệm. Tôi cho đó là một sự chia sẻ giữa người viết và người đọc cùng chung sự yêu mến và quan tâm đến nguồn mạch văn hóa dân tộc. Là người viết, việc ra đời của mỗi tác phẩm là một hành vi tìm kiếm niềm đồng cảm... 
 
* Nói đến văn hóa là nói đến một phạm trù rất rộng và sâu. Với tư cách là một nhà báo có thâm niên, anh đã chọn cho riêng mình “lộ trình” như thế nào trong dòng chảy văn hóa bất tận đó?
 
* Nhà báo Uông Thái Biểu: Đặt vấn đề văn hóa là một phạm trù rất rộng, rất sâu, đó là một “dòng chảy bất tận”, tức là đã nói đúng và hay về bản chất của mạch nguồn văn hóa. Đúng như vậy, bởi văn hóa là một phạm trù sâu rộng và đa nghĩa. Từ mục đích và xuất phát điểm nghiên cứu khác nhau, mỗi học giả, mỗi quốc gia, mỗi ý thức hệ có những cách nhìn, những định nghĩa, những cách kiến giải khác nhau. Nhưng một điều có thể khẳng định, một dân tộc đánh mất văn hóa, dân tộc đó sẽ bị diệt vong. 
 
Việt Nam ta qua biết bao gian nan trong lịch sử, hàng ngàn năm Bắc thuộc, hàng trăm năm Tây hóa nhưng không bị vong thân. Con người và dân tộc Việt đã và vẫn tìm thấy bản thân mình trong lịch sử của mình. Hệ giá trị tạo nên sức sống ấy, mạch nguồn âm ỉ ấy, chính là nguồn lịch sử - văn hóa, tâm thức dân tộc... Trong kho tàng mênh mông và thẳm sâu của dòng chảy văn hóa, sự trải nghiệm, khám phá và thể hiện thành tác phẩm của mỗi người cầm bút là hết sức nhỏ bé. Tất nhiên, bằng tình yêu đất nước, tình yêu văn hóa dân tộc, trách nhiệm công dân, chúng ta cố gắng từng chút từng chút một để có những bài viết mang lại sự chia sẻ có ý nghĩa đối với công chúng. 
 
Thật sự, tôi cũng chẳng lên một “lộ trình” gì cả, mà chỉ có tình yêu và niềm đam mê, yêu cái nghề của mình và mê những cuộc du khảo. Tất nhiên, bởi những hạn chế nhất định về thời gian và năng lực nên bản thân tôi cũng chưa làm được gì nhiều. Chỉ có thể tâm sự với anh, tôi luôn cố gắng thu lượm, suy nghĩ và thể hiện những gì mình thấy, mình biết một cách tốt nhất có thể sau mỗi một chuyến đi, mỗi lần đến với một đề tài tâm đắc...
 
* Văn hóa Việt Nam được cấu thành bởi 2 yếu tố cơ bản, đó là văn hóa bác học và văn hóa dân gian. Dưới góc nhìn của một nhà báo, anh thấy vốn văn hóa dân gian được vận dụng trong mùa dịch COVID-19 vừa qua như thế nào?
 
* Nhà báo Uông Thái Biểu: Người ta đưa ra một mệnh đề thú vị và đúng đắn: Văn hóa là tấm “hộ chiếu” của một quốc gia khi tham gia hội nhập với nhân loại. Đúng vậy, văn hóa là cách nhận diện tốt nhất, rõ ràng nhất về một đất nước, một dân tộc, một quốc gia và cư dân thuộc quốc gia đó. 
 
Trong nền văn hóa có hai thành phần chính: văn hóa bác học và văn hóa dân gian. Ở Việt Nam, chỉ có người Kinh là có văn hóa bác học và văn hóa bác học chịu ảnh hưởng văn hóa dân gian (VHDG). Nếu Việt Nam có 54 dân tộc thì đã có 53 dân tộc có VHDG mà không có văn hóa bác học. Văn hóa dân tộc Việt Nam thực chất nằm ở VHDG, muốn tìm hiểu về con người và dân tộc Việt Nam phải bắt đầu từ đây. Người Việt không hiểu VHDG có nghĩa là không hiểu chính mình. Đến với văn hóa, chúng ta tạm chia mấy nhóm hiện tượng: văn hóa sản xuất; văn hóa nghề nghiệp; văn hóa sinh hoạt; văn hóa nghệ thuật; văn hóa xã hội...
 
Anh nhắc đến một hiện tượng thú vị, đó là người dân chúng ta đã vận dụng rất sáng tạo và hấp dẫn VHDG trong mùa dịch COVID-19 này. Trước hết, chúng ta hãy cùng nhau khẳng định rằng: VHDG là một dòng chảy chưa bao giờ ngưng nghỉ, nó âm ỉ tồn sinh và phát triển trong đời sống; khi có cơ hội thì dòng chảy ấy sẽ bùng lên như một lẽ tự nhiên. Điều đó thể hiện qua nhiều giai đoạn lịch sử, nhiều lĩnh vực đời sống. Dịp COVID-19 vừa rồi, chúng ta lại được cùng nhau cảm nhận, động viên và chia sẻ bởi những làn điệu chèo cổ Bắc Bộ, bởi vọng cổ phương Nam, bởi dân ca ba miền Trung - Nam - Bắc và rất nhiều loại hình Folklore khác kêu gọi người Việt cùng nắm tay nhau trong “cuộc chiến” chống lại dịch bệnh. Bởi là mạch nguồn chung của toàn dân tộc nên “kênh” văn hóa ấy đã được khơi gợi, tạo nên sự đồng cảm, lan tỏa vô cùng thú vị trong không gian rộng lớn... 
 
Tập tùy bút - tản văn “Gió thổi từ miền ký ức”, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2019 - Tập văn xuôi thứ 2 mà nhà báo Uông Thái Biểu dành nhiều tâm huyết.
Tập tùy bút - tản văn “Gió thổi từ miền ký ức”, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2019 - Tập văn xuôi thứ 2 mà nhà báo Uông Thái Biểu dành nhiều tâm huyết.
 
* Làng là “cái nôi” của văn hóa Việt. Như vậy, ngoài làng quê Nghệ An - nơi anh được sinh ra và lớn lên, phố núi Đà Lạt - quê hương thứ 2 có ý nghĩa như thế nào đối với anh khi nhìn ở góc độ văn hóa? Không gian ký ức của đô thị Đà Lạt hiện hữu trong anh như thế nào, hình hài ra sao?
 
* Nhà báo Uông Thái Biểu: Hầu hết chúng ta đã sinh ra từ làng, từ bờ tre, gốc rạ, từ cây đa, bến nước, ngõ xóm, sân đình. Chúng ta lớn lên bằng hạt cơm của nền văn minh lúa nước, được trưởng thành nhờ câu tục ngữ dạy phép xử thế, nhờ làn điệu dân ca dưỡng ấm tâm hồn. Căn cốt của nền văn hóa Việt Nam là văn hóa làng xã. Và, như một mối quan hệ máu thịt, văn hóa làng thấm đẫm trong tâm hồn, cốt cách của chúng ta như một lẽ tự nhiên... 
 
Nói về Đà Lạt, chúng ta không thể ngắn gọn một vài câu để diễn đạt. Chỉ biết rằng, ở nơi này, chúng ta sống, làm việc và được thụ hưởng những hệ giá trị mà nhiều thế hệ tiền nhân xây đắp. Qua bao chặng biến thiên của lịch sử, với quá trình tạo cư, lập phố hết sức đặc biệt, Đà Lạt đã tạo cho mình một không gian sâu thẳm những nấc tầng văn hóa. Với tôi, càng sống lâu hơn, nhập cuộc và tìm hiểu nhiều hơn về không gian đô thị - trong đó có vùng ký ức đô thị Đà Lạt, tôi lại càng thấy ngỡ ngàng với những điều mình được cảm nhận. Lịch sử đã lựa chọn thành phố này để trao gửi một thân phận đặc biệt. Nhìn Đà Lạt ở góc nhìn nào cũng tạo nên những xúc cảm sâu sắc và thú vị; đó có thể là thiên nhiên mộng mị, là lịch sử tụ cư, là quá trình kiến tạo qua nhiều thời kỳ hay số phận của các nhân vật đặc biệt từng ghi dấu ấn lên xứ sở này... 
 
Từ những cảm nhận, chúng ta thấy yêu quý và có trách nhiệm hơn với xứ sở mà mình đang sống. Mỗi cá nhân cũng tự soi chiếu bản thể của chính mình để tìm ra, định vị nhận thức, cảm xúc, trách nhiệm đối với vùng đất mà mình đã lựa chọn trao gửi cuộc đời của chính mình...
 
* Gần 30 năm làm báo ở mảnh đất Tây Nguyên: Đi nhiều và viết nhiều... có điều gì anh còn day dứt mà chưa thể hiện trên mặt báo? 
 
* Nhà báo Uông Thái Biểu: Thực ra, tôi đã cố gắng nói ra những gì cần nói bằng các bài viết của mình. Tuy nhiên, những điều bản thân mình cảm thấy chưa hiểu biết tường tận hay năng lực, tri thức cá nhân chưa đủ sức để phân tích và chuyển tải thì chưa thể, hay nói đúng hơn, là chưa dám thực hiện. Đồng thời, là những người làm phận sự cung cấp thông tin và chia sẻ chính kiến với công chúng, chúng ta cũng có nhận thức chung là nên nói điều gì, nói như thế nào và trong thời điểm nào... 
 
* Nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam năm nay, nếu nói một điều gì đó đối với thế hệ những người làm báo trẻ tuổi hôm nay nói chung, những nhà báo trẻ chuyên viết về mảng văn hóa - văn nghệ - dân gian nói riêng, anh sẽ nói gì?
 
* Nhà báo Uông Thái Biểu: Từ sự theo dõi và cảm nhận cá nhân, tôi luôn đánh giá cao sức làm việc và sự sáng tạo của các nhà báo trẻ. Ở họ có sự tươi mới về cảm xúc; sự nhạy cảm và tinh tế trong việc quan sát, nắm bắt thông tin từ cuộc sống; sự dũng cảm, dấn thân trong quá trình tác nghiệp và thực hiện chức nghiệp. Với các nhà báo trẻ, tôi đã học được ở họ nhiều điều. Còn với những cây bút có ý thức chuyên tâm cho lĩnh vực văn hóa, nếu được chia sẻ tâm sự cá nhân, tôi chỉ muốn nói rằng, chúng ta cần phải đọc nhiều, học nhiều, đi nhiều, trải nghiệm nhiều và đắm mình trong dòng chảy văn hóa thẳm sâu của dân tộc mình bằng một niềm đam mê của người cầm bút và trách nhiệm của một công dân.
 
 
* Xin cảm ơn nhà thơ - nhà báo Uông Thái Biểu đã dành cho Báo Lâm Đồng một cuộc trò chuyện khá thú vị.
 
LÊ TRỌNG (thực hiện)