|
Minh họa: Phan Nhân |
Dân làng Mò không có nghề gì ngoài nghề mò tôm, mò cá. Hiếm có ngư dân ở đâu lại săn bắt thủy sản bằng cách thức kỳ lạ như ở làng Mò. Người ta bện một loại lưới ba tua, một tua quàng vào cổ, còn hai tua kia cầm ở hai tay. Khi hành nghề, hai tay giang hết cỡ cho miệng lưới rà sát đất, hai chân nhún thật êm để đẩy lưới đi, cái rốn lưới nằm dọc theo lòng người. Bí quyết thành công ở đây là phải làm sao đi cho thật êm, để không đánh động cá. Khi cá vào lưới, hai tay lập tức úp chụp lại.
Rí là một chàng trai giỏi nghề nhất làng Mò. Cha Rí trước cũng là tay sành sỏi luồng lạch. Ông hiểu rằng, sống ở đây mà không có sức, có mẹo thì cầm chắc chết đói. Vậy là ông rèn cặp cho con ngay từ khi Rí lên mười. Đầu tiên, ông tập cho con mò cạn, sau đó mò ngâm và cuối cùng là mò ngầm. Rí học nghề rất nhanh. Một đêm, ông cùng Rí lần đến rạn Đáy Ngàn. Đó là vùng nước sâu chảy xiết. Người ta chăng đáy để bủa bắt tất cả các loại tôm cá bị nước cuốn vào rốn lưới. Những con cá to khi chạm vào lưới đáy quăng mình bật ngược trở ra. Trong khi đang đuối sức vì cố thoát hiểm, chúng sẽ sa vào lưới ba tua. Lần đó, Rí đã ôm được con cá vược dài gần bằng người mình. Anh lao lên khỏi mặt nước, gọi cha tiếp sức. Con cá to quá, nó quẫy chí mạng làm cho đôi tay của chàng trai mới lớn cơ hồ như muốn bung ra. Rí hít một hơi thở sâu, lên gân bóp chặt vào mang cá, hai đầu gối kẹp cứng vây đuôi nó. Cá vược cực kỳ nhanh khỏe, mà vây đuôi nó là nơi tập trung toàn bộ sinh lực. Trong tình thế tuyệt vọng, vây đuôi của nó càng trở nên hung dữ.
Rí đã kéo được con cá lên bờ. Anh hoảng hồn kêu mãi mà chẳng thấy cha đâu. Thế nhưng, lần ấy cha Rí không trở lại nữa. Ông cũng vồ được một con cá to, nhưng thất thế đã bị nó quật đập đầu vào cọc đáy và chẳng may bị cuốn vào rốn lưới. Khi Rí lặn tìm được cha thì cả người và cá đều đã chết. Hai tay ông đang bóp vào mang cá và đôi gối chân kẹp chặt lấy đuôi nó y như bài tập mà ông đã từng dạy con trai. Từ đó anh không bắt cá ở Đáy Ngàn nữa...
Bây giờ, nhà Rí chỉ còn hai mẹ con. Cha mẹ anh sinh nhiều con, nhưng chỉ mình anh sống được. Trong dãy dài tên các con mà người cha đặt toàn âm R: Róm, Ri, Rí, Rù, Rủ thì Rí như một cột mốc phân đôi hai tuyến. Tuyến đầu gồm hai chị Róm, Ri chết lúc độ mươi tuổi do bệnh thương hàn, còn hai em trai Rù, Rủ lại chết lúc sơ sinh. Vậy là ông trời thương tình còn ban phát cho con cái gia đình kém phúc này một tí lộc nơi người con trai còn lại. Rí càng lớn càng khỏe mạnh. Anh trở nên lầm lì ít nói và càng nổi tiếng vì sự thiện nghệ. Không bắt cá ở vùng Đáy Ngàn, anh trở ngược sông Bạc, lên vùng Vực Dáy. Vực Dáy sâu lắm, chưa ai lặn được đến đáy. Tết năm đó, làng mở hội thi tài lặn ở Vực Dáy. Các anh tài ở mười tám vùng chài lưới khắp phủ kéo hết về đây. Sau hồi trống phát lệnh, các kình ngư lao vút xuống vực nước hun hút. Nhưng tuyệt nhiên, không ai có thể đưa lên một mẫu vật nào chứng minh rằng mình đã lặn đến đáy vực. Khi người cầm chịch chuẩn bị nổi hồi trống kết thúc cuộc thi thì Rí bước đến.
Tiếng trống lại thúc lên. Rí bận khố đỏ, giương hai tay khởi động làm những bắp thịt cuộn lên như sóng dưới màu da chum sành. Anh hít một hơi thở vừa phải, uốn mình liếc ngay vào màn nước xanh leo lẻo. Vài phút sau, anh lao lên mặt nước, một tay sải bơi vào bờ, tay kia cầm con cá kim to bằng cổ tay. Lạ lùng nhất là mũi kim nhọn hoắt của nó đang chọc vào bắp tay Rí, làm máu ứa ra. Thế mà chàng trai cứ tảng lờ như không hay biết. Ông già cầm trịch quăng dùi trống, chạy bổ đến bế thốc Rí lên tung hô anh là người thắng cuộc.
Vực Dáy có loại cá kim lớn được liệt vào hạng đặc sản. Cá kim sinh đẻ ở vùng cửa sông. Nhưng những con lớn thường kiếm mồi sát đáy vực sâu hút. Dân làng Mò chưa ai bắt được loại cá kim đặc sản này. Vì thế tiếng tăm Rí càng vang xa sau cuộc thi nọ. Nhưng chính anh lại không hề để ý đến chuyện đó. Hàng đêm, anh vẫn lầm lũi làm nghề để sáng sáng bà mẹ lại cắp rổ cá lên chợ. Khi nào hàng của bà cũng đắt khách nhất, vì Rí chỉ bắt những con cá to, còn loại lẹp nhẹp anh thả đi hết.
Quanh Vực Dáy, uốn theo sông Bạc có bãi bồi quanh năm dâu xanh mướt. Ngày ngày, người hái dâu gọi nhau í ới. Khác hẳn với cảnh tiêu điều làng Mò, làng Lụa bừng lên với sắc xanh mướt mát của dâu, sắc trắng nõn nà của lụa tơ tằm.
Dân làng Lụa thường đi chợ bán hàng trên con đê chạy dọc dòng sông Bạc. Đường đến chợ khá xa nên họ đi từ sớm. Đoạn qua Vực Dáy, từ ngày có thêm người chết, các bà các cô cứ phải đợi nhau thành đoạn mới dám đi qua. Nhưng có một người dường như không sợ ma quái, thường đi trước. Đó là Nhu. Nhu mười bảy tuổi, dáng người thon thả, tóc chảy dài đến gối, da trắng nõn, đang là mục tiêu săn đón của trai làng Lụa. Thường các phiên chợ, sau khi bán hết lụa, cô đến ngay hàng cá. Món cá mà cô ưa mua là cá kim. Tuy có đắt hơn các thứ cá khác, nhưng cha cô chỉ ăn được cá kim.
Cái đêm định mệnh của cha Rí ở Đáy Ngàn, Nhu cũng chứng kiến. Không hiểu sao, lần đó, cô trở dậy sớm hơn mọi bữa. Khi đến Đáy Ngàn, dưới ánh trăng hạ tuần nhợt nhạt, cô trông thấy một người đang hì hụp kéo cái bọc nặng. Cô hoảng hồn, đứng trân như trời trồng. Cô giương hết nhãn lực nhìn cho rõ. Sau khi kéo cái bọc nặng đó lên cát, người kia úp sụp xuống kêu lên “Cha ơi, cha tỉnh dậy đi! Con đây mà, Rí đây mà”. Nghe thế, tự dưng cô quên biến sợ hãi, quẳng gánh hàng chạy vụt xuống. Rí hết sức bối rối trước sự xuất hiện đột ngột của cô gái lạ. Nhưng Nhu đã giúp anh làm những động tác xổ nước cho người bị nạn. Cuối cùng, khi hết phương cứu chữa, Rí ôm con cá vược tai ác đang quấn trong lưới đáy quẳng nhào xuống nước và hộc tốc vác xác cha chạy bổ về nhà. Còn Nhu sau một lát suy đoán, cô quả quyết xách con cá vược trong lưới bỏ vào gánh hàng lên chợ. Gần đến chợ, Nhu bán lại con cá đó cho người buôn rồi tất tả bán nhanh số lụa để trở lại làng Mò. Dân làng Mò ngạc nhiên thấy một cô gái làng Lụa hiện ra, càng ngạc nhiên hơn khi Nhu dúi nắm tiền vào tay mẹ Rí.
Tiếng đồn lan xa. Người ta bảo rằng, làng Mò có cái chết oái oăm của một kình ngư cự phách thì làng Lụa cũng có một cô gái dám cả gan phá lệ làng. Cha Nhu tra vấn con gái. Nhu cứ thẳng băng trả lời rằng: “Thấy người ta chết sao không giúp, còn tiền đó là người ta nhờ bán cá”. Nghe vậy, cha Nhu chỉ còn biết thở dài. Ông không hề trách cứ con gái. Nhưng làng sẽ không để ông yên. Lý trưởng Tề Đạt đến liền sau đó. Hắn nghiến răng nói với cha Nhu: “Mấy lâu nay, tôi có ý định kết thông gia với ông nên chưa tính sổ. Nếu ông không dạy được con Nhu thì ông phải trả nợ cho tôi và tôi cũng không thuê con ông dệt lụa nữa”.
Cha Nhu lạy lục Tề Đạt và van xin hắn để ông dạy dỗ con gái. Nhu nấp trong buồng, nghe giọng Tề Đạt mà người run lên bần bật. Dù có chết, cô cũng quyết không làm dâu Tề Đạt, không lấy thằng Tề Đai làm chồng. Nhưng còn cha, còn mẹ sẽ ra sao?
Càng dằn lòng Nhu càng thương trộm nhớ thầm một người. Ngày hội thi tài lặn Vực Dáy, Nhu đến từ sớm lắm. Khi Rí lao xuống nước, cô thót tim vì không biết có những tai ương nào đang rình rập anh đây? Khi thấy Rí hiện lên, Nhu thở phào. Người ta đổ ùa đến mừng người thắng cuộc. Nhu thảng thốt thấy bắp tay Rí bật máu khi rút mũi cá kim ra. Cô rút ngay vuông khăn lụa quấn tóc buộc vào bắp tay Rí. Trong một thoáng, hai cặp mắt giao nhau và thấy hút vào nhau.
Từ ấy, có một trai làng Mò và một cô gái làng Lụa thường ngóng tin nhau, dõi theo nhau tìm kiếm cơ hội gặp nhau nơi đoạn đê Vực Dáy. Những lần mò cá, Rí thường cố kéo dài về sáng và những phiên chợ tỉnh Nhu lại cố đi sớm hơn. Rồi hai người cũng gặp được nhau. Nhu kêu lên:
- Trời đất! Lạnh thế mà…
- Can chi - Rí cười - Quen rồi… Trông kìa cỏ may đầy quần.
Hai người lặng nhìn nhau dưới màn đêm bàng bạc, khi trời dần về sáng.
Thốt nhiên, tay Rí chạm vào ống quần đầy cỏ may của Nhu. Anh rụt tay lại như phải lửa.
Đêm sau, Rí lần đến đoạn Vực Dáy. Bỗng anh nghiêng tai lắng nghe. Có tiếng huỳnh huỵch nơi bãi dâu, Rí quẳng lưới chạy ngay đến. Có hai bóng người đang vật lộn kịch liệt. Linh tính báo cho Rí điều chẳng lành. Anh phốc tới và chẳng nói chẳng rằng, giang tay túm lấy tên côn đồ đang cố sức quắp chặt một cô gái. Thì ra, đó là Tề Đai, con lý trưởng Tề Đạt, và người bị hắn cưỡng hiếp lại chính là Nhu. Lập tức Rí tung một cú đấm như trời giáng vào miệng Tề Đai làm hắn gãy mất hai cái răng cửa. Tề Đai mất hồn ôm mồm máu chạy tuốt luốt.
Ngày hôm sau, Tề Đạt đem theo mấy tên đầu sai chạy sổ đến nhà Rí.
- Bắt lấy thằng giặc này cho ta!
Ba tên bất ngờ nhảy đến. Rí đứng tựa lưng vào cột nhà, chờ chúng động thủ.
Kết cục, hai tên bị đá văng ra hai hướng, một tên còn lại chạy lùi ra. Tề Đạt hét lớn:
- Bớ quân nghịch tặc! Ta báo mi biết: Từ nay cấm mi không được bén mảng đến vùng Vực Dáy mò cá. Nếu không nghe, tao sẽ đốt nhà và mẹ con mi cuốn xéo ngay khỏi đây.
Đêm hôm sau, Rí và Nhu gặp nhau ở đoạn đê Vực Dáy. Họ ngồi với nhau khá lâu. Nhu vuốt vuốt những bông cỏ may vàng úa:
- Anh Rí ạ, vậy là Tề Đạt muốn bức em lấy thằng Tề Đai và triệt nguồn sống của anh. Anh tính sao đây?
Bỗng Nhu ghé tai Rí:
- Anh Rí! Hay anh lên núi Nghĩa Sơn với anh rể em.
Rí ngạc nhiên:
- Làm chi vậy?
- Em cũng chưa biết. Nhưng đêm qua, anh ấy có ghé nhà em và bảo: “Dân nghèo ta bị áp bức quá cực khổ như cá nằm trên thớt. Phải liên kết nhau lật đổ bọn gian ác, mới có đường sống”.
- Hay quá! Nếu vậy dù có chết anh cũng đi.
Hai người nắm chặt tay nhau. Không ai bảo ai, nhưng trong mắt họ như có ánh lửa. Ánh lửa đó như đang bùng lên trên núi Nghĩa Sơn, bùng lan khắp chốn, bùng sáng lên cả cái làng Mò đang giật mình thức dậy.
NGUYỄN NGỌC PHÚ