(LĐ online) - Nằm trong khuôn khổ hoạt động Ngày hội Văn hoá – Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần thứ IV tại Di Linh, chiều 26/6, Hội thi diễn tấu cồng chiêng và trình diễn trang phục truyền thống đã diễn ra ấn tượng, đầy màu sắc.
(LĐ online) - Nằm trong khuôn khổ hoạt động Ngày hội Văn hoá – Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần thứ IV tại Di Linh, chiều 26/6, Hội thi diễn tấu cồng chiêng và trình diễn trang phục truyền thống đã diễn ra ấn tượng, đầy màu sắc.
|
Đội cồng chiêng Đinh Lạc – Di Linh |
12 đội cồng chiêng từ 12 huyện, thành đã trình tấu 12 tiết mục diễn xướng, đưa đến hội thi những bài bản chiêng cổ truyền được dùng trong các lễ hội truyền thống, trong nghi thức cúng tế, mô phỏng đời sống lao động, sản xuất, trong đó nhiều bài mới được sưu tầm.
Mỗi tiết mục trình tấu là một bản nhạc đa âm theo từng bài bản chiêng với các khúc thức âm thanh, hình thức hoà điệu khác nhau, thể hiện sự đam mê qua sự điêu luyện trong kỹ năng đánh chiêng, nhịp điệu, thanh âm, điệu bộ và trong những bước đi nhún nhẩy. Giai âm của chiêng 3 của người Churu, chiêng 6 của người K’Ho, Mạ trầm hùng hoà quyện nhuần nhuyễn với các nhạc cụ dân tộc đi kèm như: Trống, khèn bầu, bộ gõ tre nứa cùng vũ điệu xoang, Arya uyển chuyển.
Phong cách diễn tấu cuồng nhiệt đầy đam mê của các nghệ nhân trên sân khấu đã tạo nên những tầng giai điệu qua các bài bản chiêng thể hiện những sinh hoạt vật chất tinh thần của cộng đồng như: Nghi thức đón khách, kết nghĩa, hái rau rừng, mừng lúa mới, cầu thần chiêng, thần lửa… Hội thi như một cuộc hoà tấu lớn, tiếng chiêng mô phỏng thanh âm của đại ngàn hoà vào niềm hân hoan của người diễn tấu, tạo nên tổng phổ âm nhạc tinh tế, đầy đặn, sâu lắng.
Ở phần thi trình diễn trang phục truyền thống, 164 bộ trang phục với hoa văn, sắc màu thổ cẩm phô diễn vẻ đẹp văn hoá mặc của đồng bào các dân tộc bản địa Lâm Đồng.
Với mỗi dân tộc Mạ, K’Ho, Churu, trang phục đều mang màu sắc riêng biệt, tạo hình hoa văn độc đáo, cách phục trang khác nhau trên nền thổ cẩm. Từ các buôn làng, các nghệ nhân bước lên sân khấu bằng đôi chân trần với phong cách trình diễn chuyên nghiệp qua bước đi yểu điệu của các sơn nữ, mạnh mẽ rắn rỏi của các chàng trai của núi rừng. Phụ kiện đi kèm với trang phục là dụng cụ lao động như: Bầu, ná, nhạc cụ dân tộc, lao, giỏ, nơm… làm cho trang phục truyền thống của đồng bào không chỉ đơn thuần là đáp ứng một trong 3 nhu cầu “ăn, mặc, ở” mà còn phản ánh giá trị thẩm mỹ, sự sáng tạo để thích ứng với khí hậu, thiên nhiên. Trong đó, công dụng tấm ui đối với người phụ nữ K’Ho: Làm chăn đắp, địu con, đội đầu che nắng, khăn quàng… và vẫn được đồng bào gìn giữ trong đời sống hiện đại.
Cũng từ chất liệu thổ cẩm, đồng bào các dân tộc anh em ở Lâm Đồng đã làm nên những bộ trang phục cách điệu với kiểu dáng phù hợp như: Váy cưới, đầm công sở, váy áo dự tiệc… vừa hợp thời trang lại vẫn giữ gìn được nét đẹp bản sắc văn hoá dân tộc.
Kết thúc Hội thi, ở phần diễn tấu cồng chiêng, dựa trên các tiêu chí như kỹ năng diễn tấu, khúc thức, phong cách biểu diễn, ý nghĩa bài chiêng, trang phục đạo cụ và kỹ thuật dàn dựng; Ban tổ chức đã trao giải nhất cho đoàn nghệ nhân Đơn Dương; 2 giải nhì cho đoàn Di Linh và Đà Lạt, 3 giải ba cho đoàn Bảo Lâm, Đam Rông, Đạ Huoai và 6 giải khuyến khích.
Ở phần thi trình diễn trang phục truyền thống, Ban tổ chức đã trao giải nhất cho đoàn nghệ nhân Di Linh, giải nhì cho đoàn Bảo Lộc, giải ba cho đoàn Đà Lạt, 6 giải khuyến khích và một giải thưởng cho đội cồng chiêng trẻ cho đoàn nghệ nhân đến từ xã Đạ P’Loa, huyện Đạ Huoai với hơn 24 nghệ nhân dưới tuổi 25.
|
Trang phục truyền thống của người Mạ ở Đạ Tẻh, Bảo Lộc, Cát Tiên |
|
Trang phục truyền thống của nam giới K’Ho |
|
Trang phục truyền thống của người Churu ở Đơn Dương, Đức Trọng |
|
Công dụng tấm ui trong đời sống của người phụ nữ K’Ho Sre – Di Linh và K’Ho Lạch – Lạc Dương |
|
Trình diễn trang phục truyền thống luôn đi kèm với phụ kiện là công cụ lao động |
|
Váy cưới thổ cẩm của người K’Ho |
|
Đầm thổ cẩm hợp kiểu dáng thời trang |
QUỲNH UYỂN – MINH PHƯƠNG