Nửa đời mải ngược bến sông Mơ

05:06, 25/06/2020

Tôi cố gắng lần theo Phan Huy "Ngược bến sông Mơ" để mong nhận dạng những "bến đỗ" đã đi qua đời tác giả khi bài thơ đầu tiên được viết năm ông tròn tuổi 20...

(Nhân đọc “Ngược bến sông Mơ” của Phan Huy, NXB Hội Nhà văn, H.2020)
 
Tôi cố gắng lần theo Phan Huy “Ngược bến sông Mơ” để mong nhận dạng những “bến đỗ” đã đi qua đời tác giả khi bài thơ đầu tiên được viết năm ông tròn tuổi 20. Và giờ đây sang tuổi 80, ông ngồi tĩnh lặng “nhặt” ra những hạt vàng “trong biển cát” thơ 60 năm. 
 
Con thuyền thơ đã chở ông đi dọc dài đất nước, từ huyện Lộc Hà, nơi dòng họ Phan có bao người thành đạt trên con đường học vấn, ra đến Quỳnh Lưu, nơi ông Nguyễn Hữu Đợi một thời lừng danh chuyển cả làng xã lên đồi để cánh đồng thẳng cánh cò bay, mướt xanh khoai, lúa. 
 
Rồi ông ra đồng bằng Bắc Bộ, về đất Phù Cừ (Hưng Yên) một thời gian khó, lại ngược lên Lào Cai, nơi phên dậu biên cương phía Bắc, có đỉnh Phan-xi-păng trắng tuyết quanh năm... Nhưng “bến đỗ” lâu nhất với ông là vùng đất Chín Rồng, thật sự là quê hương thứ hai, kể từ lúc ông được Ban Biên tập Báo Nhân Dân cử vào làm phóng viên thường trú tại Hậu Giang, sau đó là Trưởng cơ quan thường trú Báo Nhân Dân tại Đồng bằng sông Cửu Long. 
 
Gần 60 năm gắn bó với nghề làm báo, kể từ buổi tốt nghiệp Khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông về làm nhiệm vụ phóng viên thường trú của Thông tấn xã Việt Nam tại Nghệ Tĩnh; sau đó về gắn bó với Báo Nhân Dân 15 năm; về hưu, ông được các văn nghệ sĩ ở Cần Thơ bầu làm Chủ tịch Hội Văn học, Nghệ thuật thành phố Cần Thơ. 
 
Tôi “liệt kê” hơi dài các “bến đỗ” của ông để muốn nói cái thâm thúy về tên cuốn sách “Ngược bến sông Mơ”, hiểu thêm những “vỉa chìm, góc khuất” mà ông đã gửi gắm tinh tế trong tập thơ tuyển với hơn 100 bài trong hơn 40 năm có lẻ. 
 
Hãy cùng ông đến với “bến đỗ” trước tiên, từ quê hương Lộc Hà, là “Bến đò Hộ Độ năm xưa/ Từng qua bao cuộc tiễn đưa vui buồn”. Con đò chở tuổi thơ ông, nay vẫn “còn nguyên bến cũ”, nhưng chính từ đây đã nuôi lớn, làm nên hồn thơ dào dạt trong ông: “Đêm nghe gió rít bờ tre/ Nhớ em khắc khoải tiếng khuya gọi đò”.
 
Và cây đa ở Ngã ba Lách, lối rẽ về quê đại thi hào Nguyễn Du đã bị chết trong chiến tranh chống Mỹ, giờ về thăm lại, bỗng thấy bâng khuâng “Chiến tranh qua rồi cơn bão vừa tan/ Căn nhà Mẹ lại chong đèn đợi cửa/ Cây đa Lách giờ đây không còn nữa/ Tôi đi về bóng mát vẫn nghiêng che”. Qua “Đèo Ngang dặm dài”, những buồn vui đan xen trong ký ức ông, bởi “Cây sim bám mãi đất nghèo”, nơi “Bao phen binh lửa trong ngoài/ Đèo Ngang xẻ dọc dặm dài nước non”. Một ngày giữa thu cách đây 30 năm, qua ga Quán Hành đã nhiều phen trong thời bom rơi đạn lạc, nay thấy lòng cứ man mác vấn vương như ai đó đứng bên ga mong tàu đến để đón người yêu: “Sao bây giờ, sao bây giờ/ Tình như đậu lại ga chờ bến mong”
 
Nhiều người đã đến viếng 10 cô gái thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc, đều không ngăn được dòng lệ lăn trên má; còn ông gọi đó là “Ngã ba thương” vì “Nơi ngã ba là nơi chờ mong/ Anh với em là nơi hẹn gặp”. Qua Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa - nơi “làm chui khoán hộ/ Đến cởi trói khoán Mười” đã là nguồn cảm hứng giúp ông và nhiều đồng nghiệp sản sinh các bài phóng sự phơi phới sức sống, được bà con nông dân truyền tay nhau đọc. 
 
Thăm huyện nghèo Phù Cừ (Hưng Yên), qua cánh đồng lúa đang ngả màu vàng, ông cảm thấy “không men say sao như có hương nồng”. Lên Thung Khe ở Mai Châu (Hòa Bình) “Ngỡ mình tóc bạc từ lâu/ Hóa ra không phải ngang đầu mây bay”. Từ Lào Cai về, ông bồn chồn một lời hò hẹn trong ngày xuân trẩy hội “Ở tận Cần Thơ gửi nắng lên/ Thuyền nhỏ bồng bềnh đêm chợ nổi/ Say câu vọng cổ, nhớ môi khèn”. Đoạn thơ này ông viết khi bước sang tuổi 65, mà sao đọc lên như thấy giọng người ở tuổi 40 đang tràn đầy sinh lực: sống và yêu, đi và viết, hiện tại và tương lai cứ đan quyện và bừng sáng mỗi câu thơ... 
 
Lên vùng đất cao nguyên thấy trời thêm rộng, trăng gần hơn trăng ở đồng bằng, nhưng lòng vẫn thắc thỏm một điều gì vang vọng từ con tim “nửa đời mải ngược bến sông mơ”, đã bao phen tìm hoài, tìm mãi mà chẳng gặp được Thơ: “Ta về với tình yêu của đất/ Bỗng gặp nơi Thơ chín hạt nảy mầm”
 
Thì ra, người thi sĩ đích thực không phải là “ru với gió”, “mơ theo trăng và ngơ ngẩn cùng mây”, mà chính là từ mảnh đất hiện thực này, cuộc sống sinh động của Nhân dân từ đồng bằng lên miền ngược, từ đất Chín Rồng lên cao nguyên, nhà thơ bám rễ cuộc sống, nói tiếng lòng của bao con người đang đồng tâm thực thi làm mới cuộc đời mình và cuộc sống cộng đồng - đó là cội nguồn của thơ ca, mà ông và nhiều nghệ sĩ đã và đang theo đuổi. 
 
 
Song, cái tài của ông là, qua mỗi câu thơ, mỗi bài thơ, ông tạo cho người đọc sự liên tưởng giữa mơ và thực, em yêu anh đấy, nhưng hẳn đâu phải thế; cái nắm tay, thề thốt trong buổi tiễn đưa, nhưng chỉ ngày sau đã như bong bóng trong mưa... Thời cơ chế thị trường, thứ tình yêu gấp gáp, lộc lời kiểu ấy, đã được ông cảnh báo bằng giọng thơ dí dỏm: “Tình yêu anh như một dòng sông/ Em là khách ngược đò không ghé bến”
 
Trở lại với nơi là “bến đỗ” thật sự của ông trong gần 30 năm qua là vùng đất miền Tây Nam Bộ với bao buồn vui sâu lắng - vùng đất có nhiều “duyên nợ văn chương”; với sông Tiền, sông Hậu mênh mang mùa lũ; với bến Ninh Kiều thơ mộng nao lòng; với những buổi sớm nhộn nhịp thuyền họp chợ nổi trên sông; với nhịp đờn ca tài tử xao xuyến lòng du khách trên con thuyền trôi chậm dưới trăng; với kênh Xà-no do sức người đào đắp, tôn vinh phong cảnh hữu tình trên đất Vị Thanh; với những miệt vườn sum suê hoa trái… 
 
Có lẽ mọi người tới thăm nơi đây, đều gửi lời cảm ơn thi sĩ họ Phan khi đọc những vần thơ này trong bài “Chiều qua sông Hậu”: “Lục bình trôi, lục bình trôi/ Mênh mang sông nước biết rồi về đâu/ Thuyền bay theo cánh buồm nâu/ Xẻ đôi ngọn gió hai đầu nhớ thương… Đời người mấy chuyến sang ngang/ Bao nhiêu bến đậu, mấy sàng dại khôn”. Rồi “đào mai cúc thắm hải đường tươi” trong chợ Tết ở bến Ninh Kiều. Rồi “Lênh đênh chợ nổi/ Bè kênh mát rượi hàng dâu”. Quên sao cảnh: “Neo xuồng uống rượu Ba Làng/ Ăn trái dâu vàng Hạ Châu/ Thanh tao mở lòng trinh trắng/ Ngọt lịm hồn cô hái dâu”.
 
Nhưng mảnh đất gạo trắng nước trong, với trời cao xanh đầy nắng gió, với con người nhân hậu, lạc quan... bỗng phải trải qua mùa lũ năm Thìn (năm 2000): “Làng chìm trong biển lũ/ Xuồng neo ngang ngọn cây/ Trổ nóc nhà làm cửa/ Nước xiết kèo lung lay/ Ba tháng không thấy đất/ Ba tháng không thấy đường/ Màn trời và chiếu nước/ Phơi nắng rồi tắm sương”... Nhưng với sức chịu đựng phi thường cùng sự hỗ trợ của Nhà nước, người châu thổ đã vượt qua hoạn nạn, tình người càng sáng đẹp hơn xưa. 
 
Đọc hơn 100 bài thơ trong tập tuyển này, chủ đề Tình yêu vẫn là nổi trội. Lẽ đương nhiên, tình yêu là sự ban tặng của tạo hóa; không có tình yêu cuộc sống như không có ánh trăng và tiếng hát. Nhưng với thi sĩ họ Phan có “cách yêu” riêng, cách diễn tả riêng. Một thứ tình yêu “Không có trong từ điển/ Tên loài hoa em trồng/ Anh gọi hoa của lòng/ Em gọi hoa lưu luyến”. Tiếng gọi của tình yêu thật mãnh liệt: “Lòng anh như lửa mới nhen/ Búi rơm dễ bén không quen đóm dày/ Ta giờ yêu đắm yêu say/ Người ơi ta quyết đêm nay với người...”
 
Ông diễn tả tình yêu như lời tâm tình dí dỏm của các cụ ngày xưa: “Cái thời anh ởi anh ơi/ Mùa xuân sao ngắn bầu trời sao xanh/ Cái thời ơi ảnh ơi anh/ Tối bức tranh đẹp, sáng cành hoa tươi”. Sang tuổi 60, ông viết những câu hồn nhiên nhưng tràn đầy năng lượng: “Tuổi sáu mươi đến lúc nào không biết/ Tóc trên đầu nửa trắng nửa xanh/ Ra ngoài đời khi chú khi anh/ Hồn vẫn nóng như thời trai trẻ”. Và trang cuối tập thơ này là bài “Xuân muộn”: “Những tưởng rằng xuân quên không ghé/ Nào ngờ mai nở đậu vàng sân/ Đừng trách làm chi xuân đến trễ/ Bởi quá vội vàng hóa chậm chân!”
 
Tưởng và ngờ. Yêu và trách. Nhanh và chậm. Nhớ và mong... Hồn thơ ông vẫn trẻ trung vào tuổi 80 này, có lẽ do ông đã sống hết lòng với đời và yêu chân tình bạn bè, đồng nghiệp!
 
NGUYỄN HỒNG VINH