Phải ứng xử công bằng, khoa học, trên tinh thần tôn trọng các giá trị văn hóa của các dân tộc...
[links()]
Tôn trọng sự khác biệt
Phải ứng xử công bằng, khoa học, trên tinh thần tôn trọng các giá trị văn hóa của các dân tộc. Đồng thời, nghiêm khắc nhìn nhận, xử lý, ngăn chặn và dẹp bỏ tâm lý dân tộc hẹp hòi dẫn đến những định kiến, kỳ thị không đáng có trong một xã hội văn minh và một quốc gia lấy tinh thần đại đoàn kết toàn dân làm sức mạnh nội sinh.
Xây dựng và tổ chức các hoạt động văn hóa ở các thôn là một trong những yếu tố giúp bảo tồn văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số. Ảnh: Đặng Văn An |
Củng cố niềm tin, cộng cảm và hòa hợp
Không có nền văn hóa lớn và nền văn hóa nhỏ, chỉ có các nền văn hóa khác nhau. Không có một chủ thể văn hóa nào có thể dùng sức mạnh để áp đặt các giá trị văn hóa của cộng đồng mình lên một chủ thể văn hóa khác. Đó là một mệnh đề cần được nhận thức đầy đủ và sâu sắc. Chúng ta hiểu rằng, sự khác biệt trong văn hóa giữa các dân tộc anh em đã tạo nên các giá trị bản sắc. Bản sắc là những nét độc đáo riêng có, là sự khẳng định lịch sử sinh tồn, phát triển và định danh mỗi tộc người trên bản đồ văn hóa của một quốc gia gồm nhiều dân tộc. Sự góp mặt của các tộc người trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam đã tạo nên một đất nước có nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, với những giá trị vô cùng quý báu và hấp dẫn. “Tấm thổ cẩm Tổ quốc” dệt bằng một bức tranh đa sắc mà những nét hoa văn sinh động là văn hóa các vùng miền và các tộc người. Nền văn hóa Việt Nam giàu có chính là tấm “hộ chiếu” giới thiệu hình ảnh đất nước với cộng đồng văn hóa nhân loại. Chính vì vậy, sự khác biệt, bản sắc văn hóa của mỗi tộc người đều được khẳng định và cần phải được ứng xử một cách bình đẳng trên tinh thần tôn trọng…
Trong bài viết kỳ trước, chúng tôi đã đề cập đến một hiện tượng rất đáng lên án. Đó là việc một số cơ quan truyền thông, trang mạng xã hội đã dùng những chiêu thức câu khách rẻ tiền bằng cách khai thác các yếu tố khác biệt của cộng đồng các dân tộc thiểu số; thể hiện một cách sai lệch văn hóa của đồng bào trong các sản phẩm được coi là “quảng bá”, “nghệ thuật”. Dù dùng những lý lẽ biện minh nào, lời xin lỗi ra sao thì các nhà sản xuất nói trên cũng đã vi phạm nghiêm trọng chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta. Việc làm thiếu ý thức của họ đã làm tổn thương sâu sắc đến một bộ phận đồng bào, và nguy hiểm hơn, đã tạo nên những cái hố ngăn cách, những lằn ranh chia rẽ, ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam.
Một số ý kiến suy nghĩ chưa thấu đáo đã biện hộ thay cho những việc làm nói trên, coi đó chỉ là những sản phẩm mang tính chất giải trí thông thường. Cách lý giải giản đơn như vậy không có tính thuyết phục. Bởi, khi sử dụng những chi tiết mang yếu tố khác biệt về nhân chủng, ngôn ngữ, trang phục, hành vi…vào những nhân vật mà họ gán cho là người các dân tộc thiểu số để tạo nên tiếng cười, thì trong sâu xa nhận thức của những người tạo nên các sản phẩm ấy đã in sẵn trong đầu yếu tố tâm lý dân tộc hẹp hòi, ẩn chứa những so sánh mang tính định kiến, kỳ thị. Qua các sản phẩm truyền thông, các nhà sản xuất này hoàn toàn chủ động trong việc “dán nhãn” những thói hư tật xấu, những hành xử tầm thường và lố bịch, những lời nói thể hiện sự dốt nát, ngô nghê cho một bộ phận đồng bào. Đó là việc làm thiếu tôn trọng, xử sự kém văn minh và gây nên hậu quả khó lường. Trước thực trạng nói trên, nhiều người trong nội bộ các dân tộc thiểu số đã lên tiếng phản đối. Chúng tôi xin trích đăng: “Dù sáng tạo là rất cần thiết, đặc biệt là trong truyền thông, nhưng nó vẫn cần trong khuôn khổ của đạo đức và pháp luật. Không thể hiểu nổi có những người học rộng, học sâu, được đào tạo ra để làm truyền thông lại dùng chính tri thức của mình để nghĩ ra mọi chiêu trò, kể cả làm sai lệch sự thật, văn hóa… chỉ để đạt mục đích là quảng bá cho sản phẩm hoặc gây cười thì thật sự hèn hạ và đáng lên án” (bạn Vàng Văn Lợi). Bạn Cầm Hoài Thu thì đặt câu hỏi: “Người cố tình nặn ra tiếng cười bằng việc bóp méo sự thật và làm tổn thương người khác liệu có “văn minh” hơn không?!”. Truyền thông đại chúng là kênh tạo lập niềm tin bởi sự lặp đi lặp lại hình ảnh, ngôn ngữ, có sự tác động to lớn lên nhận thức, suy nghĩ của công chúng, cả điều hay lẫn cái dở. Bởi vậy, tất cả đều thống nhất quan điểm, việc xây dựng những hình ảnh sai lệch, củng cố định kiến tộc người thông qua truyền thông cần phải chấm dứt. Những người bức xúc hơn thì đề nghị phải có những chế tài nghiêm khắc để xử lý những cơ quan, cá nhân đã sản xuất các chương trình phản cảm và lệch lạc. Ông Naria Ya Duck (người dân tộc Chu Ru, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII): “Những người làm nên các sản phẩm bôi nhọ đồng bào phải chịu trách nhiệm với những việc làm lệch lạc của mình. Những lời xin lỗi chưa đủ, cần phải nhận những chế tài nghiêm khắc của pháp luật!”.
Cần phải nhắc lại, không có bất cứ một dân tộc nào, dù thiểu số hay đa số, phải chịu sự phân biệt đối xử hay bị gán cho những hình ảnh mang tính chất tiêu cực. Nếu chúng ta biết ghi nhận, đối thoại và lắng nghe thì các dân tộc anh em sẽ có cơ hội hiểu biết nhau hơn. Qua đó, củng cố niềm tin, sự cộng cảm, hòa hợp và đoàn kết cùng nhau phát triển trong tình đất nước, nghĩa đồng bào sâu nặng và rộng lớn.
Hạn chế các “cú sốc” văn hóa
Từ những hiện tượng truyền thông lệch lạc vừa nhắc lại trên đây, chúng tôi xin mở rộng liên hệ đến những cách ứng xử khác đối với văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, mỗi người có thể có cách đánh giá khác nhau, nhưng một điểm chung là cần phải quan sát và cảm nhận tinh tế để nhận biết những biểu hiện, việc làm cần phải chấn chỉnh.
Đã có hàng trăm định nghĩa về văn hóa, nhưng chúng tôi đồng tình với cách cắt nghĩa của nhà nghiên cứu Phan Ngọc do nhà văn Nguyên Ngọc dẫn lại: Văn hóa không phải là một “cái” mà là một “cách”. Cũng nghiêng về hướng lý giải đó, triết học gia người Pháp Jean Paul Sartre từng đưa ra mệnh đề “sống là lựa chọn”, lựa chọn và chịu trách nhiệm với sự lựa chọn ấy. Từ hệ quy chiếu này, chúng ta nhận thấy, các dân tộc thiểu số Việt Nam đã “làm” nên văn hóa bằng quá trình sống trong môi trường địa hình cảnh quan, không gian sinh tồn mà họ đã lựa chọn. Với quá trình cư trú lâu đời giữa miền thượng du, đại ngàn với tất cả những gì thuộc về nó đã quy định việc hình thành nên các giá trị văn hóa của các tộc người. Nói rõ hơn, cũng như cư dân đồng bằng làm lúa nước, cư dân duyên hải làm ngư nghiệp, các dân tộc anh em trên miền rừng núi đã liên tục trả lời cho các câu hỏi một cách có trách nhiệm về sự lựa chọn của mình bằng những đặc điểm, tập quán pháp riêng biệt. Rừng đã chi phối toàn bộ cuộc sống, cách sống, lối sống, kiểu sống của cư dân rừng. Trong không gian của rừng (gồm năm loại: rừng cư trú, rừng làm rẫy, rừng sinh hoạt, rừng nghĩa địa, rừng thiêng), thì thiết chế xã hội cổ truyền, hệ thống tri thức bản địa, các tập tục, nghi lễ, kiến trúc, trang phục, nghệ thuật…hình thành. Những điều đó đã làm nên nét riêng, dấu ấn riêng, bản sắc riêng của mỗi tộc người. Nếu chúng ta tiếp cận hệ thống nhân sinh quan và thế giới quan của đồng bào với sự hiểu biết, thấu cảm sẽ ghi nhận được những hệ giá trị cực kỳ quý giá; nếu cảm quan hời hợt sẽ chỉ thấy vỏ hiện tượng bên ngoài về những sự “khác biệt”. Tâm lý định kiến, kỳ thị, lối nhìn áp đặt, lập luận phản bác và cách làm sai thường xuất phát từ yếu tố thứ hai…
Ví như, nhiều người với nhận định chủ quan và phiến diện, đã phê phán tục “ăn trâu” của một số dân tộc bản địa Tây Nguyên là dã man với động vật, là hành vi triệt tiêu sức kéo. Họ quên rằng, nếu không chỉ nhìn vào hiện tượng thì tập tục hiến sinh lâu đời này gắn liền với những giá trị thiêng liêng và nhân văn. Thông điệp chuyển tải tới thần linh trong nghi lễ “ăn trâu” là sự gửi gắm những khát vọng về mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, mong cầu sức khỏe và ý thức cố kết cộng đồng. Ví như, do áp đặt chủ quan mà nhiều đặc trưng kiến trúc của đồng bào bị phá vỡ để thay bằng những dãy nhà bê tông đồng phục vô hồn, nhiều bến nước thiêng với “giọt nước” đầu nguồn trong lành đã bị chặn dòng. Cũng bởi lẽ khảo sát không thấu đáo mà rất nhiều nhà sinh hoạt cộng đồng được xây dựng nên hết sức tốn kém nhưng vắng bóng người dân đến sinh hoạt vì họ cảm thấy lạnh lẽo, xa lạ. Rất nhiều lễ hội “của đồng bào” nhưng ít có sự tham gia của đồng bào, vì hầu hết là lễ hội “diễn”, không còn mang tính bản nguyên thiêng liêng và sắc màu truyền thống của nó. Chúng tôi đã từng dự khán một số lễ hội cổ truyền được ngành văn hóa các cấp phục dựng với những kịch bản sơ sài, sai sót về kiến thức dân tộc học, chắp nối và lẫn lộn văn hóa các sắc tộc. Tại các sự kiện này, nhiều già làng, trí thức và đồng bào dân tộc thiểu số có ý kiến phản biện nhưng hầu hết không được ghi nhận. Việc của những người tổ chức hình như chỉ là giải ngân và ghi hình tư liệu báo cáo. Chúng tôi cũng thắc mắc về một lễ hội lớn hằng năm ở Lâm Đồng là lễ hội thác Pongour vốn có từ xa xưa của đồng bào Cơ Ho bản địa, không hiểu sao nhiều năm gần đây, ngành văn hóa địa phương lại trao vai trò chủ thể cho đồng bào Thái vốn là tộc người mới di cư từ phía Bắc vào!?...
Nhân đây nhớ lại hồi đầu năm 2018, lãnh đạo xã Pà Cò (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) đã “nhiệt tình” ban hành một văn bản thông báo cộng đồng người Mông bỏ tết riêng mà sẽ cùng ăn Tết Nguyên đán chung với người Kinh. Lý do được xã này đưa ra là để giảm thiểu thời gian nghỉ ngơi và hạn chế tệ nạn. Xét về yếu tố hành chính, việc làm này ít nhiều có ý nghĩa tích cực, nhưng từ góc độ văn hóa thì đó là một ứng xử chưa thực sự khoa học, nghĩ sâu hơn là thiếu sự tôn trọng. Chúng ta biết rằng, tết của người Mông (và nhiều tộc người khác) là di sản văn hóa, có nguồn gốc lịch sử và giá trị riêng của nó. Đồng thời, tết cổ truyền của đồng bào là một cơ hội thực hành văn hóa lớn nhất trong năm. Cái tết ấy là không gian thể hiện bản sắc tộc người với những lễ thức, trò chơi dân gian, giao lưu dân ca, dân nhạc, dân vũ. Gộp tết, có nghĩa là mất tết, cũng là dấu hiệu làm phai nhạt, dẫn đến triệt tiêu nhiều giá trị văn hóa tinh thần…
Trong bài viết này, chúng tôi không có ý liệt kê các vụ việc hay vấn đề thể hiện các “cú sốc” văn hóa. Ở đây, chỉ dẫn lại vài sự ứng xử chưa thật sự thấu đáo. Những ứng xử đó ít nhiều đã làm tổn thương đến một bộ phận đồng bào, họ cảm thấy bị phân biệt, đối xử và thiếu sự tôn trọng. Từ đó, sẽ dẫn đến tâm lý bị lấn át, mặc cảm, tự ti. Chuyện gộp tết Mông vào tết Kinh hay thay đổi chủ thể lễ hội cổ truyền không đúng bản nguyên là những ví dụ rõ nét. Thử đứng ở vị trí chủ thể văn hóa, sẽ cảm nhận sâu sắc rằng, những việc làm nói trên thật khó nhận được sự đồng thuận thực chất - như lý giải của những người có trách nhiệm.
(CÒN NỮA)
UÔNG THÁI BIỂU