Ông Ba "tào lao"

09:07, 04/07/2020

Gió từ biển Bình Đại tháng chạp thổi rào rào lạnh thấu xương da. Mùi cá biển khăn khẳn ngập tràn mé biển. Sóng từ phía xa đuổi bắt nhau chạy vô bờ như một cuộc trốn tìm bất tận. Mấy hàng dương nghiêng qua, nghiêng lại như cố chống chọi với sóng gió biển khơi...

Gió từ biển Bình Đại tháng chạp thổi rào rào lạnh thấu xương da. Mùi cá biển khăn khẳn ngập tràn mé biển. Sóng từ phía xa đuổi bắt nhau chạy vô bờ như một cuộc trốn tìm bất tận. Mấy hàng dương nghiêng qua, nghiêng lại như cố chống chọi với sóng gió biển khơi.
 
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân
 
Trên khoảng sân rộng, một chiếc bàn tròn bày ăm ắp các món nhậu vùng quê biển: ba khía trộn chanh ớt; mấy con vọp luộc sả; mớ ghẹ xào me… cùng mấy chai rượu Phú Lễ - Ba Tri chánh gốc đang cạn dần.
 
- Bữa nay mắc mớ gì mà bây gọi “điện thại” mời tụi tao tới đây nhậu vậy? - Tiếng ông Hai Đức thắc mắc.
 
- Chắc có cái chuyện gì “lu xu bu” đây, chớ cắc cớ chi mà cha nội nầy “sung ba khía” rủ nhậu bất đắc kỳ tử vậy. - Tiếng chú Tư Quéo xen vô.
 
- Mấy ông cứ đoán “mò” hoài. Dô một cái trăm phần trăm cho nó ngọt rồi tui kể chuyện nầy cho nghe. - Vừa nói chú Ba Léo đưa cái ly xây chừng lên miệng rồi ngửa cổ lên uống một lèo hết sạch ly rượu, vỗ vô bắp vế mình phát ra mấy tiếng kêu bốp bốp coi bộ hí hửng lắm.
 
- Rồi đó nghe. Đâu cha nói huỵch tẹt ra coi cái chuyện gì. Cứ úp úp, mở mở như thịt ba rọi bực bội thấy bà nội.
 
- Bữa nay tui mời mấy cha tới coi mấy chiếc máy bay của Mỹ hồi đó bắn phá quê mình được tui tái xuất giang hồ bằng cây gõ đỏ, tui đâu có quên chuyện nhiều người bị nó “nã đạn” chết thê thảm quá. Bởi vậy… bởi vậy… - Nói tới đó chú Ba Léo im re với đôi mắt đỏ hoe. Thỉnh thoảng chú lại nhìn lên bầu trời xanh thăm thẳm như cố nhớ lại phút giây đau xót, khủng khiếp mà mình đã tận mắt chứng kiến năm mươi bảy năm qua.
 
- Quên được mới là chuyện lạ. Hồi đó tụi mình mới mười ba, mười bốn tuổi chớ mấy. Máy bay nó bắn “từa lưa hột dưa” khiến tui đái trong quần hồi nào hổng biết. Lúc chui xuống “tăng xê” thấy mùi khai khai mới biết mình tè trong quần. - Chú Năm Dễ nhớ lại.
 
- Mà sao cha khoái cái vụ làm máy bay, tàu chiến hồi “Trương Phi ở truồng đi mua tương cho Lưu Bị” quá vậy. Bởi vậy… bởi… vậy. - Nói đến đó chú Tư Quéo im lặng vì biết mình đã quá lời với người bạn vong niên.
 
- Tui biết cha nói vụ gì rồi. Mà đâu phải mình cha. Ai ở xứ Thới Thuận nầy cũng nói tui “tào lao”; “ba trợn”; “tưng tửng”. Kệ. Chuyện tui làm tui biết.
 
- Sẵn bữa nay ăn nhậu, cha nói cho anh em đồng hội đồng thuyền biết cái chuyện cha tối ngày cứ lu bu với ba cái đồ chơi máy bay tàu chiến, ghe xuồng bắt cá, bắt cua. Làm chi cho nó cực cái thân. Làm rồi có bán chác gì cho ai đâu. Vừa tốn tiền, vừa tốn công lại vừa làm cho vợ con bực bội lằng nhằng tối ngày.
 
- Ai hổng biết vậy. Tui đâu có khùng mà đi lò mò với ba cái sản phẩm vô tri, vô giác kia đã trên ba chục năm rồi. Nhưng bỏ đâu có được. Bỏ nó làm thấy nó sao sao đâu. Khó chịu lắm và thấy mình có tội với những người đã hy sinh, những người bị chết oan trong chiến tranh, quan trọng nhất là tụi nhỏ lớn lên “mù tịt” lịch sử quê hương, lạc hậu với cội nguồn ông cha nó. Ai đời con cháu dân xứ biển Bến Tre mà hổng biết chiếc ghe chiếc xuồng thời ông nội, ông ngoại nó đi cắt lúa, mò tôm, bắt cá; hổng biết máy bay đầm già, tàu chiến của Mỹ hồi đó ra làm sao; “bù trất” cái vụ làm hầm chông, gài lựu đạn, làm hầm bí mật để đánh giặc. Quan trọng nhất là bọn nhỏ dần quên cái chuyện mấy chiếc tàu “ma” không số chở súng đạn từ Bắc vô Nam để chi viện cho các chiến trường. Giỏi lắm là bọn nhỏ chỉ coi phim, coi báo, nghe kể thôi. Tui thì khác. Tui muốn làm ba cái đồ đó bằng cây, bằng thiếc, bằng sắt để mọi người tận mắt chứng kiến mấy cái phương tiện giết người đó.
 
Nói cho có nói vậy thôi chớ mấy người đồng đội xưa của ông Ba Léo rành tuốt tuồn tuột cái chuyện mới mười hai tuổi mà ông nầy gan cùng mình, cùng mẩy lắm. Hồi năm sáu mươi lúc mới mười một tuổi mà Ba Léo đã đi theo cha mình đánh cá ngoài biển ngọt xớt. Năm mười ba tuổi còn được ông Hai Đức dẫn theo xuống miệt biển Cồn Bửng, Cồn Tra, Cồn Rừng bên Thạnh Phú để vận chuyển đạn dược từ các con tàu không số về đến biển Bình Đại và tập kết tại mật khu Hóc Hỏa - Thới Thuận rồi giao lại cho bộ đội khắp nơi.
 
Hổng biết trời xui đất khiến sao đó mà hồi nhỏ ông Ba Léo mê cái chuyện mày mò đục đẽo mô hình tàu ghe rất kỳ lạ. Rảnh hồi nào là ổng đục đẽo hồi nấy, có lúc làm tới sáng lúc nào không hay. Xóm biển nầy nhớ như in cái chuyện hồi năm sáu mươi ba, ông xin cho bằng được chuyện đi theo thuyền trưởng Hai Đức xuống biển Thạnh Phong áp tải trái thủy lôi do Liên Xô sản xuất để hỗ trợ cho Việt Cộng đánh hạm đội Mỹ.
 
- Léo à. Tao lạy mầy 3 lạy. Mầy làm ơn, làm phước ở nhà cho tao nhờ. Chuyến nầy lành ít dữ nhiều. Tụi tao lớn rồi có “ngủm củ tỏi” thì cũng hổng sao, bây còn con nít lỡ có bề gì thì nguy lắm. Vậy đi. - Tiếng chú Hai Đức nạt lớn.
 
- Con biết mà. Chú cho đi với. Hổng cho con bỏ xứ đi luôn cho coi. - Ba Léo khẩn khoản.
 
Biết tánh nết cái thằng nhỏ gan dạ mà lì như trâu, như bò. Hễ nó nói là nó làm thiệt nên chú Hai Đức buộc lòng cho Ba Léo đi theo với tâm trạng ngổn ngang lo lắng. May mà chuyến đi đó trót lọt, bởi bọn địch không ngờ rằng chiếc ghe bầu 10 tấn đó đã được tháo dỡ bên trong ruột, để thay vào đó là trái thủy lôi khổng lồ được cái ông già nhà quê cùng đứa nhỏ đen thui như táo tàu ngụy trang bên ngoài toàn là vỏ nghêu, vỏ sò huyết cùng mấy chục nải chuối già hương.
 
Đâu đã vậy, sau đó Ba Léo còn được phân công lai dắt nhiều phương tiện chở vũ khí từ các bến tàu không số miệt Trà Vinh, Cà Mau, Thạnh Phú về mật khu Hóc Hỏa nầy một cách an toàn tuyệt đối.
 
Vậy mà sau ngày giải phóng, khi chính quyền địa phương tới kiếm đề nghị ông báo cáo thành tích thì Ba Léo nói tỉnh queo:
 
- Báo cáo làm chi cho lu bu. Chuyện nhỏ như con thỏ. Tui mới học có lớp một trường làng giờ cầm cây viết tay run như bị mắc dịch, mắc gió. Thôi khỏi. Mấy ông tìm những người có nhiều thành tích kia kìa, thiếu cha gì. - Nói xong ông ngoe nguẩy bỏ đi một nước.
 
Nhiều lần chính quyền hướng dẫn phóng viên ở đài truyền hình hay ở mấy tòa soạn báo xuống tìm để quay phim, chụp ảnh, để kể về thành tích của ông. Ông hứa rất ngon lành và sau đó trốn mất với lời nhắn xin lỗi “Tôi là Ba Léo chân thành xin lỗi mấy ông. Hẹn khi khác bữa nay tui kẹt lắm. Thông cảm nghe mấy cha”.
 
Ba mươi năm trước, cái xóm nghèo quê biển nầy rộ lên chuyện thằng cha Ba Léo nổi khùng tự nhiên mua đồ nghề về đục đẽo tàu chiến, máy bay, súng đạn, xuồng ghe cả ngày lẫn đêm. Có người nói ông bị vong hồn mấy thằng lính Mỹ chết dưới biển theo “ám” nên mới điên điên. Người nói ông bị mấy cái “vong” chết trôi ngoài biển theo phá; có người lại nói cha nầy làm chuyện “tào lao, mía lao” để chơi nổi vậy thôi. Vậy mà ai nói cứ nói còn ông làm cứ làm với nụ cười phấn khích, bí mật lạ thường mà chỉ có lẽ mỗi mình ông mới hiểu. Cứ như vậy căn nhà của ông ba “tào lao” cứ đầy dần những sản phẩm chiến tranh, sản phẩm sinh hoạt của ngư dân do ông tự làm lấy.
 
Mười năm trước xóm còn xôn xao khi thấy một đoàn người Mỹ trắng phau tới nhà tìm ông Ba Léo. Khi khách về, bà con kéo tới chật nhà để hỏi thăm chuyện gì đã xảy ra. Ông nói ngọt xớt:
 
- Họ tới để coi tui làm máy bay, tàu chiến có giống không vậy thôi. Họ còn kêu tui bán bớt sản phẩm để họ mang về nước làm quà cho bạn bè nữa chớ.
 
- Rồi ông nói sao?
 
- Tui nói, tui nghèo nhưng hổng cần tiền. Tui làm mấy cái món nầy để tụi nhỏ quê tôi và người dân cả nước hiểu thêm về cuộc chiến tranh ác liệt trên xứ dừa Bến Tre ra sao. Cạnh đó biết về những ngư lưới cụ, phương tiện đi lại, đánh bắt thủy sản của tổ tiên mình thôi. Tui không bán bất kỳ một món đồ nào đâu. Nhưng nếu... nếu...
 
- Nếu sao? Ông nói cà rịch cà tang hoài!
 
- Nhưng nếu mấy ông muốn mượn đồ vật nầy về bển để nghiên cứu gì đó thì tui cho mượn nhưng cam kết đúng ngày phải chở qua đây trả tui.
 
- Cha khùng quá. Lỡ họ mượn rồi hổng trả thì sao?
 
- Thì thôi. Nhưng ai lại đi làm vậy bao giờ.
 
Tưởng chuyện nói chơi ai dè đoàn khách nầy mượn thật. Hơn 50 sản phẩm được họ gói ghém cẩn thận và chuyển lên xe về Mỹ. Đúng 6 tháng sau họ đến tận nhà để hoàn trả đầy đủ cho ông với một món quà vô giá, đó là tập hình ảnh tất cả các phương tiện chiến tranh mà Mỹ đã sử dụng ở chiến trường miền Nam Việt Nam kèm theo từng thông số kỹ thuật rất chi tiết. Đây là tư liệu hiếm hoi, quý báu để ông tiếp tục sự nghiệp “chế tác” của mình cho đến hôm nay đã được trên 40 tàu chiến, máy bay quân sự của Mỹ với độ chính xác tuyệt đối.
 
Tiếng chú Hai Đức làm ông Ba Léo giật mình quay về thực tại:
 
- Rồi bây định làm ba cái tàu chiến, máy bay tới chừng nào “gác kiếm”?
 
- Chưa biết. Hên xui thôi. Con còn mê cái vụ nầy lắm. Thôi dô một trăm phần trăm chúc mừng mấy cái sản phẩm mới làm xong. Dô. Dô. Dô.
 
Cuộc nhậu dần tan. Gần mười con người tóc đã bạc phơ bá vai nhau đi trên biển Thới Thuận trong gió lạnh ùa về. Những đôi mắt tuy già nua nhưng cứ ánh lên những tia mắt tự hào, hãnh diện và cùng nhìn về phía biển khơi xanh thẳm.
 
TÔ PHỤC HƯNG