Mẹ và những mùa trung thu...

06:09, 17/09/2020

Cha mất sớm khi anh chị em chúng tôi đều còn nhỏ dại. Mình mẹ lo cáng đáng việc dạy dỗ, dưỡng nuôi sáu đứa con còn đang tuổi ăn, tuổi học...

Cha mất sớm khi anh chị em chúng tôi đều còn nhỏ dại. Mình mẹ lo cáng đáng việc dạy dỗ, dưỡng nuôi sáu đứa con còn đang tuổi ăn, tuổi học. Vất vả trăm bề nhưng không khi nào thấy mẹ hé răng than thở. Nhà còn ruộng đất, trâu bò; chỉ khổ người làm không có. Ngày cha còn sống, việc đồng áng nặng nhọc có cha gánh vác; mẹ chỉ phải lo những việc nhẹ dành cho phụ nữ như chợ búa cơm nước, gặt đập phơi phóng. Giờ không còn cha, tất tật mọi việc từ nặng sang nhẹ đổ hết lên vai mẹ. Việc quen làm không tính; việc xưa giờ chưa quen mẹ cũng phải cố học mà làm! May, mẹ là người phụ nữ chịu khó chịu thương lại tháo vát sáng dạ nên “ôm” việc cũng tàm tạm; vậy nhưng cực nhọc nhân đôi nhân ba so với ngày cha còn sống là chuyện đương nhiên. Biết vậy, lũ nhỏ chúng tôi không dám vòi vĩnh mè nheo gì mỗi dịp lễ, tết. Những dịp ấy anh Hai lớn hay lo xa, luôn miệng dặn: mẹ cho gì ăn nấy, cho gì mặc nấy, nhớ chưa? Đứa nào mà mè nheo đòi này đòi nọ là tao cho... ăn đòn! Anh lo vậy thôi chứ trẻ nhỏ mồ côi đa phần khôn sớm; nói một lần là hiểu; thấy con cái nhà người ta ăn ngon mặc đẹp có thèm chảy dãi cũng cứ... im re, không dám nói sợ mẹ buồn! Những năm mùa màng thất bát, tết tới mẹ không may nổi cho lũ con quần áo mới, đi chợ chỉ “lén” mua cho mỗi con út chiếc áo đầm in hoa. Tôi, con chị kề, thấy chiếc áo đầm mà nẫu ruột nẫu gan. Buồn tái tê nhưng chỉ biết tự nhủ: đành vậy; là do số mình không may mắn; quên đi... Ai nghe chắc cũng nghĩ: cảnh nhà tới Tết Nguyên đán còn vậy thì làm gì có Tết Trung Thu...
 
Vậy mà, lạ chưa, Tết Trung thu mẹ lại không quên mới kì!
 
Năm nào rằm Tháng Tám đón trăng mẹ cũng nhớ chuẩn bị cho lũ con một “tiệc ngọt” nhỏ. Mỗi năm mỗi món. Có  năm mẹ làm bánh sắn ngọt; năm đổ kẹo dừa, kẹo đậu phụng hoặc nấu nồi chè đậu đen. Năm nào khó khăn hung mẹ cũng ráng nhín tiền chợ mua ít trái cây về bày lên đĩa, pha thêm ít nước chanh đường cho lũ nhỏ có cái quây quần cùng nhau. “Cỗ bàn” cực đơn sơ nhưng niềm vui phải nói to đùng. Vui do... được uống ăn là lẽ đương nhiên; nhưng cái chính là được an ủi do thấy mình cũng “có Tết” như ai, đâu kém cạnh chi con Tí hay thằng Tèo hàng xóm? Còn chuyện chúng ăn nhiều hay ít thì... kệ; nhà ai nấy biết, so đo làm gì??
 
*
 
Chuẩn bị Trung thu cho con, mẹ còn một nỗ lực lặng thầm nữa ít ai ngờ tới: (giúp con) làm lồng đèn!
 
Trung Thu không có lồng đèn sao gọi là Trung Thu? Ngày còn sống cha hay bảo vậy. Vậy nên Trung Thu năm nào cha cũng hậm hụi chặt tre vót nan đem ráp, cột khung lồng đèn; xong phất (dán) giấy màu cho các con chơi. Phất giấy, làm ngù tua lũ nhỏ có thể tự lo nhưng ráp cột khung lồng đèn buộc phải nhờ cha. Cha mất đồng nghĩa với việc thú chơi lồng đèn mỗi độ Trung Thu của anh em tôi bị “xóa sổ”. Buồn lắm. Nỗi buồn ấy chắc chắn mẹ biết; và Trung Thu năm sau không hiểu bằng cách nào mẹ đã tự mầy mò ra cách chặt, vót tre đem ráp cột khung từ một chiếc khung lồng đèn cũ. Không đẹp bằng cha nhưng coi cũng... tạm được. Khỏi nói; cầm chiếc khung lồng đèn đầu tiên mẹ ráp cho đứa nào cũng nhảy tưng tưng, vui như mở hội, quên để ý đôi bàn tay của mẹ bị xây xát, rướm máu nhiều nơi do không quen cầm rựa vót nan. Niềm vui của lũ con chắc khiến mẹ quên đau nên khuôn mặt mẹ vẫn rạng lên nụ cười...
 
*
 
Chúng tôi dần lớn lên, dần đủ cánh đủ lông qua những mùa Trung Thu thiếu vắng cha nhưng lại được bù nhân đôi, nhân ba bằng tình thương của mẹ. Mẹ giờ bước sang tuổi lão suy: mắt mờ, tóc bạc, đi đứng khó khăn, chuyện quên chuyện nhớ. Vậy nhưng quên gì thì quên có một chuyện mẹ vẫn luôn luôn nhớ; ấy là nhắc các con mỗi độ rằm tháng Tám hàng năm nhớ tổ chức Trung Thu cho lũ cháu....Bây bận gì thì bận cũng đừng quên Trung Thu của lũ nhỏ. Tết trẻ con, đừng để trẻ nó buồn...
 
Y NGUYÊN