Tối qua, ghé thăm một người bạn, tôi gặp cô nhỏ con của bạn đang "kiểm kê tài sản". Tài sản là chú heo đất cô nhóc nuôi gần một năm, đã chật ních những đồng tiền lẻ, tiền chẵn. Từ bụng chú heo có một lỗ nhỏ để có thể tháo vào tháo ra lấy tiền trong đó và có thể tái sử dụng.
|
Các đoàn cứu trợ Lâm Đồng trao tặng quà cho người dân vùng lũ miền Trung. Ảnh: Khánh Phúc |
Tối qua, ghé thăm một người bạn, tôi gặp cô nhỏ con của bạn đang “kiểm kê tài sản”. Tài sản là chú heo đất cô nhóc nuôi gần một năm, đã chật ních những đồng tiền lẻ, tiền chẵn. Từ bụng chú heo có một lỗ nhỏ để có thể tháo vào tháo ra lấy tiền trong đó và có thể tái sử dụng.
Cô nhỏ nói, con heo này tiện lợi lắm nè cô, con đã xài hai ba năm nay rồi. Cứ ăn no thì “bị thịt” mà con không phải mua heo mới. Tiền mua heo con có thể giúp được thêm các bạn nhỏ. Rất hồn nhiên, cô nhỏ nhờ tôi - người được nhỏ xem như “bạn thân” bấy lâu: “Cô phụ con phân loại tiền nhen. Phân loại tiền xong đếm chính xác hơn cô hén. Tiền lẻ này là hè vừa rồi con phụ ba mẹ lau nhà, mỗi ngày được thưởng 2.000 đồng. Còn tiền chẵn này là hồi tết con được nhận lì xì”.
Cô nhỏ háo hức vừa xếp thẳng thớm những tờ tiền. “Nhiều tiền vầy mình làm sao cho hết ta?” - tôi tò mò hỏi.
“Con có nhiều việc cần chi tiêu lắm á cô” - cô nhỏ “suỵt” ra bộ nghiêm trọng.
Con sẽ góp phần nhiều con heo đất này để cùng mẹ con chia sẻ với các bạn miền Trung đang chịu cảnh bão lũ. Vậy chứ không đáng kể gì đâu cô ơi, các bạn đang phải ăn mì tôm sống, sách vở, áo quần trôi đi hết trơn rồi. Mọi người cùng chung tay mới bớt được khó khăn cho miền Trung đó cô. Sáng nay nè, ở trường con, các bạn đã cùng nhau góp tiền quà, góp sách vở, áo quần cũ để các thầy cô gửi ra tặng các bạn nhỏ ngoài đó. Hồi năm ngoái thì con dùng tiền heo đất để cùng mẹ đi lên Đơn Dương tham gia phát quà cho các bạn trong cô nhi viện. Năm ngoái con đến, chơi với các bạn rất vui, mà thấy các bạn thiếu thốn hơn mình nhiều quá luôn. Rồi con còn dành ra một phần nhỏ để mua tặng ông cụ sửa xe vỉa hè đầu hẻm nhà con mấy cái tô nữa nè. Mấy lần con đi ngang thấy ông cụ ăn bằng cái tô cũ quá rồi. Trời ơi, mấy hôm trước con không thấy ông cụ đi làm gần một tuần, con cứ lo lo ông cụ bị gì và nghĩ đến cái tô con chưa tặng được. Hóa ra cụ mới về quê vô...
Ai cũng nhìn thấy mắt con nít trong veo, như tâm hồn của các con vậy. Và khi mình gieo vào nó điều gì sẽ đọng mãi mà lớn lên hình thành tính cách con. Bạn tôi nói, những chuyến đưa con lên tận Tây Nguyên để chia sẻ với các bạn nghèo trên ấy đâu dễ. Đâu phải với một cô nhỏ là có thể xách ba lô lên mà đi như với bè bạn. Còn hầm bà lằng phức tạp khi đi chung với một bạn đường nhí. Nhưng những phức tạp ấy thực ra sẽ chẳng là gì khi có một cái cây xanh non và hiền lành lớn dần lên trong con. Con biết quý trọng đồng tiền hơn khi con thấy những ấm áp từ việc chia sẻ. Con hiểu được thế nào là chia sẻ và mẹ thì thấy con đang lớn lên từ việc chia sẻ ấy. Và vì điều quan trọng ấy, bạn tôi không bao giờ dẫn con tới những cuộc từ thiện có tính “check in” - như một vài hotgirl hoặc vài bạn trẻ giờ vẫn làm. Tức là chỉ đến nơi nào đó gần gần mình, càng trung tâm càng tốt để nhiều người thấy, rồi trao món quà gì đó, chụp hình post lên facebook đếm like. Mọi việc chỉ nhanh trong vòng ba nốt nhạc.
* * * * *
Cô nhỏ ấy khiến tôi nhớ tới vẻ hồn nhiên của nhỏ em tôi ngày xưa. Cũng tầm tuổi lên 7. Nhà tôi ở đối diện một xưởng làm kem. Xưởng kinh doanh khách ra vào thường xuyên nên khá ngột ngạt. Chỉ cách một lòng đường nhỏ, thềm nhà lát gạch hoa nhà tôi quay hướng Nam nên chẳng cần quạt vẫn luôn mát rượi. Dường như đó là chỗ tụ tập lí tưởng cho các bác bán kem bên xưởng sau một ngày rong ruổi chạy trên những con đường đầy gió Lào nắng rát. Nhà không có cổng, buổi tối, các bác ấy thường đánh trần nằm ngay thềm nhà tôi trò chuyện tận khuya, có khi ngủ luôn tới sáng hôm sau. Chúng tôi coi chuyện đó rất đỗi bình thường vì hầu hết các bác là những người lao động xa quê lên phố mưu sinh. Ở xưởng kem chỉ là nơi ở nhờ tạm bợ, các bác phải chen chúc nhau ngủ trên tấm phản gỗ cũ, bóng mồ hôi và ẩm mùi hôi hám. Đã mấy lần đi qua tấm phản ấy, tôi vẫn nhớ rõ như in cái mùi hôi hám ấy.
Chị em tôi vẫn thường tị nạnh nhau những lúc chia lịch lau nhà, rửa bát không đều. Hình như đó cũng là tình trạng chung của nhiều chị em gái khác. Vậy nhưng, con bé luôn hăng hái lau thềm nhà thật sạch. Oái oăm thay, trong mắt tôi, đó là “phần thừa” ra của căn nhà mà tôi thường cố tình quên, hoặc lau qua quýt để nhanh kết thúc việc lau nhà nhàm chán, chạy đi chơi hay dấm dúi đọc sách trong một xó nào đó. Chỉ đến khi con bé không chịu nổi, gắt gỏng: “Chị lau thềm cho sạch. Chị lau không sạch, buổi tối các bác bán kem nằm nhỡ bị kiến cắn thì tội lắm. Cả ngày các bác ấy vất vả rồi”. Lúc ấy tôi đã lặng đi nhìn con bé còn chưa bước vào lớp 1. Tôi thấy rằng nó đang thực sự xót xa khi hình dung ra một bác nào đó mà nó chẳng thể nhớ tên bị kiến cắn sau một ngày vất vả. Nó cho tôi bài học về sự chia sẻ, có khi chỉ giản đơn như thế.
Và những ngày sau đó, tôi bỏ hẳn thói quen lau qua quýt thềm nhà. Thậm chí, mỗi khi các bác bên kia đường chuẩn bị sang, tôi và nhỏ em lại chia nhau lau lại thềm nhà thật sạch. Chẳng đứa nào cãi đứa nào, dẫu đôi khi phân chia vẫn không công bằng. Mẹ tôi còn dạy hai chị em cách nấu nước chè xanh sao cho ngon để mời các bác. Đã mấy lần chúng tôi tính chuyện khi mổ heo đất, sẽ cùng mua tặng các bác một tấm chiếu. Nhưng rồi, heo chưa mổ thì xưởng kem đã giải tán do làm ăn thua lỗ. Các bác bán kem về quê hay đi làm thuê ở xưởng khác, chúng tôi không rõ. Nhưng có một điều rất rõ là từ sau đó những đứa nhỏ đã ý thức được rằng: Nếu đã tính làm điều gì đó, nhất là khi đó là điều tốt cho người khác thì đừng nên chần chừ. Bởi nếu chần chừ, về sau sẽ có cảm giác tiếc nuối như mất đi một cơ hội quý.
VÕ THU HƯƠNG