Mẹ ngồi lại với hoang tàn đổ nát, nước dường như đã không còn cho những xót xa mùa bão. Lũ chồng lũ, mẹ thẫn thờ mình trước dòng nước mênh mông nhấn chìm mọi thứ. Thấp thoáng những nóc nhà chơ chọi, lâu lâu lại có người nhú lên như chờ đợi một niềm hy vọng mong manh. Ba giấu tiếng thở dài vào trong, vòng khói thuốc bâng khuâng trôi qua mắt người rưng rưng.
Mẹ ngồi lại với hoang tàn đổ nát, nước dường như đã không còn cho những xót xa mùa bão. Lũ chồng lũ, mẹ thẫn thờ mình trước dòng nước mênh mông nhấn chìm mọi thứ. Thấp thoáng những nóc nhà chơ chọi, lâu lâu lại có người nhú lên như chờ đợi một niềm hy vọng mong manh. Ba giấu tiếng thở dài vào trong, vòng khói thuốc bâng khuâng trôi qua mắt người rưng rưng.
Ở giữa đỉnh lũ, tôi không thể nào nhìn thấy được con đường làng mỗi sáng lũ trẻ con trong làng khấp khởi đến trường. Khoảng sân mênh mông có vài chậu hoa nở vàng ươm trong nắng đã trôi đi cùng dòng nước lũ. Những thân lúa mỏng manh vốn dĩ nương tựa vào nhau để đứng lên cũng chìm sâu trong nước, nhà cửa chẳng còn lại chút gì, chỉ có nỗi buồn vẫn hằn sâu trong mắt người.
Anh tôi trọ học xa nhà, cứ gọi về suốt từ lúc hay tin có bão đến khi bão tan. Những người con xa quê, khi nghe tin quê nhà có bão, ai cũng lo lắng đứng ngồi không yên. Tan học, anh như chẳng thể bước về nhà, những cuộc gọi về nhà liên tục. Cả đám bạn cùng quê ngồi lại với nhau thấp thỏm mong tin quê nhà...
Chiếc ra-đi-ô vẫn phát ra những con số, những diện tích, những thiệt hại văng vẳng bên tai người. Cả gia đình tôi ngồi co ro trong một góc mà nép vào đâu cũng thấy lạnh. Những chiếc bè chuối đã mục rữa, bị nước cuốn trôi đi mà lũ vẫn chưa rút, ba nhìn trời thở dài. Nghĩ, sao dân miền Trung mình khổ đến vậy. Những ngày lũ, người dân quê tôi dường như chỉ ăn để cầm cự qua ngày, chẳng có một buổi cơm nào mà không có nước mắt. Những niềm tiếc nuối cứ chực chờ trong mắt ánh của người đối diện. Trời ít gió, ba chạy đò qua nhà, hàng xóm bên cạnh chia cho vài gói mì, ít nước ngọt. Mọi người sẵn sàng chia sẻ với nhau và ai cũng trao cho nhau một miền tin “mai nay lũ rút”.
Đêm chập chờn, chẳng thể nào chợp mắt được. Tin lũ chồng lũ làm người dân trong thôn tôi thao thức. Không biết đến khi nào cuộc sống mới trở lại bình thường, thương sao những tiếng thở dài, thương cả ánh mắt chẳng biết nhìn về đâu. Tôi ngước mặt lên nhìn bầu trời đêm hun hút, cơn gió lạnh ùa về đâu có làm khô đi những giọt nước mắt.
Hừng sáng, người dân miền Trung quê tôi lại nhìn xuống mực nước dưới chân mình, xem nước đã rút đi chút nào? Và tay chân lóng ngóng khi thấy mây đen kéo về. Tôi đứng trong nhà nhìn những chiếc thuyền cứu trợ đi qua, những chiếc thuyền vượt qua mưa lũ đem vật dụng phát cho người dân quê tôi. Tự dưng lúc đó, tôi thấy ấm lòng đến lạ. Ít ra, chúng tôi không bị lãng quên, cái nghĩa “đồng bào” đã giúp chúng tôi vượt qua những ngày mưa lũ. Nhận chút quà trên tay mà nước mắt rưng rưng, là những hình ảnh của cô con gái nhỏ thó quặn mình trong mưa lũ, là những anh bộ đội hết lòng vì dân. Rồi hôm hay tin các chiến sĩ hy sinh, mọi người im lặng nhìn nhau, môi mắt run run. Lúc đó, tôi thấy thương người dân miền Trung mình quá đỗi...
Nước rút, ba mẹ gầy dựng từ đổ nát. Tôi và mẹ tìm lại những thứ còn dùng được rửa sạch. Ba cào bùn ra khỏi nhà, đứa em tôi ngồi trên cái ghế ngơ ngác nhìn mọi thứ xung quanh. Lâu lâu mẹ lại thút thít, ba ngơi tay nhìn mẹ cười mà như khóc “còn tay còn chân thì sợ gì”. Mọi người trong thôn lại động viên nhau, vượt qua tiếp những ngày gian khó. Ba mẹ ăn vội chén cơm rồi lại tất bật với công việc dọn dẹp, đồng áng. Tôi đứng giữa ngổn ngang đất cát, chợt nhớ khoảng sân hoa vàng rực rỡ của mình. Sớm mai, nắng sẽ lại lên trên từng nếp nhà khói tỏa...
KIM CƯƠNG