Những ngày lũ về

10:10, 14/10/2020

Chị ở quê nhắn, em à mấy bữa ni quê mình toàn mưa bão… Có dòng tin nhắn vậy thôi mà nắc nỏm, chông chênh.

Chị ở quê nhắn, em à mấy bữa ni quê mình toàn mưa bão… Có dòng tin nhắn vậy thôi mà nắc nỏm, chông chênh.
 
Lòng người miền Trung xa quê, ai chẳng có những cơn nắc nỏm như thế, khi bão lũ kéo về. Mà thực ra, nắc nỏm từ khi đọc một dòng tin trên báo: Bão về miền Trung… thì đã có hàng nghìn người cùng ngóng về quê nhà. Kể cả khi quanh năm bận rộn có thể có lúc nhãng quên điện thoại hỏi thăm ở nhà mình người này người kia ra sao thì ngày bão về nhất định sẽ phải sốt ruột gọi tới từng người, hỏi bố nhà còn bị rấm nước không, hỏi cậu lúa má có ảnh hưởng chi không, vườn rau của ông bà chắc chẳng kịp hái chạy lũ… Chỉ là những lời hỏi han nho nhỏ mà cũng thấy lòng mình ấm hơn khi có một chốn về mà mình còn đau đáu yêu thương.
 
Những cơn lũ đôi khi kéo về từ chiều tối, xuyên đêm và chỉ chịu ngưng bớt khi gần trưa ngày hôm sau. Có những đêm mưa bão ràn rạt chạy băng qua phố. Những ngôi nhà im lìm đóng kín cửa bật ti vi xem tin bão ảnh hưởng tới những vùng lân cận. Nghe nhà hàng xóm kêu cửa xin nến, mượn đèn pin vì nhà mất điện mà cuống quýt kiếm tìm, sốt ruột như thể nhà mình. Dân phố Vinh tôi ở đa phần từ các huyện xung quanh đổ về. Nhà ở phố có khi không mấy ảnh hưởng nhưng lòng cứ quặn lại vì ở quê nước ngập trắng đồng. Lúa của mẹ, của cha, của chị, em mình ở đó, nước mắt, mồ hôi anh chị em mình đổ ở đó… Tôi nhớ mẹ tôi và cô hàng xóm gặp nhau sau ngày bão quét, câu đầu tiên vẫn hỏi nhau, ông bà ở quê có ảnh hưởng chi không?... với đôi mắt buồn hoang hoải.
 
Ngày bão về. Vườn ổi của ông gãy nghiêng gãy ngả. Cây na nhà cô hàng xóm tét cành. Mái ngói thâm nâu, từ dưới nhìn lên thấy xộc xệch, miếng xô lệch, miếng bay xuống đất vỡ tan, một khoảng trời nắng chói lòa rọi thẳng xuống nền nhà. Vài cậu thanh niên trong xóm không mang vẻ mặt hí hửng như bình thường, có cậu ngày thường không thấy mặt mũi nhưng sau ngày bão lại thấy rủ nhau đi vòng quanh hỏi thăm nhà nào cần lợp lại ngói, cưa bớt cành gãy… để giúp đỡ. Tôi nhớ ngày mấy cậu thanh niên ghé vườn nhà ông cưa cành ổi đổ, có cậu vừa làm vừa hát nghêu ngao bài “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh”. Giọng trầm trầm, ấm áp: “Rằng qua cơn lận đận mới hiểu tận lòng nhau”…
 
Đến giờ bao mùa bão lũ đi qua vẫn nhớ vẫn thương những lần hiểu tận lòng người phố, chẳng bao giờ hờ hững nhau trong mùa bão lũ đủ đường lận đận.
 
* * * * *
 
Tôi vẫn ấn tượng thật sâu về những khu nhà tập thể nằm ven sông Lam mà mấy mẹ con cùng ở ngày còn bé. Nước sông dâng cao rất nhanh. Có khi chỉ một đêm ngủ dậy, nước đã cao lên tới gần mé giường. Trong khi các bố mẹ tất bật kê đồ lên cao tránh nước thì đám trẻ con hồn nhiên thòng chân xuống giường khua lấy khua để và bật cười khanh khách khi phát hiện thấy mấy đàn cá bé xíu xiu vô tình trôi theo nước lũ chảy quanh những con mương, đi lạc vào nhà. Giấc ngủ những ngày mưa bão ngang phố cũng thắc thỏm không yên. Ngày tôi còn bé, ấn tượng về những giấc ngủ ngày bão là lâu lâu lại thấy người mình bị ai đó nhấc bổng, bị ai đó lăn sát vào mé tường. Sáng ra mới biết chỗ mình vẫn nằm mái ngói bị xô lệch, mưa dột ướt dầm, mẹ phải lăn con qua chỗ khô để nằm chỗ ẩm ướt. 
 
Có khi nước rút chậm, chợ chìm trong nước không ai họp chợ buôn bán. Lúc ấy, cả xóm sẽ cùng chia nhau mớ cá khô, tép khô, bát nhút về xào, ống bơ lạc về rang. Mùi lạc rang trộn nước mắm tỏi, mùi cá khô, tép khô mằn mặn, nhút xào hành tăm chua chua, thơm phức lòng vòng quanh khu tập thể nhỏ. Những món ăn ấy bình thường không mấy nhà ăn, nhưng ấn tượng nhất là thường chia nhau ăn mấy ngày bão về. Đám trẻ lớn lên vẫn vừa nhắc nhau vừa nuốt ực nước nơi cuống họng, thèm vị nghèo ngày xưa.
 
Sau những ngày lũ về, người lớn đầy lo toan, đám trẻ con bao giờ cũng khó giấu niềm vui khấp khởi. Những con rạch, con mương đổ nước từ những nhánh sông nhỏ vào ruộng đồng dẫn theo từng đàn cá lớn nhỏ. Trẻ con rủ nhau đi bắt cá. Đôi khi cá mẹ cá con dẫn nhau cả đàn chui vào, mắc lại lưới không quay ngược lại được. Tiếng cá quẫy đành đạch tan trong tiếng hò hét, tiếng cười của đám trẻ, vỡ cả ban trưa trời đầy mây xám sầm sì. 
 
* * * * *
 
Phố sau ngày bão lũ, những lối dọc ngang chợ vắng hơn vì người dân các huyện chưa lên họp chợ, người dân ở phố chẳng còn mấy đất nông nghiệp cấy trồng. Nhà tôi ven chợ Vinh, những buổi chiều ra chợ ngày mưa bão rất khác bình thường, chẳng bao giờ nghe mẹ đi chợ mà trả giá. Có khi mẹ vừa mua cá đồng đầu chợ, tới giữa chợ lại mua thêm mớ nữa vì người bán là thằng bé bằng tuổi con mình, nhìn thương không đặng bước qua. Mẹ nói, những người ra chợ ngày mưa bão họ khổ lắm rồi, mình không có chia sẻ thêm các dì các bạn thì thôi, ai nỡ lòng trả giá khi hoàn cảnh buộc họ phải mưu sinh trong những ngày tơi bời như thế?
 
Từ nhà tôi đi thêm vài km là ra phía cánh đồng trắng xóa nước sau ngày mưa lũ. Ngày bé, tôi vẫn có thói quen xấu, ăn cơm quá nửa bát là no lưng lửng bụng, muốn bỏ mứa. Sau ngày lũ, mẹ chỉ cánh đồng lúa chưa đến ngày gặt hái đã ngả nghiêng gãy rạp vào nhau, nói: “Con nhìn đi. Thương không, lúa sắp tới ngày gặt rồi mà chưa kịp chín, mất bao nhiêu là cơm gạo đấy. Thế mà con luôn bỏ thừa cơm, không biết thương người làm ra hạt gạo”. Tôi 5 tuổi, chưa hiểu hết ý nghĩa nhưng cũng từ đó không còn thói quen bỏ thừa cơm nữa.
 
Bạn tôi nói, dân miền Trung chúng mình dù có xa quê đi nữa vẫn giống nhau về tính cách chịu khó, chịu thương và sẻ chia với nhau vì đã cùng lớn lên từ những mùa bão lũ. Câu nói ấy chẳng phải là chân lí cao siêu gì nhưng khiến tôi xích gần với bạn hơn.
 
Ôi chao, đã bao mùa bão lũ xa quê rồi, mà lòng sao vẫn hoài đắng đót…
 
KHÔI NGUYÊN THẢO