Về đi chim sẻ

04:10, 22/10/2020

Chừng như tôi đã viết về quán nhỏ, nơi gần như cuối cùng còn sót lại trong một hẻm nhỏ trên đường Minh Mạng này. Nói vậy là vì đôi khi ai đó trong thời gian chờ cô chủ cho máy xát xong phần gạo của mình thì ghé qua vườn nhà, trò chuyện bâng quơ về mấy cái cây, khóm hoa hay khúc gỗ thô mộc. Ai đó còn thời gian chút nữa thì ghé xuống uống một ngụm trà, rồi vui miệng kể mình đến từ đâu, hay chỗ thóc đó đến từ cánh đồng nào...

Chừng như tôi đã viết về quán nhỏ, nơi gần như cuối cùng còn sót lại trong một hẻm nhỏ trên đường Minh Mạng này. Nói vậy là vì đôi khi ai đó trong thời gian chờ cô chủ cho máy xát xong phần gạo của mình thì ghé qua vườn nhà, trò chuyện bâng quơ về mấy cái cây, khóm hoa hay khúc gỗ thô mộc. Ai đó còn thời gian chút nữa thì ghé xuống uống một ngụm trà, rồi vui miệng kể mình đến từ đâu, hay chỗ thóc đó đến từ cánh đồng nào...
 
Chúng tôi là người mới, nên dăm ba câu chuyện như vậy cũng cho mình thêm những khái niệm, hoặc biết thêm về những người hàng xóm, về cuộc sống của những người dân ven phố thị. Hay nói đúng hơn, là những người đã gia nhập thị thành kể từ khi đất được giá, rồi có thêm những ngôi nhà mới mọc lên. Mùa gặt hái cũng không còn nhiều, nhưng chỗ máy gạo đó vẫn mở cửa và có khách.
 
Hôm đó, tôi nói với hàng xóm về lũ chim sẻ líu ríu trên mấy hàng dây điện bên hông và không gian nhỏ nhoi mà hiền hòa quá đỗi. Tôi kể với hàng xóm về bạn bè và những người khách của mình đã mang cà phê ra hàng hiên để uống cùng tiếng ríu ran của lũ chim bé bỏng. Kể về cô bạn khi trở lại Sài Gòn đã nhắn, rằng lâu lắm rồi, cô mới lại được thức với ban mai trong trẻo. Những điều đó đã đánh thức cả tuổi thơ cô những ngày bé dại. Đôi khi trở về vào lúc chiếc máy xát cũ kỹ còn làm việc, tôi đã hít hà trong gió mùi cám ngọt và mùi gạo thơm tho khi xục tay mình trong mấy chiếc thúng nâu.
 
Hàng xóm có vẻ đã quá quen với những điều đó, nên chỉ mỉm cười khi bảo, thì nhờ chiếc máy gạo đó mà chim sẻ về xóm. Mà dạo này chúng cũng đã vắng đi nhiều rồi.
 
Tôi đã không để ý đến câu đó, cho đến khi nhận ra thiếu tiếng chim ríu rít trên vòm cây. Cứ nghĩ chắc lũ chim đã nhận sớm những tín hiệu về cơn bão Noul và đã tìm một nơi cư trú. Nhưng hôm đó, khi trở lại vào quãng giữa buổi sáng, tôi bắt gặp hai thanh niên cởi trần lúi húi giăng một vệt lưới mỏng theo chiều thẳng ngang. Rồi tôi nhận ra lý do mà hàng xóm nói về sự vắng ngót chim sẻ lúc ngồi bên hiên nhà. Tôi hình dung những chú chim sẻ mắc vào đám lưới trắng và mỏng đó sau khi sà xuống vệt cám, đám thóc vương vãi quanh máy xát, thấy như có ai vừa cứa vào mình một vết cắt. Lúc đó, một người trẻ đã quay sang nhìn tôi và bảo, bẫy chim vui mà chị. Bán cho người ta phóng sanh hay vào quán nhậu cũng được khá tiền. Với lại có phải của ai đâu mà chị giữ?
 
Tôi nhận ra, mình bắt đầu nhớ chim sẻ, không chỉ trong những buổi sáng tinh tươm. Thấy mấy cái cây nhà mình chừng như cũng trở nên trầm ngâm. Cả tiếng máy xát chếch bên kia hàng rào nữa, chúng không còn nao nức như mọi ngày.
 
Trước hôm bão về một ngày, tấm lưới trắng mỏng giăng theo chiều thẳng đứng ấy đã được gỡ đi. Người bẫy chim chắc sợ rách lưới. Xóm nhỏ của tôi cũng khá nguyên vẹn khi Noul lướt qua, dù ngoài đường ngổn ngang cây gãy đổ. Lửng chiều như khi tôi gõ những dòng này, đã lại nghe tiếng máy xát lạch xạch phía bên kia hàng rào.
 
Có vẻ như không gian này đã trở lại bình yên cũ. Dù nói thật là tôi cũng không chắc những người đi bẫy chim có biết cách làm lành với thiên nhiên hay không, hoặc rời đi đến bao lâu nhưng cây vẫn xanh mà. Nên chim sẻ ơi, về đi...!
 
KHANG NHIÊN