(LĐ online) - Sáng ngày 2/11, tại Nhà Sáng tác Đà Lạt, NXB Quân đội Nhân dân đã tổ chức bế mạc trại sáng tác văn học đề tài "Lực lượng vũ trang – Chiến tranh cách mạng".
(LĐ online) - Sáng ngày 2/11, tại Nhà Sáng tác Đà Lạt, NXB Quân đội Nhân dân đã tổ chức bế mạc trại sáng tác văn học đề tài “Lực lượng vũ trang – Chiến tranh cách mạng”. Tham dự lễ có đại diện lãnh đạo Học viện Lục quân, Hội VHNT Lâm Đồng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban Chỉ huy Quân sự Tp. Đà Lạt cùng 15 nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học trong và ngoài quân đội đến từ các tỉnh, thành trong cả nước.
|
Trao kết quả sáng tác bản thảo tác phẩm cho Nhà sáng tác Đà Lạt |
Mục đích của Trại viết lần này là sáng tác 2 thể loại tiểu thuyết (văn) và trường ca (thơ) về đề tài “Lực lượng vũ trang – Chiến tranh cách mạng”.Sau 15 ngày các nhà văn, nhà thơ đã hoàn chỉnh 16 bản thảo, trong đó có 10 tiểu thuyết, 1 trường ca, 2 tập bút ký và truyện ký, 3 tác phẩm nghiên cứu phê bình văn học. Cụ thể các tác phẩm: Rừng hẹn, Hòa giải (2 tiểu thuyết của nhà văn Hà Đình Cẩn), Người mẹ và cánh rừng (tiểu thuyết Châu Việt La), Những ngấn bùn trên mũi chân Tổ quốc (Trường ca Hoàng Quý), Người từ chối vinh quang (Nguyễn Ngọc Mộc), Những tượng đài và hiện tượng văn chương (nghiên cứu phê bình Trần Đăng Xuyền), Khúc bi tráng tháng tư (nghiên cứu phê bình Bùi Việt Thắng), Nữ tướng rừng xanh (tiểu thuyết Uông Thái Biểu), Trăng lạnh (tiểu thuyết Nguyễn Duy Hiến), Những người phất cờ hồng (tập truyện ký Phạm Vân Anh), Lửa hậu phương (tiểu thuyết Nguyễn Thanh Hương), Miền ký ức (tập truyền ký Nguyễn Thanh Hoàng), Hạ cháy (tiểu thuyết Đặng Duy Lưu), Vùng đất thiêng (tiểu thuyết Vương Thu Thủy), Những người đàn bà đi qua đời lính (tiểu thuyết Phùng Phương Quý), Nhân vật người lính trong tiểu thuyết chiến tranh (nghiên cứu phê bình Xuân Hùng).
Đặc biệt, trong thời gian hoạt động trại viết, NXB Quân đội Nhân dân đã tổ chức buổi giao lưu, tọa đàm văn học với các nhà văn, nhà thơ thuộc Hội VHNT Lâm Đồng và đoàn văn nghệ sĩ của Hội VHNT tỉnh Bắc Ninh bàn về vấn đề “Văn học nghệ thuật với đời sống hôm nay. Làm thế nào để văn học viết về lực lượng vũ trang – Chiến tranh cách mạng luôn là đề tài lớn, hấp dẫn bạn đọc”.
Phát biểu bế mạc, Đại tá – nhà văn Nguyễn Văn Sáu, Phó Giám đốc NXB Quân đội Nhân dân khẳng định: “Có thể nói, văn học viết về lực lượng vũ trang – chiến tranh cách mạng là một cánh đồng không bao giờ bạc màu, càng lật xới lại càng thêm màu mỡ. Đề tài về “Lực lượng vũ trang – Chiến tranh cách mạng” và người chiến sĩ hôm nay vẫn luôn là một mảnh đất phì nhiêu, chứa đựng những trầm tích văn hóa hấp dẫn để các văn nghệ sĩ hăng say lao động, gặt hái những mùa vàng. Việc tổ chức trại sáng tác là việc đầu tư hết sức hiệu quả giúp cho các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu chuyên nghiệp có điều kiện thuận lợi hơn trong sáng tạo nghệ thuật. Từ đó tạo ra nhiều tác hẩm có giá trị cao cả về nội dung và chất lượng, thậm chí sẽ có những tác phẩm xuất sắc để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn đọc.
|
Các nhà văn chụp hình lưu niệm |
Trại viết còn là dịp để các những người cầm bút giao lưu, trao đổi chuyện đời, chuyện nghề, đề xuất những ý kiến tâm huyết, gợi mở cho NXB Quân đội Nhân dân và cơ quan chức năng của Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng), Bộ VH-TT-DL cùng khẳng định việc tổ chức trại sáng tác là thực sự cần thiết, việc đầu tư cho các tác giả có điều kiện sáng tác là hết sức quan trọng. Từ việc quan tâm đầu tư mở trại viết, đầu tư kinh phí sáng tác, đầu tư xuất bản, cùng tâm huyết sáng tạo của các tác giả là cơ sở để tin rằng đề tài “Lực lượng vũ trang – Chiến tranh cách mạng” mãi mãi có chổ đứng trong dòng chảy của đời sống văn học Việt Nam. NXB Quân đội Nhân dân sẽ tiếp tục là “bà đỡ” cho ra đời những tác phẩm tốt, phục vụ bạn đọc trong cả nước, phục vụ cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân; góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho bộ đội, đồng thời khẳng định vị trí, vai trò, giá trị của văn học người lính trên văn đàn Việt Nam”.
QUỲNH UYỂN