Nguyễn Thanh Đạm có nhiều bút danh trên báo chí, văn nghệ: Nguyễn Thanh Đạm, Thanh Đan, Bình Nguyên, Nguyễn Thanh, Thanh Hằng...
Nguyễn Thanh Đạm có nhiều bút danh trên báo chí, văn nghệ: Nguyễn Thanh Đạm, Thanh Đan, Bình Nguyên, Nguyễn Thanh, Thanh Hằng... Anh là người đam mê và thích rong chơi, trải nghiệm trong nhiều lĩnh vực: viết báo, chụp ảnh nghệ thuật, sáng tác văn thơ, chơi guitar, sưu tầm gốm sứ, chăm hoa phong lan... Từ quê hương lúa tỉnh Thái Bình, anh vào thành phố Đà Lạt học sư phạm nhưng sau khi tốt nghiệp không đi dạy mà vận với nghề làm báo chí - văn nghệ.
|
Nhà báo, nhà văn Nguyễn Thanh Đạm tổ chức đoàn văn nghệ sĩ Lâm Đồng thực tế tại cột mốc biên giới Việt Nam - Trung Quốc (Lạng Sơn) |
43 năm ngụ cư trên thành phố hoa này, anh đi rất nhiều nơi trong và ngoài nước. Hàng ngàn tác phẩm ký báo chí, ký văn học, truyện ngắn, ảnh nghệ thuật và thơ ca khởi nguồn từ những lưu ca và du khảo đó. Nhưng giờ, đã ngừng tung bay một cánh chim bằng; ngừng những cuộc làm việc tận tâm, những cuộc chơi tận nghĩa. Nguyễn Thanh Đạm để lại nhiều di sản tác phẩm báo chí và văn nghệ, để lại khối tài sản lớn về tình yêu thương...
***
Dấn thân là nhu cầu thôi thúc Nguyễn Thanh Đạm, giúp anh phát huy ưu thế để sáng tác mảng ký báo chí, ký văn học. Ký Thanh Đạm đầy ắp thông tin sự kiện, chọn lọc chi tiết đắt và nâng khái quát; lý giải, trăn trở với tồn tại, đề xuất giải pháp... Cùng hơn chục đầu sách in chung, năm 2012, anh có riêng tập “Pháo đài thép trên biển Đông”, Nhà Xuất bản Văn học ấn hành. Sách gồm 9 tác phẩm ký và ghi chép, không gian rộng, nhiều vùng đất ở Lâm Đồng và ở Trung Quốc, cả hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Trong đó, ký sự về Trung Quốc và hai quần đảo rất dài hơi, đầu tư công phu, từ tư liệu đến quan sát. Hai thiên ký sự còn là trách nhiệm của người viết đối với đất nước về những giá trị: sự thiêng liêng bờ cõi, bảo tồn văn hóa dân tộc, phát triển tiềm năng kinh tế du lịch... Tập sách còn là những phác họa chân dung những nhân vật tài hoa mà tác giả luôn trân quý: nhà báo Phan Quang, họa sĩ Lưu Công Nhân, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng hay doanh nhân vợ chồng Võ Văn Quân - Hoàng Thị Xuân, cán bộ dân tộc thiểu số Rơông Đong… Năm 2020, mặc dù sức khỏe cạn kiệt, Nguyễn Thanh Đạm vẫn xông xáo đến nhiều vùng đất Lâm Đồng, kịp thời phản ánh sự vận động kinh tế - xã hội, phục vụ bạn đọc và góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của tờ Tạp chí Lang Biang mà anh chịu trách nhiệm với vai trò Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh. Những trang viết nóng hổi chất liệu cuộc sống: “Thông điệp từ alumina”, “Đạ Huoai - miền trái ngọt”, “Đối thoại và ghi nhận”, “Bí thư Huyện ủy Lâm Hà Hoàng Thanh Hải - Tỉnh ủy viên: Tiếp tục đổi mới, sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội... đưa Lâm Hà phát triển toàn diện, bền vững”...
Nếu ký, ghi chép Nguyễn Thanh Đạm nhiều năng lực quan sát, đối diện và cắt nghĩa hiện thực thì thơ anh là những cung bậc cảm xúc nghiêng nhiều về độc thoại trước cuộn dòng hiện thực tâm lý. Anh đến với thơ cũng từ thời chuyên làm báo, tuy không nhiều. Một phần điều kiện làm quản lý tờ báo rồi cơ quan tuyên giáo, ít khi được sống chậm. Bởi thế, khi Tuần báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, số 570, ngày 31/10/2019 giới thiệu chùm thơ 3 bài của Thanh Đạm (Bất tử Đồng Lộc, Đôi mắt B’Lao, Gắng về phía không nhau), anh trải lòng trên trang cá nhân: “Thấy mình có lỗi là lâu nay ít chuyên tâm với Nàng Thơ. Phải nhen lại lửa thôi”. Thực ra 10 năm trước, (2009), anh đã có tập thơ riêng đầu tiên - “Ngọn lửa”, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn. “Ngọn lửa” là tiếng lòng một hồn thơ hồn hậu và đa đoan. Bài thơ cùng tên trong tập này, nhà phê bình Lê Hòa nhận xét: “một cảm xúc thẩm mỹ đầy mới mẻ: Mới từ cách thể hiện chủ thể thẩm mỹ; Với hai chủ thể riêng biệt nhưng hòa quện nhau, tạo nên một chủ thể xuyên suốt bài thơ. Đó là: người đàn bà và ngọn lửa”. “Đó là một thái độ sống, một nhân sinh quan sống đầy tính tích cực của tác giả: hãy sống trọn vẹn, cống hiến trọn vẹn, yêu người và yêu đời trong từng phút giây ắt sẽ cảm nhận được “trái ngọt” mà cuộc đời ban tặng”. Sự khích lệ thật quý giá! Đó cũng là cảm thức trách nhiệm tự thân của một công dân - nhà thơ Nguyễn Thanh Đạm. Đau đáu niềm yêu niềm thương, với Đà Lạt (Sao vội thế một lần về Đà Lạt, Gắng về phía không nhau), với Bảo Lộc (Đôi mắt B’Lao); với di tích Ngã Ba Đồng Lộc, Hà Tĩnh (Bất tử Đồng Lộc)... Thơ anh nhờ thế nhận được đồng điệu tri âm từ các nhạc sĩ, để cùng tấu thành tác phẩm âm nhạc: “Bảo Lộc thân thương (nhạc Trần Hữu Đông); “Bên trời tơ bay” (nhạc Đình Nghĩ)...
***
Nguyễn Thanh Đạm mê sáng tác truyện ngắn hơn, cũng thành công nhất. Nhu cầu dấn thân mãnh liệt trở thành lợi thế trong quan sát kỹ lưỡng, khám phá chiều sâu, cảm nhận chân thành, nung nấu và trở trăn. Truyện ngắn vừa dày chất liệu cuộc sống sinh động; vừa tinh tế trong cảm nhận, hồn hậu trong ứng xử. Hiện thực ngồn ngộn, đa chiều của thế giới tự nhiên; của phận người ngụp lặn với “tiểu vũ trụ”... Nhân vật của anh không bi quan, không đầu hàng hoàn cảnh. Văn anh vừa u mua, tung tẩy, có chút bông lơn của người luôn dám và chịu đương đầu với cuộc sống. Văn càng dày vỉa khi tác giả sử dụng nhiều và đúng chỗ những thành ngữ, tục ngữ, điển cố, danh ngôn của một người đọc nhiều, nghiền ngẫm sâu và nhạy cảm. Nhưng anh không làm màu chữ nghĩa, hơn hết, sẵn mở lòng đằm thắm. Tác phẩm có những nút thắt, mở khá tinh tế, khá bất ngờ thú vị. Truyện của Thanh Đạm sinh động mà bay bổng. Truyện luôn có những san sớt yêu thương với những cảnh đời, động lòng trắc ẩn trước những thân phận và tôn thờ sự cao cả của tình yêu lứa đôi. Ở đó, nhân vật phụ nữ luôn là tâm thẩm mĩ. Dù mỗi số phận có thể thăng trầm, đường đời có thể gấp khúc, nhưng truyện của Nguyễn Thanh Đạm luôn kết có hậu. Văn là người, nhân văn, nhân ái. Anh viết: “Đời người là hành trình miệt mài vươn tới cái tốt, cái đẹp; trong tình bạn, tình yêu cũng vậy. Để đạt tình bạn, tình yêu chân chính, ta phải đến với nhau bằng sự chân thành của con tim, phải biết nâng niu thân tình ấy” (Truyện bây giờ mới viết).
Nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Thanh Đạm thường là hình mẫu ngoài đời được hình tượng và điển hình hóa. Họ trước hết là những bạn bè của tác giả: nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà khoa học, nhà giáo, anh nông dân, cô kỹ sư, nhà khoa học, chính khách... Họ ở vùng sâu, vùng xa hay nơi phố thị... “Mùa trồng rừng mới” là câu chuyện về lâm nghiệp, đồng thời phả vào những nét văn hóa của cư dân dân tộc thiểu số Nam Tây Nguyên rất thú vị. Nguyễn Thanh Đạm ngoài một ít vốn vài ngoại ngữ, anh còn từng tham gia khóa đào tạo tiếng K'Ho nhiều tháng. Yêu và trân quý văn hóa bản địa là tấm lòng Nguyễn Thanh Đạm. Tác phẩm văn học thường xuyên có bóng dáng đồng bào các dân tộc thiểu số K’Ho, Chu Ru, Mạ... Họ còn xuất hiện ở truyện ký “Chuyện Điểu K’Thiên”, truyện ngắn “Chuyến bay cuối cùng của Yersin”... Trong truyện ngắn “Truyện bây giờ mới viết”, nhân vật nhà nông bất đắc chí, bươn vượt hoàn cảnh éo le để làm giàu nơi vùng kinh tế mới. Tác giả sẻ chia khó khăn, nể trọng tấm gương lao động, ngợi ca tình yêu trong sáng. Và độc thoại: “Ở chốn đô hội, sống gấp như Sài Gòn, nếu thiếu căn cơ, bản lĩnh rất dễ sa vào lưới nhện giăng của lối sống thực dụng phi nhân tính”.
“Thời hoa đỏ” là truyện ngắn cũng xoay quanh câu chuyện tình yêu, tình bạn được lồng chuyện thời sự - công tác dân vận ở một địa phương phía Bắc. Nhưng không vì thế mà sáo hay khô khan. Có những câu văn miêu tả của tâm hồn đẹp, bởi tỉnh thức của cảnh giới. Nguyễn Thanh Đạm tả về hoa gạo: “Mùa này, hoa đang vắt kiệt mình dâng những chùm hoa lửa thao thiết cháy rực những khoảng trời cao xanh...” (Thời hoa đỏ). Truyện ngắn “Hãy nghiêng đời xuống...” viết về hội họa, một trong những lĩnh vực Thanh Đạm rất mê và hiểu biết sâu. “Không có khoảng lùi” là truyện ngắn về nhân tình thế thái trong giới trí thức. Vẫn là tình yêu, vẫn chất văn - chất Người: “Người tự trọng sẽ dấn về phía trước với những bước chân không cho phép giẫm lại vết sai lầm!”.
***
Tôi muốn nói nhiều hơn truyện ngắn “Tâm hồn nặng gấp trăm lần thể xác”, Nguyễn Thanh Đạm sáng tác hè năm 2018. Ám ảnh. Một tiên liệu hay một lời nhắn gửi từ tác giả chăng?! Truyện xoay quanh câu chuyện nhân vật nam là nhà văn, nhà thơ ở Đà Lạt không may bị bệnh ung thư. Bên anh, có cô giáo và con gái của anh. Nhưng cả ba nhân vật đều ẩn danh, trường hợp chưa xuất hiện trong những truyện ngắn của Nguyễn Thanh Đạm mà tôi được đọc! Tác giả khéo léo đưa câu chuyện về cuốn tiểu thuyết “Quy luật của muôn đời” của nhà văn nổi tiếng Nodar Đumbatze để chuyển tải tâm lý, để neo tâm trạng của nhân vật thẩm mĩ. Anh trích dẫn tiểu thuyết, đoạn nhà báo, nhà văn Batsana Ramisvili khi xuất viện, tâm sự với giáo sư bác sĩ Nodar Grigôriêvits, người đã cứu ông thoát khỏi lưỡi hái tử thần: “Tâm hồn con người nặng gấp trăm lần thể xác... Nó nặng đến nỗi một người không mang nổi... Bởi thế, người đời chúng ta, chừng nào còn sống, phải ra sức giúp đỡ nhau, cố làm cho tâm hồn trở nên bất tử: Ông giúp cho tâm hồn tôi trở nên bất tử, tôi giúp người khác, người ấy lại giúp người khác nữa, cứ như thế đến vô cùng...”. Và nữa, “Sao cho cái chết của một người không đẩy ta vào tình cảnh cô đơn trong cuộc sống” (lời tổng biên tập Batsana).
Tôi cũng muốn nêu hai bài thơ cuối của Nguyễn Thanh Đạm, sự bất ngờ chuyển hướng đề tài: thơ phảng phất thiền định của Phật giáo, bài thơ “Quay về vô lượng” và “Áo nâu sồng ấm nghĩa tình”. “Vô lượng tâm” là trạng thức của người tu theo Đức Phật, là “tứ vô lượng tâm”: từ, bi, hỷ, xả; bốn đức tính liên quan nhau và tiềm tàng trong mỗi người. “Ngàn năm vô lượng” là Bồ đề tâm (Bodhicitta) - “tâm giác ngộ”, lấy tình thương và từ bi làm căn bản. Anh viết: “Ơi à… vọng từ lũy tre…/Tới miền biên viễn biển sâu, sông dài/Lời nam mô a di đà/Quay về vô lượng tránh đời trầm luân/Cửa thiền lộc biếc vạn xuân/Tâm thành chính quả, từ bi vững bền!” (Quay về vô lượng). Và “Nhân từ như sắc phù sa/Dưỡng chăm thân lúa sây bông hạt vàng/Kiên tâm mùa nối mùa sang/Nắng - mưa, bão tố, vững bền thiện tâm” (Áo nâu sồng ấm nghĩa tình). Hai bài thơ được nhạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Đình Nghĩ sử dụng ý thơ để đồng sáng tạo tác phẩm âm nhạc “Ngàn năm vô lượng” đặc sắc. Tác phẩm công bố tháng 3/2020, là tri âm, là giao ngộ, là viên mãn duyên lành giữa nhà thơ và nhạc sĩ tài hoa. Miền an lạc cộng hưởng trong tỉnh thức buông bỏ. Công chúng đón nhận trong hoan hỉ...
Vâng, tận hiến, từ công việc đến chơi với bạn hữu, đó là Nguyễn Thanh Đạm. Những ngày cuối cùng, bỏ mặc bệnh tật, anh xăng xái tổ chức văn nghệ sĩ đi thực tế ở nhiều vùng đất phía Bắc, phía Nam hay trong tỉnh như Lâm Hà, Đạ Huoai, Bảo Lộc, Đạ Tẻh,... Dù nằm trên giường bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh, anh vẫn biên tập Tạp chí Lang Biang. Anh vắt những giọt sự sống cuối cùng của bản thân để trao đổi “bếp núc văn chương” và cùng biên tập sách “Đất tươi màu lửa mới” với đồng nghiệp...
Giờ thì khép lại tất cả, mọi công việc và dự định còn dang dở với gia đình, với cơ quan, bạn bè và với bản thân. Giờ thì Nguyễn Thanh Đạm không thể thực hiện được lời hứa với cô con gái Thanh Hằng, sẽ scan tất cả hình ảnh tư liệu mấy chục năm anh tác nghiệp. Câu trả lời của anh “ok. Để nhẩn nha scan và lưu trữ” chỉ để “nhẩn nha” nơi nao rồi! Định mệnh buộc anh “rời cõi tạm”. Nhà văn Nguyễn Thanh Đạm cũng chưa kịp xuất bản tập truyện ngắn “Đốm lửa hồng”, gồm 8 tác phẩm hoàn thiện lần cuối ở Trại sáng tác Đại Lải mà anh chia sẻ với tôi... Tiễn nhà báo, nhà văn Nguyễn Thanh Đạm về miền cực lạc vãng sanh, Đà Lạt đong đầy lòng thương niềm tiếc của rất đông người thân và bạn bè, nhiều cơ quan khắp cả nước. Anh đi, những trang Văn - Người của anh để lại: “Người tự trọng sẽ dấn về phía trước với những bước chân không cho phép giẫm lại vết sai lầm!”. “Chừng nào còn sống, phải ra sức giúp đỡ nhau, cố làm cho tâm hồn trở nên bất tử...”. Và,“Sao cho cái chết của một người không đẩy ta vào tình cảnh cô đơn trong cuộc sống”!
Đà Lạt, đầu tháng 11/2020
PHAN TĨNH XUYÊN