Đẹp hơn cổ tích

06:11, 19/11/2020

Những ngày này con gái tôi đang tham gia chương trình văn nghệ cùng các bạn trên trường chào mừng 20/11...

Những ngày này con gái tôi đang tham gia chương trình văn nghệ cùng các bạn trên trường chào mừng 20/11. Hôm nọ con về khoe, con được tham gia đội múa hát, gồm 13 bạn. Con bé nói, đó là những bạn có khả năng múa hát tốt trong lớp, được cô và các bạn cùng cử ra để đi thi với các lớp khác. “Vậy những bạn khác không tham gia, các bạn ấy hơi buồn nhỉ?” - tôi hỏi. “Không mẹ ạ, có 12 bạn tham gia thi kéo co, là những bạn thể lực tốt nhất lớp đấy mẹ. Và có 3 bạn thi vẽ vì các bạn ấy vẽ đẹp nhất lớp. 3 bạn thi viết chữ đẹp...”. Tóm lại là, dưới sự khéo léo và tâm lý của cô giáo, không có bạn nào đứng ngoài cuộc vui, không có bạn nào là không có khả năng ở một lĩnh vực nào đó. Tất cả các bạn trong lớp đều có khả năng để tham gia cuộc vui. Niềm vui của lũ trẻ quan trọng hơn thành tích của lớp. Lũ trẻ, đứa nào đứa nấy đều tự hào về mình ra trò. Và dĩ nhiên trong mắt chúng, cô giáo của chúng rất tuyệt. Tất nhiên là thế.
 
Hôm nọ, bé con của tôi tự dưng đưa ra một danh sách xếp hạng những người con yêu quý. Cô chủ nhiệm được xếp thứ ba, chỉ sau bố mẹ và... hơn cả ông bà. Có thể sẽ có những bố mẹ bực bội rằng, ơ hay, phải dạy con biết tôn ti trật tự, có ông bà mới có cha mẹ mà sinh ra con chứ. Ai lại xếp cô giáo lên trước thế kia? Nhưng với tôi, tôi thực sự mừng vì điều ấy. Công bằng mà nói, thời gian ở trường của con còn nhiều hơn ở nhà, dĩ nhiên nhiều hơn nhiều lần so với việc gặp ông bà ở quê. Trẻ con trực quan, gần gũi ai, yêu quý ai thì cứ xếp hang theo đúng suy nghĩ của mình. Thời gian còn rộng và dài đủ để sau này con hiểu biết nhiều hơn về nguồn cội.
 
Còn trong những tháng ngày ấu thơ này, khi các con gặp được cô thầy có tâm, tôi vẫn nghĩ điều ấy tuyệt hơn những trang cổ tích.
 
* * * * *
 
Một câu chuyện cổ tích có thật khác mà tôi vừa biết tối qua, khi mang theo cảm giác nhẹ nhàng khi đọc về một chặng đời của một cậu bé. Chặng đời ấy kết thúc ở tuổi 13. Cậu bé người chim nổi tiếng K’Rễ chỉ nặng hơn 4 kg khi những đứa trẻ cùng lứa đã có đứa đến tuổi dậy thì. Mẹ cậu nhận ra con mình bất thường ngay từ lúc sinh ra, đứa bé chỉ bằng gang tay, nhỏ xíu. Theo tục lệ buôn làng của cậu, những đứa trẻ sinh ra bị tật nguyền như vậy sẽ đưa lại những xúi quẩy, nên bị ruồng bỏ ra bìa rừng để tránh hiểm họa. Mẹ cậu đã khóc hết nước mắt để bảo vệ nhúm ruột của mình. Nhưng, với cậu bé ấy, tôi tin thầy Đặng Văn Cương, hiệu trưởng trường tiểu học nơi cậu bé mới là người viết nên những trang truyện cổ cuộc đời cậu. 
 
Thầy Cương vượt núi băng rừng đến tận nhà thuyết phục bố mẹ cho cậu bé người chim được đến trường học chữ, hòa nhập cùng bè bạn. Thầy lại vượt hàng chục cây số đường rừng để đặt cho cậu bé từng chiếc giày, từng bộ đồ vừa với kích cỡ tí hon để con có đồ mặc lên lớp giống các bạn. Thầy bế con trên tay khi đi chơi, ra suối. Mang theo con cả khi đi công tác ra tận Hà Nội vì muốn con được đi đây đó và không nỡ để con một mình. Dạy con đọc chữ, giao tiếp... Người thầy ấy làm tất cả mọi điều, dịu dàng như một người mẹ, vững vàng như một người cha, vĩ đại như một người thầy lớn. Trước khi gặp thầy, K’ Rễ thường hay phản ứng tiêu cực - hay la hét, khóc khi gặp người lạ. Nhờ thầy, con có thể hòa nhập với bè bạn, mọi người trong cuộc sống ngắn ngủi của mình.
 
Đã khép lại cuộc đời ngắn ngủi của K’ Rễ sau một cơn đột quỵ. Điều này không nhiều người bất ngờ vì số phận của những người mắc bệnh đầu chim thường vắn số. Nhưng, dù cuộc đời K’Rễ có ngắn, nhưng tình thầy trò mà thầy Cương đã dành cho cậu, tôi tin là nốt nhạc ngân dài để chúng ta có thể nhắc mãi mỗi khi nghĩ về một câu chuyện thật đẹp giữa đại ngàn.
 
VÕ THU HƯƠNG