''Di sản với học đường'' đến với gần 2000 học sinh

06:11, 23/11/2020

(LĐ online) - Nằm trong chương trình "Đưa di sản vào trường học", ngày 23/11 tại Trường THPT Bùi Thị Xuân - Đà Lạt, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) đã phối hợp cùng Sở GD-ĐT Lâm Đồng tổ chức sự kiện văn hóa, giáo dục "Di sản với học đường". 

(LĐ online) - Nằm trong chương trình “Đưa di sản vào trường học”, ngày 23/11 tại Trường THPT Bùi Thị Xuân - Đà Lạt, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) đã phối hợp cùng Sở GD-ĐT Lâm Đồng tổ chức sự kiện văn hóa, giáo dục “Di sản với học đường”. 
 
Hoạt cảnh trống trận oai hùng do học sinh THPT Bùi Thị Xuân trình bày mở đầu chương trình
Hoạt cảnh trống trận oai hùng do học sinh THPT Bùi Thị Xuân trình bày mở đầu chương trình
 
Tham dự có nhà sử học Dương Trung Quốc – Đại biểu Quốc hội, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, ông Đặng Thanh Tùng – Cục trưởng Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước, đại diện lãnh đạo Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, II, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, các đạo diễn, nhà làm phim lịch sử, lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Lâm Đồng, Ban giám hiệu, các thầy cô giáo và gần 2000 học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân.
 
Phát biểu khai mạc, ông Đặng Thanh Tùng bày tỏ: Tôi rất cảm động, vì công việc hàng ngày của những người làm công tác lưu trữ đến được với những công dân nhỏ tuổi – những chủ nhân tương lai của đất nước đang học tập tại ngôi trường có truyền thống lâu đời nhất Đà Lạt, vào đúng ngày Di sản Văn hóa Việt Nam. Những người chủ tương lai của đất nước rất cần và có quyền được biết những bằng chứng lịch sử, rằng dân tộc này, quốc gia này, đất nước này ra đời, xây dựng, phát triển, quá trình chống ngoại xâm, kiến thiết đất nước để có ngày hôm nay như thế nào. Cuộc triển lãm “Di sản với học đường” lần đầu tiên được tổ chức trong một môi trường sư phạm, trong không gian di sản của Ngày Di sản; đặc biệt các em học sinh rất may mắn hạnh phúc khi được đang sống trên mảnh đất mà một trong 3 di sản tư liệu thế giới đang được bảo quản. Đó là Trung tâm LTQG IV nơi đang bảo quản gần 35.000 tấm Mộc bản triều Nguyễn là Di sản tư liệu thế giới được UNESCO công nhận từ hơn 10 năm nay, như là những bằng chứng lịch sử về những giai đoạn phát triển hào hùng của cha ông, của đất nước mà mỗi người con đất Việt đều có quyền tự hào. Đó sẽ là khởi nguồn của lòng yêu nước và quyết tâm xây dựng đất nước ngày càng tươi đẹp hơn. 
 
Ông Đặng Thanh Tùng - Cục trưởng Cục VTLTNN phát biểu khai mạc chương trình
Ông Đặng Thanh Tùng - Cục trưởng Cục VTLTNN phát biểu khai mạc chương trình
 
Triển lãm “Di sản với học đường” là hoạt động đầu tiên trong chuỗi sự kiện giáo dục, văn hóa mà Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước sẽ phối hợp với các địa phương, với các bộ, ngành, các cơ sở giáo dục, đào tạo trên cả nước để các em học sinh, các thầy cô giáo được dạy môn lịch sử một cách khác, được học môn lịch sử một cách khác từ chính những bằng chứng thuyết phục về lịch sử từ kho tàng di sản của người đi trước để lại, đặc biệt là từ Di sản thế giới công nhận. 
 
Nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định: Lưu trữ người ta thường hình dung đó là nơi kín cổng cao tường, chắc chắn, là cái kho được gìn giữ rất nghiêm mật, nhưng nó sẽ trở thành vô dụng nếu như tất cả những giá trị của nó không được đến với công dân, với các thể hệ. Tất cả những gì được giới thiệu trong triển lãm này là những tri thức được trao truyền dựa trên nền tảng “nói có sách, mách có chứng”. Các em học sinh sẽ hiểu rằng, những tri thức mà nhà trường truyền đạt cho các em đều dựa trên nền tảng khoa học, để chúng ta có niềm tin vững chắc về quá khứ, về lịch sử dân tộc mà thế hệ chúng ta được trao truyền và có trách nhiệm gánh vác trên bước đường tuổi trẻ. Tôi mong muốn cách làm này sẽ được nhân lên với vai trò của các cơ quan lưu trữ, không chỉ ở Đà Lạt mà còn được phổ biến trên cả nước để làm cho những giá trị lịch sử ấy lắng đọng trong tâm hồn của từng người trẻ. Các bạn không chỉ tiếp nhận một chiều những gì mà lưu trữ mang lại cho các bạn, mà qua rất nhiều kênh, nhiều hình thức chuyển tải sinh động, các bạn sẽ lưu trữ cho chính bản thân mình, lưu trữ ký ức, lưu trữ kỷ vật của chính mình và gia đình mình. Điều đó sẽ làm cho các bạn có trách nhiệm hơn với cuộc sống của chính mình. Đó là giá trị của lưu trữ mang lại. Sự tham gia tích cực của các em học sinh vào những hoạt động của sự kiện sẽ làm cho di sản lan tỏa, đi vào đời sống; chắc chắn những giá trị ấy sẽ tiếp tục được bồi đắp ngày càng giàu có hơn, phong phú hơn.
 
Nhà sử học Dương Trung Quốc phát biểu tại sự kiện
Nhà sử học Dương Trung Quốc phát biểu tại sự kiện
 
Chương trình diễn ra nhiều hoạt động như: trao đổi kinh nghiệm để học tốt môn lịch sử, tìm hiểu Mộc bản, giao lưu với các nhà sử học, đạo diễn phim lịch sử… Trong đó, website //mocban.vn/ như một địa chỉ tin cậy để bạn đọc truy cập và tìm hiểu về các nguồn sử liệu giá trị, phản ánh lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam với phương châm “Giữ gìn ký ức, đánh thức tương lai”. Triển lãm “Lịch sử Việt Nam và những dấu ấn Đà Lạt – Lâm Đồng qua Mộc bản Triều Nguyễn và Tài liệu lưu trữ” đã giới thiệu đến công chúng gần 50 hình ảnh, tài liệu, hiện vật trong Di sản Mộc bản triều Nguyễn ghi chép về nguồn gốc, ý nghĩa của các quốc hiệu chính thức và kinh đô của nước ta trải qua các thời kỳ lịch sử, từ buổi đầu dựng nước đến thế kỷ XIX; quá trình hình thành và phát triển Đà Lạt. Triển lãm không chỉ tái hiện lại bức tranh sinh động về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt từ xa xưa thông qua những lần đặt, đổi quốc hiệu và dời chuyển kinh đô, mà còn thể hiện khát vọng và ý chí độc lập, tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc của các bậc tiền nhân. Đây là cơ hội để các em học sinh, thầy cô giáo nhân lên tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc. 
 
Cuộc giao lưu với ông Đặng Thanh Tùng, nhà sử học Dương Trung Quốc, anh Võ Nam Du đại diện diễn đàn Việt sử kiêu hùng, đạo diễn Đào Bá Sơn phim Long Thành cầm giả ca và một số nhà làm phim lịch sử đã diễn ra cởi mở xoay quanh những vấn đề đặt ra về dạy và học lịch sử, những khó khăn trong việc tìm kiếm dữ liệu chính sử khi làm phim về lịch sử so với những bộ phim mang các đề tài đương đại. Qua đó, Trung tâm lưu trữ quốc gia sẽ là nơi kết nối, cung cấp nguồn sử liệu chính thống để  các nhà làm phim thổi hồn lịch sử vào nghệ thuật, đưa nghệ thuật vào lịch sử.
 
Nhân dịp này Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV đã trao 100 đĩa DVD với 30 bộ phim tài liệu về lịch sử/đĩa cho Sở GD- ĐT Lâm Đồng để đưa đến trường học để những bài học lịch sử của các em thêm sống động. Sự kiện “Di sản với học đường” đã góp phần làm thay đổi nhận thức về việc dạy và học môn lịch sử, tình yêu sử học, tình yêu di sản sẽ được nâng lên thành tình yêu quê hương đất nước, ý thức trách nhiệm bảo vệ, dựng xây quê hương đất nước trong mỗi học sinh.
 
Gần 2000 học sinh dõi theo và tham gia các hoạt động chương trình
Gần 2000 học sinh dõi theo và tham gia các hoạt động chương trình

 

Tọa đàm trao đổi về vấn đề dạy và hoc lich sử, những khó khăn khi làm phim lich sử
Tọa đàm trao đổi về vấn đề dạy và học lịch sử, những khó khăn khi làm phim lich sử

 

Tiết mục Còn gì để mất - Ca khúc trong phim Trưng Vương, một dự án phim lịch sử được giới trẻ quan tâm
Tiết mục Còn gì để mất - Ca khúc trong phim Trưng Vương, một dự án phim lịch sử được giới trẻ quan tâm

 

Thầy Nguyễn Hữu Hóa - Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân nói về việc học sử và dạy sử trong nhà trường
Thầy Nguyễn Hữu Hóa - Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân nói về việc học sử và dạy sử trong nhà trường

 

Nữ sinh Bùi Thị Xuân bày tỏ tình yêu với môn lịch sử và trao đổi phương pháp để học tốt môn lịch sử
Nữ sinh Bùi Thị Xuân bày tỏ tình yêu với môn lịch sử và trao đổi phương pháp để học tốt môn lịch sử

 

Trung tâm LTQG IV trao 30 phim tài liệu lịch sử cho Sở GD-ĐT Lâm Đồng
Trung tâm LTQG IV trao 30 phim tài liệu lịch sử cho Sở GD-ĐT Lâm Đồng
QUỲNH UYỂN