(LĐ online) - Trong 2 ngày 12 - 13/11, tại Nhà văn hóa Lao động tỉnh đã diễn ra Liên hoan Dân ca và nhạc cổ truyền tỉnh Lâm Đồng lần thứ III - 2020 với sự tham dự của 24 đoàn nghệ nhân đến từ các CLB dân ca trong toàn tỉnh.
(LĐ online) - Trong 2 ngày 12 - 13/11, tại Nhà văn hóa Lao động tỉnh đã diễn ra Liên hoan Dân ca và nhạc cổ truyền tỉnh Lâm Đồng lần thứ III - 2020 với sự tham dự của 24 đoàn nghệ nhân đến từ các CLB dân ca trong toàn tỉnh.
Tặng cờ lưu niệm cho các đơn vị tham dự liên hoan |
Hơn 400 nghệ nhân đã mang đến liên hoan 82 tiết mục ca, múa, độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc của các dân tộc anh em trên mọi miền đất nước. Các làn điệu dân ca ba miền, quan họ, hò, lý, chèo, tuồng, cải lương, hát chầu văn, hát ru, hát xẩm, hát then hòa điệu cùng các nhạc cụ dân tộc: đàn bầu, nhị, nguyệt, mõ, khèn, sáo, tiêu, trống, đàn t’rưng... Cùng vẻ đẹp đa sắc của trang phục truyền thống đã làm nên không khí dìu dặt tiếng nhạc, tha thiết lời ca ngợi ca Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương đất nước, tình người, nhân nghĩa, thủy chung, đạo lý tốt đẹp.
Màu sắc vùng cao phía Bắc qua làn điệu then đàn tính của đồng bào Tày, Nùng |
Ông Phạm Thành Đạt - Phó Ban Tổ chức liên hoan nhấn mạnh: Dân ca và nhạc cổ truyền đang bị quên lãng dần trong thế giới hiện đại, thế giới âm nhạc đa sắc màu trong thời kỳ hội nhập đã làm cho dân ca và nhạc cổ truyền mai một đi nhiều. Liên hoan tạo nên một sân chơi dân ca nhằm khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc tạo điều kiện cho người lao động ở mọi lứa tuổi giao lưu và tìm hiểu những giá trị độc đáo trong văn hóa cổ truyền dân tộc. Dư âm những giai điệu quê hương, những câu ca dao, lời ru của mẹ chính là mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người Việt. Hãy tìm về để lắng nghe, cảm nhận, để có trách nhiệm giữ gìn và phát huy di sản văn hóa dân tộc quý báu mà cha ông đã truyền lại qua bao thế hệ.
Trao giải A cho các tiết mục xuất sắc |
Liên hoan là dịp để các CLB dân ca trong tỉnh gặp gỡ, giao lưu, học hỏi sẻ chia kinh nghiệm hoạt động và kỹ năng diễn xướng; đồng thời ghi nhận và tôn vinh những người có công gìn giữ, bảo tồn, trao truyền vốn di sản quý báu. Từ đó nhằm đẩy mạnh phong trào hát dân ca trong mọi tầng lớp, mọi thế hệ, làm lan toả tình yêu và trách nhiệm với các làn điệu dân ca, góp phần bảo tồn và phát huy các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc cổ truyền và nhạc cụ dân tộc.
Trao giải tập thể cho 6 CLB |
Kết thúc liên hoan, BTC đã trao 48 giải thưởng cho các tiết mục xuất sắc và các CLB có nhiều tiết mục hay. Cụ thể, 11 tiết mục giải A: Bảo Lộc quê tôi (hát chèo - CLB Hương trà Bảo Lộc), Hát chầu văn Huế (CLB Nhà văn hóa Lao động), Con ơi mẹ chẳng cần chi (Hát xẩm - CLB Dân ca xã Hòa Ninh, Di Linh), Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa (hát văn, CLB Dân ca xã Tu Tra - Đơn Dương), Làn điệu chèo Đường trường bán thuốc (CLB Dân ca xã Hòa Ninh, Di Linh), Phiên chợ ngày xuân (CLB Nhà văn hóa Lao động), Trích đoạn Phạm Công - Cúc Hoa (chèo, CLB Dân ca Ninh Loan - Đức Trọng), Hòa tấu nhạc cụ dân tộc (CLB Dân ca xã Hòa Ninh, Di Linh), Độc tấu kèn sacxophon (CLB thơ nhạc xã Nam Hà - Lâm Hà), Mời trầu (dân ca Nghệ Tĩnh, CLB Hương trà Bảo Lộc), Giữ gìn khúc hát dân ca (chèo tự biên, CLB dân ca xã Mỹ Đức - Đạ Tẻh); 10 tiết mục giải B; 10 tiết mục giải C và 10 tiết mục giải khuyến khích.
Giải nhất toàn đoàn: CLB dân ca xã Hòa Ninh (Di Linh), giải nhì: CLB dân ca Nhà văn hóa Lao động, 2 giải ba: CLB Văn nghệ Hội Người khuyết tật Tp.Đà Lạt, CLB Hương trà Bảo Lộc; 3 giải khuyến khích: CLB dân ca xã Mỹ Đức (Đạ Tẻh), CLB Duyên quê (Tân Hà - Lâm Hà), CLB Dân ca xã Ninh Loan (Đức Trọng).
Ngoài ra, BTC trao 3 giải cá nhân cho nghệ nhân cao tuổi nhất là cụ Nguyễn Thị Dung (89 tuổi), nghệ nhân nhỏ tuổi nhất cho em Hoàng Việt Tiến (11 tuổi), tiết mục tự biên hay nhất “Bảo Lộc quê tôi” (hát chèo) cho nghệ nhân Sỹ Nam.
QUỲNH UYỂN