Ngọn lửa ấm Nguyễn Thanh Đạm

06:11, 12/11/2020

Đối với nhà báo Nguyễn Thanh Đạm, ngọn lửa không chỉ là một hình tượng nghệ thuật, nó chính là ám tượng của một đời người.

Đối với nhà báo Nguyễn Thanh Đạm, ngọn lửa không chỉ là một hình tượng nghệ thuật, nó chính là ám tượng của một đời người.
 
Nhà báo Nguyễn Thanh Đạm (lúc sinh thời, bên phải) và nhà văn Đỗ Chu
Nhà báo Nguyễn Thanh Đạm (lúc sinh thời, bên phải) và nhà văn Đỗ Chu
 
Thiên tính của lửa, ấy là ấm và sáng. Ấm nên truyền tỏa. Sáng nên rọi soi. Đọc lại những bài thơ trong tập thơ Ngọn lửa của nhà báo Nguyễn Thanh Đạm, nguyên Tổng Biên tập Báo Lâm Đồng, tôi nhận ra phẩm tính ấm và sáng có mặt ở hầu hết những bài thơ của ông, ươm nở nên một ngọn lửa thơ Nguyễn Thanh Đạm: “Dịu dàng và khát khao/ Người đàn bà nồng nàn ngọn lửa/ Ấp ủ yêu thương hóa thành ánh sáng”.
 
Có người đã ví von rằng, sống ở miền đất lạnh Đà Lạt, nơi được vây phủ bởi khí hậu rét ngọt quanh năm, ông tự ý thức thắp dậy trong mình ngọn lửa ấm để phần nào xua đi cái ẩm lạnh của nhiệt độ miền cao! Tôi nghĩ nhận xét đó, không phải không có cơ sở. Tuy nhiên, ai quen thân nhà báo Nguyễn Thanh Đạm, đặc biệt đã đọc những bài thơ của ông, đều biết ngọn lửa ấm ấy, là một lựa chọn sống của Nguyễn Thanh Đạm, cả trong thơ lẫn trong những bài báo giàu sức nóng, cả trong giao đãi với con người và trong giao cảm với đời sống. Ngọn lửa ấy, có khi cháy rực nồng, có lúc cháy âm ỉ, cũng có khi cháy chợt lóe nhưng chưa bao giờ thôi dịu đằm, luôn mang lại sự cả ấm, yêu tin. Cũng ngọn lửa ấy, thắp lên những mạch nguồn yêu thương trong ông, xua tan mọi vênh lệch yêu ghét, cùng những vơi khuyết tình người, những thăng trầm thế sự. Cũng ngọn lửa của tình yêu thương âm thầm cháy và âm thầm tỏa rạng ấy, đỡ nâng con người Nguyễn Thanh Đạm trong những lúc chênh chao cảm xúc, khi mà những yêu thương rất con người không thể chạm tới, qua đó làm hiện hình vỉa mạch thơ, giúp thơ thoát thai, nên hình nên dạng: “Áo quần lụa lĩnh người ơi/ Có che đậy kín phần đời gió sương/ Câu thơ cúi hái bên đường/ Nổi chìm ngọn gió mấy phương bạt về”.
 
Thơ của ông bao giờ cũng ấp iu một ngọn lửa ấm. Đó là ngọn lửa của tình người ắp đầy, là hơi ấm của ký ức mong nhớ, niềm hi vọng của người đã đi qua nhiều buồn vui, chiêm nghiệm kỹ về lẽ được mất trong cuộc sống, tự lọc lắng lấy mình, làm nên một thứ năng lượng: “Có tứ thơ mang hình mảnh vụn thiên thạch/ Rơi xuống hồn thi nhân/ Từng cạnh sắc cứa chà cảm xúc/ Thơ ùa về có lành những nỗi đau”. Tác giả dẫu biết thơ chưa hẳn đã chữa lành những nỗi đau nhưng vẫn cả quyết với lựa chọn sẵn: “Xin nguyện chín đến tận cùng hương sắc/ Từ những gian lao những khoảnh khắc ngọt ngào/ Của nghiệt ngã gió sương và nắng táp”. Một sự dấn thân chân thành nhưng da diết, một thổn thức ân tình có phần lặng lẽ nhưng chí tình. Nó đúng như con người nhà báo Nguyễn Thanh Đạm luôn chu đáo, ân tình trong ứng xử và nhân hậu, bao dung trong xử thế. Ông đã rất tinh tế và sâu sắc, nghĩ ngợi: “Nâng chén rượu biết ngày trong hay đục/ Trước sắc hoa cảm nhận nỗi vui buồn/ Ngâm ngợi câu thơ hiểu lòng thi sĩ/ Sao với nhân tình khó thấy nông sâu”.
 
Quá mẫn cảm với thế thái nhân tình, nên xung đột vì bị tổn thương là điều khó tránh. Nhà báo Nguyễn Thanh Đạm đau đớn viết: “Như con thú bị thương tôi lao về nhà/ Giấu trong lòng những mũi tên sắc nhọn”. Nhưng rốt cuộc, “con thú” đó cũng kịp nhận ra: “Tôi rên rỉ thốt ánh nhìn ân hận/ Giữa hang nhà con thú hoang bình tâm”. Những phẩm tính đó làm nên ngọn lửa trong thơ Nguyễn Thanh Đạm. Trong mỗi bài thơ, ông đã nhóm lên một ngọn lửa, bồi đắp cho ngọn lửa ấy, tỏa dậy trong lòng những người nhà báo Nguyễn Thanh Đạm từng gặp sự nồng ấm, trân quý. Ngay cả trong câu thơ không có mặt của lửa: “Thôi xin đừng nhìn lại/ Gắng về phía không nhau”, ông vẫn cho người đọc thấy ánh lên ngọn lửa của hi vọng.
 
Bây giờ, nhà báo Nguyễn Thanh Đạm đã ra đi, ngọn lửa ấm từ con người ông đã tắt, nhưng những ngọn lửa thơ Nguyễn Thanh Đạm vẫn bập bùng cháy trong lòng người quen thân những ấm áp, sự yêu tin xen lẫn tự hào.
 
TRỊNH CHU