Năm 2008, để tưởng nhớ và tri ân bác sĩ Yersin, người đặt nền nóng cho sự ra đời đô thị nghỉ dưỡng Đà Lạt, chính quyền TP Đà Lạt, Lâm Đồng đã cho tạc bức tượng bán thân vị danh nhân người Pháp...
Năm 2008, để tưởng nhớ và tri ân bác sĩ Yersin, người đặt nền nóng cho sự ra đời đô thị nghỉ dưỡng Đà Lạt, chính quyền TP Đà Lạt, Lâm Đồng đã cho tạc bức tượng bán thân vị danh nhân người Pháp. Tượng ông Năm Yersin có chiều dài 3,3 m, chiều rộng 2,1 m, nặng 25 tấn. Điêu khắc gia Phạm Văn Hạng là người đứng ra tạc bức tượng này, từ một tảng đá hoa cương có trọng lượng 36 tấn, quà của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tặng chính quyền TP Đà Lạt, nhân kỷ niệm 115 năm Đà Lạt hình thành và phát triển. Tượng ông Năm Yersin đặt trong khuôn viên công viên Yersin, nằm cạnh hồ Xuân Hương thơ mộng.
|
Tượng Yersin được đặt tại công viên mang tên ông ở TP Đà Lạt |
Họa sĩ Phạm Mùi, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, chia sẻ rằng, một bức tượng được coi là đẹp phải thỏa mãn rất nhiều yếu tố, đầu tiên phải kể đến là ngôn ngữ tạo hình, tiếp theo là không gian đặt tượng, sau đó là chất liệu làm nên bức tượng... Ngoài ra, cảnh quan xung quanh phù hợp cũng là yếu tố rất quan trọng, vì nó có thể tôn bức tượng lên, làm cho bức tượng trở thành điểm nhấn về kiến trúc không gian đô thị. “Cứ chiếu theo những yếu tố như vừa nêu ở trên, tượng ông Năm Yersin hội đủ điều kiện của một bức tượng đẹp”, họa sĩ Phạm Mùi tâm sự.
Theo họa sĩ Phạm Mùi, trước kia, những bức tượng được tạc theo phong cách cổ điển thường nhiều đường cong, rất ít các đường thẳng cách điệu. Điêu khắc gia vì quá chú trọng đi sâu đặc tả từng chi tiết một làm cho bức tượng có gì đó hơi bị gò ép. Trong quá trình tạc tượng, điêu khắc gia cũng tạc rất kỹ lưỡng, rất nắn nót, kết quả là bức tượng giống y như thật. Cái hay của những bức tượng tạc theo phong cách cổ điển là rất chỉnh chu, nhưng chúng lại có nhược điểm là thiếu sức sống, ít sáng tạo. “Vì vậy, điêu khắc gia Phạm Văn Hạng không sử dụng bút pháp cổ điển khi tạc tượng ông Năm Yersin mà tạc theo phong cách cận hiện đại châu Âu: tạo từng mảng khối lớn, giản lược những chi tiết không cần thiết. Thế nên, xét về ngôn ngữ tạo hình, tượng ông Năm Yersin hiện đại hơn những bức tượng tạc theo bút pháp cổ điển”, họa sĩ Phạm Mùi nói rõ.
Họa sĩ Phạm Mùi còn chia sẻ, chất liệu đá cũng là một thành công khác của tượng ông Năm Yersin. Bởi đá có tính dân dã, gần gũi với đời sống, không hàn lâm như chất liệu đồng và một số chất liệu khác, nên rất phù hợp với tính cách con người nhân đạo Yersin, một người có lối sống hết sức giản dị và đôn hậu, thường hay giúp đỡ người nghèo. Bên cạnh đó, tượng ông Năm Yersin còn có lợi thế khi được đặt trong một không gian thoáng đãng là công viên Yersin, nằm cạnh hồ Xuân Hương. Vị trí đó góp phần tạo cho tượng có một dấu ấn tốt trong lòng người dân và du khách. “Tài năng của Phạm Văn Hạng, ngoài việc làm toát lên cái thần thái của bác sĩ Yersin, một con người tận hiến vì cộng đồng, còn gây ấn tượng mạnh cho người xem về phong cách của chính tác giả bức tượng. Ở bức tượng này, cá tính sáng tạo của Phạm Văn Hạng toát lên cùng thần thái của Yersin. Chưa kể, Phạm Văn Hạng còn tạo được cho tượng bác sĩ Yersin một yếu tố hoành tráng. Tất nhiên, tính hoành tráng là hiệu quả đến từ những thủ pháp nghệ thuật toàn diện chứ không phải thuần túy là vấn đề kích cỡ”, nhà văn Chu Bá Nam, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng, nói về tượng ông Năm Yersin của điêu khắc gia Phạm Văn Hạng.
Nhà văn Chu Bá Nam chia sẻ thêm: “Bút tích chữ ký của Yersin mà Phạm Văn Hạng khắc phía trước bức tượng ông Năm Yersin cũng là một điểm nhấn ấn tượng. Qua nét chữ của Yersin có thể thấy rõ tầm vóc và trí tuệ của ông. Phạm Văn Hạng đã tìm đúng ngôn ngữ tạo hình: phóng khoáng, mạnh mẽ, dứt khoát khi tạc của tượng Yersin”. “Mặc dù bác sĩ Yersin là người ngoại quốc, nhưng người dân Đà Lạt luôn cảm thấy ở ông sự gần gũi, chan hòa”, họa sĩ Phạm Mùi tiếp lời nhà văn Chu Bá Nam.
Một con người hết lòng vì mảnh đất và con người Đà Lạt như bác sĩ Yersin chắc chắn sẽ được mảnh đất và con người nơi ấy chấp nhận. Mà không riêng gì Đà Lạt, dấu ấn cống hiến cho cộng đồng của ông Năm Yersin còn rất đậm nét trên khắp lãnh thổ Việt Nam: Hà Nội, Đà Nẵng, Buôn Mê Thuột, Phan Rang... Người dân Việt Nam luôn tôn kính bác sĩ Yersin, coi ông là nhà khoa học, nhà nhân đạo lớn. Năm 2013, Chính phủ Việt Nam đã ra quyết định công nhận bác sĩ Yersin là người công dân danh dự của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Trên mộ chí của bác sĩ Yersin ở Suối Dầu, Nha Trang cũng viết rất rõ: “Ân nhân và nhà nhân đạo được Nhân dân Việt Nam tôn kính - Bienfaiteur et humaniste vénéré du peuple vietnamien”. Thế nên, tạc và dựng tượng ông Năm Yersin tại công viên Yersin, không chỉ là một giải pháp của không gian đô thị, một điểm nhấn về không gian kiến trúc, còn là cách thức để người dân Đà Lạt tri ân những cống hiến to lớn của bác sĩ Yersin đối với Đà Lạt.
TRỊNH CHU