Nếu thơ là nơi Trần Ngọc Trác vượt qua giới hạn bản thể để gợi mở những chân trời yêu thương, thì ở thể ký và sưu khảo lại hé lộ cái nhìn nhiều tìm kiếm trong khắc họa chân dung nhân vật, trong sâu sắc kiến giải những miền đất mà ông đóng vai người quan sát.
Nếu thơ là nơi Trần Ngọc Trác vượt qua giới hạn bản thể để gợi mở những chân trời yêu thương, thì ở thể ký và sưu khảo lại hé lộ cái nhìn nhiều tìm kiếm trong khắc họa chân dung nhân vật, trong sâu sắc kiến giải những miền đất mà ông đóng vai người quan sát.
|
Nhà thơ Trần Ngọc Trác trong buổi giới thiệu sách mới Duyên nợ Đà Lạt. |
Thì đây, cách Trần Ngọc Trác thoát khỏi bản thể ràng buộc, khi nhói hiện một xao xác đầy day dứt nhưng không phải cầu cạnh quá nhiều vào ngôn ngữ nghệ thuật:
“Viết một câu thơ/ Nhọc nhằn/ Như tằm nhả tơ/ Như người đàn bà vượt cạn”. Sự bí bức có phần ngả sang chiều quặn thắt này, chính là sự tự ý thức về trách nhiệm, cũng là trăn trở rất thật về nghề, với một thái độ hết sức nghiêm cẩn. Bởi ông tin chắc một điều rằng: “Thơ/ Cũng vì trái tim/ Mà hiển lộ/ Thơ/ Thắp sáng niềm tin/ Hướng mở cuộc đời”.
Từ sự cả tin ấy, Trần Ngọc Trác khổ công tìm cách biểu hiện khác để thơ bứt ra khỏi phương thức biểu đạt thông thường, cả ngôn ngữ cũng vượt qua trạng thái bình thường. Ông đã rất ý thức làm mới thể thơ lục bát truyền thống bằng cách ngắt nhịp, kết hợp với thủ pháp vắt dòng trong cùng một câu thơ:
“Em chang chói. Em mộng mơ/ Để cho bao gã làm thơ giật mình/ Em như trúc biếc bên đình/ Anh như tiểu hỏng lén rình qua phên”. Nó là cách đẩy đưa tình tứ nhuộm một ít cợt ghẹo bông phèng theo thể thức ca dao mà Trần Ngọc Trác tạo ra cho câu thơ thật nhiều mời gọi bất chợt, chỉ thoảng qua nhưng sâu sắc, đầy sự gợi mở và ấn tượng. Thơ ông còn đưa đến niềm tin chuyển mở cuộc đời những bịn rịn xa vắng, dẫn dắt người đọc đi vào những miền trầm lắng xa xôi:
“Chốn xưa người cũ đâu rồi/ Chỉ còn sóng vỗ bời bời bờ kênh/ Rong chơi cho đã kiếp người/ Mai về với đất tỏ lời ai hay”.
Trần Ngọc Trác tự nhận mình là kẻ rong chơi, rong chơi cho đã kiếp người, nhưng trước quê mẹ, kẻ rong chơi đó chợt nhiên hốt ngộ quê mẹ chính là nơi bình yên nhất: “Dẫu có dọc ngang khắp bốn phương trời/ Cũng nhỏ bé trước bình yên quê mẹ”. Một người biết run rẩy trước bình yên quê mẹ, nhưng phải sắm vai kẻ rong chơi, đã thế trong đời thực lại gánh chịu nhiều va vỡ, nên sự nhận chân giá trị mang ý nghĩa sống còn. Ông đã dành cho con những lời căn dặn, từ những trải nghiệm của mình, cũng là để tự dặn chính mình, tự đối thoại với chính mình:
“Lối rẽ này/ Đã có người đi/ Con hãy chọn cho mình lối khác/ Đừng sợ tổn thương/ Vì chuyện nhỏ/ Mà quên việc lớn/ Đừng ham lợi lộc nhiều/ Bỏ nghĩa làm ngơ”. Nhưng vượt lên tất cả những ưu phiền thế sự, Trần Ngọc Trác trải rộng tấm lòng mình trước cuộc đời, với con người, làm dậy lên những ân nghĩa và tình yêu có thật trên đời, để thơ len vào hồn người đọc những thổn thức:
“Cánh cửa khép/ Tưởng cuộc đời chấm hết/ Có ngờ đâu sợi nắng cứ vương tơ”.
Niềm tin thơ giúp cho con người bớt chênh chao, ông đã có những trắc ẩn đẫm thi cảm, mới lạ trong khả năng lắng nghe, cũng như khả năng cảm nhận:
“Gió góa bụa/ Trên những mái ngói ủ ê/ Của ngày chợt thức/ Hà Nội/ Mưa ào trổ xuống/ Những con đường lá xanh/ Tiếng cầu kinh/ Từ trái tim người đàn bà đẫm mưa”.
Bên cạnh những câu thơ mang nhiều nghĩ ngợi và có cả nỗi niềm đắng đót, Trần Ngọc Trác còn dành nhiều thời gian cho việc sưu tầm, khảo cứu, ghi chép, ký chân dung... Qua tổng hợp và chắt lọc tư liệu của ông, người đọc nhận thấy tác giả rất kỳ công sưu tầm, cẩn trọng đối chiếu nhiều cứ liệu, mổ xẻ nhân vật hay vấn đề dưới nhiều góc độ, cốt để nhân vật hay vấn đề tự hiện lên một cách đa chiều. Từ đó, Trần Ngọc Trác đã làm sống lại một thời quá vãng của các văn sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, ca sĩ và cả những chính khách từng gắn bó với Đà Lạt. Đà Lạt, qua các bài viết của ông, là một Đà Lạt sang trọng, đậm chất thi ca, một Đà Lạt vừa hiện thực vừa lãng mạn, làm say đắm hồn người. Trần Ngọc Trác cũng ghi dấu ấn cá nhân trên rất nhiều tác phẩm truyền hình. Năm 2005, ông phối hợp với Ban Văn nghệ Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện bộ phim tài liệu Lang Biang xứ sở ngàn hoa. Năm 2008, Trần Ngọc Trác tiếp tục phối hợp với đài này thực hiện series phim tài liệu truyền hình Đà Lạt ký 12 tập. Trong năm 2018, ông lại tham gia viết kịch bản và làm cố vấn chương trình series phim ký sự Chuyện cũ Đà Lạt 7 tập do Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Nha Trang sản xuất. Năm 2019, Trần Ngọc Trác tiếp tục phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện series phim ký sự Trịnh Công Sơn nhẹ gót lãng du 5 tập. Mới đây nhất, tháng 11 năm 2020, ông lại được Đài Truyền hình Việt Nam mời tham gia viết kịch bản và cố vấn chương trình ký sự truyền hình Những kỳ nhân xứ sở sương mù 9 tập.
TRỊNH CHU