(LĐ online) - Có dịp được nghe ca khúc "Hạt nắng mùa đông" - một chút bâng khuâng, một chút niềm riêng khó tả; cái se lạnh của không gian Đà Lạt những ngày cuối năm cùng với giai điệu, ca từ như quyện vào nhau, níu đọng mãi trong tôi với câu hát "Em xa rồi hỡi hạt nắng mùa đông, anh ở lại hóa sương trong vườn mộng".
(LĐ online) - Có dịp được nghe ca khúc “Hạt nắng mùa đông” - một chút bâng khuâng, một chút niềm riêng khó tả; cái se lạnh của không gian Đà Lạt những ngày cuối năm cùng với giai điệu, ca từ như quyện vào nhau, níu đọng mãi trong tôi với câu hát “Em xa rồi hỡi hạt nắng mùa đông, anh ở lại hóa sương trong vườn mộng”.
|
Trần Anh Thư với ca khúc “Hạt nắng mùa đông” – Sơn Dũng |
Tình yêu đôi lứa là nguồn cảm hứng vô tận đối với các văn nghệ sĩ, và trong bài thơ của Trịnh Bửu Hoài, ta tìm thấy hình ảnh hạt nắng mùa đông lung linh, kiêu sa; vừa duyên dáng, vừa gần gũi nhưng lại đỏng đảnh, xa lạ; như một thiếu nữ đang độ xuân thì, để bao chàng trai phải mơ tưởng, ước ao; tưởng “có” nhưng rồi “không”, tưởng “được” nhưng lại “mất” để mãi là: “em xa rồi hỡi hạt nắng mùa đông, anh ở lại hóa sương trong vườn mộng”.
Khoảnh khắc đẹp của mùa đông làm đắm say lòng người nhưng chợt đến chợt đi ấy đã để lại trong lòng ai đó một niềm tiếc nuối, dù muốn níu giữ, muốn ôm chặt nhưng đó chỉ là ảo vọng, thời gian cứ trôi, bốn mùa cứ mãi xoay vần, “lá vàng bay bâng khuâng chiều ảo vọng, nhánh mai vàng chợt nở ở bên sông”.
Chàng trai si tình, mơ mộng; bị “hạt nắng mùa đông” chiếm hữu trái tim và tâm hồn, để rồi khi hạt nắng không còn thì quá đỗi trống vắng, mất mát: “anh bây giờ gửi hồn qua sông rộng” và chỉ dám “mơ cùng ai vui vũ khúc giao mùa”. Chỉ một chút dư hương đọng lại, nhưng với chừng ấy cũng đã đủ khỏa lấp tâm hồn người tình si “Em ở lại chỉ một làn hương mỏng, mà lòng ai ngan ngát những mùa xưa”.
Có thể nói, nhạc sĩ Nguyễn Tấn Hùng đã chắp cánh cho thơ bay vào không gian mùa đông với những giai điệu vừa gần gũi nhưng lại vừa mới, cũng một chút kiêu sa, đỏng đảnh nhưng lại không quá xa lạ đã tạo nên sự hòa quyện một cách tinh tế giữa thơ và nhạc; để từ đó, từng nốt nhạc, lời thơ như dễ dàng chạm vào người nghe.
https://youtu.be/YcYwWlE07lA
Bài hát được viết ở cung son thứ (Gm), mô típ chủ đạo với 3 nốt đi xuống cùng với tiết tấu chậm đã tạo nên một âm hưởng êm ái, man mác buồn và một chút xao xuyến. Với hình thức âm nhạc một đoạn phức (gồm A – A’), toàn bộ ca khúc được phát triển dựa trên âm hình tiết tấu của câu nhạc mở đầu; tuy chỉ có một âm hình tiết tấu lặp đi, lặp lại trong toàn bộ ca khúc, nhưng với sự khéo léo trong việc mở rộng âm vực, sử dụng cao độ, cùng với đó là các nốt hoa mỹ như luyến, láy; nhạc sĩ Nguyễn Tấn Hùng đã làm cho người nghe cảm nhận được sự hấp dẫn trong từng câu hát, sự hài hòa trong tổng thể và sự tương phản rõ nét giữa phiên khúc (đoạn A) và điệp khúc (đoạn A’); từ đó đã tạo nên điểm nhấn một cách duyên dáng cho ca khúc, khiến người nghe dễ nhớ, dễ đồng cảm khi nghe ca khúc này.
Sự lặp lại ba lần câu hát “hỡi hạt nắng mùa đông” trong một ca khúc ngắn, nhưng mỗi lần ở một cung quãng khác nhau; vừa để mở đầu, để nhấn mạnh và để kết thúc; chính điều này đã trở thành điểm sáng trong ca khúc mà khi nghe dù chỉ một lần ca khúc, ta cũng có thể ghi nhận một cách dễ dàng câu hát “hỡi hạt nắng mùa đông”.
Sự hòa quyện giữa nhạc và lời thơ, cảm xúc của nhạc sĩ hòa vào cảm xúc của nhà thơ chính là yếu tố gắn kết, tạo sự ăn ý trong toàn bộ ca khúc. Hình ảnh hạt nắng, mùa đông và những giai điệu của tác phẩm như nói thay cảm nhận của nhiều người trong những ngày cuối năm này; để ai đó có một chút bâng khuâng, một chút nhớ, một chút mơ về khúc giao mùa khi nghe “Hạt nắng mùa đông” của nhạc sĩ Nguyễn Tấn Hùng, phổ thơ của nhà thơ Trịnh Bửu Hoài.
NS Cao Nguyên