Mầm chữ nghĩa
|
Minh họa: Phan Nhân |
Những tấm thiệp mời dự đám cưới gửi đến làm Thụy ngao ngán. Đồng lương giáo viên có hạn định mà cuộc sống thì phát sinh bao nhiêu việc phải tốn tiền.
Vậy mà chưa hết, một việc khó chịu bỗng đâu ập đến làm Thụy thêm bực bội. Anh cố nín nhịn thì như chiếc lò xo, càng nén chặt bao nhiêu càng có nguy cơ bung mạnh bấy nhiêu. Những lời nói đáng xấu hổ chỉ chực vọt ra khỏi miệng nếu như không có mẹ anh, một nhà giáo nghỉ hưu, sống chung trong gia đình nghe buồn lòng...
Giọng Thảo kết thúc câu chuyện là nguyên do dẫn đến nỗi bực bội đang dâng trào trong lòng Thụy:
- ... Như vậy đó anh. Hiền nó nhờ vợ chồng mình bao bọc cho con nó một năm. Thương em chắc anh không nỡ để em đêm ngày riêng gánh nỗi lo về em, cháu mình?
Thụy còn biết nói gì hơn khi Thảo đã nói vậy. Anh không thể phản đối khi người vợ đang cần ở anh sự chia sẻ. Nhưng chấp nhận thì... Trong đầu Thụy hiện lên vài con số phải chi tiêu thêm.
Được nựng nịu con là hạnh phúc của Thụy. Con bé cũng luôn quấn quýt bên cha mỗi khi Thụy ở nhà. Vậy mà mấy hôm nay nó và bé Thục cứ xoắn lấy nhau. Thụy đi dạy về nó chỉ thơm vào má anh hai cái rồi quay sang với em nó chơi trò dạy học. Bà giáo nhìn cháu nội trìu mến, nói với con trai: “Nó sẽ nối nghiệp nhà con ạ”. Chắc Thụy sẽ vui lòng nhìn con tập làm cô giáo nếu không có sự hiện diện của bé Thục trong nhà. Anh đã quen xem trọng, đến độ cuồng nhiệt, mái ấm của mình. Bây giờ sự xuất hiện của cháu vợ như là một sự xúc phạm đến cõi riêng của anh. Nó như hạt sạn trong miếng cơm ngon lành mà anh nhai phải. Dẫu ý tứ giữ gìn, Thụy cũng không giấu nổi sự khó chịu qua thái độ và lời nói đối với bé Thục.
Hôm nay sau giờ dạy, mới nhận lương, bạn đồng nghiệp rủ nhau đi uống bia, Thụy đi cùng họ. Nhưng mới uống hết một lon bia Thụy đã kiếu từ. Anh bứt rứt nghĩ mình đã phạm lỗi lầm. “Ai không xem trọng bữa cơm gia đình thì người đó không đủ tư cách nói về tình cảm thiêng liêng của con người”. Mẹ anh đã dạy thế và mấy mươi năm qua anh đã sống đúng như lời mẹ dạy.
Về đến nhà, Thụy thấy bà giáo đang ngồi bên mâm cơm được đậy lồng bàn, nhìn anh với ánh mắt nghiêm khắc “Con đi cất cặp rồi ra ăn cơm. Hai đứa nhỏ chắc đói rã ruột rồi”. Bà giáo nói nhỏ giọng nhưng Thụy nghe giọng mẹ như chở khối đá nặng ngàn cân.
Gửi con được một tuần thì Hiền đến thăm con. Nhìn hai mẹ con ôm nhau, nước mắt ngắn dài, lòng Thảo xốn xang. Tình cảnh vợ chồng em gái thật nan giải. Chỉ vì hiểu sai lệch hai chữ bình đẳng mà sinh ra chuyện. Thảo nhớ câu mẹ chồng chị thường nói: “Đừng xem con chữ là những ký tự vô hồn, là phương tiện để sao chép tư tưởng, tình cảm của con người. Mỗi con chữ là một mầm sống, mang trong bản thân nó nghĩa sống nhất định. Con người tiếp nhận nó sẽ được khai sáng vùng tối tăm. Nhưng nó phải được nảy mầm từ trái tim con người. Có những người được gọi là thông thái, góp nhặt con chữ tạo ra những sản phẩm đồ sộ, nhưng đến một lúc nào đó sẽ không còn giá trị. Đó là những sản phẩm xu thời. Trong thời gian còn tồn tại, những sản phẩm ấy đã gây bao tác hại cho nhân sinh. Kho chữ của những kẻ ấy chỉ là kho lá rụng, mỗi con chữ là của họ là mỗi chiếc lá khô”.
Từ ngày về làm dâu bà giáo, Thảo được mẹ chồng khai sáng nhiều điều. Chị cảm nhận mẹ chồng đối với chị bằng tất cả tấm lòng của người mẹ thương con. Chị mặc cảm vì học vấn kém, mẹ nói: “Con người có học mới nên khôn. Nhưng đọc thông, viết thạo, xem ngàn quyển sách chưa chắc gọi là người có học, nếu như học mà không hành. Phải sống đúng như chữ nghĩa đã khai sáng cho ta”.
Một tuần qua Thảo thấy tâm tính Thụy thay đổi. Anh hay cáu gắt, nói những lời như thiếu suy nghĩ. Nhiều lần chị bắt gặp chồng nhìn cháu với ánh mắt khó chịu. Hôm qua nhìn bé Thục với ánh mắt như thế Thụy nói với chị: “Sao cha mẹ nó vô trách nhiệm thế?”. Nếu với ánh mắt trìu mến thì chị nghĩ anh cảm thán cho hoàn cảnh tội nghiệp của cháu. Nhưng với ánh mắt ấy cộng với lời nói ấy... Thảo thấy lòng nhói đau!
“Người thanh niên đến làng chài ven biển này đã đói lả. Anh được ngư dân cho ăn, cho tá túc. Anh biết bơi nhưng chỉ hiểu lơ mơ về nghề biển giã. Nhưng anh có một thứ quý giá mà những ngư dân ở đây không có. Đó là chữ! Thôi thì một sự trao đổi vậy. Họ cấp cho anh cơm ăn, áo mặc, anh dạy chữ cho họ. Cái chữ đưa anh từ một kẻ ngụ cư thường bị xem khinh thành một người được tôn trọng. Thời gian đã để cho cô học trò lớn tuổi nhất bén duyên cùng thầy giáo và nhiều gia đình ngư dân trở thành cơ sở của cách mạng. Hóa ra thầy giáo là cán bộ hoạt động bí mật theo sự phân công của tổ chức đến đây để tuyên truyền, gây dựng cơ sở cho cách mạng... Trong một trận địch càn, người thầy giáo chưa qua một khóa sư phạm nào đã dùng thân mình đè lên trái lựu đạn đang lăn vào lớp để cứu học trò của mình. Thầy hy sinh để lại người vợ trẻ và đứa con trai ba tuổi. Thầy hy sinh nhưng mầm chữ nghĩa và cơ sở thầy gây dựng cho cách mạng vẫn sống và phát triển từng ngày...
Mộ chồng mới đắp thì người vợ trẻ bị gán tội làm Việt cộng, bị bắt đi tù. Đứa con ba tuổi được bà con xóm chài cưu mang vì người mẹ là con côi từ nhỏ lưu lạc đến đây. Mầm chữ nghĩa của người cha ươm bấy lâu giờ được những người học trò trung hậu thể hiện với đứa con...”.
Chuyện kể về cha mẹ và tuổi ấu thơ của Thụy đã dựng lên thành hình ảnh trong trí anh khi bà giáo hỏi: “Con có biết cha con đã hy sinh như thế nào và mẹ ở tù con sống với những ai?”. Lòng anh bồi hồi. Trong tâm trạng ấy, từng lời của mẹ đã xuyên suốt vào tâm anh:
- ... Mẹ ở tù con được nuôi dưỡng trong những gia đình giàu lòng nhân ái. Không ruột thịt mà họ vẫn cưu mang con là vì sao? Vì mầm chữ nghĩa của cha con đã mở lòng cho họ, để họ biết nghĩ đến những điều xa hơn cơm áo thường ngày, xa hơn bốn bức vách nhà mình. Chữ nghĩa làm cho con người thông hiểu lẽ phải trái, giàu thêm lòng vị tha, diệt lòng vị kỷ. Con có hiểu vì sao mẹ nhắc việc này?
Thụy im lặng, mẹ anh muốn nói điều gì? Mỗi khi mẹ anh nhắc lại việc cha anh hy sinh là để giúp anh sửa đổi một khuyết điểm nào đó của anh. Anh còn đang phân vân thì nghe mẹ nói tiếp:
- Mẹ không cấm, nhưng là một thầy giáo thì việc ăn uống, sinh hoạt phải đúng nơi, đúng lúc. Con xem nhẹ bữa cơm gia đình để đi uống bia. Đó là vì lòng vị kỷ của con. Khi lòng con không rộng lượng thì đến mẹ và vợ con của con cũng bị con lãng quên. Hãy nghĩ đến những người khổ cực hơn con bây giờ vẫn cưu mang con khi con còn bé dại mà mở rộng lòng mình ra với cháu! Rồi lòng con sẽ được thanh thản, con sẽ có được sự rung động tự đáy lòng do chữ nghĩa tạo nên khi con giảng cho học trò nghĩa của hai chữ bao dung.
Bà giáo đi lại thắp nhang trên bàn thờ chồng. Hương nhang trầm về đêm loang chậm trong nhà tạo một cảm giác dễ chịu. Âm hưởng của lời mẹ nói đã như hương trầm len vào chiếm lĩnh từng tế bào để Thụy chợt nhận diện lại tình cảm của mình.
Nhìn hai đứa trẻ ôm nhau ngủ bên giường của bà, lòng Thụy dậy lên tình yêu thương. Anh nghĩ lát nữa khi mẹ đã ngủ, anh sẽ lay Thảo dậy kể lại lời mẹ và cảm xúc của mình.
Thụy không biết rằng, sau bức màn ngăn chiếc giường ngủ, Thảo vẫn thức nghe chuyện của hai mẹ con. Chị chưa hiểu lắm ba tiếng Mầm chữ nghĩa, nhưng những lời khác của mẹ chồng thì chị hiểu. Điều chưa hiểu lắm, sáng mai chị sẽ nhờ mẹ giải thích thêm. Chắc có lẽ mẹ sẽ nói: “Con hãy sống đúng như chữ nghĩa con đã học với trọn vẹn tấm lòng”, có phải vậy không nhỉ?
Truyện ngắn: PHỤNG TÚ