Ở xã Hòa Ninh, huyện Di Linh, phần lớn người dân đều từ các tỉnh, thành phía Bắc đến lập nghiệp. Giữa những vườn bát ngát cà phê, các câu lạc bộ (CLB) dân ca, hát chèo được thành lập...
Ở xã Hòa Ninh, huyện Di Linh, phần lớn người dân đều từ các tỉnh, thành phía Bắc đến lập nghiệp. Giữa những vườn bát ngát cà phê, các câu lạc bộ (CLB) dân ca, hát chèo được thành lập và hoạt động từ nhiều năm nay vừa giúp người dân nơi đây vơi bớt nỗi nhớ quê nhà, vừa lưu giữ nét văn hóa truyền thống trên quê hương mới.
|
Những buổi tập luyên của CLB Dân ca 3 miền xã Hòa Ninh (Di Linh) được diễn ra lần lượt ở nhà mỗi thành viên |
Câu dân ca của những “tay cày, tay cuốc”
Tại Liên hoan Dân ca và Nhạc cổ truyền tỉnh Lâm Đồng lần thứ III năm 2020 vừa diễn ra vào giữa tháng 11 vừa qua, vượt qua 82 tiết mục ca, múa, độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc,... CLB Dân ca 3 miền xã Hòa Ninh đã xuất sắc giành giải Nhất toàn đoàn với 3/11 tiết mục giải A. Niềm vui vẫn còn vẹn nguyên, ông Trần Thanh Kinh - Chủ nhiệm CLB tự hào chia sẻ: Đây là thành quả của 3 tháng trời các thành viên tập luyện hăng say bất kể ngày đêm, mưa nắng.
Ít ai ngờ rằng, CLB vừa đoạt giải Nhất đó lại được hình thành đầu tiên chỉ từ một chiếc trống chèo của ông Kinh cách đây 5 năm khi tự mình tập đánh. Để rồi, từ chiếc trống chèo đầu tiên và duy nhất đó mà CLB Dân ca 3 miền xã Hòa Ninh được hình thành, với những người con đất Thái Bình, Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa,... lúc nào cũng âm ỉ nỗi nhớ quê hương trong lòng. Hiện tại, CLB có 15 thành viên chính thức và 5 nhạc công, đều đặn mỗi tháng sinh hoạt 2 lần để cùng tập luyện các làn điệu dân ca 3 miền.
Ông Kinh tâm sự: “Đa phần các thành viên đều là nông dân, kinh tế không mấy khá giả nên CLB vẫn còn khó khăn, thiếu thốn, nhạc cụ vẫn phải đi mượn. Nhưng điều lớn nhất mà CLB có được và giúp họ vượt qua là niềm đam mê và sự nhiệt tình của các thành viên”. Các buổi tập luyện, sinh hoạt được diễn ra lần lượt ở nhà của mỗi thành viên hoặc tập nhờ ở Nhà văn hóa thôn. Mỗi lần có dịp biểu diễn, thành viên ở tiết mục nào thì tự túc bỏ tiền ra chuẩn bị trạng phục, dụng cụ biểu diễn cho tiết mục đó. Từ chiếc nón, khăn rằn, chiếc quạt,... đều được mỗi thành viên chăm chút chuẩn bị.
Cô Trần Thị Dịu là Phó Chủ nhiệm của CLB, nhưng 5 năm nay toàn được các thành viên trong đoàn ưu ái gọi là “cô giáo” - bởi cô là người dàn dựng phần lớn các tiết mục cho các thành viên tập luyện. Quê Nam Định, cô Dịu vào Di Linh lập nghiệp từ năm 1984, mang theo cả niềm đam mê văn nghệ đã ngấm trong người. Người phụ nữ 57 tuổi nhưng nét mặt vẫn rạng rỡ cười chia sẻ: Là phụ nữ, tôi cũng như nhiều chị em khác trong CLB vừa bận việc vườn tược, vừa phải chăm lo cho gia đình, nhiều khi vì đam mê mà bỏ bê công việc. May mắn là gia đình ủng hộ nên tôi mới có thể tham gia hết mình.
Chỉ mới tham gia vào CLB từ 2 năm nay, cô Hoa bảo rằng mình sống vui, thoải mái và tâm hồn trẻ trung hơn. Người dân ở đây đều “tay cày tay cuốc”, chứ không phải chuyên nghiệp. Thế nên, trước mỗi lần biểu diễn, những bữa cơm tối sẽ diễn ra sớm hơn một chút, để các thành viên có thể tập luyện cùng nhau lâu hơn.
|
Đội hình CLB Dân ca 3 miền xã Hòa Ninh đoạt giải Nhất tại Liên hoan Dân ca và Nhạc cổ truyền tỉnh Lâm Đồng lần thứ III năm 2020. (Ảnh: CLB cung cấp) |
Câu hát chèo giữa vùng kinh tế mới
Có tuổi đời lâu hơn một chút, CLB Dân ca và Chèo xã Hòa Ninh được thành lập từ năm 2014 với 22 thành viên ở thời điểm hiện tại. Cô Nguyễn Thị Mai - Chủ nhiệm CLB cho hay, từ khi công tác trong quân đội ở quê hương Nam Định, đến trong Hội Phụ nữ ở quê hương mới Hòa Ninh, cô đã là một thành viên tích cực của các đoàn văn nghệ. Sau 4, 5 năm phải tham gia sinh hoạt nhờ ở CLB Chèo tại các xã khác trong huyện, cô Mai nhận ra trong xã mình cũng có rất nhiều người yêu và đam mê chèo. CLB Dân ca và Chèo xã Hòa Ninh ra đời từ đó.
Trước đây, CLB tập luyện đều đặn vào Chủ nhật mỗi tuần. Khi các tiết mục đã quá nhuần nhuyễn, CLB chuyển sang một tháng sinh hoạt một lần. Những người nông dân chân chất, thật thà, thường ngày bận rộn nơi ruộng vườn, nhưng đến buổi sinh hoạt lại hóa thành những nghệ sĩ, say mê với các làn điệu của dân tộc. Nhạc cụ ai có gì góp đó, từ chiếc trống, chiếc sáo,... Người cũ dạy thêm cho người mới, miễn sao các thành viên ngồi hát được với nhau.
Ông Nguyễn Trung Thư - thành viên của CLB chia sẻ: “Chúng tôi sinh ra ở những vùng quê mà văn hóa dân ca, chèo, chầu văn,... đậm đà. Nên khi vào vùng kinh tế mới, hành trang của mỗi người đều thấm đẫm nét văn hóa đó. Thời gian đầu mới vào, ai nấy đều phải tập trung xây dựng kinh tế nên chưa có điều kiện để phát triển đời sống tinh thần. Bây giờ, khi đời sống đã thoải mái hơn, chúng tôi có điều kiện để làm sống lại bản sắc của quê hương”.
Điều khiến cô Mai, ông Thư và nhiều người khác quan tâm hiện nay là trẻ hóa CLB. Bởi CLB Dân ca và Chèo xã Hòa Ninh hiện có 22 thành viên, người trẻ nhất 48 tuổi, người lớn nhất cũng đã 73 tuổi. “Chúng tôi thành lập CLB, không chỉ để thỏa mãn đam mê, mà còn muốn con cháu lưu giữ văn hóa truyền thống cho mai sau. Nhưng việc phát triển hội viên mới khá khó khăn, vì lớp trẻ chưa hiểu, chưa say mê về chèo nên không mặn mà tham gia. Người lớn thì dần già đi...” - cô Mai bỏ ngỏ câu nói. Nhưng chúng tôi hiểu, chứa trong đó là trĩu nặng những tâm tư.
Ông Nguyễn Văn Hương - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh cho biết: Trong quá trình xây dựng xã Hòa Ninh thành đô thị loại V, bên cạnh nâng cao các tiêu chuẩn xã nông thôn mới, địa phương đặc biệt quan tâm đến nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Trong đó, các CLB văn nghệ, dưỡng sinh,... đóng một vai trò quan trọng, đã đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao, giải trí của người dân địa phương.
“Các CLB đều được thành lập từ chính nhu cầu, mong muốn của người dân, hoạt động đều và duy trì tốt. Trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục tìm hiểu, nắm bắt những khó khăn của các CLB để kịp thời hỗ trợ, khuyến khích. Bởi mấu chốt của xây dựng nông thôn mới vẫn là nâng cao chất lượng đời sống cho Nhân dân, và đời sống tinh thần là một khía cạnh không thể thiếu” - ông Hương khẳng định.
VIỆT QUỲNH