Người quê

08:12, 05/12/2020

Đã nhiều năm nay, cái ngõ phố nhỏ bé có chiều dài chưa tới một trăm mét của chúng tôi quen sống trong không khí tĩnh lặng, nhà nào biết nhà nấy. Người đầu ngõ, cuối ngõ có khi chưa biết hết tên nhau...

Đã nhiều năm nay, cái ngõ phố nhỏ bé có chiều dài chưa tới một trăm mét của chúng tôi quen sống trong không khí tĩnh lặng, nhà nào biết nhà nấy. Người đầu ngõ, cuối ngõ có khi chưa biết hết tên nhau. Mấy ngôi nhà cao tầng của các vị cán bộ của thành phố luôn bận rộn công việc ở cơ quan, quanh năm đóng cửa im ỉm đã đành, chứ mấy bà hưu trí, nội trợ được mệnh danh là tỉ phú thời gian nhưng suốt ngày quanh quẩn trong nhà thì nghĩ cũng thật vô lí. Nhưng cái tác phong sinh hoạt của người thành phố lâu nay đã thành nếp rồi, không sao khác được. Không ít người thường quan niệm đã là người cao tuổi mà còn thích tụ tập, ngồi lê đôi mách, buôn dưa lê, các con các cháu nhìn vào thì còn ra làm sao. Sự thực thì cuộc sống thu hẹp trong phạm vi gia đình nhiều khi cũng rất buồn. Nhưng thà vậy, chứ không khác được. Người ngõ phố chúng tôi là thế. Mấy chục căn nhà to nhỏ cửa đóng then cài đã như một mặc định. Thỉnh thoảng nhìn thấy nhau vào những lúc ra đường đổ rác, chào nhau bằng hình thức nhoẻn một nụ cười, cái gật đầu thân thiện, vậy đã là quí hiếm rồi. 
 
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân
 
Không khí trong ngõ phố của chúng tôi sẽ không bao giờ thay đổi nếu như không có một sự kiện khá bất thường là vào hồi đầu năm có một gia đình từ nông thôn về định cư ở cái ngõ phố nhỏ này. Chủ gia đình ấy là một người đàn bà bé nhỏ, tuổi ngót sáu mươi, nghĩa là cũng đã vào cái tuổi được nghỉ ngơi. 
 
Người đàn bà mới đến ấy hình như mang một vẻ hơi khác thường. Nói khác thường là so với tác phong sống của người trong ngõ phố của chúng tôi. Ngay từ ngày đầu tiên dọn đến nhà mới, người đàn bà nọ đã phăm phăm gõ cửa tất cả mọi nhà trong ngõ. Gõ cửa chứ không bấm chuông. Người nông thôn không biết làm việc này. Tiếng gõ cửa rất mạnh và dồn dập. Các vị chủ nhà ra mở cửa trong sự ngạc nhiên pha chút hơi khó chịu, vì đứng trước họ là một người đàn bà không quen biết.
 
- Chào bác nhá! iem tên là Ty, mới dọn đến ở xóm mình sáng nay.
 
Chẳng cần lời mời, người đàn bà xa lạ tiến thẳng đến bộ xa - lông kê trong phòng khách, ngồi uỵch xuống.
 
Chủ nhà vừa pha nước vừa thầm quan sát vị khách mới quen trong một tâm thế có phần e dè. Ngược lại, vị khách không mời mà đến thì cứ tuồn tuột:
 
- Thế này bác ạ. iem vốn người ở tận xã Hà Xuân, huyện Đại Lương, cũng tỉnh ta thôi. Là cái nơi mà Tập đoàn Núi Vân đến khai mỏ nên gia đình iem không còn chỗ ở. Nhà em không may mắc bệnh ung thư mất đã lâu. Con gái iem dạy học ở thành phố này. Hồi trước, cháu vẫn phải đi xe bíp đi dạy học, đường trường hơn hai chục cây số nên cũng có phần vất vả. Vì được đền bù một món kha khá nên em thửa lại căn nhà nhỏ cuối dãy này để cháu nó có chỗ ở, yên tâm công tác, mà em thì cũng có chỗ ngơi nghỉ những năm tuổi xế bóng. E hèm… Kể tuổi thì iem cũng chưa quá già nhưng iem vốn làm nông từ thuở bé nên xương cốt lủng củng hết cả, đêm đêm các khớp cứ cắn nhôn nhốt, khó chịu lắm. Thôi thì cũng có chút tiền đền bù để dưỡng già. Về đây sống cùng các bác trong ngõ thế này là em mãn nguyện rồi.
 
Sau một hồi thao thao bất tuyệt trình bày rất đầy đủ theo kiểu con tằm ăn lá dâu về gia cảnh, bà Ty nói vào mục đích chính cuộc gặp đường đột của mình:
 
- Báo cáo với bác và gia đình là tối nay iem có tổ chức một cuộc gặp mặt tất cả các bác trong xóm ta… À, dưng mà phải nói là trong ngõ phố thì mới đúng. Chúng iem ở nông thôn nên quen gọi là xóm. Vâng, cũng chỉ là cuộc gặp gỡ để biết mặt nhau. Đơn giản thôi bác ạ. Iem biết là các bác ở thành phố không thiếu gì sơn hào hải vị với các loại bánh trái cao cấp nên em chuẩn bị toàn những thứ đặc sản của quê iem như sắn luộc, chè lam, rồi sau là uống chè búp tráng miệng. Chè Hà Xuân quê iem là đệ nhất danh trà, chắc các bác cũng đã từng nghe tiếng. Iem rất phấn khởi được kính mời các bác đến với nhà iem vừa thưởng thức quà quê vừa trò chuyện làm quen nhau. Iem xin trân trọng kính mời bác và gia đình ạ.
 
Rồi cứ thế, bà Ty mang cái bài “diễn văn” dài dòng nhưng đầy đủ đến mức không thiếu một chi tiết nhỏ đến tất cả các gia đình trong ngõ với một tình cảm hết sức chân thành.
 
Cuộc gặp gỡ ban đầu của bà Ty với các quí bà ở ngõ phố này không phải không làm cho mọi người thấy lạ, thậm chí là kì dị. Kì dị vì những chuyện đại loại như vậy chưa từng xảy ra với họ. Xưa nay, người đi, kẻ đến cái ngõ này không phải là không có nhưng chưa bao giờ có sự mời mọc và trình bày cặn kẽ tận chân tơ kẽ tóc như trường hợp của bà Ty. 
 
Cuộc gặp mặt tại ngôi nhà mới của bà Ty, nói theo kiểu các nhà tổ chức hội nghị là đã thành công rực rỡ. Tuy không có mặt các đức ông chủ nhà nhưng các bà chủ thì đến rất đông đủ.
 
Chỉ có sắn luộc, chè lam, chè búp mà vui vẻ, chuyện trò nở như ngô rang. Bà Ty vô cùng mến khách. Điều đặc biệt thích thú là các bà chủ vốn quen tác phong cửa đóng then cài được bà Ty kể cho nghe rất nhiều chuyện về nông thôn. Hóa ra nông thôn kì lạ thật. Những đứa trẻ lên tám, lên chín đã biết lo nấu cơm cho cả nhà chứ đâu như con cái ở thành phố đã vào học lớp một mà mẹ vẫn phải bón cho ăn. Hóa ra ở nông thôn, xóm làng đông đúc cả mấy trăm nóc nhà nhưng ai cũng biết tên nhau, thậm chí còn biết cô A rất sợ ma, ông B mắc bệnh hen. Hóa ra nông thôn, hễ mỗi tuần không đến chơi nhà và trò chuyện với nhau được một lần là đã cảm thấy như không phải với nhau. Hóa ra nông thôn, chỉ một người bị ngã sai khớp tay là cả xóm đến thăm. Hóa ra nông thôn, trong xóm có một cháu đỗ đại học là cả xóm cứ vui như hội. Hóa ra nông thôn, có những lúc quá lời với nhau thì chỉ một tuần sau là đã bắt tay nhau hòa giải. Nông thôn vui đến thế là cùng. Các quí bà “cửa đóng then cài” cứ từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi nghe những câu chuyện như trên trời rơi xuống từ miệng bà Ty.
 
Và rồi, từ sau cuộc gặp mặt “lịch sử” ấy, không khí ngõ tôi bắt đầu đổi khác. Chiều nào khi nghe tiếng hô dõng dạc từ cửa nhà bà Ty vang vọng ra: “các bác ơi, sang nhà iem trò chuyện cho vui” là đội ngũ được tập hợp đông đủ. Chẳng thấy ai e ngại về việc bị đánh giá là ngồi lê đôi mách như trước đây mình đặt ra để tự hù dọa mình. Với lại, đã có lần bà Ty dõng dạc tuyên bố trước mọi người:
 
- Các bác ạ, con gái iem có đọc cho iem nghe bài báo nói về cái chuyện “buôn dưa lê”. Cứ tưởng người ta viết báo để chê bai nhưng hóa ra người ta lại khen cái chuyện “buôn dưa lê” các bác ạ. Họ bảo, “buôn dưa lê” không những không xấu mà lại còn có lợi cho sức khỏe tuổi già, tăng tuổi thọ, chỉ đừng mắc chuyện nói xấu, gièm pha nhau sau lưng thôi. Thế thì từ nay tội gì mà không “buôn dưa lê” các bác nhảy!
 
Và rồi, hóa ra chính trong không khí “buôn dưa lê” mà nhiều bà trở nên hay nói, hay cười chứ không khép kín tâm hồn như trước đây. Từ đấy, cái ngõ nhỏ của chúng tôi bắt đầu học theo cách sống của nông thôn. Lạ nhất là có bà vì thích học theo cách nói lê thê, dài dòng văn tự của bà Ty mà ngôn ngữ, văn phong bỗng trở nên khoáng đạt, lưu loát hẳn lên.
 
Cứ đà này, e rằng vài năm nữa, cái ngõ nhỏ của chúng tôi sẽ xuất hiện nhiều nhà hùng biện… xóm.
 
Truyện ngắn: HỒ THỦY GIANG