Gương mặt nhân hậu, phong thái lịch lãm và khiêm nhường nhưng không giấu sự sâu sắc, trí tuệ trong mỗi phát ngôn và hành xử...
Gương mặt nhân hậu, phong thái lịch lãm và khiêm nhường nhưng không giấu sự sâu sắc, trí tuệ trong mỗi phát ngôn và hành xử. Phạm Thùy Nhân, người đạo diễn của Ban kịch Thụ Nhân từng nổi danh từ thời sinh viên và là một trong những nhà biên kịch điện ảnh tài năng của điện ảnh Việt Nam đã vào tuổi thất thập. Với niềm đam mê và sự miệt mài lao động nghệ thuật, Phạm Thùy Nhân đã sáng tạo hàng chục kịch bản phim truyện điện ảnh và truyền hình, trong đó nhiều bộ phim từ kịch bản của ông đã mang lại những giải thưởng danh giá trong và ngoài nước…
|
Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân trong buổi ra mắt tập 1 sách Con đường gai nhọn. Ảnh: Minh Đạo |
Từ Ban kịch Thụ Nhân…
- PV:
Gia đình mong muốn Phạm Thùy Nhân trở thành bác sĩ và đã có chương trình qua Pháp du học, nhưng mùa đông năm 1969, ông đã chọn ghi danh vào Trường Đại học Văn khoa thuộc Viện Đại học Đà Lạt. Tôi nghĩ, ngành Văn rất hợp với ông, còn bản thân ông có cho đó là một lựa chọn đúng?
- Nhà biên kịch (NBK) Phạm Thùy Nhân: Tôi nghĩ là đúng. Khi còn học tiểu học tại quê nhà Phan Rí Cửa, tôi khá thành công trong việc kể chuyện ở giờ sinh hoạt học đường. Bạn bè rất thích nghe tôi kể chuyện cổ tích vào những giờ đó, thậm chí khi học lớp nhì ở Trường Tiểu học Thanh Lộc, tôi còn được thầy lớp nhất trên tôi một lớp mời sang kể chuyện cho các anh chị nghe. Có lẽ đây là nền tảng để về sau tôi phát triển công việc viết văn, viết kịch, cũng là kể một câu chuyện nào đó cho hấp dẫn công chúng…
- PV:
Đến bây giờ, giới kịch nghệ vẫn nhắc về Ban kịch Thụ Nhân của Viện Đại học Đà Lạt ngày trước như là một hình mẫu xuất sắc về niềm đam mê và sự sáng tạo của giới trẻ đương thời. Chỉ là một sân chơi văn nghệ sinh viên nhưng lại là nơi khởi đầu tạo nên những tên tuổi trong làng sân khấu - điện ảnh nước nhà như Lê Cung Bắc, Phạm Thùy Nhân, Thanh Lan, Lê Kim Ngữ, Phạm Văn Lại… Là một trong những người được coi là linh hồn của ban kịch này, xin ông nhìn nhận lại giá trị và sự đóng góp của Ban kịch Thụ Nhân?
- NBK Phạm Thùy Nhân: Giá trị lớn nhất của Ban kịch Thụ Nhân mà tôi cảm nhận được và tôi cho đó là “quà tặng” quý giá nhất mà Thượng Đế (nếu có) đã ban cho tuổi thanh xuân của mình trong một thế giới đầy rẫy hận thù, bạo lực, giả dối… đang phủ vây quanh. Bởi chúng tôi đã được sống hết mình trong bầu không khí “thanh tẩy” của nghệ thuật. Chỉ cần một ổ bánh mì và cái túi rỗng, tôi có thể đi lang thang khắp phố Đà Lạt, tưởng tượng ra những lớp diễn khác nhau của vở “Thành Cát Tư Hãn” mà tôi sẽ tập cho các bạn diễn trong vài tiếng đồng hồ nữa tại giảng đường Spellman - Viện Đại học Đà Lạt. Có thử thách nào làm cho con người ta đạt được cảnh giới thăng hoa trí tuệ và cảm xúc cho bằng sự sáng tạo nghệ thuật?! Ban kịch Thụ Nhân đã được hình thành bởi những trái tim, những khối óc thông minh, sáng tạo và vô vụ lợi của các nghệ sĩ - sinh viên chúng tôi mà hiếm có một kịch đoàn nào có được.
- PV:
Hình như trong huyết quản của ông đã chứa sẵn tình yêu nghệ thuật. Đó còn là sự ảnh hưởng từ người mẹ thích gảy đàn mandolin và hát “Xuân và tuổi trẻ” của nhạc sĩ La Hối, là sự hòa cảm với những ngư dân quê nhà hóa thân trình diễn lối hát Bả Trạo nơi quê xứ Phan Rí Cửa. Nhưng có lẽ, người mang đến cho ông nguồn cảm hứng, giúp ông nhận thức sâu sắc nhất về nghệ thuật chính là Giáo sư, kịch tác gia Vũ Khắc Khoan - tác giả của “Thành Cát Tư Hãn” và nhiều vở kịch nổi tiếng đương thời?
- NBK Phạm Thùy Nhân: Đúng vậy. Mẹ tôi đã pha vào dòng máu của tôi nguồn cảm hứng âm nhạc của bà. Tôi nhận ra rằng, tôi rất sung sướng và hãnh diện khi ôm cây đàn mandolin đi cạnh mẹ vào một nhà hát tại Phan Rí Cửa quê tôi, mỗi khi bà tham gia vào một chương trình văn nghệ. Song, chính khi tôi trưởng thành bước vào ngưỡng cửa đại học và có cơ may gặp được Giáo sư Vũ Khắc Khoan, thì chính nhân cách và tài năng của thầy thông qua những vở diễn như “Thành Cát Tư Hãn”, “Thằng Cuội ngồi gốc cây đa”, “Những người không chịu chết”, “Ga xép”… cũng như những bài giảng về kịch nghệ và thẩm mỹ sân khấu đã hấp dẫn tôi, dẫn dắt tôi đi vào con đường định mệnh này!...
- PV:
Đọc tập đầu cuốn “Con đường gai nhọn” mà ông vừa cho ra mắt tại Đà Lạt, chính là nơi ông phải đối diện với “gai nhọn” đầu tiên trong cuộc đời, tôi cảm nhận, có một Phạm Thùy Nhân từng rất hoang mang khi không thể học lên bậc cao học sau khi tốt nghiệp Cử nhân Ban Hán - Nôm, Việt văn mà nguyên nhân lại đến từ sự thiếu công tâm của người khác. “Biến cố” này có ảnh hưởng nhiều đến tư tưởng, nhận thức của ông trong quãng đời làm nghệ thuật về sau?
- NBK Phạm Thùy Nhân: Tất nhiên lúc đó, như bạn đã đọc trong “Con đường gai nhọn”, tôi cảm thấy tuyệt vọng khi nhận cú “rờ-ve” trời giáng vào mặt và bật ngã xuống đài. Nhưng rồi tôi tỉnh lại và nhận ra rằng mình phải sống, mình không thể bị khuất phục một cách bất công như vậy! Sau này, khi dấn thân vào thế giới điện ảnh chuyên nghiệp, tôi cũng từng phải đối mặt với những hoàn cảnh khốn đốn như vậy, nhưng tôi đã vượt qua bằng nghị lực đối kháng của bản thân mình.
|
Cảnh trong phim Gánh xiếc rong. Ảnh: Tư liệu |
Một đời biên kịch
- PV:
Bản thân tôi và bạn đọc rất muốn được ông chia sẻ về câu chuyện ông bén duyên với điện ảnh trong vai trò một nhà biên kịch chuyên nghiệp…?
- NBK Phạm Thùy Nhân: Bấy giờ khoảng năm 1980, tôi đang làm công tác sân khấu quần chúng tại Nhà Nghệ thuật sân khấu quần chúng TP Hồ Chí Minh, chủ nhiệm là nhạc sĩ Tôn Thất Lập. Một sáng nọ, họa sĩ Ớt (nhà bào Huỳnh Bá Thành) đến cơ quan tìm tôi và cho biết, anh đã giới thiệu tôi với đạo diễn Lê Dân, đạo diễn đang cần một người có khả năng dàn dựng hiện trường quay cũng như chỉ đạo diễn xuất cho diễn viên trong bộ phim đang chuẩn bị và do Xí nghiệp phim tổng hợp TP Hồ Chí Minh sản xuất: “Đứa con bị từ chối”. Nhờ từng đứng trên sân khấu Ban kịch Thụ Nhân trong vai trò đạo diễn và diễn viên suốt nhiều năm nên nhiệm vụ này không có gì là khó đối với tôi. Tôi chính thức trở thành trợ lý đạo diễn điện ảnh từ năm 1980 tại Xí nghiệp phim tổng hợp, rồi chuyển sang biên kịch điện ảnh từ năm 1981 với phim “Con mèo nhung”, “Tiếng sóng” (1983), “Gánh xiếc rong” (1988)…
- PV:
Lao động nghệ thuật là một quá trình tích lũy, trải nghiệm không ngừng nghỉ. Ông có nghĩ bản thân mình đã học, sống, suy ngẫm, tư duy và sáng tạo hết mình cho điện ảnh?
- NBK Phạm Thùy Nhân: Tôi đã sống hết mình cho sân khấu và điện ảnh trong phạm vi sức lực và hoàn cảnh của mình. Bởi tôi si mê cái thế giới đầy sức quyến rũ ma mị đó. Tôi đau khổ và hạnh phúc vì nó. Tôi chỉ có một đời mà tôi đã và đang trải qua, không có cuộc đời nào khác. Tôi không hề hối tiếc vì cái tình yêu nghệ thuật đã cuốn hút tôi.
- PV:
Môi trường điện ảnh nước nhà (từ góc độ tổ chức, quản lý, duyệt phim, công chúng, thị trường…) trong thời gian đã qua và hiện thời có làm cho NBK Phạm Thùy Nhân đôi lúc cảm thấy mệt mỏi và “tuột” cảm hứng sáng tạo?
- NBK Phạm Thùy Nhân: Điều này thì có, thậm chí cản trở sức sáng tạo của nghệ sĩ rất nhiều. Khi nhìn lại những năm tháng đã qua, tôi đã cay đắng thốt lên đó là “Con đường gai nhọn”! Nhưng dẫu sao tôi vẫn còn có cái may mắn để cố gắng vươn lên, không để bị “tuột” do những nghịch cảnh luôn luôn ngăn trở.
- PV:
Hình như kịch bản “Mùa dưa” và ngay cả “Gánh xiếc rong” - một phim gặt hái rất nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, được coi là niềm tự hào của điện ảnh Việt Nam, đã từng gặp nhiều “vấn đề” trước khi được ca ngợi hết lời?
- NBK Phạm Thùy Nhân: Đôi khi tôi nghĩ đó là cái “số phận” của tôi, như cụ Nguyễn Trãi từng cảm thán: “Đã buồn vì trận mưa rào, lại đau vì nỗi ào ào gió đông”. Đã là “số phận” thì “sống chung với lũ” vậy. Biết đâu qua đó lại có thêm những “Mùa dưa” và “Gánh xiếc rong” khác.
- PV:
Vâng, chúng ta nhắc lại những chuyện đó như ghi chút ký ức không vui. Tôi muốn cùng ông chuyển qua trạng thái cảm xúc khác: Thông điệp cốt lõi nhất trong các tác phẩm của mình mà ông muốn gửi gắm đến với công chúng là gì? Và ông nghĩ, bản thân mình đã chuyển tải những thông điệp đó tốt nhất hay chưa?
- NBK Phạm Thùy Nhân: Trong những tác phẩm tâm đắc nhất của tôi, tôi luôn đau đáu về số phận con người, về mối quan hệ giữa con người với con người và con người với môi trường sống chung quanh. Từ đó, trong suốt quá trình tồn tại và phát triển, con người luôn luôn đặt ra và trả lời cho những vấn nạn không hề dễ dàng, thậm chí bế tắc! Thế giới đang hỗn loạn và dễ tổn thương này sẽ đi về đâu? Chủ nghĩa nhân đạo (humanisme) sẽ như thế nào?...Tôi không nghĩ là mình đã làm tốt những điều đó. Tôi chỉ biết rằng, đã cố gắng trong giới hạn của mình…
- PV:
Ông rất mê phim nước ngoài. Một trong những lý do có lẽ là do ông cảm nhận sâu sắc về giá trị tư tưởng, mỹ cảm, của quá trình lao động nghệ thuật thể hiện qua những tác phẩm điện ảnh đặc sắc của những nhà làm phim kiệt xuất ở những nền điện ảnh lớn của nhân loại?
- NBK Phạm Thùy Nhân: Đúng vậy. Nhất là đối với những tác phẩm mà ngôn ngữ điện ảnh đã tỏ ra có sức mạnh vượt trội ngôn ngữ văn học trong việc thể hiện tư tưởng triết học của tác phẩm. Chẳng hạn, bộ phim Nhật Bản “Rashomon” của đạo diễn Akira Kurosawa đã tạo nên cảm xúc mạnh mẽ cho khán giả hơn hẳn hai truyện ngắn “Trong rừng trúc” và “Rashomon” của cùng tác giả - nhà văn tên tuổi Akutagawa Ryunosuke - mà truyện phim dựa vào.
- PV:
Còn điện ảnh Việt Nam, thưa ông, nền điện ảnh của chúng ta đang đứng ở vị trí nào trên bản đồ điện ảnh thế giới?
- NBK Phạm Thùy Nhân: Đây là vấn đề tế nhị. Vì lòng tự trọng dân tộc xin cho phép tôi không phát biểu về điều này. Là một nghệ sĩ, tôi chỉ biết cố gắng làm ra những điều tốt nhất cho đất nước tôi. Song rất tiếc, tôi lại không thể quyết định một điều gì cả!
- PV:
Đã có nhiều chương trình nhằm chấn hưng và phát triển nền điện ảnh Việt Nam. Cũng đã có nhiều làn sóng mới, trào lưu mới trong những năm gần đây. Nhưng nhìn chung, điện ảnh chúng ta vẫn chưa thoát ra được thực trạng “ao làng”. Làm cách nào để cải thiện tình hình “chưa mấy sáng sủa” của điện ảnh nước nhà, thưa ông?
- NBK Phạm Thùy Nhân: Như trên đã nói, tôi không thể làm gì cho nó “sáng sủa” hơn. Đó là việc của những người được giao phó nhiệm vụ này. Họ có đủ tiêu chuẩn, trình độ, năng lực, niềm tin hơn. Luật chơi là vậy! Tôi hiểu điều đó nên cũng không mắc mứu gì. Tôi có con đường của tôi - “con đường gai nhọn” - để đi trên đó, tôi đã đi qua nhiều năm tháng rồi. Và tôi đã được cuộc đời trao tặng những đóa hoa…
- PV:
Riêng về lĩnh vực sáng tạo kịch bản, ông khâm phục (hoặc là đồng cảm) với những tác giả nào trong nền điện ảnh nước nhà hiện nay?
- NBK Phạm Thùy Nhân: Rất tiếc, tôi rất ít tiếp xúc với nhiều người! Có người còn không biết tôi là ai, thậm chí còn tưởng Phạm Thùy Nhân là nữ giới vì tên tôi có chữ “Thùy” ở giữa! Thực lòng, tôi trân trọng tất cả những đồng nghiệp của tôi, bởi mỗi tác giả là một thế giới.
- PV:
Trong buổi ra mắt tập sách “Con đường gai nhọn” tập 1, ông đã hứa sẽ tiếp tục viết tiếp tập 2, tập 3… Còn điện ảnh, thưa ông, hành trình sáng tạo kịch bản của NBK Phạm Thùy Nhân chắc là vẫn chưa thể ngưng nghỉ?
- NBK Phạm Thùy Nhân: Đương nhiên rồi! Không viết nữa là… chết! Descartes, một triết gia người Pháp nổi tiếng nói: “Je pense, donc j’existe” (Tôi tư duy, vậy tôi hiện hữu). Vậy bây giờ tôi còn hiện hữu, còn đang tâm tình với bạn tức tôi còn tư duy, còn viết! Viết là nghiệp dĩ rồi không ngừng lại được đâu!
- PV:
Xin cảm ơn NBK Phạm Thùy Nhân về cuộc trò chuyện cởi mở và thú vị!
- NBK Phạm Thùy Nhân: Cảm ơn bạn đã dành cho tôi cuộc gặp gỡ này!
NBK Phạm Thùy Nhân là tác giả của các phim truyện điện ảnh: Gánh xiếc rong (1988); Xương rồng đen (1991); Dấu ấn của quỷ (1992); Đoạn cuối thiên đường (1993); Nhịp đập trái tim (1995); Mùa dưa (1998); Mê Thảo - thời vang bóng… Và các phim truyện truyền hình: Dòng đời (52 tập); Vó ngựa trời Nam (37 tập); Bình Tây đại nguyên soái (40 tập); và nhiều tác phẩm khác… Nhiều bộ phim do Phạm Thùy Nhân viết kịch bản đã được vinh danh bởi các giải thưởng danh giá trong nước và quốc tế; nổi bật là “Gánh xiếc rong” với 6 giải thưởng quốc tế; “Dấu ấn của quỷ” - Giải đặc biệt Liên hoan phim (LHP) Châu Á - Thái Bình Dương; “Mê Thảo - thời vang bóng” - Bông hồng vàng Camuna, LHP Quốc tế Bergamo lần thứ 21, Italia, 2003… |
UÔNG THÁI BIỂU (thực hiện)